Bản tin thời sự sáng 30/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: Thêm 9 ca mắc ở Hà Nội và Đà Nẵng nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng lên 43; chuyến bay chở 140 người Việt bị nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo đã về tới Nội Bài; đến 1/8 Hà Nội hoàn thành xét nghiệm 21.000 người về từ Đà Nẵng...

Dịch Covid-19: Thêm 9 ca mắc ở Hà Nội và Đà Nẵng nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng lên 43

Sáng ngày 30/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 9 ca mắc Covid-19 tại Hà Nội và Đà Nẵng, nâng số ca mắc tại Việt Nam lên 459 ca.

Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk ghi nhận 4 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng lên 34

Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk ghi nhận 4 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng lên 34

Tính đến 6h ngày 30/7, Việt Nam có tổng cộng 459 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7, đến nay ghi nhận 43 ca. Tính từ 18h ngày 29/7 đến 6h ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận 9 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 81.546 người. Trong đó, 472 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.213 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, 66.861 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 369/459 ca bệnh của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 80,4% tổng số ca bệnh.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.

Tính đến sáng ngày 30/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 79 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Hiện Việt Nam có 6 ca bệnh nặng là BN 436, BN 438, BN 437, BN 433, BN 416, BN 418 đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền đi kèm, trong đó ca bệnh 416 và 437 hiện đang được can thiệp ECMO.

Chiều ngày 29/7, chuyến bay chở 219 người Việt về từ Guinea Xích đạo đã hạ cánh xuống Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội, trong đó có 140 người nhiễm Covid-19.

Chuyến bay chở 140 người Việt bị nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạođã về tới Hà Nội

Máy bay chở 219 người Việt từ Guinea Xích đạo về tới Nội Bài lúc hơn 15h chiều 29/7, muộn 4 tiếng so với giờ dự kiến ban đầu

Máy bay chở 219 người Việt từ Guinea Xích đạo về tới Nội Bài lúc hơn 15h chiều 29/7, muộn 4 tiếng so với giờ dự kiến ban đầu

Toàn bộ hành khách đi trên chuyến bay không gặp vấn đề gì bất thường trong suốt hành trình 12 tiếng từ sân bay Bata (Guinea Xích đạo) về Nội Bài.

Nhà chức trách hàng không cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát, đây là lần đầu tiên sân bay Nội Bài được chọn để triển khai chuyến bay đón công dân Việt Nam nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo hồi hương vì những lí do đặc biệt.

Sau khi hạ cánh, máy bay đỗ ở vị trí biệt lập. Xe cứu thương nhanh chóng đưa các bệnh nhân nặng nhất rời sân bay theo cửa số 7 và di chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh, Hà Nội.

Những hành khách còn lại thực hiện quy trình nhập cảnh tại chỗ và khử trùng dịch tễ nghiêm ngặt để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch, sau đó lên xe ô tô của đơn vị quân đội Thủ đô di chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở 2 để điều trị, cách ly.

Quy trình phục vụ chuyến bay diễn ra chặt chẽ và thuận lợi để “giải tỏa” hành khách nhanh nhất có thể, đảm bảo các hoạt động khai thác tại sân bay diễn ra bình thường.

Sau khi khách rời đi, khu vực sân đỗ, máy bay, xe thang, phương tiện tác nghiệp đều được khử trùng tuyệt đối.

Được biết, đây là chuyến bay chưa từng có của Việt Nam trên hành trình Hà Nội - Guinea Xích đạo - Hà Nội, kéo dài gần 30 tiếng đồng hồ. Chuyến bay không nhập cảnh mà quay đầu cất cánh khứ hồi ngay sau khi hoàn tất việc đón khách.

Đến 1/8, Hà Nội hoàn thành xét nghiệm 21.000 người về từ Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, đến 1/8, các đơn vị phải hoàn thành test nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng, trường hợp nào dương tính thì xét nghiệm khẳng định bằng PCR.

Chiều 29/7, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, sở ngành để triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.

Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hà Nội, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, qua rà soát, trong số 21.000 người từ Đà Nẵng về có 87 trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Đã lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn tự cách ly tại nhà, có 6 trường hợp âm tính, còn lại đang đợi kết quả.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Công điện 05 của Thành phố về triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Đến thứ 7 này (1/8) các đơn vị phải hoàn thành test nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng. Trường hợp nào dương tính thì xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Các trường hợp F1, phải cách ly ngay lập tức ở Trường cao đẳng ngề kỹ thuật cao, Các trường hợp F2, cách ly tại nhà, giám sát y tế hàng ngày; khi có nhu cầu cần xét nghiệm thì các quận huyện phải đáp ứng ngay.

Một bệnh viện tại TP.HCM tạm ngưng nhận bệnh nhân 3 ngày

Bệnh viện Quốc tế City vừa có thông báo tạm ngưng nhận bệnh nhân trong 3 ngày do có yếu tố liên quan đến bệnh nhân nghi mắc SARS-CoV-2.

Bệnh viện Quốc tế City sẽ tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 29 - 31/7

Bệnh viện Quốc tế City sẽ tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 29 - 31/7

Theo đó, Bệnh viện sẽ tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 29 - 31/7, đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, Bệnh viện sẽ không cho phép đón khách, đồng thời gửi lời xin lỗi vì sự bất tiện này.

Trước những thông tin trên mạng xã hội về 2 ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Quốc tế City (địa chỉ đường số 17A, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM), Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã nhận được báo cáo nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về kết quả xét nghiệm 2 trường hợp nghi ngờ đang điều trị tại Bệnh viện Quốc tế City từ ngày 21/7. Trong khi chờ Bộ Y tế xác định kết quả xét nghiệm, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và kiểm soát nguy cơ lây lan mầm bệnh, Sở Y tế đã đề nghị Bệnh viện Quốc tế City tạm ngưng khám, tiếp nhận điều trị người bệnh để rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 3 ngày.

Sau thời gian trên, tùy tình hình thực tế và báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Sở Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo tiếp theo. Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Quốc tế City tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm để làm xét nghiệm tầm soát, cách ly theo dõi sức khỏe những nhân viên y tế có tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm SARS-CoV-2; theo dõi và làm xét nghiệm tầm soát những bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường.

Đắk Lắk thực hiện giãn cách xã hội khi có ca mắc Covid-19

Tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tạm đình chỉ hoạt dịch vụ khu vui chơi, giải trí, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, điểm truy cập internet sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở Đắk Lắk

Khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở Đắk Lắk

Tối 29/7, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ký văn bản triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, cùng ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 1 trường hợp mắc Covid-19. Nhằm kịp thời ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện nâng cao trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc phòng chống Covid -19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để; ưu tiên thời gian và nhân lực, sẵn sàng phối hợp, tham gia với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ trong thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả cao, đạt mục tiêu khống chế dịch lây lan ra diện rộng.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 30/7 và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh nếu để xảy ra tụ tập đông người trên địa bàn phụ trách.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, điểm truy cập internet công cộng, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, trò chơi có thưởng, phòng tập thể thao.

Đối với quán ăn, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn tỉnh, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế (đeo khẩu trang, tiến hành đo nhiệt độ; bố trí khu vực rửa tay diệt khuẩn đối với nhân viên phục vụ và khách hàng; bố trí, sắp xếp không gian quán đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m...)…

Đại hội cổ đông thường niên 2020 của Eximbank lại bất thành

Dù tỷ lệ cổ đông tham dự gần gấp ba lần so với lần đầu tổ chức (đạt 42,57%), nhưng vẫn không đủ điều kiện để tiến hành, do vậy Eximbank phải tuyên bố hoãn đại hội cổ đông thường niên lần 2 vào sáng 29/7.

Tính đến 9 giờ 37 phút, tỷ lệ tham dự chỉ đạt 42,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên Eximbank buộc phải tuyên bố hoãn đại hội
Tính đến 9 giờ 37 phút, tỷ lệ tham dự chỉ đạt 42,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên Eximbank buộc phải tuyên bố hoãn đại hội

Theo quy định, để có thể tiến hành đại hội cổ đông thường niên lần 2, Eximbank phải đạt tỷ lệ cổ đông tham dự là 51%.

Việc Eximbank phải hoãn đại hội cổ đông thường niên lần 2 là điều có thể dự báo từ trước do từ khi Eximbank công bố tổ chức, sóng gió đã liên tục nổ ra. Đầu tiên, cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank - có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước đại hội cổ đông thường niên lần 2.

Lý do SMBC nêu ra là đại hội cổ đông bất thường để giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài.

Tuy nhiên, Eximbank chưa lên lịch họp đại hội cổ đông bất thường lần 2 mà chỉ tổ chức đại hội thường niên.

Đây đã là lần thứ 7, Eximbank tổ chức đại hội thất bại.

Trong 7 tháng: Cả nước có 75.200 doanh nghiệp gia nhập thị trường

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng tính chung 7 tháng vừa qua, cả nước đã có 75.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 28.564 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

7 tháng vừa qua, cả nước đã có 75.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

7 tháng vừa qua, cả nước đã có 75.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

“Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 3,8% so với tháng trước nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng cao 72%,” báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7 cho biết.

Cụ thể, tính chung 7 tháng, cả nước có 75.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Song đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lại tăng 17,6%; bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 12,2% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%.

“Điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh Covid-19,” báo cáo chỉ ra.

Riêng trong tháng 7, cả nước có 13.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 239.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91.400 lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với tháng 6.

Trong tháng 7, cả nước còn có 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.372 đơn vị và 3.068 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 4.591 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký./.

Chuyên đề