Bất động sản Hà Nội: Ảm đạm do tháng Ngâu?

(BĐT) - Theo báo cáo vừa được Savills công bố ngày 9/10 cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quý III/2018 khá ảm đạm với sự tuột dốc cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia của Savills lại khá lạc quan với triển vọng thị trường những tháng cuối năm.
Trong quý cuối năm 2018, các chủ đầu tư dự kiến sẽ tung ra thị trường Hà Nội hơn 4.500 căn hộ từ 11 dự án, phần lớn là hạng B
Trong quý cuối năm 2018, các chủ đầu tư dự kiến sẽ tung ra thị trường Hà Nội hơn 4.500 căn hộ từ 11 dự án, phần lớn là hạng B

Lý giải về tình trạng sụt giảm, chững lại của thị trường BĐS Hà Nội trong quý III/2018, ông Dương Đức Hiển - Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở của Savills Hà Nội cho rằng, điều này là khá bình thường. Bởi vì trong quý này có tháng Ngâu - được cho là tháng không may mắn trong kinh doanh và các nhà đầu tư thường có tâm lý tránh giao dịch trong tháng này. Quý III còn là mùa du lịch, nghỉ hè nên sản phẩm nghỉ dưỡng phát triển tốt hơn những sản phẩm khác. Nhiều giao dịch trong quý III cũng chưa được ghi nhận do khách hẹn sang tháng mới ký hợp đồng và dồn vào quý IV...

Nếu như trong 2 quý đầu năm nay còn nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ vỡ “bong bóng” BĐS, thì đến nay, theo bà Hằng, nguy cơ này không còn. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có động thái giám sát và kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng vào lĩnh vực BĐS bởi lo ngại có tác động tới cả nền kinh tế. Nhưng diễn biến thị trường đã cho thấy sự phát triển ổn định. Phân khúc căn hộ hạng C gia tăng ở TP.HCM và phân khúc căn hộ hạng B bán “chạy” ở TP. Hà Nội. Người mua thường là người sử dụng cuối cùng và dòng vốn huy động không chỉ dựa vào ngân hàng...

Theo ông Dương Đức Hiển, trong những tháng cuối năm, thị trường sẽ có một làn sóng tăng nhẹ. Đây cũng là quy luật hàng năm, càng về gần cuối năm, người làm kinh doanh thường tìm kiếm điểm chốt lời mà không đầu tư. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán nên nhu cầu đầu tư của người dân thường tăng.

Savills dự báo, trong quý cuối năm 2018, các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường Hà Nội hơn 4.500 căn hộ từ 11 dự án, phần lớn là hạng B. Một số dự án biệt thự, nhà liền kề được kỳ vọng sẽ mở bán từ quý IV/2018 đến năm 2019 như: VinCity Gia Lâm của Vingroup, Athena Fullland của Vimedimex, Sunshine Wonderland của Sunshine Group...

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Savills cho rằng, tiềm năng mở rộng thị phần bán lẻ tại thị trường này là rất lớn. Thực tế, diện tích bán lẻ bình quân đầu người tại Hà Nội còn ở mức thấp, còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần. Dự báo, trong thời gian tới, thị trường sẽ rất sôi động.

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết dòng tín dụng đổ vào BĐS, theo ông Hiển, sẽ có tác động cục bộ tới một số chủ đầu tư, đòi hỏi phải có sự thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này là cần thiết để thị trường phát triển bền vững hơn.

Và đặc biệt, sự gia tăng dòng ngoại tệ của khu vực FDI trong thời gian qua, nhất là từ Nhật Bản đã hỗ trợ thị trường BĐS. Trong 9 tháng năm 2018, FDI đăng ký vào Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 6,27 tỷ USD, chiếm 25% tỷ trọng dòng vốn vào Việt Nam. Dòng vốn này giúp thị trường ổn định, có thể tốc độ bán không nhanh, nhưng vẫn có người mua.

Chuyên đề