Bất động sản công nghiệp trước cơ hội lớn

(BĐT) - Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp (BĐSCN) Việt Nam với chủ đề: “Bối cảnh mới, chính sách mới, cơ hội mới” vừa diễn ra, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, 2019 là năm của BĐSCN. 
Hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Ảnh: Việt Hưng
Hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Ảnh: Việt Hưng

Với dự báo đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 500 khu công nghiệp (KCN), diện tích cần khoảng 500 nghìn ha, cơ hội phát triển trong lĩnh vực BĐSCN là rất lớn.

Xu hướng mới

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2018, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt 73%. Những con số này, theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, phần nào đã thể hiện độ "hot" của phân khúc BĐSCN. Thị trường này đang nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019.

Theo ông Nam, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, BĐSCN là phân khúc có đà phát triển tốt nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Dự báo về xu hướng thị trường BĐSCN Việt Nam 3 - 4 năm tới, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang Lasalle (JLL Việt Nam) khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế ổn định; giá thuê đất rẻ; tỷ lệ đô thị hóa nhanh; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do; thúc đẩy đầu tư hạ tầng… là những yếu tố quan trọng để tạo nên một làn sóng đầu tư vào BĐSCN”.

Từ phía nhà đầu tư trong nước, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc kinh doanh của TNI Holding Việt Nam khẳng định, đây là thời điểm chín muồi để thu hút đầu tư vào thị trường BĐSCN.

Khẳng định “thời điểm vàng đầu tư BĐSCN Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận: “Sức hấp dẫn của BĐSCN tại Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực nhờ thúc đẩy của các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, vị trí địa lý thuận lợi…”. 

Tạo đà như thế nào?

Lạc quan về xu hướng phát triển của BĐSCN Việt Nam, song các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cho rằng, sự phát triển của BĐSCN cũng còn nhiều bất cập. Trên thực tế tính đồng bộ của các KCN chưa cao, tỷ lệ KCN có nhà máy xử lý nước thải mới đạt trên 80%, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái hướng phát triển bền vững còn chậm. Chúng ta chưa hình thành được các KCN đô thị dịch vụ hay các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh. Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính sách thu hút đầu tư vào các KCN đã có nhưng còn chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh.

Bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhận định, phát triển BĐSCN là tất yếu, nhưng để phát triển được, hạ tầng, phúc lợi… cần đi trước.  Muốn vậy, trong quy hoạch cần tính toán vấn đề về quỹ đất cho phát triển hạ tầng công nghiệp để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Để tạo đà cho BĐSCN, ông Cung cho rằng, phải thay đổi cách tiếp cận chính sách về BĐSCN. Theo đó, không nên chia cắt công nghiệp và dịch vụ đời sống mà cần tiếp cận tổng thể theo hướng không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn phải phục vụ đầy đủ nhu cầu đời sống, để người lao động định cư, phát triển ở đó. Về phía nhà đầu tư, cần phát triển KCN gắn với hạ tầng dịch vụ logictics, với hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với quá trình đô thị hóa; KCN hướng tới phát triển bền vững... Đặc biệt hướng tới hình thành các KCN - đô thị - dịch vụ hay cao hơn là các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh. Trong quy hoạch hệ thống BĐSCN cần thận trọng, dựa trên những luận chứng khoa học, tránh cảm tính, tránh tạo ra sai lầm hoặc nguy cơ bong bóng BĐS.

Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, chúng ta cần tập trung đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS nói chung, BĐSCN nói riêng, dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, cần minh bạch hóa thông tin về thị trường BĐS, với những chính sách dài hạn, ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế…

Chuyên đề