Bản tin thời sự sáng 9/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 2 đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên sắp cập cảng TP.HCM vào sáng 10/5; Đà Nẵng tái áp dụng đi chợ bằng tem phiếu; Hãng hàng không đồng loạt công bố tăng phí từ 9/5; “Cha đẻ” gạo ST25 đăng ký nhãn hiệu mới ở Mỹ; Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc bị đình chỉ công tác….

2 đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên sắp cập cảng TP.HCM vào sáng 10/5

Dự kiến sáng 10/5, 2 đoàn tàu tiếp theo của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ chính thức cập cảng Khánh Hội, TP.HCM.

Đoàn tàu đầu tiên của metro số 1 cập cảng Khánh Hội hồi tháng 10/2020

Đoàn tàu đầu tiên của metro số 1 cập cảng Khánh Hội hồi tháng 10/2020

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (Maur) cho biết hôm 1/5, hai đoàn tàu số 2 và số 3 đã rời cảng Kasado (Nhật Bản) về Việt Nam.

Theo kế hoạch, chiều ngày 9/5, 2 đoàn tàu metro này sẽ tiếp cận trạm hoa tiêu Vũng Tàu và cập cảng Khánh Hội khoảng 6h, ngày 10/5.

Sau khi cập cảnh Khánh Hội, Maur sẽ bắt đầu bốc dỡ tàu lên cảng rồi lần lượt vận chuyển về Depot Long Bình, TP. Thủ Đức, tiếp đến là bốc dỡ lên ray R1 tại depot để tiến hành lắp ráp.

Theo lịch trình dự kiến, đoàn tàu metro số 2 sẽ được vận chuyển về Depot Long Bình sáng 11/5 và hai ngày sau sẽ là đoàn tàu số 3.

Hồi tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên gồm ba toa trong tổng số 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã về tới TP.HCM.

Các đơn vị liên quan đã sử dụng các thiết bị cần cẩu, ngáng chuyên dụng để bốc dỡ ba đoàn tàu, đồng thời sử dụng tổ hợp xe siêu trường vận chuyển các đoàn tàu về Depot.

Trong suốt quãng đường vận chuyển tàu metro, lực lượng cảnh sát giao thông và xe phòng cháy chữa cháy tham gia hộ tống để đảm bảo an toàn giao thông.

Đà Nẵng tái áp dụng đi chợ bằng tem phiếu

Chính quyền TP. Đà Nẵng bắt đầu áp dụng phân chia tần suất đi chợ của người dân, ba ngày đi một lần, để hạn chế việc tập trung đông người.

Đà Nẵng tái áp dụng đi chợ bằng tem phiếu

Đà Nẵng tái áp dụng đi chợ bằng tem phiếu

Ngày 8/5, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã yêu cầu Ban quản lý các chợ và các quận, huyện, phường, xã áp dụng thẻ đi chợ.

Theo thông báo của Sở Công Thương Đà Nẵng, mỗi hộ gia đình trước mắt sẽ được phát 5 thẻ để đi chợ trong vòng 15 ngày (ba ngày một lần). Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng một lần ở bất kỳ chợ nào trên địa bàn Thành phố. Thời gian áp dụng từ ngày 8/5.

Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, do việc in thẻ, đóng dấu ở các phường và phát tận tay người dân ở các khu dân cư cần thời gian, nhanh nhất là trong ngày 8/5, nên các chợ thuộc quyền quản lý của Công ty (chợ đầu mối Hoà Cường, chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa) sẽ áp dụng từ ngày 9/5 để tránh xung đột với người dân.

Theo ông Tẩu, do các chợ của Thành phố quản lý có quá nhiều cổng ra vào, thường khoảng 20 lối vào, trong khi lực lượng bảo vệ chỉ 10 người, nên trước mắt ban quản lý các chợ sẽ dựng rào chắn cứng ở những lối nhỏ, chỉ giữ lại khoảng 4 đến 5 cửa để đảm bảo việc kiểm soát. Tất cả những người vào chợ phải đeo khẩu trang, sát khuẩn và thực hiện giãn cách.

Hãng hàng không đồng loạt công bố tăng phí từ 9/5

Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways sẽ tăng phí quản trị hệ thống thêm 100.000 đồng/chặng bay.

Các hãng hàng không đồng loạt công bố tăng phí từ 9/5

Các hãng hàng không đồng loạt công bố tăng phí từ 9/5

Từ ngày 9/5, hành khách mua vé của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco sẽ chịu khoản phí hệ thống 350.000 - 450.000 đồng/chặng, tăng 100.000 đồng/chặng so với tháng 4/2021. Vietnam Airlines và các hãng thành viên áp dụng mức phí trên đối với tất cả các nhóm giá vé và tất cả các chuyến bay nội địa đang khai thác.

Đối với Bamboo Airways, hãng này cũng cho biết sẽ tăng phí quản trị hệ thống theo mức tăng so với vé lẻ và vé đoàn, bắt đầu áp dụng đối với xác nhận đặt chỗ từ ngày 10/5.

Theo đó, vé đoàn sẽ áp dụng phí từ 370.000 đồng lên 460.000 đồng, tăng 90.000 đồng/chặng. Đối với khách lẻ tăng 90.000 đồng/chặng, từ mức 320.000 lên 410.000 đồng. Tuy nhiên, Bamboo Airways thông tin, một số giá đoàn kích cầu, đoàn đặc biệt có thể không áp dụng phụ thu quản trị hệ thống.

Theo lý giải của các hãng hàng không, việc tăng phí quản trị hệ thống nhằm điều chỉnh phù hợp với thị trường hiện nay, giúp hãng nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là hệ thống bán vé được vận hành tốt hơn.

Hiện nay, trong cơ cấu giá vé máy bay nội địa của Việt Nam gồm có giá vé máy bay do hãng hàng không niêm yết. thuế giá trị gia tăng, phí an ninh soi chiếu, phí sân bay, phí quản trị, phụ thu xăng dầu. Trên thực tế, một số loại thuế phí như thuế giá trị gia tăng các hãng phải thu như nhau để nộp cho Nhà nước.

Phí dịch vụ hành khách (phí sân bay) và phí soi chiếu an ninh do hãng hàng không thu hộ nộp cho các đơn vị quản lý cảng hàng không - sân bay. Một số loại phí do hãng tự thu với những mức thu khác nhau tùy theo sự tính toán của các hãng.

“Cha đẻ” gạo ST25 đăng ký nhãn hiệu mới ở Mỹ

Doanh nghiệp Hồ Quang Trí vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" tại Mỹ và vẫn tiếp tục theo đuổi khiếu nại với nhãn hiệu "ST25".

Thông tin về nhãn hiệu mới của nhà ông Hồ Quang Cua trên USPTO

Thông tin về nhãn hiệu mới của nhà ông Hồ Quang Cua trên USPTO

Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho biết, Công ty TNHH Hồ Quang Trí, trụ sở 196 đường Tỉnh lộ 8, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, Việt Nam đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu Gạo ông Cua.

Nhãn hiệu có dấu hiệu nhận biết là hình ảnh một người đàn ông đeo kính quay mặt về phía bên phải (gương mặt ông Hồ Quang Cua) bên cạnh là bông lúa và dòng chữ "Gạo ông Cua" ở bên trái. Trong hồ sơ đăng ký hiển thị trên trang USPTO, không có bất cứ mô tả, cụm từ nào về "ST25", "Gạo ngon nhất thế giới".

Đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận. Hồ sơ sẽ được chuyển cho bộ phận thẩm định khoảng 3 tháng sau ngày nộp đơn, cơ quan này cho biết.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ông Hồ Quang Cua muốn nhượng lại bản quyền giống ST25 cho Nhà nước. Đây là trường hợp chưa có tiền lệ nên Bộ phải xin phép Chính phủ.

Sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu, đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc bị đình chỉ công tác

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đình chỉ công tác với ông Nguyễn Khắc Lập, Phó Giám đốc Sở Y tế, vì lơ là chống Covid-19.

Trụ sở Sở Y tế Vĩnh Phúc

Trụ sở Sở Y tế Vĩnh Phúc

Ông Lập bị đình chỉ công tác vì thiếu chủ động trong tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng dịch bệnh Covid-19 Tỉnh.

Ông Lập hiện là F1, phải cách ly tập trung, do tiếp xúc với ca nghi ngờ dương tính Covid-19; đã có kết quả xét nghiệm lần đầu âm tính.

40 người khác trong Sở Y tế Vĩnh Phúc tiếp xúc gần với ông Lập (F2), theo quy định phải cách ly tại nhà 21 ngày. Tuy nhiên, Sở Y tế Vĩnh Phúc cho rằng vì nhiệm vụ đặc thù của ngành, để đảm bảo hoạt động trong trạng thái bình thường mới nên đề nghị lãnh đạo Tỉnh cho phép 40 cán bộ tự cách ly tại trụ sở để tiếp tục làm việc. Sở sẽ giải quyết công việc với cơ quan, tổ chức qua điện thoại hoặc trực tuyến.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc phân công ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp điều hành công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Y tế.

Thừa Thiên Huế giãn cách xã hội 4 xã, phường từ 0h ngày 9/5

Thị trấn Lăng Cô, thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu, xã Phong Hoà sẽ thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 9/5.

Trạm kiểm soát y tế ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Trạm kiểm soát y tế ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Việc này thực hiện theo quyết định ngày 8/5 của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc giãn cách xã hội tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) là bởi địa phương này có nhiều F1 liên quan chuỗi lây nhiễm ở Đà Nẵng. Còn xã Phong Thu, xã Phong Hòa và thị trấn Phong Điền là do liên quan ca nghi nhiễm Covid-19 mới phát hiện ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Tỉnh cũng quyết định nâng chốt kiểm soát y tế trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B từ 5 chốt lên thành 8 chốt để đo thân nhiệt, kiểm soát người ngoại tỉnh vào địa phương. Người vào Thừa Thiên Huế phải khai báo y tế trước qua mạng.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch huyện Phong Điền, cho biết ngoài giãn cách xã hội tại xã Phong Thu, xã Phong Hòa và thị trấn Phong Điền theo yêu cầu của Chủ tịch Tỉnh trong cuộc họp phòng chống Covid-19 sáng ngày 8/5, địa phương cũng lập thêm chốt kiểm soát y tế trên tuyến Quốc lộ 49B giáp với tỉnh Quảng Trị.

Lập trang web giả mạo ngân hàng, chiếm đoạt 200 triệu đồng

Lê Minh Hoàng lập trang web gần giống trang của một ngân hàng, rồi cùng đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt 200 triệu đồng của người phụ nữ ở Hà Nội chuyển khoản nhầm.

Trương Huy Cường - một trong 3 bị can chiếm đoạt 200 triệu đồng của chị T

Trương Huy Cường - một trong 3 bị can chiếm đoạt 200 triệu đồng của chị T

Ngày 8/5, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố, tạm giam 3 bị can Lê Minh Hoàng, Trương Huy Cường và Lưu Quốc Toàn cùng ở tỉnh Quảng Nam để điều tra về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo cảnh sát, Hoàng lên mạng Internet mua tên miền và lập trang web http://bom.to.TCBank trasoat. Sau đó, Hoàng lập trình thành trang web có giao diện giống giao diện của ngân hàng T.

Trên trang web này có ô để người bị hại điền tên đăng nhập và mật khẩu. Hoàng cũng lập một gmail được đăng nhập đồng thời 3 điện thoại của Lê Minh Hoàng, Trương Huy Cường và Lưu Quốc Toàn để cả ba quản lý.

Ngày 8/3, Cường sử dụng Facebook tìm kiếm từ khóa “ck nhầm” thì thấy bài viết của chị T (ở Hà Nội) đăng về bị chuyển khoản nhầm. Cường tìm và xác định số điện thoại của chị T.

Đến sáng 9/3, Cường đã gọi cho chị T, giả danh là cán bộ của ngân hàng T, trao đổi về việc chuyển nhầm tiền và đề nghị chị T cho Cường làm thủ tục tra soát giao dịch.

Cường gửi tin nhắn có chứa đường link http://bom.to.TCBanktrasoat, yêu cầu chị T đăng nhập và cung cấp mật khẩu.

Khi “con mồi sập bẫy”, Cường nhanh chóng đăng nhập Internetbanking của chị T thấy có 700 triệu đồng, hạn mức giao dịch 200 triệu đồng nên đã đặt lệnh chuyển 200 triệu đồng của nạn nhân.

Sau đó, đối tượng tiếp tục liên lạc yêu cầu chị T đọc mã OTP gửi về điện thoại. Lúc này, chị T không rõ nên đã đọc mã OTP cho đối tượng.

Ngay lập tức, 200 triệu đồng trong tài khoản chị T “không cánh mà bay”. Phát hiện sự việc, chị T đã lập tức khóa tài khoản và báo cảnh sát.

Chuyên đề