Bản tin thời sự sáng 6/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là PC-Covid cho quét QR offline, khai báo y tế một chạm; đề xuất mở đường bay quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ từ quý 4/2021; đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy đoạn trên cao vào cuối năm 2022; Việt Nam nhập siêu 1,45 tỷ USD sau 10 tháng; đề xuất cho doanh nghiệp hoãn tạm nộp 75% thuế thu nhập cả năm…

PC-Covid cho quét QR offline, khai báo y tế một chạm

PC-Covid vừa có bản cập nhật lớn, cho phép quét mã QR không cần kết nối Internet, hỗ trợ khai báo y tế nhanh, sửa thông tin cá nhân sai.

PC-Covid 4.1.0 có thể quét QR dù smartphone không kết nối mạng

PC-Covid 4.1.0 có thể quét QR dù smartphone không kết nối mạng

Phiên bản PC-Covid 4.1.0 vừa được đưa lên App Store cho các thiết bị iOS. Ứng dụng được tự động cập nhật, hoặc người dùng có thể lên kho ứng dụng, tìm PC-Covid và chọn Cập nhật. Phiên bản cho Android dự kiến có trong vài ngày tới.

Thay đổi lớn trong phiên bản mới nằm ở tính năng khai báo y tế. Khi truy cập mục này, người dùng có các tùy chọn: Khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa cho bản thân hoặc khai hộ người khác, xem lại danh sách tờ khai. Ngoài ra, mục này được bổ sung phần Khai báo y tế nhanh.

Nếu thấy sức khỏe bình thường, người dùng chỉ cần chạm vào phần này để được ghi nhận. Nhờ đó, việc khai báo rút ngắn từ ba thao tác xuống còn một lần bấm duy nhất. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường như sốt, ho, khó thở... hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với người có những dấu hiệu trên, người dùng mới cần khai báo chi tiết như trước.

Trong khi đó, tính năng quét QR offline cũng bắt đầu được triển khai. Nếu điện thoại không kết nối mạng, người dùng PC-Covid bản cũ không thể khai báo y tế hay quét mã QR. Còn với phiên bản mới, ứng dụng sẽ ghi nhận "Kiểm tra thành công", đồng thời hiển thị biểu tượng "đang gửi thông tin". Dữ liệu sẽ được cập nhật lên hệ thống khi máy có kết nối Internet trở lại.

Ở phần thông tin tiêm, người dùng đã có thể xem lại được số mũi tiêm, cùng các thông tin như loại vaccine, số lô, ngày tiêm và tên đơn vị tiêm chủng. Các thông tin này giúp tra cứu lịch sử tiêm ngay trên PC-Covid thay vì phải mở Sổ sức khỏe điện tử như trước.

Đề xuất mở đường bay quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ từ quý 4/2021

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng đón khách quốc tế từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng đón khách quốc tế từ quý 4/2021

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng đón khách quốc tế từ quý 4/2021

Ngày 5/11, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch tổ chức chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đi và đến Việt Nam với 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tập trung đón người Việt Nam về nước và du khách quốc tế đi theo tour. Cụ thể, quý 4/2021, các hãng mở đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia với hình thức chuyến bay trọn gói (combo).

Giai đoạn này, khách du lịch quốc tế có thể đến một số địa phương như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam... Khách nước ngoài cần có giấy xét nghiệm âm tính, tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành…

Giai đoạn 2, từ tháng 1/2022, thí điểm chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam với 4 chuyến/tuần cho mỗi bên. Hành khách là người Việt Nam và người nước ngoài từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia và các thị trường an toàn khác.

So với đề xuất trước, Cục Hàng không Việt Nam mở thêm 3 thị trường là Anh, Lào, Campuchia.

Giai đoạn 3, từ tháng 4/2022, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam, áp dụng hộ chiếu vaccine, người Việt Nam và du khách nước ngoài sẽ không phải cách ly sau nhập cảnh. Thị trường được mở rộng, tần suất ban đầu là 7 chuyến/mỗi tuần cho mỗi hãng.

Giai đoạn 4 thực hiện từ tháng 7/2022, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam, áp dụng cho công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng. Các hãng được bay tần suất không hạn chế.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy đoạn trên cao vào cuối năm 2022

Tiến độ toàn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đạt 74%, trong đó đoạn trên cao đạt gần 90%, dự kiến khai thác đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử qua đoạn nút giao thông Mai Dịch

Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử qua đoạn nút giao thông Mai Dịch

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin (BRM) cho biết, dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP. Hà Nội đã triển khai 10/10 gói thầu chính nhưng trong gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.

Tiến độ tổng thể chung đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,5%; tiến độ đoạn ngầm 32,2%). Do vấn đề giải phóng mặt bằng, nhà thầu dừng thi công từ tháng 7.

Đoạn trên cao dài 8,5 km từ Depot Nhổn đến ga S8 (đoạn Đại học Giao thông Vận tải) dự kiến đưa vào khai thác vận hành tháng 12/2022. Với đoạn đi ngầm (4 km) từ ga S9 (bãi xe Ngọc Khánh cũ) đến ga S12 (trước ga Hà Nội), MRB không nêu thông tin thời gian hoàn thành.

Đây là lần thứ ba đoạn Metro Nhổn - ga Hà Nội bị lùi tiến độ. Theo phê duyệt ban đầu, Dự án hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh thời gian vận hành đoạn trên cao đến tháng 4/2021 và vận hành toàn tuyến tháng 12/2022.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, khởi công từ tháng 9/2010.

Dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.

Việt Nam nhập siêu 1,45 tỷ USD sau 10 tháng

Xuất siêu trở lại trong tháng 10 với mức 1,1 tỷ USD nhưng luỹ kế 10 tháng Việt Nam vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020, ước đạt hơn 267,9 tỷ USD

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020, ước đạt hơn 267,9 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục trong tháng 10 khi tăng 1% so với tháng 9, đạt kim ngạch trên 27 tỷ USD.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020, ước đạt hơn 267,9 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu cả nước, gần 74% với 198,16 tỷ USD trong 10 tháng. Doanh nghiệp trong nước xuất khẩu gần 70 tỷ USD, chiếm hơn 26% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Công nghiệp, chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, chiếm tỷ trọng hơn 86% với gần 230,7 tỷ USD. Trong số này, xuất khẩu sắt thép các loại tăng 132% so với cùng kỳ, ước đạt 9,65 tỷ USD. Máy móc thiết bị phụ tùng dụng cụ các loại đạt gần 29,6 tỷ USD tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết tháng 10 chỉ đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 9 và tăng 8,1% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 10 tháng Việt Nam nhập khẩu gần 269,4 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, cán cân thương mại tháng 10 xuất siêu 1,1 tỷ USD, nhưng 10 tháng vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Đề xuất cho doanh nghiệp hoãn tạm nộp 75% thuế thu nhập cả năm

Bộ Tài chính dự kiến hoãn yêu cầu doanh nghiệp phải tạm nộp 75% thuế thu nhập cả năm và hứa sửa đổi theo hướng phù hợp hơn.

Bộ Tài chính sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép tạm thời chưa áp dụng quy định doanh nghiệp phải tạm nộp thuế ba quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế cả năm.

Bộ Tài chính sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép tạm thời chưa áp dụng quy định doanh nghiệp phải tạm nộp thuế ba quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế cả năm.

Theo quy định tại Nghị định 126, đến hạn cuối là ngày 30/10, doanh nghiệp phải tạm nộp tiền thuế ba quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế cả năm. Trường hợp nộp thiếu, doanh nghiệp sẽ bị tính tiền chậm nộp thuế.

Bộ Tài chính thừa nhận, nếu thực hiện tính tiền chậm nộp theo quy định tại Nghị định 126 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong quý 3 năm nay, có 23 tỉnh phải giãn cách xã hội nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tạm ngừng trong thời gian này. Nhiều đơn vị không có nguồn thu và không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải tạm nộp.

Tình hình dịch bệnh trong quý 4 bớt phức tạp, nhiều địa phương bỏ giãn cách nên Bộ Tài chính cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phát sinh chủ yếu trong quý 4.

Để doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép tạm thời chưa áp dụng quy định doanh nghiệp phải tạm nộp thuế ba quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế cả năm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép sửa đổi quy định về tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thời điểm tính tiền chậm nộp phù hợp hơn.

Đề nghị tăng bay nội địa chuyến khứ hồi mỗi ngày

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tăng từ 6 lên 19 chuyến khứ hồi mỗi ngày trên các đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng – TP.HCM.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tăng tần suất chuyến khứ hồi mỗi ngày

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tăng tần suất chuyến khứ hồi mỗi ngày

Nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách tăng cao trên đường bay chính, Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi văn bản đề tăng chuyến bay đến Bộ Giao thông Vận tải. Dự kiến Vietnam Airlines, Vietjet Air mỗi hãng bay 6 chuyến khứ hồi mỗi ngày, Bamboo Airways và Pacific Airlines mỗi hãng 3 chuyến, Vietravel Airlines một chuyến.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị tăng tần suất các chặng khác lên 9 chuyến khứ hồi mỗi ngày (hiện không quá 4 chuyến), tiến tới khai thác tần suất bình thường như trước dịch từ tháng 12.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, quy định hạn chế tần suất bay được áp dụng đến ngày 30/11 nên các hãng hàng không khó khăn trong việc lập kế hoạch mùa đông, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Nhà chức trách hàng không cũng đề nghị bỏ quy định chuyển thông tin hành khách từ ứng dụng PC-Covid của Bộ Thông tin và Truyền thông đến ngành hàng không, rồi lại chuyển tới địa phương. Thay vào đó, các địa phương sẽ tự tiếp nhận thông tin hành khách từ ứng dụng.

Quy định "không cung cấp dịch vụ trên chuyến bay" cũng được đề nghị bãi bỏ, bởi gây bất tiện cho hành khách, đặc biệt là nhóm trẻ em, trong khi các quầy dịch vụ ăn uống tại sân bay dừng hoạt động để đảm bảo phòng dịch.

Sau giai đoạn thí điểm, từ ngày 21/10, ngành hàng không đã mở lại toàn bộ đường bay nội địa song vẫn hạn chế tần suất bay.

Chuyên đề