Bản tin thời sự sáng 8/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 15 giờ thần tốc lập Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ; Việt Nam sắp nhận được hơn 8 triệu liều vaccine Covid-19; Đà Nẵng hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất; Hà Nội dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa…

15 giờ thần tốc lập Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ

Sau hơn 15 giờ triển khai, đội ngũ kỹ sư của Bệnh viện Bạch Mai đã cơ bản hoàn thành bệnh viện dã chiến ở Điện Biên điều trị bệnh nhân Covid-19, với 300 giường.

15 giờ thần tốc lập Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ

15 giờ thần tốc lập Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, được tăng cường lên Điện Biên chi viện chống dịch cho biết các chuyên gia bắt tay lập bệnh viện dã chiến Điện Biên từ 2h chiều 6/2. Đến 10h sáng ngày 7/2, toàn bộ hệ thống hạ tầng oxy, khí nén, vật tư, thiết bị đã được thiết lập, trang bị hoàn chỉnh tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.

Bệnh viện được thiết lập tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 30 giường hồi sức chức năng cao cho bệnh nhân Covid-19. 6 kỹ sư chuyên nghiệp của Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc xuyên đêm không nghỉ để có được kết quả này. Vật tư, trang thiết bị y tế, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), bình khí nén, bình oxy trung tâm được vận chuyển trực tiếp từ Bạch Mai lên, khu vực hồi sức tích cực đã sẵn sàng vận hành.

Cùng với công tác thần tốc xây dựng Bệnh viện dã chiến, đoàn chuyên gia của Bộ Y tế gồm Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia nhóm nhỏ, triển khai đào tạo tại chỗ, khảo sát thực địa thêm các địa điểm khác, chuẩn bị thật tốt, chủ động cho các tình huống có thể xảy ra.

Việt Nam sắp nhận được hơn 8 triệu liều vaccine Covid-19

Việt Nam sẽ được nhận vaccine Covid-19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng dự kiến từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều.

Vaccine COVID-19 của Astra Zeneca

Vaccine COVID-19 của Astra Zeneca

Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.

Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vaccine Covid-19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng dự kiến từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25 - 35% số liều sẽ được cung cấp trong quý I và 65 - 75% trong quý II năm 2021. Vaccine được sử dụng trong đợt này là vaccine của Hãng Astra Zeneca.

COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19.

Trong cơ chế này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả.

COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.

WHO cũng phối hợp với các quốc gia trong việc đảm bảo nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm chủng trong giai đoạn đầu, khi vaccine chưa đủ cung ứng cho toàn dân.

Các nhóm đối tượng ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là đến nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi có bệnh nền nhằm bảo vệ các nhóm đối tượng này.

Văn phòng WHO tại Hà Nội hiện đang phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Bộ Y tế trong việc xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Tiêm chủng vaccine Covid-19 để gửi cho COVAX facility đúng thời hạn vào 9/2/2021 tới.

Đà Nẵng hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Quyết định dừng bắn pháo hoa được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa ra trước đêm Giao thừa 4 ngày, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Đà Nẵng hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Đà Nẵng hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Ngày 7/2, Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị UBND Thành phố dừng hoạt động bắn pháo hoa chào mừng năm mới trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch ban hành từ đầu tháng 1, Đà Nẵng sẽ bắn pháo hoa mừng năm mới trong vòng 15 phút, tại 3 địa điểm là trên cầu Nguyễn Văn Trỗi bắc qua sông Hàn và trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và huyện Hoà Vang. Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố sẽ bắn pháo theo phương pháp trình diễn nghệ thuật (không nhạc nền), sử dụng hệ thống pháo FireOne với các loại pháo tầm cao và tầm thấp tạo hiệu ứng đặc biệt.

Cùng với Đà Nẵng, nhiều địa phương trên cả nước như TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam và Thanh Hóa đã hủy bắn pháo hoa. TP. Hà Nội điều chỉnh chỉ bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm để truyền hình trực tiếp cho người dân, thay vì bắn tại 29 điểm như kế hoạch ban đầu.

Nâng cảnh báo phòng dịch ở sân bay lên mức cao nhất

Cục Hàng không yêu cầu các sân bay triển khai phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cảnh báo cao nhất.

Hành khách làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất

Chiều 7/2, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ra văn bản chỉ đạo các đơn vị ngành hàng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ phòng chống dịch. Đây là chỉ đạo thứ hai với mức độ cảnh báo cao nhất của Cục Hàng không kể từ khi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 1/2021.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị cảnh giác, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn cơ quan y tế và cấp có thẩm quyền; giám sát để 100% cán bộ, công nhân viên và hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong cảng hàng không, sân bay; sát khuẩn tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Các sân bay cần kiểm tra thân nhiệt để phát hiện các hành khách có triệu chứng bất thường; thường xuyên vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để hạn chế lây lan của dịch bệnh.

Các phi công và tiếp viên trên các chuyến bay quốc tế về Việt Nam vẫn được cách ly theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các hãng hàng không cũng cần rà soát lại các quy trình, xử lý nghiêm đối với người vi phạm cách ly y tế.

Hà Nội dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

UBND quận Đống Đa vừa có thông báo dừng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021).

Hà Nội dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Hà Nội dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Trước đó, theo kế hoạch, Lễ hội kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021) sẽ diễn ra vào ngày 16/2/2021 (tức ngày 5 tháng Giêng năm Tân Sửu) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid- 9 đang diễn biến phức tạp và rất khó lường. Căn cứ vào tình hình thực tế về công tác phòng, chống dịch của quận, UBND quận Đống Đa quyết định dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Hợp long cầu Rạch Dừa gần 157 tỷ đồng nối Long An - TP.HCM

UBND tỉnh Long An vừa tổ chức lễ hợp long cầu Rạch Dừa bắc qua sông Rạch Dừa nối Long An và TP.HCM.

Cầu Rạch Dừa và 2 đường dẫn vào cầu được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 157 tỷ đồng

Cầu Rạch Dừa và 2 đường dẫn vào cầu được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 157 tỷ đồng

Ngày 7/2, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ hợp long cầu Rạch Dừa bắc qua sông Rạch Dừa nối liền xã Phước Lại và xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An kết nối TP.HCM.

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) công trình giao thông, Sở GTVT Long An, công trình được khởi công ngày 2/2/2020 và hoàn thành ngày 29/3/2021.

Cầu Rạch Dừa là một trong ba cầu thuộc Dự án thành phần 1 công trình đường Tân Tập - Long Hậu - Quốc lộ 50 - cảng Long An, có điểm đầu tại Km12+263 giáp với đường Tân Tập - Long Hậu, thuộc xã Phước Lại (huyên Cần Giuộc); điểm cuối tại Km12+763 giáp đường ĐT 826D hiện hữu đã được đầu tư, thuộc xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) kết nối TP.HCM.

Cầu có chiều dài trên 344m, rộng hơn 13m, 4 nhịp giản đơn (mỗi nhịp trên 82m) và 3 nhịp bằng dầm hộp liên tục, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng (55m+90m+55m).

Móng trụ cầu chính được đặt trên móng cọc khoan nhồi đường kính 120cm, chiều dài 43m, do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông xây dựng 816 thi công.

Riêng 2 đường dẫn vào cầu mỗi bên có chiều dài 166m, mặt đường láng nhựa rộng hơn 11m, với tổng giá trị gần 157 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách tỉnh và nguồn huy động khác.

Sau ngày hợp long, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông xây dựng 816 tiếp tục thi công xuyên Tết, hoàn chỉnh các hạng mục mặt cầu, lan can, đường dẫn, khe co giãn… để đến tháng 5/2021 thông xe kỹ thuật và đưa vào hoạt động.

Chuyên đề