Bản tin thời sự sáng 3/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh việc đẩy giá kit xét nghiệm Covid-19; TP.HCM gấp rút tiêm “vét” vaccine cho công nhân từ ngày 5/10 đến 15/10; Cục Hàng không đề nghị Hà Nội mở lại đường bay nội địa từ 5/10; Bộ Công an tích hợp thẻ xanh Covid-19 trên căn cước công dân gắn chip…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh việc đẩy giá kit xét nghiệm Covid-19

Các cơ quan chức năng được yêu cầu vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit xét nghiệm Covid-19

Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit xét nghiệm Covid-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông tin trên khi kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10. Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định pháp luật trong mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống Covid-19. Việc này nhằm tránh lãng phí, thất thoát và tiêu cực.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân...

Liên quan giá kit và chi phí xét nghiệm bị đẩy lên cao tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, bộ này đã lập đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì. Đoàn thanh tra sẽ làm việc với một số địa phương để kiểm tra làm rõ và chấn chỉnh việc "loạn" giá kit xét nghiệm, chi phí xét nghiệm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị các tỉnh thanh tra, kiểm tra việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm.

Theo Bộ Y tế, chi phí xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của kit xét nghiệm, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm... Trong đó, giá của kit xét nghiệm phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit xét nghiệm Covid-19. Ngoài 3 - 4 doanh nghiệp sản xuất kit test nhanh trong nước, hiện có thêm khoảng 30 doanh nghiệp được bộ này cho phép nhập khẩu. Giá sinh phẩm xét nghiệm được các doanh nghiệp đăng ký công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế khoảng 53.500 - 200.000 đồng cho test nhanh; 300.000 - 600.000 đồng cho xét nghiệm PCR.

TP.HCM gấp rút tiêm “vét” vaccine cho công nhân từ ngày 5/10 đến 15/10

Gần 128.000 công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cần tiêm vaccine mũi 1 hoặc mũi 2 để đáp ứng điều kiện quay lại nhà xưởng khi TP.HCM mở cửa trở lại.

Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhằm giúp người lao động đạt điều kiện để trở lại sản xuất

Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhằm giúp người lao động đạt điều kiện để trở lại sản xuất

Trong số này, gần 46.000 lao động chưa tiêm mũi 1 và hơn 82.000 người đang chờ liều thứ 2. Dựa trên danh sách rà soát từ các doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza) sẽ phối hợp với Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan liên quan tiêm vaccine cho công nhân từ ngày 5/10 đến 15/10.

Trong số công nhân cần tiêm vaccine đợt tới, có trên 31.000 lao động đã về các địa phương, trong đó hơn 26.000 người sống ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM đã đề xuất UBND Thành phố và các tỉnh lân cận linh động "mở luồng xanh" giúp công nhân đến các điểm tiêm tập trung của Thành phố hoặc các điểm tiêm lưu động ở vùng giáp ranh.

Hepza đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine với mục tiêu người lao động đạt một trong những điều kiện để được trở lại sản xuất khi Thành phố "mở cửa" sau 30/9: tiêm đủ 2 liều vaccine; đảm bảo thời gian đủ 2 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất (vaccine tiêm 2 lần) hoặc vaccine tiêm một liều; người lao động nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền.

17 khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM có 288.000 lao động với gần 1.500 nhà máy hoạt động. Hiện, 242.000 người được tiêm vaccine mũi một và trên 204.000 người tiêm mũi 2. Khi dịch bùng phát, chỉ có 720 nhà máy thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 điểm đến" với 64.000 người lao động.

Miễn thuế nhập khẩu vật tư sản xuất que test Covid-19

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1921, trong đó bổ sung mặt hàng vật tư sản xuất que test Covid-19 vào danh mục hàng miễn thuế nhập khẩu.

Vật tư sản xuất que test Covid-19 được miễn thuế nhập khẩu

Vật tư sản xuất que test Covid-19 được miễn thuế nhập khẩu

Những mặt hàng vật tư được miễn thuế gồm: túi nhôm (dùng để đựng kit test), vỏ dưới que kiểm tra (dùng để lắp ráp tạo que kiểm tra), vỏ trên que kiểm tra (dùng để lắp ráp tạo que kiểm tra), ống chứa mẫu kiểm tra (dùng để đựng mẫu kiểm tra), giá đỡ ống nghiệm (dùng để cố định các ống chứa), que lấy mẫu dịch tỵ hầu (dùng lấy mẫu cần kiểm tra), que lấy mẫu dịch ngoáy mũi (dùng lấy mẫu cần kiểm tra).

Trước đó, danh mục hàng miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo Quyết định 155 ban hành từ đầu năm ngoái chỉ gồm khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, nước sát trùng (chế phẩm diệt khuẩn dạng dung dịch), trang phục phòng chống dịch, vật tư y tế khác.

Tổng cục Hải quan sẽ hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh kịp thời.

Cục Hàng không đề nghị Hà Nội mở lại đường bay nội địa từ 5/10

Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi công văn đến UBND TP. Hà Nội xin ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa, tổ chức các chuyến bay đi/đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự kiến áp dụng từ 5/10.

Dự kiến hoạt động khai thác bay nội địa giai đoạn 1 sẽ áp dụng từ ngày 5/10

Dự kiến hoạt động khai thác bay nội địa giai đoạn 1 sẽ áp dụng từ ngày 5/10

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc mở lại đường bay nội địa.

Theo Cục Hàng không, sau khi trao đổi với Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cục này gửi UBND TP. Hà Nội phụ lục Kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ 5/10, với các thông tin về đường bay, hãng khai thác, tần suất đi, đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để lấy ý kiến.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng gửi văn bản lấy ý kiến 19 địa phương về Dự thảo Kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động. Đáng chú ý, trong kế hoạch này không có TP. Hà Nội. Việc này được lý giải do tiếp thu kiến nghị của Hà Nội dừng các hoạt động bay thương mại đi, đến.

Tuy nhiên, trong Dự thảo, với các chặng bay từ các địa phương khác, Cục Hàng không vẫn đưa hành trình đến Hà Nội để chủ động xin ý kiến của các địa phương về việc nối chuyến đến Hà Nội, tới khi Hà Nội sẵn sàng sẽ tăng tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bay.

Theo đó, Cục Hàng không đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau. Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.

Trong đó, TP.HCM khôi phục 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Đà Nẵng khôi phục 10 đường bay; Lâm Đồng khôi phục 23 chuyến khứ hồi/ngày; Hải Phòng khôi phục 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thanh Hoá là 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Cần Thơ là 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày…

Bộ Công an tích hợp thẻ xanh Covid-19 trên căn cước công dân gắn chip

Tại thẻ căn cước công dân gắn chip, Bộ Công an tích hợp thẻ xanh Covid với người tiêm 2 mũi vaccine và thẻ vàng với 1 mũi.

Quét thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Quét thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, thẻ căn cước công dân gắn chip đã được tích hợp thông tin tiêm vaccine Covid-19, giấy đi đường, xét nghiệm, giấy phép lái xe và chế độ chính sách được hưởng...

Thẻ xanh Covid là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch với SARS-CoV-2 nhờ tiêm đủ hai mũi vaccine, hoặc từng mắc Covid-19 và đã hoàn thành cách ly. Thẻ xanh Covid hay thông tin tiêm vaccine đã có ở PCCovid, ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch vừa ra mắt. Mã QR được sinh ra trên PCCovid là mã QR cá nhân duy nhất của người dân, chứa thông tin liên quan đến phòng chống dịch.

C06 cũng tích hợp những thông tin này trên thẻ căn cước công dân gắn chip. Khi đến nơi công cộng hay cơ quan, người dân chỉ cần đưa thẻ để những nơi này quét mã QR và sẽ hiện ra thông tin.

Theo C06, mọi dữ liệu được liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên đảm bảo chính xác, bảo mật. Dữ liệu cũng liên tục được cập nhật, bổ sung từ cơ quan y tế, doanh nghiệp, đơn vị tiêm chủng...

Hiện Bộ Công an đã trả khoảng 45 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân. Mã QR trên thẻ chứa 7 trường thông tin cơ bản của công dân, phù hợp với yêu cầu đọc thông tin nhanh của các tổ chức, cá nhân. Mặt sau thẻ chứa mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO. Chip điện tử chứa thông tin sinh trắc học, ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn.

Taxi tại TP.HCM được hoạt động trở lại từ ngày 5/10

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa gửi văn bản hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố, theo đó lực lượng taxi công nghệ sẽ hoạt động trở lại từ ngày 5/10.

Taxi công nghệ được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý

Taxi công nghệ được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý

Theo văn bản, kể từ ngày 5/10, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách (taxi công nghệ) sẽ được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý.

Cũng theo Sở GTVT TP.HCM, xe taxi được phép hoạt động trở lại, mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý.

Đối với xe du lịch, mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tùy theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực.

Riêng loại hình vận chuyển hành khách bằng xe máy, xe môtô 2 bánh vẫn chưa được hoạt động.

Các phương tiện đăng ký hoạt động sẽ được Sở GTVT cấp phép thông qua giấy nhận diện (có mã QR). Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào nhu cầu đi lại và tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Sở tiếp tục điều chỉnh số lượng phương tiện hoạt động phù hợp.

Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử…

Trường hợp không có mã QR, người tham gia lưu thông phải xuất trình giấy chứng nhận mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; hoặc giấy đã tiêm chủng vaccine…

Mỹ tặng thêm cho Việt Nam gần 1,5 triệu liều vaccine Pfizer

Lô vaccine này được bàn giao thông qua cơ chế COVAX và được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy của Pfizer về Việt Nam.

Mỹ tặng thêm cho Việt Nam gần 1,5 triệu liều vaccine Pfizer

Mỹ tặng thêm cho Việt Nam gần 1,5 triệu liều vaccine Pfizer

Đây là đợt trao tặng thứ 4 mà Mỹ dành cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Như vậy, đến nay Mỹ đã trao tặng Việt Nam tổng cộng 6 triệu liều vaccine.

Hiện Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vaccine thông qua các cơ chế, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch và hỗ trợ Việt Nam hơn 1 tỷ USD phát triển hạ tầng y tế tại các địa phương.

Bộ Công an xác minh tố cáo về một số nghệ sĩ quyên góp từ thiện

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ Công an nhận được tin báo tố giác tội phạm và tin báo liên quan đến một số cá nhân có hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện thời điểm xảy ra bão lũ miền Trung năm 2020.

Bộ Công an nhận được tin báo liên quan đến một số nghệ sĩ quyên góp từ thiện thời điểm xảy ra bão lũ miền Trung năm 2020

Bộ Công an nhận được tin báo liên quan đến một số nghệ sĩ quyên góp từ thiện thời điểm xảy ra bão lũ miền Trung năm 2020

Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng để rà soát, làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.

Cục Cảnh sát hình sự cũng phối hợp với UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi làm rõ số tiền một số người đã cứu trợ tại địa phương. Cơ quan công an đã mời một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận chính xác về vấn đề này.

Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự một số địa phương rà soát hoạt động từ thiện diễn ra ở một số địa bàn, nắm tình hình một số cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động từ thiện để thực hiện các hành vi trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định tài khoản đã huy động tiền từ thiện để làm rõ quá trình tiếp nhận, quyên góp, giải ngân.

Quảng Ninh thí điểm dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long

30 tàu du lịch đạt danh hiệu "Cánh buồm xanh" đang neo đậu tại bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được đón khách ăn uống vào 17h30 - 23h hàng ngày.

30 tàu thí điểm dịch vụ ăn uống tại bến du thuyền Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

30 tàu thí điểm dịch vụ ăn uống tại bến du thuyền Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vừa phê duyệt phương án triển khai thí điểm dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch neo đậu tại bến thủy nội địa thuộc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đề án được đưa ra với mục tiêu tạo điểm đến mới cho du khách khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giảm tải lượng khách cho các nhà hàng trên bờ khi vào những mùa, ngày cao điểm. Đồng thời, đề án nhằm tạo mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai, tối ưu khả năng khai thác của tàu thăm vịnh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ của Thành phố.

Theo đề án, hàng ngày từ 17h30 đến 23h, du khách sẽ được sử dụng dịch vụ trên tàu du lịch được đóng mới từ năm 2015 đến nay và đã đạt danh hiệu “Cánh buồm xanh” do UBND tỉnh Quảng Ninh cấp.

Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Văn Phượng cho biết, Chi hội cùng đơn vị quản lý bến cảng đã thảo luận và thống nhất phương án trình Thành phố xin phép thí điểm dịch vụ tổ chức ăn uống trên tàu du lịch đối với tàu đang neo đậu tại bến du thuyền Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết, trước mắt có 30 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long đã đạt chứng nhận “Cánh buồm xanh” tham gia. Vị trí thí điểm tại bến du thuyền của Sungroup có chiều dài hơn 1.355 m. Đây là khu vực nằm biệt lập, cách xa khu dân cư và khu nghỉ dưỡng. Do đó, các hoạt động kinh doanh ban đêm sẽ không ảnh hưởng tiếng ồn đến người dân trong khu vực.

Shipper ở TP.HCM muốn hoạt động trở lại phải có giấy xét nghiệm âm tính

Shipper tại TP.HCM muốn hoạt động trở lại phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Đối với xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

Shipper muốn hoạt động trở lại phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Shipper muốn hoạt động trở lại phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Ngày 2/10, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản hướng dẫn hoạt động giao nhận hàng hóa có sử dụng công nghệ kết nối với khách hàng.

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa xem xét việc tiếp nhận shipper khi thuộc một trong các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh có giấy xác nhận; đã tiêm vaccine đủ liều; đã tiêm ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau khi tiêm.

Ngoài điều kiện trên, tùy hoạt động kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp có quyền thỏa thuận những nội dung khác với shipper và không trái với các quy định pháp luật hiện hành.

Sở Công Thương yêu cầu doanh nghiệp gửi danh sách shipper để đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý shipper được phép hoạt động và tra cứu trực tuyến trên website Sở Công Thương.

Shipper tại TP.HCM muốn hoạt động trở lại phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Đối với xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

Shipper đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K: Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người. Về khoảng cách, Sở yêu cầu shipper giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác.

Shipper phải thực hiện phương châm “Giao hàng không tiếp xúc”. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng quy trình, hướng dẫn và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với shipper về nội dung này.

Hơn 500 người dân Ninh Bình ở các tỉnh, thành phía Nam về quê trên tàu chuyên biệt

Ngày 3/10, hơn 500 hành khách là người dân Ninh Bình ở các tỉnh, thành phía Nam được đi tàu về quê theo kế hoạch của tỉnh này.

Hơn 500 người dân Ninh Bình ở các tỉnh, thành phía Nam về quê trên tàu chuyên biệt

Hơn 500 người dân Ninh Bình ở các tỉnh, thành phía Nam về quê trên tàu chuyên biệt

Tàu SE12 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 15h20 ngày 3/10 và dự kiến về đến ga Ninh Bình vào 6h30 ngày 5/10. Tàu đón khách tại các ga Sài Gòn, Dĩ An (Bình Dương) và ga Biên Hòa (Đồng Nai), không mở cửa cho khách xuống dọc đường. Hành khách khi xuống ga Ninh Bình sẽ được đưa đi cách ly.

Hành khách lên tàu từng ga được chia theo các toa để tiện cho việc theo dõi lịch trình di chuyển, giảm tiếp xúc, hạn chế đi lại.

Tại ga Sài Gòn, Dĩ An và Biên Hòa, ngành đường sắt tổ chức đo thân nhiệt và kiểm tra thẻ lên tàu, giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính đối với hành khách.

Các toa tàu được phun khử trùng tại ga trước khi sử dụng, nhân viên phục vụ trên tàu, dưới ga đều đảm bảo quy trình chống dịch, có xét nghiệm nCoV và tiêm vaccine.

Đoàn tàu sau khi về đến ga Ninh Bình sẽ được phun khử trùng, các nhân viên trên tàu xuất phát về ga Sài Gòn ngay sau đó.

Trước đó, ngành đường sắt đã tổ chức 6 đoàn tàu chuyên biệt đưa hơn 2.000 hành khách là người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Yên Bái về quê an toàn.

Chuyên đề