Bản tin thời sự sáng 5/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cách ly 7 ngày người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine; ứng dụng Now hoạt động trở lại tại Hà Nội từ ngày 4/8; cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an bị truy tố nhận hối lộ 5 tỷ đồng; Quảng Ninh cấm tắm biển từ 12h ngày 4/8; 1.000 bộ test nhanh Covid-19 nhập lậu bị thu giữ tại Hà Nội…

Cách ly 7 ngày người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine

Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và xét nghiệm PCR âm tính sẽ được cách ly tập trung 7 ngày, theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.

Cách ly 7 ngày người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine

Cách ly 7 ngày người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản về việc giảm thời gian cách ly tập trung với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Theo đó, người nhập cảnh sẽ được giảm thời gian cách ly tập trung nếu kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong 72h, có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nước thực hiện xét nghiệm cấp; đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, liều cuối cùng tiêm trong ít nhất 14 ngày, không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh và có giấy chứng nhận tiêm chủng.

Ngoài ra, người từng bị nhiễm Covid-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền nước điều trị cấp, thời hạn không quá 6 tháng, cũng được giảm thời gian cách ly tập trung khi nhập cảnh.

Sau khi nhập cảnh, những người này sẽ được xét nghiệm vào ngày đầu và ngày thứ 7. Hoàn thành cách ly tập trung, những người này về nơi lưu trú phải thực hiện 5K, luôn bật ứng dụng Bluezone.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh của nước ngoài.

Ứng dụng Now hoạt động trở lại tại Hà Nội từ ngày 4/8

Now mở lại dịch vụ đi chợ hộ và giao hàng hóa thiết yếu tại 5 quận ở Hà Nội từ ngày 4/8. Dịch vụ giao đồ ăn của Now vẫn dừng hoạt động.

Now là ứng dụng đầu tiên trở lại hoạt động giao hàng và đi chợ hộ tại Hà Nội

Now là ứng dụng đầu tiên trở lại hoạt động giao hàng và đi chợ hộ tại Hà Nội

Cụ thể, Now cung cấp dịch vụ NowFresh (đi chợ hộ) và NowShip (giao hàng hoá thiết yếu) tại 5 quận gồm Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Thanh Xuân tại Hà Nội. Dịch vụ giao đồ ăn NowFood vẫn dừng hoạt động.

Now cho biết chỉ những tài xế đạt điều kiện, được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt và đảm bảo các quy tắc phòng dịch Covid-19 mới được phép hoạt động giao hàng.

Tài xế của hãng này được yêu cầu đo thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày trước khi bắt đầu làm việc. Trong quá trình làm việc, tài xế phải luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với khách hàng, không được tụ tập đông người. Ngoài ra, Now cũng yêu cầu tài xế sát khuẩn trước và sau mỗi lần giao hàng, vệ sinh túi giao hàng thường xuyên.

Now là ứng dụng đầu tiên cung cấp dịch vụ trở lại tại Hà Nội trong nhóm các ứng dụng như Grab, Baemin, Gojek và Be. Ứng dụng này đã dừng cung cấp các dịch vụ từ ngày 28/7 dù không nằm trong nhóm được UBND Hà Nội điểm tên yêu cầu dừng hoạt động gồm Grab, Be, Gojek, MyGo và FastGo.

Cũng theo UBND Hà Nội, nhân viên vận chuyển của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử vẫn được hoạt động trong giai đoạn Thành phố thực hiện giãn cách, tuy nhiên shipper khi đi giao hàng phải có tin nhắn xác nhận từ Sở Giao thông vận tải.

Cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an bị truy tố nhận hối lộ 5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Duy Linh, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an, bị VKSND Tối cao cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm").

Cựu tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an bị truy tố nhận hối lộ 5 tỷ đồng

Cựu tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an bị truy tố nhận hối lộ 5 tỷ đồng

Ông Linh bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ theo Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt lên tới 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Liên quan vụ án, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") bị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo Khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 12 - 20 năm tù; Hồ Hữu Hòa bị truy tố về tội Môi giới hối lộ theo Khoản 4 Điều 365 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 8 - 15 năm tù.

Theo cáo trạng, Vũ "Nhôm" là thuộc cấp của ông Linh. Năm 2017, Vũ biết đang bị điều tra trong vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nên nhờ Hồ Hữu Hòa, người hành nghề phong thuỷ có quen ông Linh, giới thiệu với ông Linh nhằm xin giúp đỡ. Ông Linh đồng ý nói chuyện với Vũ, nhắn yên tâm "người ta chỉ phá Vũ về kinh tế, chứ không sao".

Nhà chức trách cho biết đã thu thập được tin nhắn ông Linh nhờ Hòa nhắn Vũ đưa tiền. Hoà cũng khai từng nói với Vũ: "Anh Linh nhờ em nói anh cho anh Linh xin 10 tỷ đồng".

Tháng 8/2017, qua Hoà, Vũ chuyển 5 tỷ đồng. Ông Linh chỉ đạo lái xe, trợ lý nhận số tiền này từ Hòa, mang về để trong phòng làm việc. Ngày 17/12/2017, sau khi nhận tiền, ông Linh khuyên: "Tình hình rất căng... nên đi du lịch qua màn ảnh nhỏ một thời gian ngắn, cố gắng qua nước châu Âu".

Hiểu lời khuyên này, Vũ trốn ra nước ngoài hôm 20/12/2017, đúng ngày bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, tạm giam. Ngày 4/1/2018, Vũ bị bắt ở Singapore.

Ngày 16/6, ông Linh bị khởi tố về tội Nhận hối lộ khi vẫn đang công tác tại Bộ Công an. Hiện, cựu Tổng cục phó bị tạm giam tại trại T16 Bộ Công an.

Quảng Ninh cấm tắm biển từ 12h ngày 4/8

Các bãi tắm công cộng, dịch vụ văn hóa, thể thao… trên địa bàn Quảng Ninh tạm dừng hoạt động, từ 12h ngày 4/8.

Bãi tắm Hòn Gai trước khi bị cấm tắm

Bãi tắm Hòn Gai trước khi bị cấm tắm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, yêu cầu trên nhằm "giữ vững địa bàn an toàn". Đến nay, Quảng Ninh là một trong bốn tỉnh của cả nước đã qua 37 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, rạp chiếu phim, karaoke, bar, pub, club, dịch vụ thẩm mỹ, trò chơi điện tử... cũng được yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Các khu, điểm du lịch; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tạm thời không đón khách tham quan, chỉ thực hiện nghi thức tôn giáo nội bộ.

Hàng quán đường phố, cà phê, giải khát, quán nước, không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang đi; nhà hàng, quán ăn trong nhà được phép hoạt động nhưng phải có tấm chắn giọt bắn và sắp xếp giãn cách chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang đi.

Người từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR kết quả âm tính không quá 72 giờ kể từ lúc lấy mẫu; trường hợp quá 36 giờ kể từ lúc có kết quả xét nghiệm, phải xét nghiệm test nhanh tại các chốt kiểm soát.

Đề xuất rút ngắn thủ tục đầu tư Vành đai 3 TP.HCM

TCIP đề xuất để Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hoàn tất chủ trương đầu tư Vành đai 3, giao các địa phương thực hiện.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) gửi Sở GTVT, nhằm đánh giá và triển khai các đầu việc tiếp theo. Trước đó TP.HCM được giao chủ trì, cùng Bộ GTVT hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

Theo TCIP, hiện Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sẽ phải bổ sung thủ tục, không kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 2, dự kiến tháng 10 tới. Do đó, Bộ GTVT hoàn tất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua sẽ rút ngắn thủ tục, phù hợp quy hoạch dự án trước đó.

Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Sau 10 năm được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài khoảng 16 km đã đầu tư hoàn thành.

Theo nghiên cứu tiền khả thi vừa được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) thực hiện, giai đoạn hoàn thiện Vành đai 3 có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h và đường song hành hai bên.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một khi chưa tính lãi vay gần 82.600 tỷ đồng, gồm hơn 51.700 tỷ đồng cho dự án thành phần một và gần 33.000 tỷ đồng cho dự án thành phần 2. Trong đó dự án thành phần một, các địa phương là cơ quan có thẩm quyền đầu tư bằng ngân sách. Dự án thành phần 2 làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

1.000 bộ test nhanh Covid-19 nhập lậu bị thu giữ tại Hà Nội

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện Phan Anh Tuấn nhập lậu 1.000 bộ test nhanh Covid-19 để bán kiếm lời.

1.000 bộ test nhanh Covid-19 nhập lậu bị thu giữ tại Hà Nội

1.000 bộ test nhanh Covid-19 nhập lậu bị thu giữ tại Hà Nội

Lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đang tiếp tục xác minh hành vi của Phan Anh Tuấn để có hướng xử lý tiếp theo.

Trước đó, Đội cảnh sát kinh tế Công an Quận phát hiện Tuấn đang tập kết nhiều bộ test nhanh ở một khu đô thị để chuẩn bị giao cho khách. Bộ test này do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân với bộ kit test nhanh Covid-19 tăng cao nên đã nhập lậu nhiều bộ về bán. Tuấn gom số lô hàng này qua đường tiểu ngạch của nhiều nước, không có hóa đơn chứng từ, không được các cơ quan y tế cấp phép lưu hành. Giá bán từ 1,2 - 1,4 triệu đồng một hộp.

Theo cảnh sát, Tuấn không có ngành nghề đăng ký kinh doanh liên quan lĩnh vực y tế. Hà Nội đang giãn cách xã hội nhưng Tuấn vẫn rao bán trên mạng xã hội và thuê người giao hàng. Tuấn thừa nhận lô hàng này nếu bán trót lọt sẽ lãi vài trăm triệu đồng.

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định tiếp xúc với F0 khi chơi golf trong thời gian giãn cách

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định và một người đang công tác tại Cục Thuế của tỉnh Bình Định trong lúc đi chơi golf đã tiếp xúc gần trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định tiếp xúc với F0 khi chơi golf trong thời gian giãn cách

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định tiếp xúc với F0 khi chơi golf trong thời gian giãn cách

Lãnh đạo tỉnh Bình Định xác nhận đã nắm được thông tin nêu trên, đồng thời cho biết đã giao Sở Y tế kiểm tra, đề xuất xử lý theo đúng quy định nếu có vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng của TP. Quy Nhơn, 4 trường hợp gồm: ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Công Thành - công tác tại Cục Thuế tỉnh Bình Định và 2 người khác (làm việc tại 2 doanh nghiệp ở TP. Quy Nhơn).

Bốn trường hợp kể trên tường trình từ ngày 31/7 - 1/8, họ chơi tại một sân golf ở TP. Quy Nhơn.

Tại đây, 4 người này có tiếp xúc gần với nhân viên sân golf là chị T.T.Q. Chị này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3/8.

Hiện Sở Y tế tỉnh Bình Định đã ra quyết định cách ly tập trung 4 trường hợp nêu trên.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu tạm dừng hoạt động quán ăn uống vỉa hè, hoạt động văn hóa thể thao, giải trí tại các điểm công cộng kể từ 0h ngày 1/6. Từ ngày 1/8, tỉnh này cũng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19.

17 con hổ nuôi trái phép bị phát hiện tại Nghệ An

Hàng chục cảnh sát đột kích một số cơ sở nuôi động vật hoang dã trái phép, thu 17 con hổ, vào sáng ngày 4/8.

Xe chở một số con hổ nhốt trong lồng sắt được che kín bạt màu vàng cam, trên đường vận chuyển tới một khu sinh thái ở Nghệ An, theo quyết định của nhà chức trách

Xe chở một số con hổ nhốt trong lồng sắt được che kín bạt màu vàng cam, trên đường vận chuyển tới một khu sinh thái ở Nghệ An, theo quyết định của nhà chức trách

Vụ bắt giữ do cảnh sát môi trường và các đơn vị liên quan của Công an Nghệ An thực hiện. Một trong số các cơ sở nuôi trái phép đóng ở địa phận xã Đô Thành (huyện Yên Thành).

Nhà chức trách thu 17 con hổ còn sống, trong đó có con nặng vài tạ. Trong sáng nay, các con hổ được cho vào lồng sắt, chuyển tới trung tâm cứu hộ động vật để gửi, chăm sóc.

Công an Tỉnh cho hay, sự việc đang được làm rõ nên chưa cung cấp chi tiết.

Chuyên đề