Ảnh minh họa: Internet |
Theo Bảng xếp hạng Doing Business 2019, Chỉ số giải quyết phá sản DN chỉ đạt 34,93 điểm, giảm 0,23 điểm, xếp hạng 133/190 quốc gia.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chỉ số này có ý nghĩa quan trọng đối với DN, không chỉ thể hiện mức độ dễ dàng khi gia nhập thị trường mà còn cho DN biết có dễ rút lui khỏi thị trường vì những lợi ích kinh tế hay không. Có nghĩa là, khi DN thấy rằng cơ hội kinh doanh không còn nữa nên cần rút lui khỏi thị trường; hoặc họ rút lui để tiến hành cơ cấu lại rồi chuyển sang một hoạt động kinh doanh khác hiệu quả hơn.
“Nếu giải quyết phá sản thuận lợi thì câu chuyện chuyển đổi hoặc tái cấu trúc DN dễ dàng và ít tốn kém, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu phức tạp sẽ khiến việc cơ cấu lại cũng như kinh doanh của DN kém hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Với những ý nghĩa quan trọng đó, đại diện CIEM nhìn nhận, việc cải thiện Chỉ số sẽ giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, Chỉ số giải quyết phá sản giúp cơ quan chức năng nhận diện khó khăn của DN, từ đó có thể giúp những DN bên bờ vực phá sản phục hồi hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững hơn.
Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 20/11/2018 cũng cho biết, mặc dù đối tượng phỏng vấn có khá nhiều luật sư, nhưng nhóm nghiên cứu thực hiện vẫn ghi nhận cải cách tư pháp, nhất là tại các địa phương còn rất chậm. “Tất cả các luật sư được hỏi đều cho biết, việc giải quyết phá sản vẫn mất nhiều thời gian”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.
VCCI cũng cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này nằm ở cả tòa án và cơ quan thi hành án. Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều chính sách mang tính cải cách hệ thống văn bản pháp luật về tố tụng dân sự, song vẫn còn không ít cải cách nằm trên giấy.
Đồng tình với góc nhìn này, đại diện CIEM cho rằng, cơ chế, thủ tục phá sản như hiện nay vẫn còn “vấn đề” khiến DN gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục phá sản. Chỉ số này không chỉ liên quan đến Chính phủ mà còn liên quan đến các hoạt động của tòa án. Tiếc rằng, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy rõ những cải cách trong hoạt động tòa án cũng như chưa có cơ chế cho DN khi lâm vào tình trạng phá sản có thể phục hồi, hoặc nếu không phục hồi được thì thủ tục phá sản nhanh hơn.
Để cải thiện chỉ số này, ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết, việc cải thiện Chỉ số giải quyết phá sản rất có ý nghĩa với DN, với môi trường kinh doanh. Trong Luật Phá sản năm 2014 đã tập trung xác định tình trạng DN phá sản và tòa án là cơ quan giải quyết phá sản. Luật này cũng quy định trình tự thủ tục phá sản… Thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tăng cường phối hợp với các bên liên quan để cải thiện Chỉ số, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.