Bản tin thời sự sáng 6/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam có 7 tỷ phú trong danh sách thế giới; hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trong quý II; ngày 6/4 hết hạn nộp tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm; đề xuất đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng sân bay Nà Sản…

Việt Nam có 7 tỷ phú trong danh sách thế giới

2022 là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách những người sở hữu tài sản tỷ USD của Forbes.

7 tỷ phú Việt Nam nằm trong danh sách của Forbes năm nay

7 tỷ phú Việt Nam nằm trong danh sách của Forbes năm nay

Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022. Theo đó, Việt Nam năm nay có 7 đại diện.

Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.

Đây là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách. Trừ ông Vượng, các tỷ phú còn lại đều có tài sản tương đương hoặc tăng so với năm ngoái.

Năm nay, ông Phạm Nhật Vượng lần thứ 10 góp mặt, với tài sản 6,2 tỷ USD, đứng thứ 411 thế giới.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng lần thứ 6 góp mặt, với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 984. Bà Thảo hiện giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.

Ông Trần Bá Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, tương đương năm ngoái.

Ông Hồ Hùng Anh lần thứ tư góp mặt trong danh sách này. Tài sản của ông năm nay tăng lên 2,3 tỷ USD.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách năm thứ hai liên tiếp, với 1,9 tỷ USD.

Tỷ phú Trần Đình Long sở hữu 3,2 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái và đứng thứ 951 thế giới.

Để có tên trong danh sách, phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 11/3.

Năm nay, thế giới có 2.668 tỷ phú, ít hơn 87 người so với năm ngoái. Số tỷ phú giảm mạnh nhất là ở Nga và Trung Quốc. Tổng cộng, họ sở hữu 12.700 tỷ USD, giảm 400 tỷ USD so với năm ngoái.

Hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trong quý II

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Pfizer cho trẻ

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Pfizer cho trẻ

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trên cơ sở tiêm chủng đầy đủ, đầu quý III/2022 trẻ được đến trường học hè; cuối quý III trẻ vào năm học mới an toàn.

Hồi tháng 2, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc mua vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định, trình Thủ tướng áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu, để mua vaccine Pfizer.

Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần đôn đốc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ này.

Ngày 10/3, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân để chậm trễ mua vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Sau đó, Bộ Y tế xin phép Thủ tướng tiếp nhận 4,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna, do Australia có thể viện trợ cho Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lô vaccine Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do Australia viện trợ, dự kiến về Việt Nam ngày 10/5, nếu hoàn thiện các thủ tục.

Cả nước có hơn 10 triệu trẻ từ 5 - 12 tuổi chưa tiêm vaccine Covid-19.

Ngày 6/4 hết hạn nộp tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Ngày 6/4 là hết thời hạn 90 ngày để các công ty trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền

Tính đến sáng 5/4, thông tin từ Cục thuế TP.HCM cho biết, hai doanh nghiệp còn lại trúng thầu 2 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá Lô đất số 3.5, phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ; Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá Lô đất số 3.8, phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ.

Cục thuế TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 2, tiền phạt chậm nộp của 2 công ty này tạm tính hơn 11 tỷ đồng mỗi đơn vị.

Quá thời hạn 90 ngày, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế đối với 2 doanh nghiệp này như quy định như cưỡng chế tài khoản, bên thứ ba, ngưng hóa đơn, ngưng xuất cảnh, đề nghị UBND hủy hợp đồng đấu giá, thu hồi quyết định trúng thầu…

Tuy nhiên, phía cơ quan thuế cũng cho hay, do hợp đồng ký giữa công ty và UBND TP.HCM có thời hạn lên 180 ngày nên cơ quan thuế chờ sau thời điểm này, doanh nghiệp có thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền vào ngân sách hay không và khi đó sẽ có các quyết định chi tiết.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã làm việc với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega. Cả hai doanh nghiệp này đều hứa sẽ không bỏ cọc, thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước...

Đề xuất đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng sân bay Nà Sản

UBND tỉnh Sơn La kiến nghị đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Sơn La kiến nghị đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản

UBND tỉnh Sơn La kiến nghị đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư sân bay Nà Sản. Địa phương đề nghị được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.

Dự kiến phần vốn Nhà nước do tỉnh Sơn La cân đối, bố trí khoảng 300 tỷ đồng phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, 1.700 tỷ đồng còn lại sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết đã có một số nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu dự án theo hình thức BOT.

Trong Quy hoạch phát triển giao thông hàng không, Nà Sản là cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, công suất đến năm 2030 đạt 1,5 triệu khách mỗi năm. Khu bay có thể khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Sân bay Nà Sản thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía nam. Được người Pháp xây dựng vào năm 1950, đến những năm 1960, sân bay được khôi phục hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại, sau đó đóng cửa vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu khai thác.

Mở rộng đèo An Khê trên Quốc lộ 19

Đường đèo An Khê trên Quốc lộ 19 (giáp ranh giữa Gia Lai và Bình Định), dài 8 km, nhỏ hẹp, nhiều khúc cua, độ dốc lớn, được mở rộng từ 7 m lên 9 m.

Đèo An Khê với nhiều đường cua khúc khủy, độ dốc cao

Đèo An Khê với nhiều đường cua khúc khủy, độ dốc cao

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Trưởng Phòng điều hành dự án (Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải - chủ đầu tư) cho biết, việc mở rộng đoạn đường đèo nằm ở Gói thầu 01 dài 17 km, trị giá 600 tỷ đồng, thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 19. Gói 01 sẽ được chọn nhà thầu vào quý II năm nay, dự kiến hoàn thành tháng 5/2023.

Đèo An Khê được xem là cung đường nguy hiểm nhất trên tuyến Quốc lộ 19 khi thường xảy ra sự cố, tai nạn, nhất là vào ban đêm. Ngoài mở rộng mặt đường, khu vực đèo còn được tu sửa hệ thống cầu, thoát nước, chiếu sáng; mở rộng các đường cong, tăng tầm nhìn cho tài xế khi chạy xe qua khu vực.

Gói thầu mở rộng đoạn đèo An Khê là một trong 8 gói thầu thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 19, dài hơn 143 km, tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án khởi công từ tháng 6/2021, đến nay hoàn thành 8% tiến độ, dự kiến xong toàn tuyến giữa năm 2023. Đường cũ 7 - 9 m được mở 11 - 14 m, vận tốc 80 km một giờ, giúp rút ngắn thời gian lộ trình 6,5 - 7 tiếng còn 5 tiếng.

Quốc lộ 19 được xây dựng cách đây hơn 100 năm, dài 243 km, bắt đầu từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai).

Ngày 6/4, xử kín cựu Chủ tịch Saigon Co.op chiếm đoạt tài liệu mật Nhà nước

Theo dự kiến, ngày 6/4, Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ xét xử ông Diệp Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Ông Diệp Dũng hầu tòa vào 6/4.

Ông Diệp Dũng hầu tòa vào 6/4.

Bị cáo buộc với vai trò chính trong vụ án, Lê Thị Phương Hồng và Nguyễn Hoài Bắc (cựu cán bộ Công an TP.HCM) bị truy tố về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Theo nội dung vụ án, cuối tháng 9/2020, trong quá trình ông Diệp Dũng làm việc với Cơ quan An ninh điều tra về các sai phạm, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết có người đã cung cấp thông tin liên quan đến quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm.

Cơ quan điều tra sau đó làm việc với cán bộ tham gia xác minh vụ việc, phát hiện Nguyễn Hoài Bắc (thành viên tổ xác minh) đã làm lộ thông tin, còn người tiết lộ các tài liệu điều tra cho ông Dũng là Lê Thị Phương Hồng (bạn gái Bắc).

Theo cáo trạng, khoảng tháng 7/2020, trong các câu chuyện, tin nhắn hàng ngày, Bắc kể cho người tình nghe một số thông tin liên quan tới Saigon Co.op.

Một tháng sau, Bắc được phân công tham gia tổ xác minh sai phạm của Saigon Co.op và đã mang nhiều tài liệu làm việc với ông Diệp Dũng về nhà bạn gái. Nắm được vụ việc, Hồng đã lén đọc, ghi lại số điện thoại ông Dũng.

Sau đó, Hồng nhắn tin làm quen ông Dũng, nói biết sự việc ông này đang bị điều tra, nếu muốn có thể giúp đỡ...

Sau thời gian liên lạc qua điện thoại, Chủ tịch Saigon Co.op hẹn gặp Hồng trao đổi. Bà này gửi một số thông tin về quá trình điều tra tại Saigon Co.op, các sai phạm của ông Dũng. Tiếp đó, Hồng gặp tài xế của ông Dũng, nhận phong bì 100 triệu đồng và mẩu giấy ghi nội dung nhờ theo dõi phản hồi của cơ quan thuế.

Cơ quan tố tụng xác định, trong những thông tin mà Hồng cung cấp cho ông Dũng bao gồm các tài liệu "mật" và "tối mật". Một số thông tin được cảnh sát tìm thấy trùng khớp những tài liệu bị can Bắc đang nắm giữ.

Chuyên đề