Bản tin thời sự sáng 8/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội xét nghiệm diện rộng 100% người dân; Metro số 1 TP.HCM lùi thời gian hoàn thành do tác động Covid-19; Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ thêm 6 tháng; TP.HCM đặt mục tiêu hoàn tất tiêm vaccine mũi 1 vào 15/9; đề xuất hành khách tiêm hai mũi vaccine được bay nội địa; Sở GD&ĐT đề xuất hỗ trợ thiết bị học online cho 72.600 học sinh TP.HCM…

Hà Nội xét nghiệm diện rộng 100% người dân

Với việc xét nghiệm toàn bộ dân cư, TP. Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh trước 15/9, hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Hà Nội xét nghiệm diện rộng 100% người dân

Hà Nội xét nghiệm diện rộng 100% người dân

Trong công điện của Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, Thành phố xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn đến ngày 12/9.

Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu nguy cơ rất cao, ngành y tế lấy mẫu cho toàn bộ người dân 2 - 3 ngày/lần; khu nguy cơ cao lấy mẫu 5 - 7 ngày/lần; các khu vực khác toàn bộ người dân được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất một lần.

Ngoài ra, người dân sẽ được hướng dẫn tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế. Sau khi hoàn thành xét nghiệm toàn Thành phố, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.

Trước đó, Hà Nội đã xét nghiệm diện rộng đợt một trên 1,1 triệu người bằng kỹ thuật RT-PCR; đợt hai lấy thêm khoảng 200.000 mẫu, chia làm hai giai đoạn.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu trước ngày 15/9 hoàn thành tiêm mũi một vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế giao; tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian theo quy định; đặc biệt ưu tiên lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai...

Thành phố sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm, đưa đến gần người dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố, thôn, khu phố; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi.

Đến ngày 5/9, Hà Nội đã tiêm được hơn 2,3 triệu mũi, trong đó hơn 2 triệu mũi một và trên 200.000 mũi hai. Số người được tiêm bằng 24,97% dân số và bằng 33,98% người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Metro Số 1 TP.HCM lùi thời gian hoàn thành do tác động Covid-19

Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 hoàn thành, thay vì kế hoạch khai thác cuối năm nay do tác động Covid-19.

Metro Số 1 TP.HCM lùi thời gian hoàn thành do tác động Covid-19

Metro Số 1 TP.HCM lùi thời gian hoàn thành do tác động Covid-19

Thông tin đề cập trong văn bản của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) gửi Sở Giao thông vận tải, để chuẩn bị các nội dung báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án Metro số 1. Việc lùi thời gian hoàn thành công trình được các nhà thầu đưa ra sau khi đánh giá những ảnh hưởng của dịch Covid-19 gần 2 năm bùng phát. Hiện, toàn tuyến Metro số 1 đạt 87,5% khối lượng và dự kiến tăng lên 91% cuối năm nay.

Theo Chủ đầu tư, từ năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, việc thi công ở công trình gặp nhiều khó khăn trong huy động nhân sự. Hiện nhân lực thi công trên công trường sụt giảm nặng nề do các biện pháp giãn cách, công nhân trong khu phong tỏa không thể đi làm...

Trước đó, từ năm 2020, để khắc phục những khó khăn do dịch, MAUR thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ thủ tục nhập cảnh, giấy phép lao động cho các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài; tổ chức làm việc từ xa...

Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ thêm 6 tháng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 14, sửa đổi Thông tư 01, kéo dài thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ thêm 6 tháng

Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ thêm 6 tháng

Ngày 7/9, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đây là lần thứ 4 NHNN sửa đổi Thông tư 01. Về cơ bản, NHNN giữ nguyên những nội dung đề xuất tại Dự thảo Thông tư được công bố lấy ý kiến trước đó. Thông tư 14 sửa đổi 3 nội dung chính.

Cụ thể, Thông tư 14 sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ 10/6/2029 đến trước ngày 1/8/2021 (thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát đến trước ngày 10/6/2020 như quy định tại Thông tư 01).

Thông tư 14 cũng sửa đổi phạm vi thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như Thông tư 01.

Cuối cùng, NHNN sửa đổi thời gian tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022, tức gia hạn thêm 6 tháng so với quy định tại Thông tư 01.

Theo NHNN, thay đổi trên sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Khách hàng có thêm 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ban hành kèm Thông tư 14, NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Đề xuất hành khách tiêm hai mũi vaccine được bay nội địa

Hành khách xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể được bay trên một số chặng nội địa, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Sân bay Tân Sơn Nhất trong nhóm C (vùng đỏ)

Sân bay Tân Sơn Nhất trong nhóm C (vùng đỏ)

Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến về kế hoạch mở đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Cục Hàng không đề xuất 22 sân bay thuộc 21 tỉnh, thành phố chia nhóm theo mức độ giãn cách xã hội (Chỉ thị 16). Nhóm A (vùng xanh) là sân bay thuộc các tỉnh, thành không có khu vực áp dụng giãn cách. Nhóm B (vùng vàng) là sân bay thuộc các tỉnh giãn cách theo từng khu vực (quận/huyện trở lên). Nhóm C (vùng đỏ) là các sân bay thuộc các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách toàn địa bàn.

Các chặng bay từ sân bay nhóm A (vùng xanh) đến nhóm còn lại sẽ không giới hạn hành khách, chỉ yêu cầu khách lên máy bay phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ.

Chặng bay chiều từ nhóm B (vùng vàng) đến nhóm A, B và C; từ nhóm C (vùng đỏ) đến sân bay nhóm A,B áp dụng cho khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19. Những người này cần có xét nghiệm âm tính.

Các hành khách khác được đi chặng này cần đáp ứng các yêu cầu như có xét nghiệm âm tính và đáp ứng một trong các điều kiện: Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung; chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng đến thời điểm xuất phát; giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19.

Các chặng bay giữa các sân bay nhóm C (vùng đỏ) chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển hoặc tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Hành khách phải có xét nghiệm âm tính.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, kế hoạch trên đang lấy ý kiến các hãng hàng không, sau đó sẽ trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt thời điểm áp dụng.

Sau khi mở đường bay, các hãng hàng không Việt Nam sẽ được tổ chức mở bán vé, khai thác đường bay nội địa theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất khai thác.

TP.HCM đặt mục tiêu hoàn tất tiêm vaccine mũi một vào 15/9

Thành phố xác định tiêm vaccine là ưu tiên hàng đầu trong phòng chống Covid-19 và đặt mục tiêu đến ngày 15/9 hoàn tất tiêm mũi một.

Tiêm vaccine lưu động ở quận Gò Vấp

Tiêm vaccine lưu động ở quận Gò Vấp

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, đến nay Thành phố tiêm mũi một cho hơn 6,1 triệu người (chiếm 85,2% trên tổng số 7,2 triệu người trên 18 tuổi) và gần 600.000 người đã tiêm đủ 2 mũi (chiếm 8,2%). Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 15/9 phải cố gắng tiêm phủ hết mũi một cho người dân trên 18 tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho những người đến thời hạn.

Theo Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố, cuối tháng 8, Bộ Y tế đã phân bổ thêm một triệu liều vaccine cho TP.HCM để tiêm mũi hai cho người dân đã tiêm mũi một ở đợt tiêm thứ 4 và một số người tiêm trong đợt 5 với loại vaccine có thời hạn giữa 2 mũi là 3 - 4 tuần. Thành phố đang tổ chức tiêm với tốc độ nhanh, hy vọng sẽ hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới.

Thông tin thêm về công tác tiêm vaccine, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đến nay, Thành phố đã nhận được hơn 5,6 triệu liều vaccine từ Bộ Y tế, gồm 4 loại: Astrazeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell (Sinopharm). Ngoài ra, Thành phố cũng nhận riêng 5 triệu liều Vero Cell từ nhà tài trợ.

Cần Thơ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 0h ngày 18/9

UBND TP. Cần Thơ vừa có công văn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện giãn cạc xã hội theo Chỉ thị 16 đến 0 giờ ngày 18/9

Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện giãn cạc xã hội theo Chỉ thị 16 đến 0 giờ ngày 18/9

Toàn địa bàn TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến 00 giờ 00 phút ngày 18/9/2021.

Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, tăng cường kiểm tra, xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc thực hiện nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội.

Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân thành phố trong thời gian thực hiện giản cách xã hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp 3 với Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND quận, huyện khẩn trương xây dựng phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, có lộ trình thực hiện cụ thể với tinh thần “không quá nóng vội cũng không quá thận trọng”, "vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, bảo đảm nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, trong đó, ưu tiên khởi động lại hoạt động xây dựng các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm của Thành phố, sản xuất nông nghiệp, hoạt động của một số doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân…

Sở GD&ĐT đề xuất hỗ trợ thiết bị học online cho 72.600 học sinh TP.HCM

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa gửi tờ trình lên UBND Thành phố, đề xuất triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh.

Hơn 72.600 học sinh ở TP.HCM thiếu thiết bị, đường truyền để học trực tuyến

Hơn 72.600 học sinh ở TP.HCM thiếu thiết bị, đường truyền để học trực tuyến

Trong tờ trình gửi UBND Thành phố, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ bằng các thiết bị thông minh có sẵn trên thị trường, phù hợp yêu cầu học trên Internet, có sim 3G, 4G, 5G hoặc Wi-Fi, có cấu hình tương thích các phần mềm dạy và học trực tuyến hiện nay.

Cụ thể, Sở đề xuất huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, dự kiến 15.000 thiết bị, để hỗ trợ học sinh khó khăn trong học online.

Bên cạnh đó, Sở vận động các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước giá rẻ, phù hợp để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trong tờ trình, Sở đề xuất kêu gọi phụ huynh, cá nhân, tổ chức, công ty, trường đại học cung cấp thiết bị cũ đã qua sử dụng theo đơn vị trường (ATM máy tính), dự kiến khoảng 40.000 thiết bị.

Khoảng 30.000 thiết bị còn lại theo dự kiến được huy động từ nguồn mua trả góp ưu đãi từ các ngân hàng, phối hợp các nhà cung cấp lớn, đảm bảo nguồn hàng, có chính sách bảo hành.

Trên cơ sở đề xuất, UBND TP.HCM có chính sách hỗ trợ lãi suất vay trả góp phù hợp (lãi suất bằng 0) đối với phụ huynh có nhu cầu mua trả góp máy tính, điện thoại thông minh, tapbook cho học sinh học trực tuyến. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 24 tháng.

Đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM được đưa ra sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT thực hiện rà soát những học sinh không có thiết bị tối thiểu để học online và đường truyền Internet, có thiết bị nhưng không có đường truyền, các lý do khác...

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 72.600 học sinh ở Thành phố thiếu thiết bị và đường truyền để học trực tuyến.

Chuyên đề