Bản tin thời sự sáng 28/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quân đội huy động 7 trực thăng ứng phó bão Molave; đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa tránh bão; cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp từ tháng 1/2021; Lạng Sơn xin Thủ tướng cho tăng vốn góp cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng 4.000 tỷ…

Quân đội huy động 7 trực thăng ứng phó bão Molave

Sư đoàn không quân 372 đang sẵn sàng 7 trực thăng để nhận lệnh lên đường cứu hộ, cứu nạn sau khi bão Molave đổ bộ vào miền Trung.

Trực thăng Sư đoàn Không quân 372 cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân huyện Hướng Hoá (Quảng Trị)

Trực thăng Sư đoàn Không quân 372 cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân huyện Hướng Hoá (Quảng Trị)

Theo đại tá Hoàng Văn Chiến, Phó Chính ủy Sư đoàn không quân 372, trực thăng sẽ làm các nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những khu vực cô lập, cấp cứu người bị thương ngay sau khi bão tan với quyết tâm có mặt sớm nhất ở những khu vực cần ứng cứu.

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão Molave, thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lực lượng quân đội đã huy động 73.000 người và phương tiện để ứng phó bão Molave.

Trong đó, Quân khu 5 có hơn 66.000 người, với hơn 1.700 phương tiện, trong đó 79 tàu lớn và xuồng các loại. Nếu cần, Bộ Quốc phòng sẽ huy động thêm Quân khu 3, Quân khu 4 và Quân khu 7 tham gia.

Riêng Quân chủng Hải quân có hơn 1.200 chiến sĩ, cùng 121 phương tiện, trong đó 27 tàu lớn. Bộ đội Biên phòng có hơn 3.600 người, 18 phương tiện. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có gần 400 người và 16 phương tiện ứng trực. Quân chủng Phòng không - Không quân cũng huy động 1.450 lượt người và 25 phương tiện.

Molave được dự báo là "cơn cuồng phong" khi đổ bộ vào Đà Nẵng - Phú Yên vào ngày 28/10. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14 (135 - 165km/h), giật cấp 17.

Đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa tránh bão Molave

Hơn 100 chuyến bay đến miền Trung phải hủy do bão số 9; nhiều chuyến tàu Thống Nhất tạm dừng hoạt động.

Máy bay đỗ tại sân bay Đà Nẵng tháng 7
Máy bay đỗ tại sân bay Đà Nẵng tháng 7

Ngày 27/10, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu dừng khai thác tại 5 sân bay: Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Tuy Hòa từ 18h ngày 27/10 đến 16h ngày 28/10. Ngoài ra, sân bay Pleiku (Gia Lai) dừng khai thác từ 21h ngày 27/10 đến 19h ngày 28/10.

Các đơn vị liên quan được giao theo dõi diễn biến của bão Molave tại các sân bay: Đồng Hới, Ban Mê Thuột, Liên Khương, Cam Ranh và các sân bay khác ở khu vực Nam bộ để đề xuất bổ sung quyết định về đảm bảo an toàn hoạt động bay.

Cùng ngày, theo đại diện Vietnam Airlines, do ảnh hưởng của cơn bão Molave, hãng đã huỷ 104 chuyến đến, đi từ các sân bay Vinh, Đồng Hới, Phú Bài (Huế), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Quy Nhơn), Pleiku, Tuy Hoà trong ngày 27/10. Ngoài ra, hãng cũng thay đổi giờ khai thác của 25 chuyến bay để tránh bão trên 10 đường bay.

Pacific Airlines huỷ 6 chuyến bay giữa TP.HCM và Đà Nẵng, 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Phù Cát (Quy Nhơn).

Các chuyến bay đến, đi từ sân bay Cam Ranh, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột cũng sẽ được điều chỉnh theo thực tế. Dự kiến ngày 28/10, bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp và dây chuyền đến hơn 200 chuyến bay của Vietnam Airlines.

Hàng chục chuyến bay của Vietjet Air cũng điều chỉnh thời gian đến và đi từ sân bay Chu Lai, Quy Nhơn, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và Pleiku trong ngày 27/10.

Bamboo Airways cũng hủy chuyến QH170 từ TP.HCM - Đà Nẵng, điều chỉnh giờ nhiều chuyến bay đến Đà Nẵng trong ngày do ảnh hưởng của bão. Sau 19h tối 27/10, hãng tạm dừng khai thác tất các chuyến bay bay tới Đà Nẵng.

Ngành đường sắt cũng tạm dừng chạy một số tàu Thống nhất, điều chỉnh kế hoạch tàu khu đoạn để tránh bão số 9 từ tối 27/10, nhằm đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách.

Ga Hà Nội sẽ tạm ngừng chạy tàu SE1, tàu SE3 và tàu SE7. Ga Sài Gòn sẽ tạm ngừng chạy tàu SE4, tàu SE8 và tàu SE22.

Các tàu xuất phát ngày 27/10 tại ga Sài Gòn, như tàu SE2, sẽ kết thúc hành trình tại ga Diêu Trì. Hành khách có vé tàu SE4 đoạn từ Sài Gòn đến Diêu Trì được chuyển chỗ sang tàu SE2.

Cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp từ tháng 1/2021

Bộ Công an sẽ cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp từ ngày 1/1/2021, lùi 2 tháng so với dự kiến ban đầu.

Mẫu thẻ căn cước công dân hiên nay

Mẫu thẻ căn cước công dân hiên nay

Ngày 27/10, thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, giải thích lý do chậm là quá trình chuyển đổi mẫu thẻ căn cước mới cần xin ý kiến và có thông tư hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, thẻ gắn chíp sử dụng công nghệ sản xuất khác nên phải đầu tư máy móc, thiết bị mới để đồng bộ và cấp cho tất cả địa phương.

Với loại thẻ công nghệ mới, các địa phương sẽ tận dụng hệ thống lấy vân tay, thu nhận hình ảnh... của dự án trước, giờ chủ yếu thay đổi phần mềm, lắp đặt, nâng cấp thêm đường truyền.

Đến nay, Bộ Công an đã 4 lần thay đổi chứng minh thư 9 số và 12 số vào các năm 1964, 1999, 2012. Từ năm 2016, Bộ bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch ở mặt sau và đến nay tiếp tục đổi sang thẻ căn cước gắn chíp.

Thẻ căn cước mới dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...), ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái... Mẫu thẻ được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ.

Lạng Sơn xin Thủ tướng cho tăng vốn góp cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng 4.000 tỷ

Tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin điều chỉnh Dự án cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng theo hướng tăng vốn góp ngân sách vào dự án 4.000 tỷ đồng, trong đó, Trung ương góp 3.000 tỷ đồng, địa phương góp 1.000 tỷ đồng.

Việc đầu tư cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng gặp nhiều khó khăn về tài chính trong thời gian qua

Việc đầu tư cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng gặp nhiều khó khăn về tài chính trong thời gian qua

Trước đó, tuyến cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng chạy qua các huyện Cao Lộc, TP. Lạng Sơn, huyện Chi Lăng, được giao cho Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đầu tư xây dựng bằng vốn tư nhân, có chiều dài 43,6km, quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 16m, tổng vốn đầu tư khoảng 7.609 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí bồi thường tái định cư 781 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị 5.283 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn 540 tỷ đồng, chi phí dự phòng 777 tỷ đồng, lãi vay 227 tỷ đồng.

Nhưng do khó khăn về tài chính, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả bỏ dở Dự án. Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư của Dự án, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh Dự án theo hướng bổ sung vốn ngân sách đầu tư xây dựng.

Theo đề xuất mới nhất của tỉnh Lạng Sơn, để xây dựng Dự án trong thời gian tới, nhà đầu tư BOT - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chỉ phải huy động 3.609 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ Dự án 3.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, nguồn vốn ngân sách đầu tư vào dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chiếm hơn 52% tổng vốn đầu tư Dự án.

Nếu chủ trương điều chỉnh dự án được Chính phủ thông qua, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được khởi động trở lại vào quý I/2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đến nay, Dự án đã hoàn thành bàn giao cọc mốc GPMB, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao cho nhà đầu tư 8,5km/43,6km mặt bằng tuyến cao tốc.

Ninh Thuận: Tạm dừng đấu nối điện mặt trời vào lưới điện vì đầy tải

Ninh Thuận đã tạm dừng tiếp nhận đề nghị của khách hàng đấu nối, đầu tư các hệ thống điện mặt trời vào lưới điện 22kV.

Dự án ĐMT phát triển rầm rộ tại khu vực tỉnh Ninh Thuận

Dự án ĐMT phát triển rầm rộ tại khu vực tỉnh Ninh Thuận

Theo đại diện lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, trong 10 tháng năm 2020, Tổng công ty đã phát triển được 15.579 khách hàng; tổng công suất tấm pin lắp đặt là 711 MWp.

Lũy tiến từ năm 2017 đến tháng 9/2020, tổng số khách hàng đang vận hành trên lưới là 29.275 khách hàng với tổng công suất đang vận hành trên lưới 897 MWp.

Đáng chú ý, đại diện EVNSPC cho biết, hiện có 5.099 dự án đã đấu nối nhưng chưa vận hành thương mại với công suất là 2.763.317 kWp; 542 dự án đã đăng ký với công suất là 533.896 kWp nhưng chưa được thỏa thuận đấu nối do không giải toả được công suất.

Riêng đối với Công ty Điện lực Ninh Thuận (PC Ninh Thuận), ông Hồ Thái Yên Kha Phó giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, tất cả các trạm biến áp 110/22kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đầy tải.

Do đó, PC Ninh Thuận đã tạm dừng tiếp nhận các đề nghị của khách hàng dự định đấu nối đầu tư các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào lưới điện 22kV trên địa bàn tỉnh.

Đắk Nông: 2 phóng viên bị cáo buộc tống tiền doanh nghiệp

Nguyễn Thanh Hải, trưởng đại diện tạp chí điện tử, và cấp dưới bị bắt với cáo buộc tống tiền chủ doanh nghiệp xăng dầu 150 triệu đồng.

Nguyễn Thanh Hải lúc bị bắt

Nguyễn Thanh Hải lúc bị bắt

Chiều 27/10, Đại tá Hồ Văn Mười, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên của Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật; Trần Bá Nhật, phóng viên tạp chí về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, trước đó, nhóm phóng viên này có một số bài viết phản ánh sai phạm của doanh nghiệp xăng dầu tại tỉnh Đăk Nông. Sau đó, họ liên hệ với chủ doanh nghiệp, đề nghị đưa hơn 200 triệu đồng để "không tiếp tục đăng sai phạm". Kết quả thương lượng, nhóm phóng viên chấp nhận lấy 150 triệu đồng.

Khi Hải và Nhật nhận tiền từ doanh nghiệp thì cảnh sát ập đến bắt.

Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Chuyên đề