Bản tin thời sự sáng 8/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là trẻ tiểu học và lớp 6 ở Hà Nội có thể đến trường từ 21/2; giá vàng tăng gần một triệu đồng trước thềm vía Thần Tài; tăng cường 251 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất; 90% ôtô dán thẻ ETC vào tháng 6/2022 là khó khả thi; 118 tuyến xe buýt Hà Nội được khai thác 100% công suất ngày từ 8/2…

Trẻ tiểu học và lớp 6 ở Hà Nội có thể đến trường từ 21/2

Sau khi khối lớp 1 - 6 ở ngoại thành trở lại trường từ 10/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đề xuất với Thành phố để học sinh nội thành học trực tiếp.

Nếu đề xuất được thông qua, toàn bộ học sinh phổ thông Hà Nội đều học trực tiếp sau 21/2

Nếu đề xuất được thông qua, toàn bộ học sinh phổ thông Hà Nội đều học trực tiếp sau 21/2

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, kế hoạch trên sẽ được triển khai dựa trên kết quả và tình hình thực tế sau khi cho hơn 500.000 học sinh lớp 1 - 6 ở ngoại thành trở lại trường từ 10/2.

Đây là nhóm học sinh cuối cùng ở cấp tiểu học và trung học tại Hà Nội trở lại trường. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, toàn bộ học sinh phổ thông Hà Nội đều học trực tiếp sau 21/2, sau gần 10 tháng ở nhà vì dịch bệnh. Hà Nội là địa phương cho học sinh dừng đến trường thời gian dài và với quy mô lớn nhất cả nước. Từ tháng 5/2021 đến nay, hơn 2 triệu học sinh Hà Nội phải học trực tuyến vì làn sóng dịch thứ tư bùng phát.

Thời điểm và số lượng học sinh thủ đô đi học trở lại được chia thành nhiều mốc khác nhau. Học sinh khối 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành là những em đầu tiên được trở lại trường, từ tháng 11/2021. Hai tuần sau, học sinh khối 12 cũng học trực tiếp. Đến ngày 8 và 10/2, Thành phố lần lượt cho học sinh từ lớp 7 - 11, tiểu học và lớp 6 học trực tiếp.

Đến nay, Hà Nội chưa công bố kế hoạch trở lại trường cho trẻ mầm non.

Giá vàng tăng gần một triệu đồng trước thềm vía Thần Tài

Giá vàng miếng SJC ngày 7/2 điều chỉnh liên tục, tăng gần một triệu đồng so với trước Tết Nguyên đán và lập đỉnh lịch sử mới 63,5 triệu đồng.

Cuối giờ chiều 7/2, giá vàng miếng tại SJC tăng thêm 300.000 đồng một lượng so với sáng, lên 62,8 - 63,45 triệu đồng. Giá vàng miếng tại DOJI lên 62,7 - 63,5 triệu đồng mỗi lượng.

Trước đó, lúc 10h sáng, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC được giao dịch tại 62,45 - 63,15 triệu đồng, tăng 650.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán. Còn Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI yết giá vàng miếng tại 62,2 - 63,15 triệu đồng với mức chênh lệch mua bán lên tới 950.000 đồng một lượng.

Như vậy, mỗi lượng vàng miếng trước thềm vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) tăng gần 1 triệu đồng so với trước Tết Nguyên đán. Còn nếu so với dịp vía Thần Tài năm ngoái, giá vàng miếng đã tăng hơn 7 triệu đồng một lượng.

Giá vàng thế giới không có biến động mạnh trong khi giá trong nước tăng mạnh khiến chênh lệch giữa hai thị trường lên mức kỷ lục 13,7 triệu đồng một lượng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng giao ngay hiện giao dịch quanh 1.809 USD, tương đương 49,7 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank. Trong 24 giờ qua, giá vàng thế giới dao động trong vùng 1.795 - 1.815 USD.

Tăng cường 251 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam cấp phép tăng cường 251 chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 7 - 10/2.

Cục Hàng không Việt Nam cấp phép tăng cường 251 chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam cấp phép tăng cường 251 chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất

Các chặng bay được tăng cường gồm Hà Nội - TP.HCM với 48 chuyến; Đà Nẵng - TP.HCM 43 chuyến; Hải Phòng - TP.HCM 26 chuyến; Huế - TP.HCM 25 chuyến; Chu Lai - TP.HCM 27 chuyến; Thanh Hóa/Vinh - TP.HCM 23 chuyến...

Ngoài số chuyến bay tăng cường trên, các chuyến bay thường lệ và tăng chuyến đã được cấp phép trong 4 ngày nêu trên đạt 3.180 chuyến với hơn 667.000 ghế.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đã tăng thêm gần 200 chuyến bay trên 14 đường bay nội địa đến TP.HCM.

Ngày 7/2, lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục ở mức cao với hơn 68.000 khách, thấp hơn ngày 6/2 khoảng 1.500 khách. Những ngày sau Tết, sân bay này luôn đón trên 60.000 hành khách đến mỗi ngày. Cá biệt hôm 6/2, sân bay này đón hơn 70.000 khách đến.

Những ngày qua, lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất tăng mạnh khiến taxi, xe công nghệ hoạt động tại sân bay này không đủ đáp ứng. Nhiều hành khách phải chờ đợi cả tiếng mới đón được xe về nhà.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngày 6/2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng thông qua các cảng hàng không khoảng 290.000 lượt khách và 2.000 tấn hàng hóa, tăng 73% về hành khách và 4,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết năm 2021.

90% ôtô dán thẻ ETC vào tháng 6/2022 là khó khả thi

Cả nước hiện còn trên 2 triệu ôtô chưa dán thẻ thu phí không dừng. Một số nhóm chủ phương tiện không có nhu cầu.

Ô tô dán thẻ ETC có thể lưu thông nhanh qua trạm thu phí, trong khi những xe khác phải dồn ứ vì mất thời gian dừng thanh toán

Ô tô dán thẻ ETC có thể lưu thông nhanh qua trạm thu phí, trong khi những xe khác phải dồn ứ vì mất thời gian dừng thanh toán

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tiến độ triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC - Electronic Toll Collection) trên cả nước.

Thời gian qua, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng phương tiện dán thẻ ETC.

Tuy nhiên đến nay, cả nước mới có khoảng 2,4 triệu ô tô đăng ký dịch vụ ETC, tương đương hơn 50% tổng số ôtô lưu hành.

Trước yêu cầu đạt tối thiểu 90% ôtô được dán thẻ ETC vào tháng 6/2022 của Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết nhiệm vụ trên rất khó khả thi. Nhiều chủ phương tiện không có nhu cầu dán thẻ do chỉ di chuyển trong thành phố, ở vùng không có trạm thu phí hoặc ít đi qua trạm.

Hiện, cả nước có 113 trạm thu phí được lắp đặt công nghệ ETC. Trong đó, 63 trạm lắp đặt ETC tại 100% làn thu phí (chỉ còn một làn hỗn hợp).

Để bảo đảm mỗi trạm chỉ duy trì một làn hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và các địa phương cần triển khai thêm công nghệ ETC tại 126 làn thu phí. Trong đó, 42 làn thuộc trạm do Bộ GTVT quản lý và 84 làn thuộc trạm địa phương quản lý.

Vào tháng 6/2022, dự kiến tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn. Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với nhà đầu tư dự án, Cục CSGT và địa phương tuyên truyền tới chủ phương tiện trước khi triển khai.

118 tuyến xe buýt Hà Nội được khai thác 100% công suất ngày từ 8/2

Căn cứ đánh giá cấp độ dịch của Hà Nội, từ ngày 8/2, cơ quan có thẩm quyền cho phép 118 tuyến xe buýt của Hà Nội được khai thác 100% công suất thay vì 50% công suất như thời gian qua.

Hiện Hà Nội đang khai thác 3 tuyến xe buýt điện bằng xe có sức chứa 68 chỗ do Công ty VinFast sản xuất

Hiện Hà Nội đang khai thác 3 tuyến xe buýt điện bằng xe có sức chứa 68 chỗ do Công ty VinFast sản xuất

Nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội vừa ban hành phương án vận hành với 121 tuyến xe buýt trợ giá.

Theo đó, 118 tuyến xe buýt trợ giá có điểm đầu, cuối nằm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn được đánh giá cấp độ dịch ở mức 1, 2 từ ngày 8/2 sẽ hoạt động với 100% công suất, không thực hiện giãn cách chỗ ngồi trên xe.

Tuy nhiên, 3 tuyến xe buýt (số 50, 57, 116) có điểm đầu, cuối nằm trên địa bàn 3 trong số 9 xã, phường, thị trấn được đánh giá cấp độ dịch ở mức 3 vẫn tiếp tục hoạt động với 50% công suất, thực hiện giãn cách chỗ trên xe theo quy định - xe chở không quá 50% số chỗ (đứng, ngồi) trên xe và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ trên xe).

Tiền Giang đắp đập thép ngăn mặn cho 1,1 triệu dân

Tỉnh Tiền Giang thi công đập thép với kinh phí hơn 10 tỷ đồng để ngăn mặn, trữ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha sản xuất nông nghiệp.

Công nhân thi công đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành

Công nhân thi công đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, đập thép ngăn mặn dài 19 km, rộng 65 m nằm trên kênh Nguyễn Tấn Thành, đoạn giáp với sông Tiền, thuộc xã Song Thuận và Bình Đức (Châu Thành). Đập dự kiến hoàn thành trước ngày 25/2, ngăn mặn và đảm bảo nước ngọt cho người dân Tiền Giang và Long An.

Dự báo của ngành chức năng, năm nay xâm nhập mặn trên sông Tiền đến sớm hơn so với năm trước, từ ngày 7/2 trở đi. Từ ngày 13 - 17/2, xâm nhập mặn tăng cao trùng với kỳ triều cường rằm tháng Giêng, độ mặn khoảng 4g/lít có thể vào sâu 50 - 55km, đến bến đò Bình Đức (Châu Thành).

Đến cuối tháng 2 tới đầu tháng 3, độ mặn 1g/lít sẽ xâm nhập tới kênh Nguyễn Tấn Thành. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang theo dõi tình hình xâm nhập mặn, nếu độ mặn cao sẽ cho đắp tiếp 7 đập nhỏ còn lại trên đường huyện 35.

Về lâu dài, Tiền Giang kiến nghị Trung ương đầu tư hệ thống cống đóng, mở trên kênh Nguyễn Tấn Thành làm hồ trữ nước ngọt với kinh phí 400 tỷ đồng.

Chuyên đề