Bản tin thời sự sáng 4/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đà Nẵng tìm đơn vị tư vấn di dời ga đường sắt hơn 100 năm tuổi; đề nghị kiểm toán BOT đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng cho các dự án chống ngập và xử lý nước thải…

Đà Nẵng tìm đơn vị tư vấn di dời ga đường sắt hơn 100 năm tuổi

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang tìm nhà thầu tư vấn cho 5 gói thầu tư vấn thuộc Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng.

Đà Nẵng loay hoay tìm cách di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố

Đà Nẵng loay hoay tìm cách di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố

Ngày 3/7, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (BQL) cho biết đang khẩn trương tìm nhà thầu tư vấn cho 5 gói thầu, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng thuộc Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị.

Các gói thầu đang được BQL mời thầu gồm: Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát, thiết kế - dự toán, lập hồ sơ mời thầu gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị; Tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; Tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tái phát triển đô thị; Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tái phát triển đô thị.

Ga đường sắt Đà Nẵng được xây dựng hơn 100 năm trước, hiện nằm giữa lòng đô thị với hàng loạt điểm giao cắt với đường bộ, tạo áp lực lớn lên giao thông nội thị.

Đề nghị kiểm toán BOT đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương

UBND TP.HCM đề nghị Kiểm toán Nhà nước quan tâm, chấp thuận bổ sung kế hoạch kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Hiện trường công trình xây dựng tuyến nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương đã bị ngưng thi công từ lâu.
Hiện trường công trình xây dựng tuyến nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương đã bị ngưng thi công từ lâu.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước, đề nghị bổ sung kế hoạch kiểm toán Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hợp đồng BOT trong năm 2022.

Nhà đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương. Tổng mức đầu tư Dự án là 1.557 tỷ đồng.

Trước tình hình tiến độ giải ngân của Dự án thấp (chỉ đạt khoảng 140 tỷ đồng tương đương 12% phần khối lượng xây lắp) trong khi thời gian thực hiện đã hết, ngày 24/3/2020, UBND TP.HCM ban hành công văn giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) thông báo với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án các nội dung vi phạm hợp đồng BOT đã ký và yêu cầu khắc phục trong thời gian 90 ngày để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Theo UBND TP.HCM, ngày 14/5/2021, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM về việc không tiếp tục tài trợ vốn vay cho Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương theo hợp đồng tín dụng đã ký kết do doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vi phạm hợp đồng tín dụng, thi công đình trệ, kéo dài nên đã ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng...

Ngày 22/6/2021, UBND TP.HCM chấp thuận việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký kết; đồng thời, giao các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM thủ tục chấm dứt trước thời hạn và tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án theo đúng quy định.

Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng cho các dự án chống ngập và xử lý nước thải

53.318 tỷ đồng là số tiền mà Hà Nội sẽ dành để triển khai các dự án “chống ngập” và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025.

Vừa qua, Hà Nội đã đón nhận nhiều trận mưa lớn gây ngập úng tại nhiều tuyến phố

Vừa qua, Hà Nội đã đón nhận nhiều trận mưa lớn gây ngập úng tại nhiều tuyến phố

Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi, góp phần tiêu thoát nước đô thị Thành phố.

Trong đó, dành hơn 41.067 tỷ đồng (gồm 19.958 tỷ đồng vốn ngân sách, 13.709 tỷ đồng vốn ODA, 7.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa) triển khai 20 dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Trước đó, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 312 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Tại kế hoạch này, hàng loạt các dự án nhằm “chống ngập” cho Hà Nội và các dự án xử lý nước thải đã được đưa ra với số tiền để triển khai ước tính lên đến gần 53.318 tỷ đồng.

Chỉ từ tháng 5 - 6/2022 vừa qua, Hà Nội đã đón nhận nhiều trận mưa lớn gây ngập úng tại nhiều tuyến phố của thủ đô.

Trước tình hình đó, ngày 3/7 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước của Thành phố; Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; Quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Hà Nội sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới, để điều hòa thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch…

Khách ra đảo Lý Sơn phải trả thêm nhiều cước phí

Ngoài giá vé tàu tăng cao, người dân khi ra đảo Lý Sơn đem hành lý vượt 20 kg trở lên phải trả thêm cước vận chuyển hàng hoá, bốc xếp...

Du khách đưa hàng hóa từ Lý Sơn vào đất liền ở cảng Sa Kỳ

Du khách đưa hàng hóa từ Lý Sơn vào đất liền ở cảng Sa Kỳ

Mức phí này được Ban Quản lý cảng Sa Kỳ áp dụng từ đầu tháng 7. Song gặp phản ứng của người dân và chính quyền địa phương, dự kiến ngày mai Sở GTVT tải họp với Ban Quản lý cảng, huyện Lý Sơn và đơn vị vận chuyển hành khách, hàng hóa tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn.

Trước đó, theo thông báo của Ban Quản lý cảng Sa Kỳ, khách khi đi trên tuyến chỉ được miễn cước 20 kg hành lý xách tay, nếu nặng hơn phải trả thêm cước. Với các thùng hàng 10 - 70 kg, giá cước 8.000 - 45.000 đồng một lượt, cùng phí bốc xếp 700 -10.000 đồng mỗi lượt.

Ngoài ra, giá vận chuyển xe máy là 55.000 đồng một lượt, thêm 20.000 đồng bốc xếp; lưu kho thêm phí 5.000 đồng một ngày mỗi chiếc. Xe đạp chịu cước vận chuyển là 20.000 đồng một lượt và 10.000 đồng bốc xếp; phí lưu kho 3.000 đồng mỗi chiếc một ngày.

Theo lý giải của Ban Quản lý cảng, cước vận chuyển mới được căn cứ trên các quy định về vận tải đường thủy nội địa; kế hoạch phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, nhiều người dân Lý Sơn không đồng tình với giá vận chuyển hàng hóa nói trên. Họ cho rằng, mức cước mới khiến người dân ở đảo phải gánh chi phí đi lại, khám chữa bệnh rất lớn, giá hàng hóa bị đội lên cao so với đất liền. Hồi tháng 5, vé tàu ra đảo tăng thêm 35.000 đồng, ở mức 213.000 đồng một vé.

Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nhìn nhận Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá cước vận chuyển vì tác động lớn đến người dân ở đảo. Hiện, đảo Lý Sơn không còn các chính sách ưu đãi như vùng đặc biệt khó khăn, lại thêm giá cước vận tải quá cao khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

Bị lũ cuốn, công nhân mắc kẹt trong đường hầm dài 200m ngập nước ở Điện Biên

Nước lũ bất ngờ tràn vào hầm, cuốn cả 4 công nhân vào đường hầm. Ba người kịp thời thoát ra, nạn nhân còn lại bị mắc kẹt trong đường hầm dài 200m ngập nước.

Mưa lớn khiến công nhân bị cuốn vào hầm theo dòng lũ

Mưa lớn khiến công nhân bị cuốn vào hầm theo dòng lũ

Vào khoảng 6h ngày 3/7, mưa to gây ra lũ tại khe suối bản Phi Lĩnh tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), nơi Công ty TNHH Thương mại số 6 Điện Biên đang thi công thủy điện.

Tại cửa hầm số 3, trong lúc 4 công nhân đang đào hầm thì nước lũ bất ngờ tràn vào, khiến cả 4 người bị cuốn vào trong hầm theo dòng nước. Ba trong số 4 người này may mắn thoát ra ngoài nhưng đều bị thương và đã được chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện Mường Chà để theo dõi, điều trị.

Hiện tại vẫn còn một công nhân sinh năm 1997, trú tại bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ bị kẹt ở trong hầm.

Theo ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết, nước đang ngập cao trong đường hầm dài 200 m. Các đội cứu hộ tập trung dùng máy bơm với công suất lớn hút nước trong hầm để giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt.

Chuyên đề