Bản tin thời sự sáng 29/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là F0 nhẹ tại TP.HCM được đề xuất nơi cách ly; cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch do thua lỗ gần 18.000 tỷ đồng; khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 12; đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà xã hội; bỏ quy định hành khách đi máy bay phải khai báo thông tin…

F0 nhẹ tại TP.HCM được đề xuất nơi cách ly

F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, sẽ được tự đề xuất nơi cách ly ở doanh nghiệp, cơ sở có thu phí, hoặc khu tập trung của địa phương.

Nhân viên y tế Phường 3, Quận 8, đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà

Nhân viên y tế Phường 3, Quận 8, đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà

Đây được xem là bước "chuyển đổi để chủ động hơn trong phòng chống dịch", theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, nằm trong Hướng dẫn tạm thời về quy trình xử lý F0 trong cộng đồng do Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký ngày 28/10.

Trước đây, F0 không triệu chứng hoặc nhẹ nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa đến khu cách ly, cơ sở thu dung của quận huyện, hoặc các bệnh viện.

Theo hướng dẫn mới, nơi ở của F0 được xem là ổ dịch hộ gia đình và phải được xử lý ngay khi xác định thông tin F0. Tất cả thành viên sống cùng nhà F0 phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Sau đó hộ gia đình được cách ly 14 ngày, dán biển cảnh báo trước nhà. Trong thời gian này, nếu phát hiện thêm F0 trong hộ cũng không tính thêm thời gian cách ly cho những người còn lại.

F0 được khám, đánh giá dấu hiệu suy hô hấp, nếu có thở nhanh hoặc khó thở, hoặc SpO2 dưới 96%, thì gọi tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu và chuyển vào bệnh viện.

F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cho cách ly điều trị tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện về phòng ngừa lây nhiễm và người chăm sóc; cấp túi thuốc A, B và C.

Cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch do thua lỗ gần 18.000 tỷ đồng

Cổ phiếu HVN của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch, chỉ được phép giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch kể từ 3/11 tới.

Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã gần 18.000 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp

Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã gần 18.000 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp

Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) Lê Hải Trà vừa công bố quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 3/11.

Cổ phiếu HVN sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch, chỉ được phép giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch.

Lãnh đạo HOSE cho biết, Sở sẽ thông báo về việc liệu HVN có được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát hay không sẽ căn cứ vào giải trình mà Vietnam Airlines đưa ra trong thời gian sắp tới.

Lý do khiến cổ phiếu hãng hàng không quốc gia bị kiểm soát và hạn chế giao dịch xuất phát từ việc Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng (lỗ thuộc về công ty mẹ) 8.458 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lỗ lũy kế tính tới ngày 30/6 là 17.808 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Tại báo cáo tài chính bán niên soát xét, kiểm toán viên đã bày tỏ lo ngại đến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

Được biết, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 12

Báo cáo khả thi nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, dự kiến phê duyệt đầu tháng 11 để khởi công vào tháng 12 năm 2021.

Quy hoạch nhà ga T3

Quy hoạch nhà ga T3

Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến cho biết, khó khăn khác của Dự án là chủ đầu tư (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) chưa được tiếp nhận khu đất xây dựng hơn 16 ha thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng.

Hiện Bộ Quốc phòng đã lập xong phương án sắp xếp tài sản, nhà đất và lấy ý kiến UBND TP.HCM. Tuy nhiên đến nay Thành phố chưa có văn bản phản hồi. Khu đất sắp bàn giao nằm trên địa bàn Phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành trong 37 tháng.

Mục tiêu xây dựng ga T3 tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1. Đồng thời, nhà ga T3 cũng phải phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà xã hội

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng đưa vào chương trình phục hồi kinh tế gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho người lao động, công nhân vay mua nhà và hỗ trợ chủ đầu tư.

kiến nghị chính thức của Bộ Xây dựng tăng hơn hai lần về quy mô và hướng tới hỗ trợ cả người mua nhà thay vì chỉ chủ đầu tư xây nhà xã hội như trước

kiến nghị chính thức của Bộ Xây dựng tăng hơn hai lần về quy mô và hướng tới hỗ trợ cả người mua nhà thay vì chỉ chủ đầu tư xây nhà xã hội như trước

Đây là đề xuất chính thức Bộ Xây dựng gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/10, thay cho phương án về gói 30.000 tỷ đồng được cơ quan này đưa ra một tuần trước đó.

Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được chia làm 2 phần. Thứ nhất là gói tín dụng cấp bù lãi suất trị giá 15.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Trong đó, 14.000 tỷ đồng sẽ được cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng cá nhân theo Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà. Phần còn lại dành cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, LienVietPost Bank, VIB, ACB...) và cho các cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay.

Gói thứ hai trị giá 50.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ một số đối tượng vay ưu đãi, gồm: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Như vậy, so với phương án đề xuất trước đó, kiến nghị chính thức của Bộ Xây dựng tăng hơn hai lần về quy mô và hướng tới hỗ trợ cả người mua nhà thay vì chỉ chủ đầu tư xây nhà xã hội như trước.

Hiện số liệu sơ bộ cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Bỏ quy định hành khách đi máy bay phải khai báo thông tin

Sau hai ngày yêu cầu hành khách đi máy bay khai báo nơi đi, nơi đến, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định bãi bỏ quy định này từ ngày 29/10.

Hành khách từ TP.HCM đến sân bay Nội Bài

Hành khách từ TP.HCM đến sân bay Nội Bài

Theo quyết định của Bộ GTVT, hành khách chỉ phải khai báo y tế điện tử trên ứng dụng Covid-19 (phần di chuyển nội địa) trước khi làm thủ tục hàng không. Trường hợp không có thiết bị hoặc gặp khó khăn khi sử dụng thiết bị điện tử, hãng sẽ bố trí người, thiết bị hỗ trợ.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất triển khai ứng dụng PC-Covid và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho vận tải khách. Cụ thể, ứng dụng này được nâng cấp tính năng "Khai báo di chuyển nội địa" theo hướng phù hợp với quy định vận chuyển hành khách nội địa của Bộ GTVT và gửi dữ liệu định kỳ đến đơn vị hàng không. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ bỏ yêu cầu hành khách khai báo thông tin.

Quy định mới chỉ yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách cho Cảng vụ để chuyển cho địa phương vào 2 khung giờ mỗi ngày thay vì trước mỗi chuyến bay như trước đây. Việc này giúp làm thủ tục của hành khách, trích xuất dữ liệu hành khách nhanh chóng hơn, giảm áp lực với hãng hàng không.

Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu hành khách kê khai nơi đi, nơi đến, số chuyến bay, ngày bay, số điện thoại, chữ ký, tương tự thông tin khai báo trên PC-Covid. Khi đó ứng dụng PC-Covid của Bộ Y tế chưa tích hợp thông tin hành khách.

Đây là lần thứ hai Bộ GTVT bỏ quy định kê khai thông tin với hành khách đi máy bay. Trước đó, Bộ dừng yêu cầu hành khách khai thông tin để giảm phiền hà, tuy nhiên một số địa phương yêu cầu ngành hàng không cung cấp thông tin hành khách đến để có phương án kiểm soát. Vì thế Bộ lại yêu cầu hành khách kê khai thông tin điểm đến.

Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán

Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai 4 đoàn kiểm tra trong tháng 10 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng "nóng" lên trong những năm gần đây

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ngừng "nóng" lên trong những năm gần đây

Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong công tác kiểm tra, giám sát, nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN triển khai 4 đoàn kiểm tra trong tháng 10 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về TPDN.

Đồng thời, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu.

Theo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đã và đang tăng cường quản lý giám sát đối với thị trường TPDN tập trung vào nhiều nội dung.

Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2018 đến nay, thị trường TPDN bắt đầu có sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Vụ Tài chính ngân hàng, qua công tác quản lý giám sát cho thấy thị trường còn một số vấn đề cần lưu ý.

Cụ thể, phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường.

Bên cạnh đó, một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua TPDN phát hành riêng lẻ. Thậm chí, có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Thừa Thiên - Huế

Ảnh hưởng của bão số 8, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và đường lên vườn Quốc gia Bạch Mã bị sạt lở nghiêm trọng.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh TT-Huế

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh TT-Huế

Theo lãnh đạo Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, qua địa bàn huyện miền núi A Lưới có hơn 80 vị trí bị sạt lở, trong đó có 16 vị trí sạt lở gây tắc giao thông.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông, đơn vị này đã huy động phương tiện, nhân lực tập trung thông tuyến với 7 máy đào, 2 máy xúc và 40 công nhân ở các hạt quản lý đường bộ.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kéo dài cũng đã nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 49 bị sạt lở nghiêm trọng.

Đặc biệt, lực lượng chức năng đang lập rào chắn, bố trí nhân lực khắc phục một phần tuyến Quốc lộ 1A lên đỉnh Bạch Mã. Mưa lũ đã làm sập phần taluy âm với chiều dài 55m, sâu hơn 50m và phá hủy hoàn toàn kết cấu kè, mặt đường và làm đứt toàn bộ tuyến đường nối từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã.

Chuyên đề