Bản tin thời sự sáng 7/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động bình thường; Hải Phòng điều chỉnh quy định kiểm soát tất cả người ra vào; Quảng Ninh cho xe khách hoạt động trở lại; TP.HCM hủy bắn pháo hoa; cựu Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên, đồng phạm gây thất thoát hơn 830 tỷ…

Sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động bình thường

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định sân bay hoạt động bình thường sau ca dương tính nCoV là nhân viên làm việc tại đây.

Sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động bình thường

Sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động bình thường

Ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tối 6/2 cho biết người này là nhân viên chuyên xếp hành lý, điều phối hàng trên máy bay, không làm công việc có tiếp xúc khách. Sau khi có kết quả dương tính, phía sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) TPHCM cùng các bên liên quan lập tức phun xịt, khử khuẩn toàn bộ sân bay, khoanh vùng, sàng lọc F1, F2 để lấy mẫu.

Hiện sân bay trong cao điểm phục vụ Tết và trường hợp nhân viên nói trên không ảnh hưởng đến các hoạt động tại đây. Việc phòng dịch được duy trì và thắt chặt, dưới sự kiểm soát của nhiều bên để đảm bảo không sai sót.

Liên quan ca bệnh này, Cảng vụ hàng không miền Nam cũng cho biết, cơ quan y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm khoảng 1.000 nhân viên của sân bay. Theo chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, tất cả F1, F2 và toàn bộ nhân viên sân bay phải tiến hành lấy mẫu sớm.

Từ ngày 30/1, HCDC lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên làm việc tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến trưa 5/2 đã lấy được 5.900 mẫu xét nghiệm trên tổng số mẫu dự kiến của nhân viên sân bay là 7.000. Tối 5/2, kết quả ghi nhận 5.899 mẫu âm tính và một mẫu nhiễm nCoV, là "bệnh nhân 1979".

Hải Phòng bỏ quy định người ra vào Thành phố phải trình giấy xác nhận lý do

Sau gần một ngày triển khai quy định công dân ra vào Hải Phòng phải xuất trình xác nhận của UBND cấp xã, thành phố này vừa có thông báo bỏ quy định này.

Công dân ra vào TP. Hải Phòng không cần có giấy xác nhận của UBND cấp xã

Công dân ra vào TP. Hải Phòng không cần có giấy xác nhận của UBND cấp xã

Trước đó, chiều ngày 5/2/2021, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Thông báo số 58/TB-UBND chỉ đạo về một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Theo thông báo mới, để phù hợp với tình hình thực tế, UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.

Công dân ra, vào Thành phố không phải xuất trình xác nhận của UBND cấp xã.

Thực hiện khai bác y tế tại các chốt kiểm soát ra, vào Thành phố (trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào Thành phố); khai báo y tế tại các tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở thôn, tổ dân phố; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung khai báo và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Trước đó, từ 12h ngày 6/2, TP. Hải Phòng đã thực hiện kiểm soát tất cả các công dân ra và vào Thành phố.

Người vào Thành phố thì phải có giấy xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn, phường tại nơi đi, trong đó nêu rõ lý do, lịch trình vào Thành phố.

Quảng Ninh cho xe khách hoạt động trở lại

Các tuyến vận tải vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy ở Quảng Ninh được hoạt động trở lại từ 12h ngày 6/2.

Quảng Ninh cho xe khách hoạt động trở lại từ 12h ngày 6/2

Quảng Ninh cho xe khách hoạt động trở lại từ 12h ngày 6/2

Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh cho biết việc hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Đối với vận tải đường thủy, hoạt động bình thường trở lại trừ tuyến Cái Rồng đi các đảo và ngược lại. Nếu khách có nhu cầu đi các đảo sẽ đi từ bến Vũng Đục, TP. Cẩm Phả.

Đối với vận tải khách đường bộ liên tỉnh, Quảng Ninh cho phép xe khách hoạt động trên các tuyến quốc lộ 10, 18, 4B và cao tốc CT09. Các tuyến vận tải khách đường bộ nội tỉnh, phạm vi hoạt động ngoài vùng phong tỏa tại thị xã Đông Triều, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) và tỉnh Hải Dương.

Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh yêu cầu các hãng xe khách chỉ được phép chở 50% số ghế trong mọi thời điểm. Các tuyến xe cố định chỉ được đón khách tại bến xe, không đón dọc đường. Sau khi đón khách, nhà xe phải lập danh sách hành khách và có xác nhận của đại diện bến xe.

Đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng, trước khi tổ chức đón khách, nhà xe phải lập danh sách hành khách trên xe, điểm đón/trả và thông báo đến Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh.

Trước đó tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh từ 6h ngày 28/1 để phòng, chống Covid-19...

TP.HCM hủy bắn pháo hoa

Chính quyền TP.HCM quyết định không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa mừng Tết Nguyên đán như mọi năm để phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

TP.HCM hủy bắn pháo hoa đêm giao thừa mừng Tết Nguyên đán

TP.HCM hủy bắn pháo hoa đêm giao thừa mừng Tết Nguyên đán

Trước đó, UBND TP.HCM dự kiến tổ chức bắn pháo hoa chào đón giao thừa Tết Nguyên đán 2021 tại 8 địa điểm. Trong đó, có hai địa điểm tầm cao ở đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và tòa nhà The Landmark 81 - công viên Vinhomes thuộc khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh).

Sáu địa điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm: Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11), Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP. Thủ Đức), Khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược ở huyện Củ Chi, đường Đào Cử - Trung tâm hành chính huyện Cần Giờ.

Trước TP.HCM, Hà Nội cũng đã quyết định huỷ 29 điểm bắn pháo hoa đã dự kiến trước đó và chỉ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm để truyền hình trực tiếp phục vụ người dân. Điểm bắn pháo hoa này sẽ không được tập trung đông người, đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.

Một loạt địa phương khác cũng quyết định huỷ chương trình bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán để phòng chống Covid-19.

Vận hành cống thuỷ lợi lớn nhất miền Tây

Sau 15 tháng thi công, cống Cái Bé (Tiền Giang) tạm vận hành thực hiện vai trò ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất trên diện tích khoảng 20.000 ha.

Công trình cống Cái Bé vận hành tạm

Công trình cống Cái Bé vận hành tạm

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cống Cái Bé đã đạt khoảng 90% khối lượng công trình, các hạng mục chính đã hoàn thành, đảm bảo điều kiện vận hành tạm.

Việc vận hành tạm cống Cái Bé và âu thuyền trên sông Cái Bé từ nay đến hết mùa khô năm 2021 (sớm hơn 10 tháng so với hợp đồng) để phục vụ việc kiểm soát mặn, giữ ngọt cho tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn đã đạt 70% khối lượng công trình, dự kiến vận hành các hạng mục chính vào tháng 6.

Công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé khởi công tháng 11/2019 tại huyện tại Châu Thành và An Biên (Kiên Giang), giai đoạn một có vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn rộng 455 m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15 m; cống sông Cái Bé rộng 85 m, gồm hai khoang và âu thuyền rộng 15 m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng xi lanh thủy lực. Trên cống có cầu, đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài hơn 5,7 km, mặt đê 9 m, phần xe chạy 7 m.

Dự án khi hoàn thành sẽ kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu với tổng diện tích 384.000 ha, trong đó gần 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản...

Bến Rạch Miễu được tăng cường 2 phà giải tỏa khách

Hai phà 100 tấn dù hết niên hạn nhưng vẫn đảm bảo an toàn kỹ thuật, được trưng dụng hoạt động tại bến phà Rạch Miễu (Bến Tre) dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Các phà chạy tại bến phà Rạch Miễu

Các phà chạy tại bến phà Rạch Miễu

Theo ông Phạm Hoài Bảo, Bến trưởng Bến phà Rạch Miễu chiều 6/2 cho biết, 2 phà được Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre cho phép hoạt động. Địa phương đang xin thủ tục đăng kiểm hai phà này. Như vậy bến phà Rạch Miễu hiện có 4 phà loại 100 tấn (3 phà điều từ bến Tân Phú và một phà từ Bộ Giao thông vận tải) cùng hoạt động, trong đó 2 phà hết niên hạn chạy ban ngày.

Cũng theo ông Bảo, phà Rạch Miễu thu phí từ đầu tháng 2, ghi nhận cao điểm có khoảng 900 lượt ôtô qua phà một ngày. Trong những ngày đầu do chỉ có hai phà, cộng với lượng xe từ cầu Rạch Miễu được điều tiết về đông, dẫn đến tình trạng xe xếp hàng dài khoảng một km ở đường dẫn.

Phà Rạch Miễu hoạt động ngày 27/1, sau hơn ba tháng khởi công, tổng đầu tư hơn 100 tỷ đồng, nối quốc lộ 57B phía Bến Tre và Đường tỉnh 864 phía Tiền Giang. Dự án nhằm chống kẹt xe cho cầu Rạch Miễu cách đó 10 km trong khi chờ cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành 5 năm tới.

Sau khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành, bến phà sẽ được dùng cho dự án du lịch ở các xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành.

Cựu Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên, đồng phạm gây thất thoát hơn 830 tỷ

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 19 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị liên quan.

14 trong số 19 bị can bị cơ quan chức năng đề nghị truy tố

14 trong số 19 bị can bị cơ quan chức năng đề nghị truy tố

Bị can Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO), Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS), Trần Văn Khiêm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO), Đậu Văn Hùng (cựu Tổng giám đốc VNS) cùng 15 bị can khác bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận điều tra, sau khi Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT VNS đã ký quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án với tổng mức đầu tư là hơn 3.800 tỷ đồng.

Đơn vị trúng thầu Dự án là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Tháng 7/2007, bị can Mừng đã ký hợp đồng EPC số 01 với đại diện của MCC với tổng giá trị hơn 160 triệu USD.

Sau hơn 11 tháng khởi công xây dựng, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục..., và có nhiều văn bản gửi TISCO đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm là hơn 138 triệu USD.

Theo kết luận điều tra, các bị can Trần Trọng Mừng, Mai Văn Tinh, Đậu Văn Hùng và đồng phạm đã không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm bằng mọi biện pháp tiếp tục thực hiện Dự án.

Theo cáo trạng, hành vi của các bị can đã gây hậu quả thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước số tiền hơn 830 tỷ đồng.

Chuyên đề