Bản tin thời sự sáng 4/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 4/10, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19; đề xuất làm 43 trạm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn; khởi công xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; khởi công Sân bay Long Thành vào năm 2021...

Sáng 4/10, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19

Sáng ngày 4/10, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 32 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng.

Sáng 4/10, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19

Sáng 4/10, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19

Tính đến 6h ngày 4/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 3/10 đến 6h ngày 4/10 không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.477 người. Trong đó, 718 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.212 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 4.547 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.020 bệnh nhân Covid-19/1.096 ca mắc.

Tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 1 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Đề xuất làm 43 trạm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất lập 43 trạm để gần 400 xe đạp ở Quận 1 và Quận 3, cho thuê 10.000 đồng một giờ, nhằm phát triển giao thông công cộng.

Xe đạp công cộng thuộc Dự án Xe đạp thông minh E-bike, thử nghiệm ở khu Đại học Quốc gia TP.HCM

Xe đạp công cộng thuộc Dự án Xe đạp thông minh E-bike, thử nghiệm ở khu Đại học Quốc gia TP.HCM

Đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, sau khi cùng nhà đầu tư khảo sát các vị trí và thống nhất với các đơn vị liên quan. Thời gian thí điểm 1 năm, sau đó sẽ đánh giá để xây dựng phương án đầu tư cụ thể nếu muốn nhân rộng.

43 điểm đậu xe sẽ làm trên vỉa hè, trạm buýt ở Quận 1 và dọc hai tuyến Điện Biện Phủ, Võ Thị Sáu (Quận 3) - nơi thành phố đang nghiên cứu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Mỗi điểm đậu xe diện tích 20 - 30 m2 cho 10 - 20 xe đậu.

Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khoá thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động. Người dùng tải và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại và quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất.

Để sử dụng, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng có liên kết với ứng dụng Mobike và cũng dùng ứng dụng này để thanh toán theo tài khoản đăng ký.

Theo Sở Giao thông vận tải, việc phát triển các loại hình xe đạp, xe máy điện công cộng phù hợp khi giúp hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác. Việc này cũng tạo thêm lựa chọn cho người dân, du khách tham quan thành phố, góp phần đa dạng hoá lĩnh vực vận tải hành khách công cộng...

Khởi công xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Sáng 3/10, UBND tỉnh Cao Bằng khởi công hai tuyến đường kết nối thuộc Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Hiện trường xây dựng đường nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Hiện trường xây dựng đường nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Hai đoạn đường Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thuỵ Hùng - Vân Trình dài gần 10 km, nằm trên huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, là hai tiểu dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nối tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8. Hiện tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả phối hợp nghiên cứu báo cáo khả thi, thi tuyển kiến trúc một số công trình trên tuyến, sau đó tỉnh Cao Bằng sẽ phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo chủ trương đầu tư, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km, trong đó 52 km đi qua hai huyện Văn Lãng, Tràng Định của Lạng Sơn và 63 km đi qua TP. Cao Bằng, các huyện Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh (huyện Trà Lĩnh cũ), Hòa An của tỉnh Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Dự án quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, tổng vốn đầu tư 20.930 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nguồn vốn sẽ được huy động từ ngân sách trung ương, địa phương, nhà đầu tư và vốn vay tín dụng. Giai đoạn 1 đến năm 2024 sẽ đầu tư khoảng 93 km từ cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng; giai đoạn 2 sau năm 2025 đầu tư tiếp khoảng 22 km từ huyện Quảng Hòa đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Bộ Giao thông vận tải: Khởi công Sân bay Long Thành vào năm 2021

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ khởi công Dự án Sân bay Long Thành vào năm 2021 và hoàn thành năm 2025. Công tác giải phóng mặt bằng được ưu tiên năm 2020.

Phối cảnh Sân bay Long Thành

Phối cảnh Sân bay Long Thành

Trong báo cáo tình hình triển khai Dự án, Bộ GTVT cho biết, cuối tháng 6/2019, Liên danh tư vấn Nhật - Pháp - Việt (tư vấn JFV) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Sân bay Long Thành.

Trên cơ sở tờ trình của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (chủ đầu tư Dự án), ngày 12/7/2019, Bộ GTVT trình Thủ tướng và Hội đồng Thẩm định nhà nước dự án này, với tổng mức đầu tư 4,789 tỷ USD.

Với tiến độ hiện nay, dự kiến Dự án sẽ được khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Về công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư là UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng quy mô Dự án là thu hồi đất một lần cho toàn bộ 5.000 ha để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 364,21 ha để xây dựng 2 khu tái định cư. Tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng.

Hiện nay, đối với diện tích ưu tiên thu hồi để xây dựng sân bay giai đoạn 1 (1.810 ha), UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã hoàn thành công tác kiểm đếm 630 ha của 1.007 hộ gia đình. Trong đó, 500 hộ đã được bồi thường, hỗ trợ với số tiền 757 tỷ đồng. Còn lại 507 hồ sơ tiếp tục xác nhận nguồn gốc, dự kiến sẽ phê duyệt trong tháng 10.

Phần đất ưu tiên còn lại là 1.180/1.810 ha của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, dự kiến bàn giao trong tháng 10…

Đà Nẵng: Hơn 40.000 lao động ngành du lịch bị mất việc vì dịch Covid-19

Khi du lịch đang có dấu hiệu phục hồi tích cực thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 7 khiến ngành du lịch TP. Đà Nẵng lại một lần nữa lao đao.

Hàng loạt hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng mất việc làm

Hàng loạt hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng mất việc làm

Theo thống kê, tới thời điểm hiện tại, hơn 40.000 lao động trong ngành dịch vụ, du lịch ở thành phố này mất việc làm. Thế nhưng, hiện chỉ có một số ít nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Khó khăn trong thời điểm hiện tại không chỉ là câu chuyện riêng của những người làm hướng dẫn du lịch mà còn của hàng ngàn lao động đang làm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 20% số khách sạn tại TP. Đà Nẵng phải rao bán vì không có doanh thu để duy trì hoạt động.

Theo Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, hơn 90% doanh nghiệp du lịch đang đóng cửa, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch năm nay chỉ đạt từ 20% đến 25% so với năm ngoái. TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 60.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, thì có đến hơn 40.000 lao động bị mất việc làm.

Chuyển phà 200 tấn từ Vàm Cống về TP.HCM chở khách

Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý điều chuyển phà 200 tấn từ bến Vàm Cống (An Giang - Đồng Tháp) mới ngưng hoạt động về TP.HCM chở khách.

Các chiếc phà Vàm Cống

Các chiếc phà Vàm Cống

Tổng cục Đường bộ (thuộc Bộ Giao thông vận tải) là cơ quan quản lý phà này trước đó, hiện được giao phối hợp UBND TP.HCM tổ chức bàn giao và tiếp nhận. Nguyên giá phà 200 tấn này hơn 5 tỷ đồng và hiện giá trị còn lại khoảng 752 triệu đồng, sẽ được hạch toán để tính tài sản cụ thể.

Sau khi tiếp nhận, phà sẽ được chuyển về bến Bình Khánh (nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè).

Trước đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải điều chuyển 2 phà 200 tấn từ Vàm Cống về chở khách tại bến Bình Khánh và Cát Lái (nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại khi cả hai bến phà này đều đã vượt công suất.

Chuyên đề