Bao giờ hết cảnh nhà thầu “đá nhầm sân”?

(BĐT) - Quy định bắt buộc các bên mời thầu khi công bố thông báo mời thầu đều phải công khai thông tin gói thầu dành cho nhà thầu là doanh nghiệp (DN) cấp nhỏ, siêu nhỏ đã có hiệu lực hơn 3 năm. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP (NĐ39) cũng đưa ra quy định mới về tiêu chí xác định DN nhỏ, siêu nhỏ đã hướng dẫn chi tiết hơn để tránh tình trạng “đá nhầm sân” của các nhà thầu là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn tồn tại dai dẳng. 

Trúng từ gói thầu lớn tới bé

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Thuận Bắc công bố kết quả lựa chon nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu số 5 Xây lắp hạng mục cầu Bến Ông Tượng thuộc Dự án Đường từ Quốc lộ 28 đi cầu Bến Ông Tượng, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc. Gói thầu này có giá gói thầu: 4.497.667.540 đồng. Lẽ dĩ nhiên, Gói thầu sẽ chỉ dành cho nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ, vì đây là gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng.  Tuy nhiên, Liên danh Công ty CP Xây dựng Bình Nam - Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình đã trúng thầu với giá trúng thầu là 4.488.509.000 đồng. Giới nhà thầu xây lắp ngạc nhiên vì Nhà thầu Phan Đình thuộc diện có tên tuổi và quy mô tại khu vực phía Nam, thi công nhiều gói thầu tại khu vực Nam Trung Bộ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận khi công bố KQLCNT Gói thầu số 02 NCB-Bình Thuận: Xây lắp công trình Khối 07 phòng học Trường THPT Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2. Nhà thầu Phan Đình cũng trúng thầu với giá 4.499.726.000 đồng (giá gói thầu là 4.546.100.000 đồng). Đây cũng là gói thầu đáng lẽ ra chỉ dành cho nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ.

Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình có địa chỉ đăng ký tại Quận 2, TP.HCM, đã tự kê khai quy mô là DN lớn. Chính điều này đã khiến việc Nhà thầu Phan Đình liên tiếp được lựa chọn trúng thầu hai gói thầu xây lắp có giá dưới 5 tỷ đồng đã khiến các nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ “dậy sóng”.

Tra soát dữ liệu của Báo Đấu thầu thời gian qua cho thấy, Nhà thầu Phan Đình cũng thường xuyên trúng các gói thầu có giá trên 5 tỷ đồng.

Đơn cử như tại Gói thầu Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường và cầu  300m các tuyến Quốc lộ 1 (Km1561+134-Km1642+000; Km1692+000 - Km1720+800) tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; Quốc lộ 27 (Km174+000 - Km272+500), tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng; Quốc lộ Trường Sơn Đông (Km636+000 - Km671+157) tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2018 - 2020) có giá 29.496.763.000 đồng của Cục Quản lý đường bộ IV, Nhà thầu Phan Đình được chấm trúng thầu với giá 28.328.714.160 đồng.

Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân cũng trao cho Nhà thầu Phan Đình Gói thầu số 12 Thi công kênh thoát lũ thải xỉ cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với giá 11.345.000.081 đồng… 

Bên mời thầu chưa làm hết trách nhiệm

Đây không phải lần đầu tiên Báo Đấu thầu đề cập đến câu chuyện những nhà thầu “không chịu lớn” như trường hợp của Nhà thầu Phan Đình. Tại Phú Yên, Công ty CP Hồng Phúc đã từng bị phản ánh liên tục về việc thâu tóm các gói thầu nhỏ trong khi doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ lên tới gần 130 tỷ đồng.

Thực tế đáng buồn xảy ra ở rất nhiều địa phương là có một vài nhà thầu “bao thầu” hầu hết các gói thầu trong cùng lĩnh vực, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Để làm được điều này, đầu tiên, nhà thầu “không chịu lớn” kia phải được sự tiếp tay của chính các bên mời thầu, chủ đầu tư.

“Hiện nay, với dữ liệu được công khai trên trang muasamcong.mpi.gov.vn cũng như các Sở Xây dựng địa phương, có thể dễ dàng nhận diện năng lực, quy mô của nhà thầu một cách chi tiết. Chỉ có những bên mời thầu “nhắm mắt cho qua”, bất chấp quy định pháp luật về đấu thầu mới để xảy ra tình trạng đá nhầm sân của các nhà thầu”, một chuyên gia đấu thầu khẳng định.

Trong khi đó, nhiều nhà thầu khẳng định, việc để nhà thầu là DN lớn quẩn quanh trong sân của nhà thầu là DN nhỏ không những vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu mà đang đi ngược lại chủ trương lớn của Chính phủ với những nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển.

Hiện nay, ngày càng nhiều KQLCNT được công khai rộng rãi, giúp thông tin về đấu thầu minh bạch hơn. Chỉ cần đối chiếu những KQLCNT, đối chiếu giá trị của gói thầu với thông tin năng lực của nhà thầu là có thể thấy được tình trạng “đá nhầm sân” của không ít nhà thầu. Công cụ hỗ trợ kiểm soát hữu hiệu này vẫn bị nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư cố tình bỏ quên. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc của cơ quan giám sát, quản lý công tác lựa chọn nhà thầu để các gói thầu thực sự là sân chơi đúng tầm với các nhà thầu.

Chuyên đề