Bất động sản Hà Nội hưởng lợi từ các cụm công nghiệp mới?

Việc Hà Nội chính thức triển khai kế hoạch thành lập thêm 9 cụm công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo đà cho thị trường bất động sản, nhất là các sản phẩm địa ốc quanh các cụm công nghiệp này phát triển.
Hà Nội vừa có quyết định thành lập thêm 9 cụm công nghiệp mới
Hà Nội vừa có quyết định thành lập thêm 9 cụm công nghiệp mới

Tạo đà cho phát triển

Tháng 7/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định thành lập thêm 9 cụm công nghiệp, bao gồm 3 cụm công nghiệp tại huyện Chương Mỹ, 2 cụm tại huyện Đan Phượng, 2 cụm tại huyện Thường Tín và 2 cụm tại quận Hà Đông với tổng diện tích 143,84 ha.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện Thành phố đã và đang phát triển 19 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với tổng diện tích quy hoạch gần 5.250 ha. Cùng với đó là 110 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 3.000 ha.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn rất cao, nên không còn nhiều chỗ trống trong các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Trên địa bàn Thành phố chỉ có Khu công nghiệp Quang Minh còn 13 ha, Khu công nghiệp Phú Nghĩa 25 ha, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội khoảng 36 ha có hạ tầng để thu hút đầu tư năm 2017 - 2018. Chính vì vậy, việc hình thành các khu, cụm công nghiệp mới là nhu cầu cần thiết cho sự phát triển chung.

Đánh giá về Hà Nội thành lập thêm 9 cụm công nghiệp mới, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp sẽ tạo ra động lực có sức lan tỏa đối với sự phát triển của ngành, vùng - lãnh thổ và thành phần kinh tế. Thông qua sự phát triển của khu, cụm công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được hình thành, ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và có chất lượng, tạo đà cho các ngành kinh tế khác, các vùng kinh tế chuyển động và phát triển.

Quá trình phát triển lại tiếp tục chuyển văn minh công nghiệp sang văn minh thông tin, lấy kinh tế tri thức làm nền tảng. Những thành tựu của văn minh thông tin đã tạo ra một phương thức sản xuất mới.

Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ được phát triển mạnh trong tương lai, vì không những chỉ phù hợp với yêu cầu đặt ra của xu hướng văn minh thông tin, mà còn phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, một xu hướng đang diễn ra là không tổ chức các siêu đô thị, mà hướng tới một mạng lưới đô thị và coi đó là nền tảng để nâng cao khu vực nông nghiệp và nông thôn. Phương thức tổ chức không gian đô thị và công nghiệp hiện đại đã được phản ánh trong quy hoạch phát triển Hà Nội (mở rộng). Đó là phản ánh cách phân tích địa kinh tế để định dạng lại mô hình phát triển.

Cơ hội cho bất động sản

Việc Hà Nội cho thành lập thêm 9 cụm công nghiệp mới không chỉ mở rộng không gian để thu hút đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô, mà theo các chuyên gia, nó cũng tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển.

Ngoài việc giúp nguồn cung bất động sản công nghiệp gia tăng, việc hình thành các cụm công nghiệp này sẽ kéo theo lượng lao động lớn, giúp gia tăng nhu cầu về nhà ở.

Theo đánh giá của ông Võ, việc công nghiệp hóa và đô thị hóa được tiến hành là nhờ các phương thức phát triển thị trường bất động sản (mở rộng, không chỉ bao gồm nhà đất, mà có cả khu vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nông nghiệp).

Trong khi đó, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định, ngoài hạ tầng kết nối nhà xưởng với các trục giao thông chính, lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, để thu hút nhà đầu tư hơn nữa và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp, các địa phương cũng cần tìm giải pháp để kích các khu đô thị nhà ở, thương mại ở khu vực xung quanh.

Việc hình thành các khu đô thị, thương mại xung quanh các khu, cụm công nghiệp sẽ giúp giải bài toán nhà ở cho công nhân, giúp người lao động yên tâm làm việc. Tuy nhiên, một khó khăn trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân các khu, cụm công nghiệp, không chỉ tại Hà Nội, mà trên cả nước chính là nguồn vốn.

Với việc nguồn vốn ưu đãi thiếu, trong khi tỷ lệ lợi nhuận thấp, phân khúc nhà ở cho công nhân không được mấy doanh nghiệp địa ốc mặn mà đầu tư. Ngoài ra, một trở ngại nữa khiến dự án nhà ở xung quanh các khu, cụm công nghiệp khó phát triển là yếu tố môi trường, nên khó thu hút được người mua nhà.

Chuyên đề