Bản tin thời sự sáng 30/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là PC-Covid sẽ là ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch; khách đi máy bay không cần xét nghiệm nếu đã tiêm vaccine; Đà Nẵng lên 4 phương án cho học sinh đến trường từ ngày 15 - 20/10; Quảng Trị đầu tư 440 tỷ đồng nâng cấp hơn 13 km Quốc lộ 9; kiến nghị cho xe buýt Hà Nội hoạt động trở lại từ 1/10; hơn 1.700 giấy xét nghiệm âm tính tại Thanh Hóa không ghi họ tên…

PC-Covid sẽ là ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch

Ứng dụng PC-Covid chứa thẻ xanh Covid-19, thông tin tiêm vaccine, mã QR khai báo y tế và sẽ thay thế cho toàn bộ các app chống dịch trước đây.

Giao diện chính của PC-Covid hiển thị thẻ Covid-19

Giao diện chính của PC-Covid hiển thị thẻ Covid-19

PC-Covid đã hoàn thiện và đang trong quá trình đưa lên hai kho ứng dụng App Store và Google Play.

Ứng dụng được trang bị 9 tính năng chính: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần; Bản đồ nguy cơ và Phản ánh.

Sau khi phát hành, người dùng sẽ chỉ cần cài duy nhất ứng dụng PC-Covid cho công tác phòng chống dịch. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết PC-Covid sẽ thay thế toàn bộ các ứng dụng chống dịch trước đây. Sau khi cài và đăng nhập, dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ hiển thị trên PC-Covid, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu.

Thẻ Covid-19 là một trong những tính năng quan trọng trên PC-Covid. Màu thẻ được hiển thị tùy thuộc vào các dữ liệu của người dùng từ các hệ thống quản lý tiêm vaccine, hệ thống quản lý xét nghiệm... Chẳng hạn, người được ghi nhận đã tiêm 2 mũi vaccine, hoặc xét nghiệm âm tính sẽ có thẻ xanh và được phép di chuyển. Người có thẻ vàng bị hạn chế đi lại, trong khi người có thẻ Covid màu đỏ không được di chuyển.

Mã QR được sinh ra trên PC-Covid cũng là mã QR cá nhân duy nhất của người dân, chứa các thông tin liên quan đến phòng chống dịch.

Dự kiến sau khi PC-Covid ra mắt, một số ứng dụng hiện tại, như Bluezone, VHD, Ncovi, sẽ được xóa hoặc cập nhật để trở thành PC-Covid. Riêng Sổ sức khỏe điện tử vẫn được duy trì, phát triển theo hướng riêng, phục vụ công tác chuyển đổi số y tế sau này.

Trước đó, Việt Nam có khoảng 12 ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an phát triển, chưa tính đến các ứng dụng địa phương.

Khách đi máy bay không cần xét nghiệm nếu đã tiêm vaccine

Người đã tiêm 1 hoặc 2 liều vaccine sẽ không cần xét nghiệm trước khi đi máy bay, tàu hỏa, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở lại một số đường bay nội địa từ 1/10

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến mở lại một số đường bay nội địa từ 1/10

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ Y tế vừa có văn bản góp ý Dự thảo Kế hoạch tổ chức vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu hành khách khi tham gia giao thông đường sắt, hàng hải, hàng không phải tuân thủ 5K, khai báo y tế và có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Những người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần đầu hoặc đã tiêm đủ liều, F0 khỏi bệnh trong 6 tháng thì không yêu cầu xét nghiệm.

Với phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (trừ hàng không áp dụng theo văn bản riêng), Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép hoạt động tại địa phương nguy cơ dịch thấp và trung bình; hoạt động dưới 50% công suất tại các địa phương nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương nguy cơ rất cao.

Người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện phải tuân thủ 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; xét nghiệm khi ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương nguy cơ trung bình và nguy cơ cao phải xét nghiệm hàng tuần (7 ngày/lần).

Tại địa phương nguy cơ rất cao, người điều khiển phương tiện taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Đà Nẵng lên 4 phương án cho học sinh đến trường từ ngày 15 - 20/10

Ngành giáo dục TP. Đà Nẵng dự kiến 4 phương án cho học sinh trở lại trường từ ngày 15 - 20/10, trong đó các lớp cuối cấp 9 và 12 sẽ đi học trước.

Tất cả người lớn, trẻ em khi vào Đà Nẵng đều test nhanh Covid-19

Tất cả người lớn, trẻ em khi vào Đà Nẵng đều test nhanh Covid-19

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành cho biết, ở phương án thứ nhất, học sinh lớp 9 và 12 sẽ đi học trở lại đầu tiên để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, sau đó mới tới các lớp còn lại.

Phương án hai, học sinh các khối lớp 12, 9, 6 và 1; phương án ba là học sinh khối THPT và lớp 9, 6, 1; phương án thứ tư là toàn bộ học sinh đi học trở lại. Thời gian thực hiện từ ngày 15 - 20/10.

Việc áp dụng phương án nào tùy thuộc vào thực tế dịch Covid-19 tại địa bàn và thống nhất với Sở Y tế, được UBND Thành phố cho phép. Dù chọn mốc thời gian hay phương án nào, các nhà trường, phòng giáo dục cũng phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh và giáo viên.

Về việc tiêm vaccine, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Mai Tấn Linh cho biết, đến nay, 97% giáo viên các trường đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, số còn lại chủ yếu là giáo viên đang mang thai, mắc bệnh nền đặc biệt hoặc ở ngoài tỉnh chưa về kịp.

Từ ngày 29/9 - 6/10, UBND TP. Đà Nẵng cho phép 17.000 người đang ở các khu vực không có dịch, thuộc 46 tỉnh, thành được trở về Thành phố để chuẩn bị cho việc dạy và học trực tiếp. Trong đó có hơn 1.400 giáo viên, nhân viên; 7.910 học sinh, học viên; 7.670 người hỗ trợ.

740.000 liều vaccine Sputnik V về Việt Nam

740.000 liều vaccine Sputnik V do Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga cung cấp cho Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, chiều 29/9.

Lô vaccine Sputnik V với 740.000 liều về đến sân bay Nội Bài

Lô vaccine Sputnik V với 740.000 liều về đến sân bay Nội Bài

Đây là lô vaccine Sputnik V đầu tiên về Việt Nam sau chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, làm việc với lãnh đạo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận số lượng lớn Sputnik.

Lô vaccine này đã được Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận - đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga.

Đại diện Vabiotech cũng cho biết đã nhận số lượng lớn bán thành phẩm để sản xuất vaccine Sputnik V trong nước. Đơn vị này không tiết lộ cụ thể số lượng bán thành phẩm đã nhận, song cho biết dự kiến sẽ sản xuất 40 triệu liều từ nay đến tháng 6/2022. Tất cả vaccine được cung cấp và sản xuất trong nước sẽ sử dụng trong chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân.

Hôm 24/9, Vabiotech công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn được Viện Gamalaya (Nga) phân tích và thẩm định.

Sputnik là vaccine nước ngoài đầu tiên được chuyển giao công nghệ và sản xuất tại Việt Nam. Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 23/3.

Việt Nam hiện đã tiếp nhận hơn 55 triệu liều vaccine Covid-19 các loại, chủ yếu của AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm; số rất ít vaccine Sputnik V do Nga tặng. Tới ngày 28/9, cả nước đã tiêm hơn 41 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 8,5 triệu liều là mũi hai.

Quảng Trị đầu tư 440 tỷ đồng nâng cấp hơn 13 km Quốc lộ 9

Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt lên ngã tư Sòng dài 13,8 km sẽ được nâng cấp lên 4 làn xe trong năm 2022.

Quốc lộ 9 đoạn chuẩn bị nâng cấp

Quốc lộ 9 đoạn chuẩn bị nâng cấp

UBND tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành thủ tục để sớm khởi công Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1.

Dự án sẽ mở rộng 13,8 km Quốc lộ 9 từ cảng Cửa Việt lên Quốc lộ 1A, quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 28 m; tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Trị đang đốc thúc giải phóng mặt bằng để khởi công Dự án trong tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Quốc lộ 9 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối trung tâm thành phố Đông Hà đến Khu kinh tế Đông Nam, các khu dịch vụ, du lịch Cửa Việt... Hiện, tuyến đường được rải nhựa, quy mô 2 làn xe.

Hải Phòng mở lại nhiều hoạt động từ 0h ngày 1/10

TP. Hải Phòng cho phép mở lại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn nhưng chỉ đón khách nội tỉnh, từ 0h ngày 1/10.

Hòn Con Rùa- một trong những kỳ quan thiên nhiên tạo hóa tại Vịnh Lan Hạ, Cát Bà

Hòn Con Rùa- một trong những kỳ quan thiên nhiên tạo hóa tại Vịnh Lan Hạ, Cát Bà

Theo văn bản điều chỉnh một số hoạt động phòng, chống dịch vừa ban hành, TP. Hải Phòng yêu cầu khách và người hướng dẫn tham quan phải đảm bảo một trong các điều kiện như: Xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; F0 khỏi bệnh... Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ, nhưng chỉ phục vụ khách đang lưu trú.

Thành phố cho phép hoạt động thể dục thể thao tại các địa điểm công cộng, ngoài trời, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tập luyện thể thao; các câu lạc bộ gym, yoga, bể bơi...

Các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết, cơ quan tổ chức phải đảm bảo số người tham dự không quá 50 mỗi phòng họp…

Xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe khách hoạt động trong nội tỉnh chỉ sử dụng không quá 50% số ghế ngồi, phải có sổ ghi chép lịch trình của hành khách.

Hải Phòng tiếp tục dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử; các quán bar, pub, vũ trường. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, các hoạt động sự kiện tập trung đông người, cũng chưa được phép tổ chức.

Thành phố yêu cầu người từ các địa phương vào Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ. Người từ khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện nghiêm quy định ở yên tại chỗ; trường hợp bất khả kháng phải về Hải Phòng sẽ cách ly tập trung 14 ngày.

Kiến nghị cho xe buýt Hà Nội hoạt động trở lại từ 1/10

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND Thành phố cho xe buýt hoạt động trở lại từ ngày 1/10.

Kiến nghị cho xe buýt Hà Nội hoạt động trở lại từ 1/10.

Kiến nghị cho xe buýt Hà Nội hoạt động trở lại từ 1/10.

Văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông ký cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, xe buýt tại Hà nội đã dừng hoạt động từ 18/7 đến nay (2 tháng rưỡi).

Sau 2 lần Thành phố nới lỏng công tác phòng chống dịch trong khoảng thời gian từ ngày 21/9, đến nay công tác phòng chống dịch đã chuyển sang tình hình mới, người và phương tiện cá nhân được tham gia giao thông trên đường, số lượng ngày một tăng.

Theo Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, trong bối cảnh lái phụ xe và người lao động trong các đơn vị vận hành buýt hầu hết đã được tiêm vaccine, để giảm áp lực cho giao thông Thành phố, giải quyết khó khăn cho người lao động trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng đang phải nghỉ việc nhiều tháng nay, Hiệp hội khẩn thiết đề nghị Thành phố cho phép lĩnh vực này hoạt động trở lại từ ngày 1/10.

Hơn 1.700 giấy xét nghiệm âm tính tại Thanh Hóa không ghi họ tên

Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa phát nhiều giấy xét nghiệm xác nhận âm tính Covid-19 cho công nhân, song không ghi thông tin người được lấy mẫu.

Một tấm giấy xét nghiệm Covid-19 do Trung tâm Y tế TP Thanh Hoá cấp song để trống nhiều thông tin cá nhân và thời gian lấy mẫu

Một tấm giấy xét nghiệm Covid-19 do Trung tâm Y tế TP Thanh Hoá cấp song để trống nhiều thông tin cá nhân và thời gian lấy mẫu

Đại diện UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, Thành phố đang yêu cầu Trung tâm Y tế khẩn trương thu hồi phiếu xét nghiệm Covid-19 bỏ trống các trường thông tin cá nhân; làm rõ sai sót và kiểm điểm đơn vị, cá nhân liên quan.

Đầu tháng 9, Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người dân các phường, xã và công nhân trên địa bàn, và đã phát hàng nghìn phiếu xét nghiệm xác nhận kết quả âm tính. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh, trên phiếu ghi kết quả xét nghiệm âm tính song không ghi ngày tháng hay họ tên người được lấy mẫu. Phiếu này sau đó được người dân dùng để di chuyển trên đường, ra vào cơ quan, công sở, nhà máy...

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa Lê Việt Hùng thừa nhận cán bộ cơ quan này đã cấp nhiều giấy xét nghiệm về các doanh nghiệp song không ghi thông tin cụ thể mà để các đơn vị tự điền.

Phó chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Phạm Thị Việt Nga cho biết, tổng số giấy chứng nhận âm tính Covid-19 bỏ trống thông tin mà Trung tâm Y tế Thành phố đã cấp là 1.778. Sau khi phát hiện sai sót, các đơn vị liên quan đã thu hồi 1.752 giấy, còn 26 giấy chưa thể thu lại.

Theo bà Nga, nguyên nhân cấp giấy chứng nhận bỏ trống thông tin do số lượng công nhân đông nên các tổ lấy mẫu không ghi cẩn thận, nhiều phiếu để trống.

Chuyên đề