Bảo hiểm nông nghiệp, nhìn từ đợt rét kỷ lục

(BĐT) - Đợt rét đậm, rét hại ập đến bất ngờ đang gây thiệt hại không nhỏ cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa... Bảo hiểm nông nghiệp đã ở đâu khi người dân đang gánh chịu thiệt hại lớn lao này?
Mưa tuyết trên diện rộng những ngày qua gây nhiều thiệt hại nặng về cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Nhã Chi st
Mưa tuyết trên diện rộng những ngày qua gây nhiều thiệt hại nặng về cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Nhã Chi st

Thiệt hại nặng nề

Ngày 26/1/2016, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, do không khí lạnh tăng cường, tại các tỉnh miền núi xảy ra rét đậm, rét hại, nhiều địa phương nhiệt độ thấp ở mức kỷ lục, kèm theo mưa tuyết trên diện rộng đã gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và báo cáo của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối ngày 25/1/2016, đã xảy ra thiệt hại nặng nề. Cụ thể, về sản xuất, gia súc bị chết 773 con. Trong đó, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Yên Bái là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Các tỉnh khác hiện chưa có số liệu thống kê thiệt hại.

Nguồn tin từ Cục Chăn nuôi cho biết, đến trưa ngày 27/1/2016, khoảng gần 4.000 gia súc trong đó có 3.375 trâu, bò các loại ở các tỉnh miền núi phía Bắc chết vì bị rét. Hiện chưa có dự báo chính xác về thời điểm kết thúc đợt rét kỷ lục này nên thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của các địa phương vì thế có thể vẫn chưa dừng lại. Bởi theo các chuyên gia nông nghiệp, ngay khi thời tiết ấm lên thì gia súc, gia cầm vẫn có thể bị chết vì kiệt sức. Tổng số tiền thiệt hại từ đợt rét này tại các địa phương lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Xa vời bảo hiểm nông nghiệp

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, rất ít hộ nông dân thực hiện mua bảo hiểm cho các con vật nuôi và cây trồng nên những thiệt hại trong đợt rét kỷ lục này họ không được bù đắp.

Trên thực tế từ năm 2011, Bộ Tài chính đã triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Theo đó, một số doanh nghiệp (DN) bảo hiểm có vốn nhà nước chi phối như Bảo Minh, Bảo Việt, Vinare… đã tham gia vào đợt thí điểm này. Sau 3 năm thí điểm, theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, đã có 20 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn tham gia triển khai thí điểm BHNN. Theo đó, 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, trong đó có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ tham gia bảo hiểm), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị được bảo hiểm của cả chương trình thí điểm đạt được 7.747,9 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.

Ở góc độ các DN kinh doanh bảo hiểm, tổng doanh thu phí BHNN sau 3 năm triển khai thí điểm là 394 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm thủy sản là 218,175 tỷ đồng (chiếm 55,4% tổng doanh thu); doanh thu phí bảo hiểm cây lúa là 91,919 tỷ đồng (chiếm 23,3% tổng doanh thu); doanh thu phí bảo hiểm vật nuôi là 83,906 tỷ đồng (chiếm 21,3% tổng doanh thu). Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%; trong đó, chủ yếu bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường bảo hiểm là 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 306%); tiếp đó là bồi thường bảo hiểm cây lúa với tổng số tiền bồi thường là 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%); bồi thường bảo hiểm vật nuôi là 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 15,9%).

Theo đánh giá của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, từ những số liệu trên có thể thấy chủ trương triển khai BHNN là hết sức đúng đắn, đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, các địa bàn huyện xã làm thí điểm với các sản phẩm cây lúa, chăn nuôi, thuỷ sản là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương phù hợp với điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, hầu hết các DN bảo hiểm đều bị lỗ khiến họ rất cân nhắc khi triển khai sản phẩm này. “Là một công ty đại chúng, bên cạnh trách nhiệm xã hội, chúng tôi phải tính đến lợi nhuận, lợi ích cho các cổ đông. BHNN quá nhiều rủi ro nên sau thời gian thí điểm chúng tôi cần đánh giá kỹ lưỡng có nên triển khai tiếp hay không”, Tổng giám đốc một DN bảo hiểm niêm yết cho biết.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một DN bảo biểm phía Bắc nói rằng: “Tiềm năng lớn nhưng khi triển khai BHNN khó khăn tứ bề. Một là, lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro, thiên tai xảy ra thiệt hại rất khó lường nên khi xảy ra số tiền bồi thường rất lớn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt ngày càng phát sinh nhiều bệnh dịch mới nên rất khó khăn trong việc đưa ra các điều kiện ngoại trừ. Địa bàn sản xuất nông nghiệp rộng, số lượng cán bộ của DN bảo hiểm hạn chế nên quá trình xác minh, thẩm định bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm khó khăn. Trục lợi bảo hiểm là điều không tránh khỏi”.

Mặc dù đã có thời gian triển khai thí điểm, nhưng BHNN vẫn là loại hình có nhiều cái mới, rất phức tạp. Nhằm mục tiêu an sinh và hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng trong mối liên kết 3 nhà: Nông dân - Nhà nước - DN bảo hiểm. Trong đó, Nhà nước cần có các chính sách minh bạch, miễn giảm thuế phí đối mảng doanh thu, lợi nhuận đến từ BHNN. Đối với nông dân, cần hỗ trợ phí bảo hiểm đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Đối với các DN bảo hiểm, bên cạnh việc đầu tư nguồn lực cho BHNN cần mở rộng hợp tác quốc tế trong việc triển khai sản phẩm, công nghệ quản lý và tái bảo hiểm.

Chuyên đề