Bản tin thời sự sáng 7/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Bình xin đầu tư PPP Nhà ga T2 sân bay Đồng Hới; Tề Trí Dũng bị khởi tố vì bán 24.000 m2 đất giá “bèo”; Facebook, Google, Microsoft đã nộp thuế hơn 5.100 tỷ đồng; Metro số 2 lùi thời gian khởi công đến năm 2025…

Quảng Bình xin đầu tư PPP Nhà ga T2 sân bay Đồng Hới

UBND tỉnh Quảng Bình vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới.

ACV không bố trí được vốn, Quảng Bình xin đầu tư Nhà ga T2 sân bay Đồng Hới theo hình thức PPP

ACV không bố trí được vốn, Quảng Bình xin đầu tư Nhà ga T2 sân bay Đồng Hới theo hình thức PPP

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, Cảng hàng không Đồng Hới có công suất thiết kế 500.000 hành khách/năm.

Năm 2018, Cảng hàng không Đồng Hới đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ga hành khách đạt công suất 3 triệu hành khách/năm và các hạng mục kết cấu hạ tầng đồng bộ; mở rộng sân đỗ tàu bay đồng bộ với nhà ga, dự kiến thực hiện năm 2019 - 2021.

Năm 2021, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới. Chủ trương đầu tư dự án đã được các bộ, ngành, cơ quan liên quan tham gia ý kiến thẩm định và thống nhất chủ trương xây dựng.

Đáng chú ý, cuối tháng 4/2022, ACV đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình cho biết do không bố trí được nguồn vốn, Dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ được ACV thực hiện giai đoạn sau năm 2025.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Bình, cuối năm 2021, làm việc với tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV có văn bản cam kết tiến độ, lộ trình cụ thể, vốn đầu tư thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp ACV không có khả năng thực hiện khởi công Dự án trong năm 2022, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới theo quy định.

Khẳng định việc sớm khởi công xây dựng nâng công suất phục vụ sân bay Đồng Hới là hết sức cấp thiết, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Đồng Hới theo hình thức xã hội hóa.

Tề Trí Dũng bị khởi tố vì bán 24.000 m2 đất giá “bèo”

Nguyên Tổng giám đốc Sadeco Tề Trí Dũng và 4 người bị cáo buộc bán rẻ 149 nền đất (hơn 24.500 m2) tại Dự án An Phú Tây, gây thiệt hại 120 tỷ đồng.

Bị cáo Tề Trí Dũng đang bị đưa ra xử phúc thẩm trong vụ án sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu tại Sadeco

Bị cáo Tề Trí Dũng đang bị đưa ra xử phúc thẩm trong vụ án sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu tại Sadeco

Ngày 6/6, Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) cùng Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc Sadeco; Vũ Xuân Đức, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty IPC; Trần Đăng Linh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty IPC bị Công an TP.HCM khởi tố về tội Vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Tháng 4/2001, UBND TP.HCM có quyết định chuyển giao chủ đầu tư Dự án An Phú Tây từ Công ty CP ĐT&XD Bình Chánh sang Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco - công ty con của IPC).

Ngày 28/9/2006, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam thành phố có văn bản giao phần diện tích phục vụ tái định cư tại Dự án An Phú Tây cho IPC, đồng thời đề nghị Công ty đàm phán nhằm chuyển nhượng thêm phần đất của Sadeco. Trên cơ sở này, IPC đã thỏa thuận góp vốn đầu tư với Sadeco để nhận lại 187 nền đất.

Từ năm 2016 - 2018, Tề Trí Dũng ký 4 hợp đồng chuyển nhượng tất cả 99 nền đất với giá 7 triệu đồng/m2; Trần Đăng Linh ký 2 hợp đồng chuyển nhượng 50 nền với giá 8,2 - 8,8 triệu đồng/m2.

Tổng diện tích hơn 24.500 m2 được bán cho 4 khách hàng cá nhân, thu về hơn 186 tỷ đồng. Sau khi thanh toán toàn bộ số tiền, tháng 5/2018, IPC tiếp tục cùng các khách hàng trên đã làm biên bản thoả thuận, xác định số tiền đóng bổ sung là hơn 16 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng, dù có 2 chứng thư thẩm định giá, nhưng Tề Trí Dũng không lấy giá cao hơn mà lấy giá trung bình dẫn đến giá bán cho khách hàng rẻ - không đảm bảo hiệu quả kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 59 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 2/2022, Hội đồng định giá tài sản cấp thành phố kết luận giá thị trường của 149 nền đất Dự án An Phú Tây tại thời điểm IPC ký hợp đồng chuyển nhượng là hơn 313 tỷ đồng - cao hơn 127 tỷ đồng so với giá thực bán.

Facebook, Google, Microsoft đã nộp thuế hơn 5.100 tỷ đồng

Đến hết tháng 4, các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới như Facebook, Google và Microsoft đã khai, nộp 5.111 tỷ đồng vào ngân sách, theo Bộ Tài chính.

Google, Facebook, Microsoft… nộp hơn 5.100 tỷ đồng tiền thuế.

Google, Facebook, Microsoft… nộp hơn 5.100 tỷ đồng tiền thuế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số thu thuế của các nền tảng xuyên biên giới bình quân trên 1.100 tỷ đồng một năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 4 năm nay, thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài), các nền tảng này đã khai, nộp 5.111 tỷ đồng. Trong đó, số thuế Facebook đã nộp là 1.965 tỷ đồng, Google nộp 1.902 tỷ và Microsoft là 651 tỷ đồng.

Như vậy, so với số liệu Bộ trưởng Phớc báo cáo hồi tháng 3, số thuế thu được từ các nền tảng số đến nay tăng thêm 1.100 tỷ đồng.

Ngoài số này, cơ quan thuế cũng truy thu được 735 tỷ đồng từ xử lý vi phạm, chống thất thu với các cá nhân, tổ chức có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, kinh doanh thương mại điện tử. Riêng số thu khoản này trong 4 tháng đầu năm là 176 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với đặc trưng nền kinh tế số, thương mại điện tử phát triển nhanh, Bộ trưởng Tài chính cho hay, quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức.

Để quản lý và tránh thất thu thuế trong kinh doanh nền tảng số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các quy định về quản lý thuế (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp) sẽ được sửa, bổ sung.

Metro số 2 lùi thời gian khởi công đến năm 2025

Metro số 2 cần thêm 12 - 18 tháng chọn đơn vị thay thế do tư vấn dừng hợp đồng, nên đến năm 2025 công trình mới có thể khởi công, thay vì năm nay.

Hướng tuyến Metro Số 2

Hướng tuyến Metro Số 2

Thông tin được đề cập trong báo cáo của UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 6/6. Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) đang chuẩn bị thủ tục đấu thầu tìm đơn vị thay thế sau khi chấm dứt hợp đồng với tư vấn IC (tư vấn thực hiện tuyến Metro).

Cụ thể, hợp đồng tư vấn IC sau khi kết thúc, những phần việc còn lại và phát sinh sẽ chuyển vào gói thầu mới là Tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công (CS2B) để đấu thầu. Việc này ảnh hưởng tiến độ tuyến Metro số 2, bởi Dự án phụ thuộc vào việc tuyển chọn nhà thầu tư vấn mới, từ 12 - 18 tháng.

Hiện, MAUR đã làm việc với các nhà tài trợ tuyến Metro số 2, dự kiến chọn được tư vấn CS2B vào tháng 9/2023. Các gói thầu chính sẽ được phát hồ sơ mời cuối năm 2024 trước khi khởi công một năm sau đó. Việc thi công tuyến metro sẽ hoàn thành năm 2030 và thêm 2 năm cho công tác bảo hành.

Trước đó, năm 2012, MAUR ký hợp đồng tư vấn IC (đứng đầu là công ty của Đức) cho Dự án Metro số 2 trị giá gần 44 triệu Euro. Hợp đồng chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn A trị giá gần 13 triệu Euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B hơn 31 triệu Euro để giám sát thi công.

Do quá trình điều chỉnh Dự án trước đây kéo dài nên từ tháng 10/2018, hợp đồng tư vấn cho giai đoạn A đã tạm ngưng.

Metro số 2 tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao.Theo kế hoạch trước đó, Dự án khởi công năm nay và đưa vào khai thác vào năm 2026.

Kiến nghị tái khởi động đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) kiến nghị khởi động lại tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân, vốn bị dừng từ 10 năm trước do thiếu vốn.

Bản đồ tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Bản đồ tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Ban Quản lý dự án đường sắt vừa kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam xem xét bố trí vốn để đơn vị này chọn đơn vị tư vấn lập nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án, đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân trước đây. Trên cơ sở nghiên cứu, các đơn vị sẽ đề xuất quy mô và phương án đầu tư để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân được khởi công năm 2005, gồm 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ; tổng đầu tư 7.665 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu chính phủ, chia thành 4 tiểu dự án.

Trong quá trình triển khai, do ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô, Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ năm 2011. 6 km gần cảng Cái Lân được hoàn thành năm 2014, còn lại 125 km đường sắt thuộc 3 tiểu dự án bị dừng thi công từ năm 2013.

Trong khi hệ thống hạ tầng chưa thi công, một số gói thầu mua sắm ray, tà vẹt vẫn được thực hiện. Hiện số tà vẹt, ray trị giá 742 tỷ đồng phải bảo quản tạm ở một số ga dọc tuyến.

Dự án ngưng trệ còn khiến các công trình phục vụ đường sắt đoạn Lim (Bắc Ninh) - Phả Lại (Quảng Ninh) dài gần 40 km đang thi công thì dừng lại…

Thời gian qua, cử tri và chính quyền địa phương có tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân đi qua đã kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục thực hiện bởi hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do nằm trong quy hoạch dự án.

Hai phương án bảo tồn cầu sắt 120 năm tuổi ở TP.HCM

Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM đề xuất bảo tồn tổng thể cầu sắt Bình Lợi để giữ gìn giá trị lịch sử dù kinh phí cao hơn phương án chỉ tu bổ hai nhịp cầu.

Cầu Bình Lợi (màu trắng) khi chưa tháo dỡ

Cầu Bình Lợi (màu trắng) khi chưa tháo dỡ

Nội dung trên vừa được Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM gửi Sở GTVT, để tham mưu chính quyền Thành phố bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi.

Theo đó, phương án một sẽ tu bổ, phục hồi hai nhịp cầu (vệ sinh, sơn chống gỉ, thay các thanh gối đường ray...) cùng một tháp canh với kinh phí gần 13 tỷ đồng. Việc này giúp công trình được tu bổ kịp thời, nhưng khó thi công, do không có công trình phụ trợ nên sẽ không bảo vệ được công trình...

Phương án hai cầu sẽ được bảo tồn toàn bộ sau khi được bàn giao. Cách này phù hợp quy định, có thể xây dựng đường dẫn, công trình phụ trợ, dự trù kinh phí... Sau khi tu bổ, phục hồi, công trình cũng phát huy được các giá trị.

Cầu sắt Bình Lợi cũ được đánh giá có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của TP.HCM và đường sắt Việt Nam. Công trình hiện đủ tiêu chí xếp hạng di tích, tuy nhiên cần có đề nghị từ phía cơ quan sở hữu. Do vậy, sau khi Bộ GTVT bàn giao cho TP.HCM quản lý, các phương án bảo tồn tổng thể sẽ tiếp tục được Sở Văn hoá và Thể thao tham mưu, đề xuất.

Cầu sắt Bình Lợi cũ bắc qua sông Sài Gòn, nối TP. Thủ Đức qua quận Bình Thạnh, đưa vào khai thác năm 1902 - là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên do một công ty của Pháp xây dựng. Công trình dài 276 m với 6 nhịp, có kết cấu vòm thép, mặt gỗ và đường ray xe lửa chạy qua. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ TP. Thủ Thủ Đức qua quận Bình Thạnh có một tháp canh, trên vách có dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948".

Chuyên đề