Bản tin thời sự sáng 7/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm 3 ca Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng, Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra Trường Sa, gần 1.700 du khách Hà Nội và TPHCM đăng ký rời Đà Nẵng, nhiều sai phạm ở Dự án nhiệt điện Thái Bình 2…

Thêm 3 ca Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng

Sáng ngày 7/8, Bộ Y tế vừa công bố thêm 3 ca mắc mới Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng, trong đó, Quảng Trị 2 ca, Thanh Hoá 1 ca. Việt Nam có 750 ca bệnh.

Tính đến 6h ngày 7/8, Việt Nam, có tổng cộng 750 ca mắc Covid-19, trong đó, 312 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 298 ca. Tính từ 18h ngày 6/8 đến 6h ngày 7/8, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc mới.

Tổng số tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 178.451 người. Trong đó, 5.870 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.106 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 148.475 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 392/750 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 52,3% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước. Hiện nay, Việt Nam đã có 10 ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Tính đến sáng ngày 7/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 315 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra Trường Sa

Mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Ngày 6/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin Trung Quốc triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu đến các thực thể mà nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Trước tiên, có thể khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Mọi hoạt động tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vô giá trị và không có lợi cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối”./.

Gần 1.700 du khách Hà Nội và TP.HCM đăng ký rời Đà Nẵng

Đến ngày 4/8, số khách du lịch Hà Nội và TP.HCM đang bị kẹt tại thành phố Đà Nẵng do thực hiện giãn cách xã hội khoảng 1.700 người.

Có khoảng 1.700 hành khách có nhu cầu rời khỏi Đà Nẵng

Có khoảng 1.700 hành khách có nhu cầu rời khỏi Đà Nẵng

Sở Du lịch TP. Đà Nẵng vừa cho biết, tính đến 15h ngày 4/8, số khách du lịch đang bị kẹt tại Thành phố do thực hiện giãn cách xã hội khoảng 1.700 người, trong đó có hơn 960 khách đăng ký về TP. Hà Nội, 734 khách đăng ký về TP.HCM.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP. Hà Nội, TP.HCM để chuẩn bị phương án bố trí đón người về trên cơ sở số lượng của TP. Đà Nẵng đã cập nhật đến ngày 5/8.

Theo đó, sau khi 2 địa phương đã sẵn sàng tiếp nhận, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép bay thì Sở Du lịch sẽ làm việc với các hãng hàng không và tham mưu UBND thành phố về thời gian bay, các chuyến bay, đồng thời tổ chức đưa khách ra sân bay đúng thời gian đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch./.

Nhiều sai phạm ở Dự án nhiệt điện Thái Bình 2

Quá trình thẩm định, phê duyệt Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều vi phạm, khiến đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào tháng 7/2019
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào tháng 7/2019

Ngày 6/8, sau gần 4 tháng thanh tra, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư trên 31.000 tỷ đồng nhưng đến nay bị đội vốn hơn 10.700 tỷ đồng lên gần 41.700 tỷ đồng.

Theo kết luận, việc thẩm định quyết định phê duyệt dự án có nhiều sai phạm. Trước ngày 1/8/2010, Dự án được chia làm hai dự án, là công trình quan trọng quốc gia. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đầu tư thuộc Thủ tướng, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Dự án chưa được Quốc hội thông qua, Hội đồng quản trị PVN căn cứ trên công văn do Phó thủ tướng ký và hồ sơ thẩm định Dự án của PVN để phê duyệt là không đúng quy định theo Luật Xây dựng năm 2003.

Đồng thời, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 10.700 tỷ đồng, theo kết luận, cũng là sai quy định do việc điều chỉnh hợp đồng EPC không đúng theo quy định của Chính phủ.

Ngoài sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra việc chỉ định gói thầu EPC cũng vướng nhiều vi phạm…

Kết luận thanh tra về “khu đất vàng” 69 Nguyễn Du liên quan đến PVC

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất tại số 69 Nguyễn Du.

Bên ngoài lô đất 69 Nguyễn Du, Hà Nội

Bên ngoài lô đất 69 Nguyễn Du, Hà Nội

Ngày 6/8, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cơ sở nhà, đất tại địa chỉ trên có diện tích nhà 655,6 m2; diện tích đất 596,7 m2.

Trước khi Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) mua theo chỉ định, cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước do Công ty Quản lý và Phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý.

Theo kết luận thanh tra, việc PVC, PVN, UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này; đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật./.

Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 21/2020/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang là khu vực có ranh giới địa lý xác định, thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt. Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hà Tiên có diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức.

Ranh giới địa lý của KKT, phía Bắc giáp tỉnh Kampot, Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên; phía Đông và Đông Nam giáp xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành; phía Tây và Tây Nam giáp vịnh Rạch Giá, thành phố Rạch Giá.

KKT cửa khẩu Hà Tiên được tổ chức thành các khu chức năng gồm khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư và các khu chức năng. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết KKT cửa khẩu Hà Tiên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020.

Chuyên đề