Bản tin thời sự sáng 31/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 vào cuối năm; Quảng Ngãi cấp tốc xây kè chắn sóng đối phó với mưa bão; còn 47 chốt kiểm soát trên quốc lộ, cao tốc đi qua 13 tỉnh phía Nam; Pouyuen đề nghị Tiền Giang tạo điều kiện cho 3.500 công nhân đi làm; số ca nhiễm tăng cao, Đắk Lắk lập thêm bệnh viện dã chiến 1.500 giường; xây dựng 1.000 căn hộ dành cho công nhân tại TP. Thủ Đức…

TP.HCM đề xuất tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 vào cuối năm

Sở Y tế TP.HCM đề xuất UBND Thành phố cho phép tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 cho nhóm người có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong hai tháng cuối năm.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm nhắc lại với những người đã tiêm đủ hai mũi sau 6 tháng đến một năm, tùy loại vaccine

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm nhắc lại với những người đã tiêm đủ hai mũi sau 6 tháng đến một năm, tùy loại vaccine

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đây là mũi tiêm nhắc lại với những người đã tiêm đủ hai mũi sau 6 tháng đến một năm, tùy loại vaccine, không phải mũi tăng cường.

Theo bác sĩ Châu, trong tháng 11 và 12, ngành y tế triển khai tiêm vét mũi một, mũi hai cho người trên 18 tuổi. Cuối tháng 11, TP.HCM sẽ tiêm mũi hai cho trẻ 12 - 17 tuổi. TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine cho trẻ em, khởi động từ ngày 27/10.

Trong năm 2022, Thành phố dự kiến tiêm mũi một và mũi hai cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời, ngành y tế tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

TP.HCM bắt đầu tiêm chủng cho nhóm ưu tiên là lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch vào ngày 8/3. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và hướng dẫn từ nhà sản xuất vaccine, thời hạn tiêm nhắc lại là 6 tháng đến một năm kể từ khi tiêm mũi 2, tùy loại vaccine.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch, cần đảm bảo độ bao phủ vaccine đến từng người dân trong độ tuổi theo quy định.

Tính đến ngày 30/10, hơn 7,2 triệu người dân TP.HCM đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một, gần 5,7 triệu người đã tiêm mũi hai.

Quảng Ngãi cấp tốc xây kè chắn sóng đối phó với mưa bão

Hàng trăm kỹ sư, công nhân đang chạy đua với thời gian để thi công kè chắn sóng bảo vệ an toàn cho người dân Quảng Ngãi trong mùa mưa bão năm nay.

Đến ngày 30/10, tuyến kè chắn sóng ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đã hoàn thành

Đến ngày 30/10, tuyến kè chắn sóng ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đã hoàn thành

Cuối năm 2020, bão chồng bão và triều cường xâm thực sâu đã uy hiếp hàng nghìn người dân ở Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ và xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sóng biển lấn sâu vào bờ từ 4 đến 6 m làm sập, cuốn trôi nhiều nhà dân ở xã Bình Hải.

Trước diễn biến này, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư khẩn cấp 100 tỷ đồng (nguồn Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão, lũ) xây tuyến kè chắn sóng bảo vệ làng chài thôn Phước Thiện và An Cường, xã Bình Hải.

Tuyến kè này dài gần 1,4 km. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi Đỗ Tâm Hiển cho biết, sau khi bàn giao mặt bằng, từ tháng 4 đến nay, các nhà thầu huy động nhân lực, phương tiện cơ giới thi công 3 ca để hoàn thành công trình.

Đến ngày 30/10, tuyến kè chắn sóng ở xã Bình Hải đã hoàn thành, đảm bảo an toàn cho gần 200 hộ dân với 800 nhân khẩu ở các thôn Phước Thiện và An Cường trong mùa mưa bão năm nay.

Những ngày này, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè Sa Huỳnh dài hơn 1 km. Tuyến kè Sa Huỳnh được lắp đặt hàng nghìn khối phá sóng Accropode chạy dọc hơn 1 km bờ biển làng chài phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Trong quá trình thi công, nhà thầu đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh là công trình đầu tư khẩn cấp, tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng.

TP.HCM đề xuất cấp hơn 8.500 tỷ đồng hỗ trợ người dân

Các quận, huyện, TP. Thủ Đức (TP.HCM) cần gần 14.400 tỷ đồng để triển khai các gói hỗ trợ nhưng mới được cấp khoảng 5.860 tỷ đồng, còn thiếu hơn 8.500 tỷ đồng.

Cán bộ Phường 14 (quận Gò Vấp) kiểm tra thông tin người dân nhận hỗ trợ đợt 3

Cán bộ Phường 14 (quận Gò Vấp) kiểm tra thông tin người dân nhận hỗ trợ đợt 3

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở Tài chính để trình UBND TP.HCM về việc bổ sung kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Cụ thể, ở gói thứ nhất và thứ hai, tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng nhưng các địa phương mới nhận hơn 1.000 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 3.000 tỷ đồng. Với chính sách thực hiện theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng), tổng kinh phí gần 2.290 tỷ đồng nhưng địa phương mới nhận được hơn 218 tỷ đồng, cần bổ sung hơn 2.000 tỷ đồng.

Ở gói hỗ trợ thứ 3, TP.HCM dự kiến kinh phí hơn 7.300 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 7,3 triệu người. Tuy nhiên, đến ngày 24/10, các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã phê duyệt, thẩm định danh sách hơn 8 triệu người, tương đương hơn 8.000 tỷ đồng.

Ở đợt hỗ trợ này, ngày 24/9, UBND Thành phố đã có quyết định bổ sung hơn 4.600 tỷ đồng để chi phòng chống dịch và hỗ trợ người dân. Như vậy, gói này còn thiếu gần 3.450 tỷ đồng.

Ở đợt dịch thứ tư, ngoài gói 26.000 tỷ đồng triển khai chung cả nước, TP.HCM triển khai riêng 3 gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ở hai gói đầu, ngoài số tiền Thành phố rót về, các địa phương đã ứng trước để chi trả cho người dân, đến nay gần như đã hoàn thành chi trả.

Với gói thứ 3 có tổng số tiền chi giải ngân lớn nhất, nhiều quận, huyện gặp khó khăn về kinh phí do tiền từ Thành phố cấp không đủ khiến tiến độ chi bị chậm. Dự kiến gói này sẽ kết thúc ngày 7/11.

Còn 47 chốt kiểm soát trên quốc lộ, cao tốc đi qua 13 tỉnh phía Nam

47 chốt kiểm soát trên quốc lộ, cao tốc do Cục Quản lý đường bộ 4 thuộc Tổng cục Đường bộ quản lý đi qua 13 tỉnh phía Nam vẫn đang được các địa phương duy trì, sau khi 79 chốt đã tháo dỡ.

Tại 47 chốt đang duy trì, các địa phương giám sát đi lại, kiểm tra khai báo y tế..., nhưng đã nới lỏng hơn so với trước. Ảnh minh họa

Tại 47 chốt đang duy trì, các địa phương giám sát đi lại, kiểm tra khai báo y tế..., nhưng đã nới lỏng hơn so với trước. Ảnh minh họa

Cục Quản lý đường bộ 4 ngày 30/10 cho biết, trong 47 chốt kiểm soát nêu trên, Bạc Liêu hiện duy trì 6 điểm. Đồng Tháp, Lâm Đồng, mỗi tỉnh có 5 chốt được lực lượng chức năng túc trực. Kế đến, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, mỗi tỉnh còn 4 chốt. Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, mỗi địa phương duy trì 3 chốt. Bình Phước hiện còn 2 chốt và An Giang 1 chốt.

Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 Nguyễn Văn Thành cho biết, đơn vị hiện quản lý 23 tuyến quốc lộ đi qua 22 tỉnh, thành phía Nam, Nam Trung Bộ và 2 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương. Các chốt kiểm soát chính trên quốc lộ, cao tốc được triển khai hồi tháng 7 khi thực hiện Chỉ thị 15 và 16 để phòng Covid-19.

Ngoài 47 chốt kiểm soát vẫn đang duy trì, Cục Quản lý đường bộ 4 cho biết, những ngày qua, 79 chốt khác đã được các tỉnh, thành (TP.HCM, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long) tháo dỡ để thuận tiện cho người dân đi lại.

Hiện, 22 tỉnh thành phía Nam và Nam Trung Bộ đều đã ban hành quy định tạm thời thực hiện theo Nghị quyết 128, nhưng tuỳ tình hình dịch ở mỗi địa phương mà có những phương án khác nhau. Trong đó, tại 47 chốt đang duy trì, các địa phương giám sát đi lại, kiểm tra khai báo y tế..., nhưng đã nới lỏng hơn so với trước.

Pouyuen đề nghị Tiền Giang tạo điều kiện cho 3.500 công nhân đi làm

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, đề nghị chính quyền tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện cho hơn 3.500 công nhân được quay lại Nhà máy làm việc.

Công nhân Công ty Pouyuen ở các tỉnh đi về bằng xe đưa đón của Công ty

Công nhân Công ty Pouyuen ở các tỉnh đi về bằng xe đưa đón của Công ty

Trong công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 29/10, Giám đốc Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam Lu Chi Yuan cho biết, các công nhân này sống tại địa phương, hàng ngày đi làm tại Nhà máy ở TP.HCM bằng xe đưa đón. Cuối tháng 6, tất cả phải nghỉ việc theo yêu cầu phòng chống dịch của Tỉnh và vẫn được Nhà máy duy trì một phần lương.

Ngày 6/10, Pouyuen đã khôi phục sản xuất. Hiện Nhà máy đã tăng công suất lên 70%, lao động đang sống trên địa bàn TP.HCM không đáp ứng đủ. Qua khảo sát của Nhà máy, công nhân ở các tỉnh mong muốn được đi làm trở lại để đảm bảo thu nhập lo cho bản thân, gia đình.

Phía Công ty Pouyuen cho biết, các công nhân cư trú ở Tiền Giang đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Với những người chưa tiêm đủ liều, Công ty sẽ tiêm cho họ sau khi trở lại Nhà máy. Doanh nghiệp sẽ sắp xếp xe đưa đón, tổ chức phương án làm việc theo quy định an toàn phòng chống dịch.

Pouyuen có hơn 56.000 công nhân, là công ty đông lao động nhất TP.HCM. Ngoài công nhân ở Thành phố, Công ty có khoảng 16.000 công nhân ở Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đi xe đưa đón đến Nhà máy. Địa bàn đông công nhân nhất là Long An với 10.000 người, chính quyền tỉnh này đã đồng ý để xe đưa đón lao động của Pouyuen được hoạt động vào tháng 11 tới.

Số ca nhiễm tăng cao, Đắk Lắk lập thêm bệnh viện dã chiến 1.500 giường

Bệnh viện dã chiến số 2 ở Đắk Lắk được thành lập sau khi địa phương ghi nhận hơn 1.200 ca mắc Covid-19 chỉ trong vòng 14 ngày gần đây. Trong đó, 892 ca bệnh phát hiện trong cộng đồng.

Bệnh viện dã chiến số 2 tại Đắk Lắk với quy mô 1.500 giường

Bệnh viện dã chiến số 2 tại Đắk Lắk với quy mô 1.500 giường

Ngày 30/10, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện có quy mô 1.500 giường, trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, đặt tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột).

Cơ sở này có chức năng cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và có bệnh lý nền ổn định.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trong 14 ngày qua (16 - 29/10), Đắk Lắk đã ghi nhận 1.246 trường hợp mắc mới (892 ca phát hiện trong cộng đồng), cao nhất từ trước đến nay.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tỉnh dự kiến tăng số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lên 5.580 giường ở cả 3 tầng điều trị.

Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 1 và Bệnh viện dã chiến số 2 là 3.600 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Krông Búk 230 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 là 300 giường bệnh; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có quy mô 100 giường.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ mở rộng giường bệnh điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch lên 700 giường bệnh. Các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh sẽ bố trí 5 - 20 giường bệnh để điều trị bệnh nhân nặng.

Xây dựng 1.000 căn hộ cho công nhân tại TP. Thủ Đức

Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân quy mô 1.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho 3.000 người, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (TP.HCM), đã khởi công sáng ngày 30/10.

Phối cảnh Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại TP. Thủ Đức

Phối cảnh Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại TP. Thủ Đức

Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, Dự án có diện tích hơn 20.800 m2, mật độ xây dựng 60%, diện tích cây xanh trên 4.000 m2. Tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Dự án do Công ty CP Thủ Thiêm làm chủ đầu tư, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM tài trợ vốn. Công trình sẽ góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho Thành phố. Công nhân, người lao động làm việc trên địa bàn sẽ được hỗ trợ điều kiện để mua, thuê sử dụng lâu dài.

Đây là một trong những dự án đầu tiên dành cho công nhân khi TP. Thủ Đức được thành lập, đáp ứng chủ trương TP.HCM xây một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp.

Địa bàn TP. Thủ Đức tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như Linh Trung 1, 2, Bình Chiểu, Cát Lát, Khu công nghệ cao... với gần 200.000 công nhân, trong đó khoảng 70% người ngoại tỉnh có nhu cầu thuê chỗ ở lâu dài.

Chuyên đề