Bất an với tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, hiện đã có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Nếu đánh giá một cách toàn diện thì phát triển đô thị ở Việt Nam thời gian qua mang tốc độ đột phá, nhưng đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh cũng kéo theo nhịp điệu của bất an.
Các tòa nhà cao ốc mọc ra khắp nơi, các dự án đường trường trạm với mục tiêu thay đổi diện mạo đô thị.
Các tòa nhà cao ốc mọc ra khắp nơi, các dự án đường trường trạm với mục tiêu thay đổi diện mạo đô thị.

Theo Bộ Xây dựng, các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng chương trình phát triển đô thị, thành lập khu vực phát triển đô thị và các Ban quản lý... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, thì 23 tỉnh đang tiến hành lập mới hoặc điều chỉnh chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; các địa phương đã thành lập 13 khu vực phát triển đô thị và đang hình thành 12 khu vực phát triển đô thị khác.

Có thể nói trong những năm qua, ở hầu hết các thành phố việc xây dựng phát triển đô thị đã kéo theo các cơn sốt “làm ăn” từ bất động sản, các dịch vụ cũng nhờ đó phát triển mạnh mẽ. Khắp từ Bắc vào Nam, từ doanh nghiệp đến người dân đều tìm cơ hội đầu tư bất động sản, “nháo nhác” kiếm nhà mặt tiền, vị trí đẹp. Các tòa cao ốc mọc lên khắp nơi, các dự án đường trường trạm với mục tiêu thay đổi diện mạo đô thị cũng kéo theo câu chuyện “phân lô” đất đai.

Không chỉ vậy, khắp nơi còn bùng nổ các khu công nghiệp, các khu nhà ở từ cao cấp đến trung cấp. Cũng từ đó mà hệ lụy làn sóng trào lưu “đổi đất lấy hạ tầng”, bùng nổ đền bù giải toả, bùng nổ ngân sách địa phương gây tranh cãi gay gắt. Tất cả hệ lụy cuối cùng tạo ra áp lực về hạ tầng, quá tải bệnh viện, trường học, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Sự “phát triển nóng” của hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, có thể, đã đến lúc phải “tổng kết” ra những bài học kinh nghiệm để phát triển đô thị tại các thành phố lớn và nhỏ khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang… Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần cân nhắc những hạn chế để đưa ra những chính sách quy hoạch có thể tận dụng những lợi thế nhằm phát triển đô thị vững mạnh chứ không phải là phát triển ào ạt.

Bộ mặt đô thị Hà Nội với nhà cao tầng chọc trời san sát lơ thơ vài mảng xanh, những khu đất ngoại thành khoanh vùng chia lô, những biệt thự, khu đất "vàng" bỏ hoang vẫn còn đó như một lời nhắc nhở.

Cũng trong bối cảnh “ngột ngạt” đô thị, để nâng cao chất lượng cuộc sống ngành xây dựng, ngành bất động sản bắt đầu nghĩ đến chuyện xây dựng xanh, tạo lập một cuộc sống xanh. Tuy nhiên, mức độ xanh của chúng ta chỉ mới là vừa chạm tới.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, đô thị Xanh hay công trình Xanh là hướng kiến trúc đô thị của thế giới, của thế kỉ 21. Ở các nước người ta đã làm từ lâu rồi, bắt đầu ngay từ khi việc khai thác tài nguyên quá mức, loài người đứng trước sự đe doạ của việc cạn kiệt tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, năng lượng. Bên cạnh đó là tác động rất xấu của biến đổi khí hậu song hành với việc phát triển rất nhanh của công nghiệp đã tạo ra ô nhiễm môi trường, bất an của khí hậu, nóng lên rồi lạnh bất thường, lũ lụt và hạn hán...

Trong khi đó tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ vừa bắt đầu làm công trình xanh và nghĩ đến phát triển đô thị xanh. Đô thị xanh không chỉ là chúng ta sống trong ngôi nhà của chúng ta, dùng máy khử bụi, máy khử mùi vì đó chỉ là không gian ở. Đô thị là một quần cư, quần cư đó có người giàu có người nghèo. Xây dựng đô thị là quan tâm đến điều kiện sống của người dân, ở đó thường hướng tới các vấn đề như cải tạo không gian đô thị xanh, các công viên và các tiện nghi công cộng…

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, điểm nhấn của đô thị không phải cứ là các công trình cao to, đó chỉ là điểm nhấn mang tính hình học. Phải hiểu rằng, đô thị đó có các kiến trúc công trình vừa mang nét đặc sắc và vừa phải có giá trị về văn hóa đóng góp cho diện mạo đô thị. Xây dựng đô thị cũng phải nghĩ đến chuyện giữ gìn phát triển các giá trị lịch sử văn hóa để phục vụ xã hội, làm đẹp bộ mặt đô thị của khu vực đó và đóng góp cho thành phố. Điểm nhấn đó mới có ý nghĩa.

Ngoài ra, mặt phố phải tạo ra một đô thị gần gũi thân thiện chứ không phải chỉ có đầy đủ tiện nghi, hàng hóa. Còn mặt phố toàn “chuồng cọp” lại tạo nên một đô thị không an toàn, con người sống cô độc không tin tưởng lẫn nhau thì đó không thể gọi là đô thị phát triển bền vững dưới bất kỳ khía cạnh nào.

Mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 45%, hệ thống đô thị khoảng 940 đô thị gồm: 2 đô thị đặc biệt, các đô thị từ loại IV đến loại I là 318 đô thị, 620 đô thị V và hình thành thêm 204 đô thị mới. Về chất lượng đô thịdiện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29 (m2/người); Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 75%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 25% trở lên; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 20% trở lên....

Chuyên đề