Bản tin thời sự sáng 28/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng nhiệm kỳ mới vào tháng 7; Hà Nội dừng các hoạt động lễ hội, phố đi bộ; mở rộng thành phố Huế tăng diện tích lên gần 3,8 lần; đề nghị nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông để khai thác từ 1/5…

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng nhiệm kỳ mới vào tháng 7

Dự kiến cuối tháng 7, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới.

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới dự kiến làm việc trong 11 ngày; khai mạc vào thứ ba, ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 3/8. Phiên trù bị dự kiến tổ chức vào chiều 19/7.

Đầu kỳ họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, Quốc hội sẽ có 6 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự.

Đầu tiên, Quốc hội sẽ quyết định số Phó chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khóa mới; Tổng Kiểm nhà nước.

Tiếp theo, Quốc hội tiến hành quy trình để bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Hà Nội dừng các hoạt động lễ hội, phố đi bộ

Thành ủy Hà Nội yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn dịp nghỉ lễ và các hoạt động bầu cử.

Không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận từ khi bùng phát dịch Covid 19 đã nhiều lần phải tạm dừng hoạt động

Không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận từ khi bùng phát dịch Covid 19 đã nhiều lần phải tạm dừng hoạt động

Chiều 27/4, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh, các cơ quan chức năng cần áp dụng ngay biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội không vượt quá quy mô cần thiết và hạn chế tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng vaccine đợt 1 cao nhất cả nước (trên 8.500 liều), đợt 2 thành phố dự kiến tiêm cho trên 53.000 trường hợp (nhân viên y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và các tổ Covid cộng đồng).

Mở rộng thành phố Huế tăng diện tích lên gần 3,8 lần

Thành phố Huế được mở rộng theo hướng thêm 13 xã, phường; tăng diện tích lên gần 3,8 lần.

Khu vực trung tâm thành phố Huế

Khu vực trung tâm thành phố Huế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai xã (Thủy Vân, Thủy Bằng) thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang sẽ về thành phố Huế.

Sau khi điều chỉnh mở rộng, thành phố Huế sẽ sắp xếp 9/27 phường. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập một phường mới lấy tên là phường Gia Hội; hai phường Phú Bình và Thuận Lộc nhập thành phường mới Thuận Lộc; hai phường Phú Hòa và Thuận Thành có tên mới là Đông Ba.

Thành phố sẽ điều chỉnh 0,46 km2 diện tích tự nhiên và hơn 7.500 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,8 km2 diện tích tự nhiên và hơn 4.900 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.

Sau khi sắp xếp 9 phường thành 5 phường, thành phố Huế lại lập thêm 4 phường mới. Đó là các phường Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An. Trụ sở làm việc của các phường mới thành lập là trụ sở của các xã, thị trấn hiện có.

Hiện nay, diện tích của thành phố Huế là 70,67 km2, dân số 354.124 người. Sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, thành phố có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (tăng 3,76 lần), dân số 652.572 người (tăng 1,8 lần).

Đề nghị nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông để khai thác từ 1/5

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo tình hình đánh giá an toàn hệ thống tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước xem xét nghiệm thu, để kịp bàn giao cho Hà Nội khai thác vào dịp 1/5.

Đề nghị nghiệm thu đường sắt Cát Linh – Hà Đông để khai thác từ 1/5

Đề nghị nghiệm thu đường sắt Cát Linh – Hà Đông để khai thác từ 1/5

Bộ GTVT cho biết, dự kiến ngày 28/4, Tư vấn ACT (của Pháp) sẽ cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau khi 16 khuyến cáo của tư vấn đã được các bên liên quan thực hiện, hoặc cam kết thực hiện.

Cùng với đó, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư), Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình và đang thực hiện kiểm đếm, chuyển giao hồ sơ và các công việc phục vụ cho công tác bàn giao với Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành khai thác).

Trên cơ sở hồ sơ nghiệm thu hoàn thành dự án, chứng nhận an toàn hệ thống, ý kiến của Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội về 16 khuyến cáo của tư vấn ACT, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình của chủ đầu tư.

Bộ GTVT cũng đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, để kịp thực hiện việc bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5/2021, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Đà Nẵng rà soát dự án trên bán đảo Sơn Trà

Chính quyền thành phố Đà Nẵng không hình thành đơn vị cư trú mới trên bán đảo Sơn Trà và đang rà soát các dự án ở đây để quyết định trường hợp nào phải dừng triển khai.

Một dự án bỏ hoang trên bán đảo Sơn Trà

Một dự án bỏ hoang trên bán đảo Sơn Trà

Theo công bố Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng sẽ phát triển bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia theo hướng sinh thái cao cấp; trở thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế, gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Ông Phùng Phú Phong, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết, các dự án trên bán đảo Sơn Trà trước đây sẽ được đánh giá lại, dựa trên ba tiêu chí chính là đảm bảo về an ninh quốc phòng, quy hoạch 3 loại rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, các tiêu chí về quy hoạch du lịch đang được điều chỉnh, rà soát.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, bán đảo Sơn Trà đang tồn tại hai nội dung lớn là đất quốc phòng và quy hoạch 3 loại rừng. Thành phố đã có báo cáo 17 dự án liên quan để xin ý kiến Bộ Quốc phòng; báo cáo về phân loại 3 loại rừng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở ý kiến của hai bộ này, Thành phố sẽ quyết định các dự án nào tiếp tục triển khai, dự án nào dừng triển khai.

Chiều ngày 27/4, giá xăng tăng nhẹ

Chiều 27/4, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 182 đồng/lít lên 17.988 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 191 đồng/lít.

Chiều ngày 27/4, giá xăng tăng nhẹ

Chiều ngày 27/4, giá xăng tăng nhẹ

Chiều 27/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 191 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 182 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 17.988 đồng/lít và xăng RON 95 là 19.161 đồng/lít.

Như vậy, xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 trong nước có lần tăng tăng trở lại ngay sau khi giảm nhẹ vào ngày 12/4, kỳ điều chỉnh gần nhất. Trong gần nửa năm qua (từ 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 4.103 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 4.460 đồng/lít. Giá xăng hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng 1 năm 2 tháng.

Ngoài ra, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Giá dầu diesel tăng 187 đồng/lít; dầu hỏa tăng 432 đồng/lít; dầu mazut tăng 336 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 14.328 đồng/lít; dầu hỏa là 13.259 đồng/lít và dầu mazut là 14.023 đồng/kg.

Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.900 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 1.050 đồng/lít và dầu mazut là 500 đồng/kg; dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel 400 đồng/lít.

Chuyên đề