Bản tin thời sự sáng 7/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sau sáp nhập, xin ý kiến giữ nguyên tên thành phố Thanh Hoá; VEC bỏ yêu cầu bắt buộc chủ xe nộp 50% phí vào tài khoản ETC; cựu Tư lệnh cảnh sát biển vùng 4 xin giảm án tù; Hãng hàng không Pacific Airlines trước nguy cơ bị xóa sổ…

Sau sáp nhập, xin ý kiến giữ nguyên tên thành phố Thanh Hoá

Theo thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn liên quan đến dự thảo Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hoá và thành lập các phường thuộc TP. Thanh Hoá thì trong 2 phương án tên gọi, đề xuất lựa chọn phương án “TP. Thanh Hoá” làm phương án chọn, báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Một góc TP. Thanh Hoá

Một góc TP. Thanh Hoá

Cụ thể, về tên gọi của thành phố sau khi sáp nhập, yêu cầu đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 lấy tên gọi là TP. Thanh Hoá và phương án 2 lấy tên gọi là thành phố Đông Sơn; trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật, đề cương quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện về những lịch sử, văn hoá, những ưu điểm, hạn chế theo từng phương án để đề xuất lựa chọn phương án 1 làm phương án chọn.

Thông báo cũng nêu rõ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ trực tiếp tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án hoặc có ý kiến bằng văn bản về các giải pháp liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư.

Giao UBND TP. Thanh Hoá, UBND huyện Đông Sơn, theo chức năng nhiệm vụ được giao, có văn bản báo cáo đề xuất cụ thể giải pháp sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phương án bố trí trụ sở, tài sản công…

VEC bỏ yêu cầu bắt buộc chủ xe nộp 50% phí vào tài khoản ETC

VEC vừa cho biết khuyến cáo nhưng không bắt buộc chủ xe phải duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản thu phí không dừng.

VEC bỏ yêu cầu bắt buộc chủ xe nộp 50% phí vào tài khoản ETC

VEC bỏ yêu cầu bắt buộc chủ xe nộp 50% phí vào tài khoản ETC

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị Công ty Thu phí tự động - VETC và Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam - VDTC khuyến cáo khách hàng "nên duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản" là 50% phí chặng dài nhất của xe loại 1 từng tuyến cao tốc.

Cụ thể, số dư tối thiểu của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên là 150.000 đồng, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 35.000 đồng, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là 100.000 đồng, tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là 40.000 đồng.

Sau khi các xe đủ điều kiện vào tuyến, VEC yêu cầu VDTC và VETC thông báo qua ứng dụng hoặc tin nhắn cho khách hàng số dư tài khoản cho họ biết và chủ động nạp tiền vào tài khoản để lưu thông.

Trước đó vào 29/7, VEC ra quy định "bắt buộc tài xế phải nạp tối thiểu 50% phí vào tài khoản". Điều này khiến nhiều chủ xe bức xúc vì sự áp đặt của đơn vị này. Theo họ, VEC không nên ra quy định cứng như vậy.

Ghi nhận phản ứng từ người dân, việc duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản ETC không còn là chính sách bắt buộc như họ đưa ra cách đây một tuần. Thay vào đó, VEC chỉ khuyến khích khách hàng nên thực hiện để tránh ùn tắc tại trạm thu phí.

Từ 1/8, việc thu phí điện tử không dừng hoàn toàn được thực hiện trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, gồm 4 tuyến cao tốc: Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cựu Tư lệnh cảnh sát biển vùng 4 xin giảm án tù

Bị cáo Lê Văn Minh, Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4, kháng cáo xin giảm hình phạt 15 năm tù về tội nhận hối lộ 6,9 tỷ đồng của trùm buôn lậu xăng dầu.

Bị cáo Lê Văn Minh

Bị cáo Lê Văn Minh

Ba tuần sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Tòa án quân sự Quân khu 7 cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của 8 trong 14 bị cáo vụ án bảo kê buôn lậu 200 triệu lít xăng.

Theo đó, 6 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, gồm: ông Minh, Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Phạm Hồ Hải, Trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh; Lê Văn Phương, Phó phòng CSGT Công an Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng và Phạm Văn Trên, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh. 6 người bị tòa sơ thẩm phạt 3 năm 6 tháng đến 16 năm tù do nhận hối lộ.

Hai người còn lại kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm là đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, và cháu trai Nguyễn Văn An.

Ông Thế Anh là người duy nhất trong vụ án bị truy tố 2 tội danh: Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, án chung thân. Trong phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo này từ đầu đến cuối phủ nhận cáo buộc, cho rằng bị ép cung, song không đưa ra được bằng chứng.

Bản án tuyên ngày 15/7 xác định, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam đã xảy ra các sai phạm có tính chất "đặc biệt nghiêm trọng".

Tư lệnh Lê Văn Minh bị cáo buộc "vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn" đã trực tiếp và thông qua vợ con, nhận của "trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), tổng số tiền 6,9 tỷ đồng.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam hoạt động

Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương vừa đi vào hoạt động, là đơn vị thứ tư tại Việt Nam và lớn nhất cả nước với công suất thanh trùng 62 lít sữa mỗi ngày.

Khu vực trữ sữa thô tại Ngân hàng sữa mẹ

Khu vực trữ sữa thô tại Ngân hàng sữa mẹ

Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, ngân hàng quy mô hơn 300 m2, đầy đủ dây chuyển vận hành theo quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn quốc tế, vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng.

Số trẻ vào khoa sơ sinh của bệnh viện tăng dần qua từng năm, với hơn 5.200 trường hợp trong năm qua. Hơn 12.000 lít sữa cung cấp cho trẻ tại khoa này, trong đó chỉ 5,5% là sữa mẹ, phần lớn phụ thuộc vào sữa công thức. Không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Trong khi đó, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm Covid-19, sữa mẹ mang đến nguồn dinh dưỡng sẵn có, là liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng.

Phó Giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết thêm, Đề án thành lập ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện đã được các bác sĩ ấp ủ nhiều năm và ra đời trong nhu cầu bức thiết của đợt cao điểm chống dịch Covid-19 năm ngoái.

Thời gian qua, Bệnh viện đã vận động được 17 bà mẹ hiến 235 lít sữa thô. 13 bé đã bắt đầu được sử dụng sữa từ tháng 8.

Ngân hàng sữa mẹ hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các mẹ đang nuôi con nhỏ. Việc sàng lọc và tuyển chọn sữa mẹ hiến tặng tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Quy trình của ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi nhiều công đoạn vận chuyển, lưu trữ, thanh trùng, xét nghiệm... nên người sử dụng sữa phải trả một khoản phí.

Hãng hàng không Pacific Airlines trước nguy cơ bị xóa sổ

Pacific Airlines phải đáp ứng điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng trong năm nay, nếu không hãng bay này sẽ bị hủy giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Pacific Airlines trước nguy cơ bị xóa sổ

Pacific Airlines trước nguy cơ bị xóa sổ

Trong 2 năm liên tiếp, Pacific Airlines không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của hãng bay này lần lượt âm 2.275 tỷ đồng và âm 4.583 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021.

Theo đó, Cục Hàng không đã có công văn gửi hãng bay này khuyến cáo và yêu cầu báo cáo việc đáp ứng điều kiện về giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Cơ quan này dẫn Nghị định 89 quy định giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bị hủy bỏ trong trường hợp không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục.

Như vậy, nếu Pacific Airlines không bổ sung thêm vốn để duy trì vốn tối thiểu theo Nghị định 89 thì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng bay này sẽ bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Cục này yêu cầu Pacific Airlines báo cáo tổng quan về tình hình đội tàu bay đang khai thác (số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay, hình thức chiếm hữu); mạng đường bay, sản lượng và thị phần vận chuyển 6 tháng đầu năm; báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm và các nội dung liên quan khác.

Ngoài ra, Cục Hàng không yêu cầu Pacific Airlines cung cấp thông tin về công tác đảm bảo an ninh, an toàn theo quy định của nhà chức trách hàng không; phương án xử lý các khoản nợ với các đối tác (ACV, VATM...) và phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải báo cáo lại các nội dung trên về Cục trước ngày 10/8.

Vietnam Airlines đang triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Pacific Airlines là công ty con của Vietnam Airlines khi hãng hàng không quốc gia đang sở hữu 98% cổ phần tại Pacific Airlines. Pacific Airlines hiện nay có vốn điều lệ là 3.522 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong các hãng hàng không của Việt Nam.

Lào Cai hợp long cầu Làng Giàng - cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng

Cầu Làng Giàng có chiều dài toàn cầu là 438m, chiều rộng toàn cầu là 12m, mặt xe chạy rộng 11m, có nhịp thông thuyền dài 120m và có nhịp dài nhất vượt sông Hồng ở Lào Cai hiện nay.

Cầu Làng Giàng nhìn từ trên cao.

Cầu Làng Giàng nhìn từ trên cao.

Ngày 6/8, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng Lào Cai đã tổ chức Lễ hợp long cầu Làng Giàng kết nối giao thông hai bên bờ sông Hồng về phía Nam của thành phố Lào Cai với huyện Bảo Thắng.

Đây là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, là công trình trọng điểm có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lào Cai.

Cầu Làng Giàng được xây dựng vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực với chiều dài toàn cầu là 438 m, chiều rộng toàn cầu là 12 m, mặt xe chạy rộng 11 m.

Công trình gồm 7 nhịp; trong đó có 3 nhịp chính được thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Cầu Làng Giàng có nhịp thông thuyền dài 120 m và có nhịp dài nhất vượt sông Hồng ở Lào Cai hiện nay.

Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 10/2020, do Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng Lào Cai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 258 tỷ đồng, do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng Quyết Tiến thi công.

Cầu Làng Giàng nối liền phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai) với xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng), Tỉnh lộ 161 và Quốc lộ 70.

Chuyên đề