Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đã gặt hái được thành công lớn trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, sớm đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Đóng góp vào thành công đó, phải kể đến vai trò quan trọng của báo chí và truyền thông. 
Báo chí đã có đóng góp rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp                        đối thoại với các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đợt dịch vừa qua. Ảnh: Lê Tiên
Báo chí đã có đóng góp rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp đối thoại với các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đợt dịch vừa qua. Ảnh: Lê Tiên

Từ việc vào cuộc từ rất sớm, xông xáo, bám sát thực tế, đến việc đem lại thông tin chính xác, chuẩn mực, kịp thời... báo chí đã đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động của dịch bệnh... Báo Đấu thầu ghi nhận một số ý kiến đánh giá về đóng góp của báo chí trong đại dịch.

Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19 ảnh 1
“Báo chí đã vào cuộc rất sớm, xông xáo và bám sát từng diễn biến dịch bệnh”

GS. TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV

Việt Nam đã có một chiến thắng thần kỳ trước dịch Covid-19. Đây là kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền. Trong đó có sự đóng góp rất lớn của các lực lượng y tế, công an, bộ đội, báo chí, truyền thông... Báo chí, truyền thông đã vào cuộc rất sớm, xông xáo và bám từng diễn biến của dịch, từng chủ đề, nhóm vấn đề về phòng, chẩn đoán, điều trị cũng như chống tiêu cực trong đợt dịch vừa qua. Đặc biệt, truyền thông kịp thời nêu những tấm gương, những hành động đẹp của nhân dân, đất nước, có ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn.

Trong cuộc chiến ác liệt chống lại dịch bệnh Covid-19, với ý thức trách nhiệm của mình, các báo đã vào cuộc rất đều tay và được đánh giá cao, trong đó có cả những tờ báo ít có sự gần gũi về mặt chuyên môn y khoa như Đấu thầu, Lao động, Kinh tế đô thị... Điều này có ý nghĩa rất to lớn, tạo sự đồng lòng, kết nối trong xã hội. Mỗi lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, một chỉ đạo điều hành của Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế... lập tức được các báo chuyển tải. Báo chí, truyền thông đã phản ánh rất trung thực, đúng mực và lan tỏa rộng rãi để mọi người dân biết cái gì nguy hại cần phòng ngừa, cái gì chưa đúng cần sửa chữa...

Cá nhân tôi và cả xã hội luôn khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông. Nhu cầu được truyền thông, tiếp nhận thông tin và nắm bắt các vấn đề kinh tế - xã hội mới mỗi ngày không khác gì cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi rất vinh dự gửi lời chúc chân thành tới đội ngũ những người làm báo nói chung, Báo Đấu thầu nói riêng. Xã hội rất cần những người làm báo, mong sao những người làm báo sức khỏe, hạnh phúc, vững vàng trong nghề nghiệp và đóng góp sức mình vào công cuộc phát triển, bảo vệ đất nước.

Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19 ảnh 2
“Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin chống dịch Covid-19”

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Từ khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, báo chí đã vào cuộc, sát cánh cùng ngành y tế ở tâm dịch để thông tin một cách chính xác, chuẩn mực, kịp thời, phân tích đúng, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể, giúp người dân nắm được tình hình, nhất là những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong cuộc chiến này, báo chí đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng dư luận, phản ánh thực tiễn, phê phán những sai sót, bất cập trong xã hội; tuyên dương những tổ chức, cá nhân làm việc tốt; lan tỏa những hình ảnh người dân tham gia chống dịch với tinh thần, trách nhiệm cao.

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước chung sức đối phó với dịch bệnh, đó cũng là những ngày thực sự áp lực với những người làm báo. Hoạt động của ngành nghề khác có thể tạm dừng, nhưng dòng tin tức luôn luôn phải chảy cùng thời cuộc.

Qua dịch Covid-19, có thể thấy niềm tin của xã hội vào báo chí tăng lên nhiều. Mỗi ngày, có tới 20 - 30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch Covid-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí.

Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19 ảnh 3
“Báo chí đã làm tốt trong công tác truyền thông chống dịch Covid-19”

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Sáu tháng qua kinh tế - xã hội của Việt Nam chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, trong đó có hạn hán ở Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn và hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19.

Nếu như Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến đời sống kinh tế - xã hội một cách đột phá, làm cho mọi thứ biến đổi nhanh thì đại dịch Covid-19 khiến cho đời sống kinh tế - xã hội đảo lộn, phô bày tất cả những gì chúng ta đang có, từ những thứ tốt đẹp tới những hạn chế.

Trong bối cảnh đó, báo chí đã tốn rất nhiều công sức, giấy mực để truyền thông cho công tác chống dịch Covid-19. Báo chí đã chuyển tải nhiều thông tin, cập nhật hàng phút, hàng giờ, hàng ngày về những diễn biến của đại dịch Covid-19. Các chuyên mục về đại dịch, thông báo về các ca nhiễm bệnh, nguồn lây nhiễm, số lượng người nghi nhiễm, vùng cách ly… từ truyền thông, báo chí luôn nhận được lượng lớn truy cập, sự quan tâm vô cùng lớn của xã hội. Có thể nói, báo chí đã góp một phần không nhỏ giúp công tác chống dịch, kiểm soát dịch đạt hiệu quả.

Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19 ảnh 4
“Cầu nối truyền tải thông điệp trong đại dịch”

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Đối với các doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng thì càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh vốn đầu tư của xã hội ngày càng ít đi, các nhà thầu xây dựng phải cạnh tranh gay gắt để có được công ăn việc làm, nhưng khi có được việc thì lại bị đình trệ bởi Covid-19.

Vừa qua, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam có khảo sát, thống kê và báo cáo trong nội bộ về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên. Kết quả báo cáo cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2020 có khả năng giảm từ 15 - 40%. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp có khả năng sụt giảm 15% chiếm rất ít, còn lại là phải sụt giảm với mức 40 - 50%.

Đối với người lao động trong ngành, những người không có việc làm đã khó khăn thì nay trải qua đợt dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn. Ngay cả những người có công ăn việc làm, năng suất lao động cũng giảm khoảng 20 - 30% vì đại dịch.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, giới truyền thông đã đồng hành cùng các doanh nghiệp xây dựng khi thông tin về các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng. Báo chí cũng là cầu nối, giúp chuyển tải các đề xuất, kiến nghị giải pháp ứng phó với dịch bệnh để sớm đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19 ảnh 5
“Báo chí làm xã hội đang thay đổi, phát triển mạnh công nghệ số”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Việt Nam gặt hái thành công lớn trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, sớm đưa nền kinh tế trở lại bình thường, trong đó có sự đóng góp quan trọng của truyền thông. Trong đại dịch Covid-19, báo chí đã ổn định được tâm thế của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đó là nhận thức được diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn bình tĩnh, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tự giác thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.

Đặc biệt, báo chí đã phản ánh được những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bất động sản; đồng hành với các hiệp hội, với các chuyên gia để đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng vượt khó.

Qua định hướng của báo chí trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, các doanh nghiệp đã chuyển qua tận dụng công nghệ số để tiếp xúc với khách hàng, đối tác qua kênh online, qua thực tế ảo… Nhờ vậy, sau khi Covid-19 được kiểm soát, xã hội đang có một sự thay đổi có lợi theo hướng phát triển mạnh công nghệ số.

Báo chí xung kích trong cuộc chiến Covid-19 ảnh 6
“Đối thoại hiệu quả với các cấp, các ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn”

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong việc khống chế thành công đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Trong mặt trận chống Covid-19, ngoài lực lượng y tế, công an, quân đội..., thì lực lượng có vai trò quan trọng là các cơ quan báo chí. Báo chí đã phản ánh khá sát tình hình thực tế ở các khu vực cách ly, sân bay, bệnh viện... Ngoài việc chuyển tải thông tin, phản ánh kịp thời, báo chí còn giúp tố giác những hành vi vi phạm, chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Báo chí đã góp một phần nỗ lực cùng Chính phủ trong việc phát hiện, phản ánh và lên án những luồng thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc chính sách pháp luật của Nhà nước và Chính phủ.

Báo chí đã có đóng góp rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp đối thoại với các cấp, các ngành bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đợt dịch vừa qua. Báo chí đã đưa tiếng nói của doanh nghiệp lên chính quyền các cấp. Thông qua ngòi bút của mình, báo chí đã chuyển tải tiếng nói của doanh nghiệp một cách thuyết phục và nhanh chóng hơn tới các cấp, các ngành. Lắng nghe báo chí và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời hiện thực hóa bằng các chỉ đạo, cơ chế, chính sách như: Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước...

Trong thời gian tới, doanh nghiệp và báo chí cần rút ngắn khoảng cách hơn nữa. Doanh nghiệp cần cởi mở hơn và chủ động gặp gỡ các kênh báo chí, nhất là những báo có bề dày kinh nghiệm và uy tín. Ngược lại, báo chí nên tăng thêm nhiều kênh đối thoại với doanh nghiệp, cũng như tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiện nguyện để doanh nghiệp có thể đồng hành. Báo chí là kênh hiệu quả để kích cầu tiêu dùng nhiều hơn, bởi khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là công tác thị trường.

Chuyên đề