Bản tin thời sự sáng 30/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm 34 ca nhiễm ở Hải Dương, Quảng Ninh; giãn cách toàn thị xã Đông Triều; VN-Index tăng gần 33 điểm; sân bay Vân Đồn đóng cửa đến 13/2; chưa xác định được ngày về nước của đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội thứ 2…

Thêm 34 ca nhiễm ở Hải Dương, Quảng Ninh

Sáng 30/1, Bộ Y tế ghi nhận thêm 34 ca dương tính nCoV, lây nhiễm cộng đồng ở hai ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh.

Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương hoạt động từ ngày 29/1, bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19

Bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương hoạt động từ ngày 29/1, bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19

Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận "bệnh nhân 1658" ở thành phố Hạ Long liên quan ca nhiễm tại tỉnh Hải Dương; và "bệnh nhân 1659" ở huyện Vân Đồn, tiếp xúc với "bệnh nhân 1553". Như vậy, Quảng Ninh ghi nhận tổng cộng 20 ca nhiễm, từ ngày 28/1 đến nay.

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 32 ca liên quan ổ dịch tại thành phố Chí Linh. Như vậy từ ngày 28/1 đến nay Hải Dương ghi nhận tổng cộng 157 ca nhiễm.

Tổng cả ba ngày 28-30/1, Bộ Y tế ghi nhận 180 ca nhiễm cộng đồng. Hai ổ dịch lớn là Công ty Poyun ở thành phố Chí Linh, Hải Dương và sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.

Đây là đợt dịch có tốc độ lây lan nhanh nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay, nhiều khả năng liên quan đến biến thể nCoV từ Anh. Tuy nhiên hiện chưa xác định các ca nhiễm mới có mang biến thể nCoV không. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang giải trình tự gene hai bệnh nhân 1552 (nữ công nhân Poyun ở Hải Dương) và 1553 (nhân viên an ninh sân bay Vân Đồn) là hai ca nhiễm ghi nhận đầu tiên của đợt dịch.

Giãn cách toàn thị xã Đông Triều

Toàn bộ thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện giãn cách xã hội, riêng xã Bình Dương bị phong tỏa, từ 12h ngày 29/1 đến hết 23/2.

Chốt kiểm soát trên Quốc lộ 18A, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả

Chốt kiểm soát trên Quốc lộ 18A, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả

Ngày 29/1, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định giãn cách xã hội với toàn bộ thị xã Đông Triều theo nguyên tắc giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho nhân viên, đeo khẩu trang, khử trùng, diệt khuẩn.

Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và nơi công cộng.

Xã Bình Dương, nằm kề với thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi hàng ngày có hàng nghìn phương tiện qua lại theo Quốc lộ 18, đã được phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thị xã đã lập kênh cung cấp thực phẩm cho hơn 7.000 người dân. Tất cả tuyến đường vào xã đều được lập chốt kiểm soát.

Với các xã Thủy An, An Sinh, Nguyễn Huệ, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh giao cho địa phương chủ động lập chốt kiểm soát, không cho người ra vào, trừ trường hợp cần thiết như cấp cứu, khám chữa bệnh... phải có ý kiến Ban Chỉ đạo cấp huyện.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, cho biết Thị xã đã thành lập 8 chốt tại các khu vực giáp với thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn của tỉnh Hải Dương và huyện Thủy Nguyên của TP. Hải Phòng. 258 chốt kiểm soát dịch tại các tổ dân, thôn, khu phố cũng được tái lập.

VN-Index tăng gần 33 điểm

Chứng khoán lấy lại gần 3,2% sau phiên giảm kỷ lục khi nhà đầu tư đổ tiền đua bắt đáy. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng.

VN-Index tăng hơn 3% sau phiên 29/1

VN-Index tăng hơn 3% sau phiên 29/1

Dư âm phiên giảm kỷ lục ngày 28/1 chỉ ảnh hưởng tới phiên ngày 29/1 trong 15 phút đầu giờ. Mở cửa, lượng cổ phiếu chất bán giá sàn khiến sắc đỏ bao trùm sàn HoSE. VN-Index giảm sau phiên ATO nhưng hồi lại ngay sau đó khi dòng tiền bắt đáy tham gia tích cực. Thị trường giằng co đến giữa phiên sáng, trước khi bên mua làm chủ xu hướng.

Khi giá nhiều cổ phiếu vượt trên tham chiếu, nhiều nhà đầu tư dùng lệnh thị trường (MP) để mua đuổi khiến chỉ số liên tục tăng. Đến cuối giờ sáng, có thời điểm thị trường tăng hơn 50 điểm, lên 1.076 điểm. Sang phiên chiều, nhịp tăng có phần chững lại nhưng vẫn giữ ở mức cao.

Chốt phiên, VN-Index tăng gần 33 điểm (3,19%) lên 1.056,61 điểm. VN30-Index tăng 3,72% lên 1.048,31 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 5,5%, còn UPCOM-Index tăng hơn 4%.

Thanh khoản hai sàn niêm yết hai sàn niêm yết vượt 20.000 tỷ đồng, riêng HoSE giao dịch 17.830 tỷ với quá nửa là nhóm 30 mã bluechip. Khối ngoại ngày 29/1 mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng.

Sân bay Vân Đồn đóng cửa đến 13/2

Do có hơn 10 nhân viên nhiễm nCoV, sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, phải đóng cửa đến 12h ngày 13/2 để phòng chống dịch.

Sân bay Vân Đồn đón nhiều hành khách từ vùng dịch về nước

Sân bay Vân Đồn đón nhiều hành khách từ vùng dịch về nước

Sau khi "bệnh nhân 1553" là nhân viên an ninh tại sân bay Vân Đồn được xác nhận nhiễm nCoV, theo Quyết định của Cảng vụ Hàng không miền Bắc, tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trong 24 giờ để phòng chống dịch.

Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định đóng cửa sân bay Vân Đồn thêm 15 ngày, đến 12h ngày 13/2 để phòng chống dịch.

Việc tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh (nếu có), cùng với đó là để sân bay và cơ quan y tế thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khử trùng trang thiết bị, phương tiện tại sân bay.

Tất cả các chuyến bay đi/đến sân bay Vân Đồn tạm thời được điều chuyển hướng hạ cánh tới các sân bay khác lân cận.

Hiện sân bay Vân Đồn khai thác đường bay đi TP.HCM hàng ngày với hai hãng Bamboo Airways và Vietjet Air. Đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng sẽ hủy các chuyến bay từ sân bay Vân Đồn đến TP.HCM và ngược lại từ ngày 31/1 đến 14/2. Hãng cũng khuyến cáo hành khách đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn khi làm thủ tục hàng không tại sân bay và trên chuyến bay khác.

Chưa xác định được ngày về nước của đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội thứ 2

Đoàn tàu thứ hai của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dự kiến được đưa từ Pháp về nước trong tháng 1/2021, song chậm hơn so với kế hoạch.

Đoàn tàu thứ hai của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa xác định được ngày cụ thể cập cảng Hải Phòng

Đoàn tàu thứ hai của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chưa xác định được ngày cụ thể cập cảng Hải Phòng

Ngày 29/1, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đoàn tàu thứ hai trong số 10 đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển bằng đường biển từ cảng Dunkirk (Pháp) vào cuối tháng 11/2020.

Ban đầu, dự kiến đoàn tàu này sẽ cập cảng Hải Phòng trong tháng 1/2021, sau đó đơn vị quản lý thông báo dời sang tháng 2/2021. Tuy nhiên, gần đây dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hiện vẫn chưa thể xác định thời gian cụ thể vận chuyển đoàn tàu này về Depot Nhổn.

Trước đó, ngày 23 - 24/1, đơn vị quản lý dự án tổ chức trưng bày đoàn tàu đầu tiên của dự án tại nhà ga S1 của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, thu hút gần 2.000 lượt người dân đến tham quan. Kết quả khảo sát ý kiến của người dân tại các buổi trưng bày cho thấy, hơn 90% ý kiến hài lòng hoặc rất hài lòng với thiết kế nội thất, ngoại thất đoàn tàu; 96% cho biết sẵn sàng sử dụng tàu điện Nhổn - ga Hà Nội làm phương tiện đi lại.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 khai thác trước đoạn trên cao và toàn tuyến vào cuối năm 2022.

Dự án có tổng số 10 đoàn tàu được chế tạo tại Pháp. Tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên được đưa về Depot và hiện bắt đầu được đưa vào thử nghiệm liên động. Đại diện nhà thầu Alstom chế tạo đoàn tàu cho biết, đến tháng 7/2021 sẽ hoàn tất việc chế tạo, đưa các đoàn tàu về dự án.

Ngừng chạy đôi tàu Hà Nội - Lào Cai do ảnh hưởng dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội tạm ngừng chạy đôi tàu SP3/SP4 từ Hà Nội - Lào Cai và ngược lại.

Tạm ngừng chạy đôi tàu SP3/SP4 từ Hà Nội-Lào Cai và ngược lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Tạm ngừng chạy đôi tàu SP3/SP4 từ Hà Nội-Lào Cai và ngược lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Cụ thể, tạm ngừng chạy tàu SP3 tại Hà Nội trong ngày 29/1 và ngừng chạy tàu SP4 tại Lào Cai vào ngày Chủ Nhật ngày 31/1/2021.

Theo lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, hành khách có vé những ngày tàu ngừng chạy mang vé ra trả trực tiếp tại các nhà ga và không mất phí.

Trước đó, theo Công văn 841/BGTVT-VT triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có thông báo tạm ngừng đón trả khách tại các ga Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương từ 12 giờ ngày 28/1/2021 đến khi có lệnh mới. Hành khách có vé tàu đến và đi tại 3 ga trên được trả vé không thu phí./.

Công an Đồng Nai khởi tố vụ án trốn thuế ở 3 nhà thuốc

Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm, sau hơn một tháng đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tây ở TP.Biên Hòa, nên khởi tố vụ án trốn thuế.

Cảnh sát vây ráp, kiểm tra các nhà thuốc hồi cuối năm 2020

Cảnh sát vây ráp, kiểm tra các nhà thuốc hồi cuối năm 2020

Các nhà thuốc tây Mẫn Sơn Minh, Sỹ Mẫn và Công ty TNHH Sơn Minh bị cho là có dấu hiệu trốn thuế được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Công ty TNHH Sơn Minh thành lập gần 30 năm, là hệ thống phân phối dược phẩm lớn nhất Đồng Nai. Từ vài năm trước, doanh nghiệp này bắt đầu mở rộng nhiều cửa hàng thuốc tây trên địa bàn Tỉnh.

Cuối tháng 12/2020, cảnh sát vũ trang bất ngờ vây ráp, kiểm tra 3 điểm kinh doanh (cũng là kho) thuốc tây trên. Lượng lớn thuốc tây, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, ước tính có giá khoảng 5 tỷ đồng, được lực lượng chức năng chở về trụ sở bằng 2 ôtô.

Theo Điều 200 BLHS, tội Trốn thuế được áp dụng cho cá nhân và pháp nhân có hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với quy định.

Tội này có khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền, cao nhất là 7 năm tù.

Chuyên đề