Bản tin thời sự sáng 5/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phấn đấu 25 đến 50 đại biểu Quốc hội khóa XV là người ngoài Đảng; Thủ tướng phê duyệt đề án lắp camera giám sát trên toàn quốc; hủy nhiều tàu Bắc - Nam do dịch Covid-19; chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp; xét nghiệm Covid-19 toàn bộ nhân viên tại các sân bay…

Phấn đấu 25 đến 50 đại biểu Quốc hội khóa XV là người ngoài Đảng

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50; đại biểu trẻ tuổi khoảng 50 và đại biểu tái cử khoảng 160.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày 4/2, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV dự kiến là 500 người.

Trong đó, đại biểu Quốc hội ở Trung ương là 207 (chiếm 41,4%); đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 (chiếm 58,6%).

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dự kiến nói trên là kết quả của những buổi làm việc, trao đổi, thống nhất với đại diện Ban Thường trực MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, và với Quân ủy trung ương, Đảng ủy Công an trung ương.

Số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV được dự kiến trên cơ sở đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5. 95 ngày trước ngày bầu cử, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành ở Trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương/địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng phê duyệt đề án lắp camera giám sát trên toàn quốc

Đề án với kinh phí 2.150 tỷ đồng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Bộ Công an xây dựng, được chia làm 3 dự án.

Camera được lắp đặt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Camera được lắp đặt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Đây là những điểm nổi bật trong Đề án Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính được Thủ tướng phê duyệt.

Đề án có tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện từ năm 2021 - 2025.

Dự án thứ nhất do Cục Cảnh sát giao thông làm chủ đầu tư với khoảng 850 tỷ đồng để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera.

Dự án này ngoài xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc...

Với dự án thứ hai, thứ ba có cùng nội dung đầu tư, nâng cấp Trung tâm chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM sẽ do công an của các thành phố này làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến mỗi dự án là 650 tỷ đồng.

Tại 2 dự án, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, TP.HCM sẽ xây dựng thêm hệ thống phần mềm tự động phát hiện xe vi phạm, tự động cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông và các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tự động cảnh báo, hiển thị xe thuộc diện phải giám sát….

Chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp

VN-Index giằng co quyết liệt quanh tham chiếu khi lực mua và bán cân bằng, sau đó đóng cửa với mức tăng gần 1 điểm.

Chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp

Chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp

Hai phiên tăng mạnh mới đây đã kích hoạt trạng thái chốt lời của lượng hàng tích luỹ từ những phiên giảm mạnh trước đó. Điều này khiến thị trường chứng khoán ngày 4/2 mở cửa trong sắc đỏ, sau đó đảo chiều liên tục. Biên độ dao động càng về cuối phiên càng thu hẹp khi bên mua và bán tương đối cân bằng.

VN-Index đóng cửa ngày tại 1.112,19 điểm, tăng chưa đến 1 điểm so với tham chiếu nhưng duy trì được sắc xanh ba phiên liên tiếp.

Thanh khoản giảm gần 3.500 tỷ đồng so với phiên ngày 3/2, chỉ đạt hơn 12.400 tỷ đồng. Hệ thống không còn tình trạng tắc nghẽn khi số lượng được sang tay trên sàn TP.HCM chỉ hơn 523 triệu cổ phiếu, bằng khoảng 53% so với những ngày cao điểm.

Khối ngoại vẫn tích cực gom hàng và duy trì mạch mua ròng 7 phiên liên tiếp. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.760 tỷ đồng và bán ra xấp xỉ 1.600 tỷ đồng.

Hủy nhiều tàu Bắc - Nam do dịch Covid-19

Do lượng khách đi tàu sụt giảm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo bãi bỏ nhiều đoàn tàu khách trước và sau Tết Tân Sửu 2021.

Hành khách đổi vé tại ga Biên Hòa

Hành khách đổi vé tại ga Biên Hòa

Ngành đường sắt bãi bỏ các tàu SE30 xuất phát ga Sài Gòn các ngày 10, 19, 20/2; tàu SE16 xuất phát Sài Gòn các ngày 19, 20/2; tàu SE10 xuất phát ga Sài Gòn các ngày 27, 28/2; tàu SE29 xuất phát Hà Nội các ngày 21, 22/2; tàu SE15 xuất phát Vinh các ngày 20, 21/2. Tàu SE29 xuất phát ga Hà Nội ngày 8/2 kết thúc hành trình tại ga Vinh thay vì chạy đến TPHCM.

Chặng Hà Nội - Lào Cai cũng hủy một số chuyến tàu như SP3 xuất phát ga Hà Nội ngày 5/2 và 8/2; SP4 xuất phát ga Lào Cai ngày 7/2.

Hành khách có vé các chuyến tàu bị dừng này sẽ được đổi vé miễn phí sang các đoàn tàu khác để tiếp tục hành trình theo yêu cầu hoặc có thể nhận hoàn vé.

Mấy ngày qua, nhiều hành khách đã đến ga Sài Gòn và Dĩ An (Bình Dương) trả lại vé do Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh phía Bắc. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đã có trên 33.000 vé tàu bị trả lại, trị giá gần 30 tỷ đồng, phần lớn các chặng từ phía Nam ra Bắc trước Tết và ngược lại sau Tết.

Đại lộ Vinh - Cửa Lò giải phóng xong mặt bằng sau 10 năm khởi công

Sau 10 năm khởi công, đại lộ Vinh - Cửa Lò (Nghệ An) mới hoàn thành giải phóng mặt bằng và dự kiến thông xe trong quý I năm nay.

Máy múc tháo dỡ tại khu vực hộ dân cuối cùng bàn giao mặt bằng

Máy múc tháo dỡ tại khu vực hộ dân cuối cùng bàn giao mặt bằng

Ngày 4/2, Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết, Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò đã giải phóng mặt bằng được hộ dân cuối cùng nằm ở xã Nghi Phú (TP. Vinh).

Sáng cùng ngày, trên công trường đại lộ Vinh - Cửa Lò đoạn qua địa phận xã Nghi Phú, nhiều máy móc đang khẩn trương san lấp mặt bằng để hoàn thành tiến độ thông xe trong quý 1 năm 2021.

Trước đó, tháng 12/2020, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết đã yêu cầu UBND TP. Vinh bàn giao mặt bằng trong tháng 1/2021. Ông đánh giá đây là dự án trọng điểm, động lực của Tỉnh.

Công trình có ý nghĩa tạo trục giao thông kết nối nhanh 2 khu vực đô thị là TP. Vinh và thị xã Cửa Lò, hình thành trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở thu hút đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Về lâu dài, công trình được chia thành 5 phân khu với chức năng riêng như khu vực thương mại, đào tạo, không gian xanh, du lịch, giải trí...

Đây là dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2010 với mức đầu tư 4.157 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Quy mô dự án dài 10,8 km, mặt đường rộng 160 m; điểm đầu giao với đường Trương Văn Lĩnh (xã Nghi Phú, TP. Vinh), điểm cuối giao với đường Bình Mình (thị xã Cửa Lò).

Xét nghiệm Covid-19 toàn bộ nhân viên tại các sân bay

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhân viên toàn bộ cảng hàng không trên cả nước sẽ được xét nghiệm Covid-19.

Phun thuốc khử khuẩn các khu vực trong nhà ga cảng hàng không

Phun thuốc khử khuẩn các khu vực trong nhà ga cảng hàng không

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc chủ động liên hệ và đề nghị UBND các tỉnh thành ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho các nhân viên tại sân bay.

Đến ngày 4/2, kết quả xét nghiệm nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cần Thơ, Vinh, Liên Khương đều âm tính với SAR-CoV-2.

Trong những ngày tới, cán bộ nhân viên tại 16 sân bay còn lại, gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cát Bi, Phú Bài, Buôn Ma Thuột, Phù Cát, Pleiku, Chu Lai, Thọ Xuân, Đồng Hới, Tuy Hòa, Côn Đảo, Điện Biên, Rạch Giá, Cà Mau sẽ tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Bên cạnh đó, các sân bay cũng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên và hành khách, đảm bảo an toàn nhất trong dịp Tết.

Trước đó, Cảng hàng không Nội Bài đã có văn bản để nghị Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên phục vụ tại sân bay này, khi đã có 16 trường hợp là F1.

Khởi tố Phó Phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Bạch Mai

Lý Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế toán, bị cáo buộc liên quan đến vụ án nâng khống máy móc thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai.

Robot Rosa phẫu thuật thần kinh trong một lần được sử dụng năm 2017. Ảnh minh họa

Robot Rosa phẫu thuật thần kinh trong một lần được sử dụng năm 2017. Ảnh minh họa

Ngày 4/2, đại diện Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã ra quyết định khởi tố, khám xét với Lý Thị Ngọc Thủy và Phan Minh Dung nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các bị can được tại ngoại.

Đây là động thái mới nhất trong quá trình C03 điều tra mở rộng vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai trong việc thực hiện đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh theo hình thức xã hội hóa.

Theo tài liệu điều tra, Thủy cùng một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai và Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của pháp luật, chấp thuận cho Công ty BMS nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích trục lợi.

Quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai Hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, những người này bị cáo buộc nâng khống giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng và hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Từ năm 2017 - 2019, bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Chuyên đề