Bản tin thời sự sáng 28/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tiêm vaccine Covid-19 trẻ em toàn TP.HCM từ ngày 28/10; bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội trước 10/11; Bộ Nội vụ đề nghị bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được bán tại chỗ từ ngày 28/10; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí không dừng vào tháng 3/2022; Thaiholdings bị phạt 260 triệu đồng vì mua bán chui cổ phiếu LienVietPostBank…

Tiêm vaccine Covid-19 trẻ em toàn TP.HCM từ ngày 28/10

Sau ngày đầu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ tại huyện Củ Chi và Quận 1 thuận lợi, TP.HCM đồng loạt triển khai ở các quận huyện ngày 28/10.

Trong ngày 27/10 đã tiêm 1.428 trẻ 16-17 tuổi tại điểm tiêm Trường Tiểu học thị trấn Củ Chi

Trong ngày 27/10 đã tiêm 1.428 trẻ 16-17 tuổi tại điểm tiêm Trường Tiểu học thị trấn Củ Chi

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, Trung tâm đã phân bổ vaccine Pfizer đến các quận huyện để tổ chức tiêm chủng toàn Thành phố vào ngày 28/10.

Theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Củ Chi, trong ngày 27/10 đã tiêm 1.428 trẻ 16 - 17 tuổi tại điểm tiêm Trường Tiểu học thị trấn Củ Chi, không ghi nhận tình trạng phản vệ. Ngày 28/10, Huyện sẽ triển khai đồng loạt ở 6 điểm tiêm, tiếp tục tiêm nhóm 16 - 17 tuổi, sau đó hạ dần độ tuổi. Theo thống kê, số lượng trẻ từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn huyện là hơn 51.000 trẻ, trong đó hơn 16.000 trẻ từ 16 - 17 tuổi, gần 15.000 trẻ từ 14 - 16 tuổi, hơn 20.000 trẻ từ 12 - 14 tuổi.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1 Đỗ Thị Tân, kết quả tiêm hơn 300 học sinh khối 12 tại điểm tiêm thuộc Trường THPT Lương Thế Vinh chiều 27/10 cũng ghi nhận tất cả đều an toàn.

TP. Thủ Đức kích hoạt 30 điểm tiêm, dự kiến tiêm cho khoảng hơn 34.000 trẻ trong ngày 28/10.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Thành phố đã nhiều lần thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhưng những lần trước quy mô không bằng lần này. Dự kiến đợt này khoảng 780.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm. Theo kế hoạch, Thành phố tiến hành tiêm mũi một cho trẻ em trong 5 ngày, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi 16 - 17 và hạ dần độ tuổi.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế dự kiến chiến dịch tiêm cho trẻ em sẽ được tổ chức trên cả nước từ tháng 11 với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất.

Bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội trước 10/11

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bàn giao cho TP. Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục trễ hẹn vận hành

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục trễ hẹn vận hành

Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu ra đối với Bộ GTVT trong cuộc làm việc ngày 27/10.

Đặc biệt, đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.

Gửi báo cáo đến kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (dài 13 km), có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD).

Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD), tăng 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Đây là một trong 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn trên toàn quốc.

Sau nhiều lần lùi thời gian khai thác, đến tháng 3/2021, Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị. Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại để bàn giao cho UBND TP. Hà Nội.

Bộ Nội vụ đề nghị bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức.

Bộ Nội vụ đã bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức chuyên ngành hành chính và văn thư, thực hiện từ 1/8

Bộ Nội vụ đã bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức chuyên ngành hành chính và văn thư, thực hiện từ 1/8

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đề nghị trên nhằm bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đối với công chức, viên chức.

Các bộ, ngành cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý.

Thông tư này không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Thay vào đó, các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành khẩn trương thực hiện nội dung trên, hoàn thành trước ngày 31/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức do không còn phù hợp và các cơ sở đào tạo đã có quy định về chuẩn đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học.

TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được bán tại chỗ từ ngày 28/10

TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10, riêng Quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm bán rượu, bia.

Khách ngồi tại một quán cà phê ở quận Bình Thạnh

Khách ngồi tại một quán cà phê ở quận Bình Thạnh

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký công văn khẩn về việc mở lại dịch vụ ăn uống bán tại chỗ, chiều 27/10. Đến nay, các quán hàng ăn uống ở Thành phố phải ngừng phục vụ tại chỗ đúng 5 tháng.

Theo đó, UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10 và phải đảm bảo một số điều kiện.

Các quán được mở bán tại chỗ nếu đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 và đảm bảo điều kiện: đóng cửa trước 21h hàng ngày, công suất phục vụ tối đa 50% và không được bán đồ uống có cồn (trừ các nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ khách du lịch).

Tuy vậy, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch, Thành phố cho phép Quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm bán đồ uống có cồn đến ngày 15/11. Địa bàn cụ thể do người đứng đầu chính quyền hai địa phương quyết định.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, Thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh ăn uống. Hình thức bán mang về và tại chỗ phải dừng nhiều tháng qua để phòng chống dịch khiến doanh thu của ngành ẩm thực giảm mạnh.

Hoàn thành lắp đặt trạm thu phí không dừng vào tháng 3/2022

Bộ GTVT khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, phấn đấu đến tháng 3/2022 triển khai xong các trạm trên hệ thống cao tốc toàn quốc.

Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đã lắp đặt thu phí không dừng ETC

Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đã lắp đặt thu phí không dừng ETC

Làm việc với Bộ GTVT về thu phí điện tử không dừng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, đến nay công việc này chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, Bộ GTVT cần quyết liệt hơn nữa, khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đối với các trạm thu phí còn lại; từ nay đến hết tháng 11, hoàn thành ký hợp đồng, chọn được nhà thầu.

Các đơn vị cần tạo điều kiện lợi cho người dân trong sử dụng dịch vụ này, như mở tài khoản, dán thẻ...; phấn đấu đến tháng 6/2022, phần lớn phương tiện (trên 90%) được dán thẻ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay trong quý I/2022, tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại một làn thu phí có dừng; tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, hiện đã có 112 trạm trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng; trong đó, Bộ quản lý 69 trạm, đã lắp đặt 351 làn, còn phải lắp 69 làn; địa phương quản lý 43 trạm, đã lắp 189 làn, còn phải lắp 62 làn.

Báo cáo thêm về vấn đề này, Vụ trưởng Đối tác công tư (PPP) Lê Kim Thành cho biết, trong tổng số 97 tuyến đường thì 83 tuyến đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng; 14 tuyến chưa lắp đặt do các yếu tố đặc thù như doanh thu quá thấp, thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm. 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn, phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định tái cơ cấu.

Đà Nẵng dự kiến cho toàn bộ học sinh đi học trở lại từ 15/11

Lãnh đạo UBND Đà Nẵng đồng ý với đề xuất của ngành giáo dục về việc lùi thời gian tổ chức đi học trực tiếp đến ngày 15/11, thay vì 1/11 như dự kiến trước đây.

Học sinh Đà Nẵng dự kiến trở lại trường học vào giữa tháng 11

Học sinh Đà Nẵng dự kiến trở lại trường học vào giữa tháng 11

Chiều 27/10, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến xác nhận thông tin trên và cho biết quyết định được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp tại nhiều địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, địa phương này đã và đang tiếp nhận nhiều người, trong đó có học sinh, giáo viên, người lao động về từ các địa phương khác về.

Chính quyền Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát nhưng vẫn chưa thể phát hiện triệt để các nguy cơ, việc dịch bệnh xuất hiện và bùng phát luôn thường trực.

Ngoài ra, tuần sau ngành y tế Đà Nẵng sẽ thí điểm tiêm vaccine cho học sinh. UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tập huấn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT vào ngày 29/10 và tổ chức tiêm từ ngày 1/11.

Do đó, lịch học trực tiếp của các khối dự kiến sẽ dời đến ngày 15/11.

Thaiholdings bị phạt 260 triệu đồng vì mua bán chui cổ phiếu LienVietPostBank

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt Công ty CP Thaiholdings 260 triệu đồng do mua bán cổ phiếu LPB nhưng không công bố thông tin trước.

UBCK vừa phạt Công ty CP Thaiholdings 260 triệu đồng

UBCK vừa phạt Công ty CP Thaiholdings 260 triệu đồng

Công ty CP Thaiholdings là tổ chức liên quan ông Nguyễn Đức Thụy, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB), nên có nghĩa vụ công bố thông tin dự kiến giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, cả hai lần công ty này mua hơn 145.000 cổ phiếu và bán gần 720.000 cổ phiếu LPB trong tháng 5 và tháng 6 đều không công bố.

Hai giao dịch thực hiện không lâu sau khi ông Thuỵ được bầu vào Hội đồng Quản trị LienVietPostBank nhiệm kỳ 2018 - 2023 với tỷ lệ đồng ý 99,56%.

Ông Nguyễn Đức Thuỵ hiện không giữ chức vụ nào tại Thaiholdings nhưng vẫn là cổ đông sáng lập và sở hữu 24,55% cổ phần. Báo cáo tài chính bán niên của công ty này ghi nhận giá trị nắm giữ đối với cổ phiếu LPB là 1.243 tỷ đồng, tương ứng hơn 41,5 triệu cổ phiếu tính theo giá đóng cửa cuối tháng 6. Cá nhân ông Nguyễn Đức đang nắm khoảng 30,6 triệu cổ phiếu tại ngân hàng này.

10 tháng đầu năm 2021, gần 26.000 doanh nghiệp TP.HCM rút khỏi thị trường

25.895 doanh nghiệp TP.HCM rời thị trường 10 tháng đầu năm 2021 chiếm 27% cả nước, trong đó, khoảng 14.000 doanh nghiệp ngưng kinh doanh có thời hạn.

25.895 doanh nghiệp TP.HCM rời thị trường 10 tháng đầu năm 2021

25.895 doanh nghiệp TP.HCM rời thị trường 10 tháng đầu năm 2021

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu năm đến nay cả nước có hơn 97.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bởi tác động của dịch bệnh, trong đó, khoảng 48.500 chọn cách tạm ngừng kinh doanh, còn lại chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể.

Riêng TP.HCM có 25.895 trường hợp, chiếm gần 27% số doanh nghiệp rút lui trên cả nước. Trong đó, khoảng 14.000 doanh nghiệp ngưng kinh doanh có thời hạn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh giai đoạn này chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ôtô, xe máy, xây dựng, công nghệ chế biến. 91% các trường hợp đóng cửa có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp quy mô vốn trên 100 tỷ đồng chiếm chưa đến 0,5%.

Số doanh nghiệp với thâm niên hoạt động hơn một thập kỷ tạm ngừng kinh doanh cũng biến động mạnh, tăng 15% so với cùng kỳ, lên đến 10.600 doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, đầu năm đến nay khoảng 94.000 doanh nghiệp thành lập mới và 35.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp thành lập mới giảm gần 16% và tổng vốn đăng ký cũng giảm 18%. Bình quân mỗi doanh nghiệp thành lập trong giai đoạn này có vốn điều lệ xấp xỉ 14 tỷ đồng.

Ba nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp mới cao hơn cùng kỳ là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản và vận tải kho bãi. Còn sản xuất phân phối điện, nước, gas; thông tin - truyền thông; dịch vụ lưu trú và ăn uống là những ngành ít doanh nghiệp lập mới. Đây đều là những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh.

Lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể giảm từ 15/11

Bộ Tài chính dự kiến giảm lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 15/11/2021 đến giữa tháng 5/2022.

Công nhân Nhà máy Ôtô Vinfast kiểm tra xe trước khi xuất xưởng

Công nhân Nhà máy Ôtô Vinfast kiểm tra xe trước khi xuất xưởng

Dự thảo Nghị định Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho biết, lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15/11/2021 đến hết 15/5/2022.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ ký ban hành Nghị định sau 15/11, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1/12 đến hết tháng 5/2022.

Giảm lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe nhưng giảm chi phí lăn bánh một chiếc xe mới. Việc giảm 50% mức thu theo Bộ Tài chính sẽ kích cầu tiêu dùng cũng như thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng mở rộng đầu tư. Việc giảm phí sẽ giảm số thu nhưng số lượng xe tiêu thụ dự kiến tăng nên tổng thu ngân sách vẫn có thể tăng lên.

Như năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa giảm 50% phí trước bạ), lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm, số xe đăng ký gấp đôi.

Trong khi đó, vì dịch bùng phát trở lại, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số xe tiêu thụ giảm mạnh. Số xe đăng ký trước bạ lần đầu trong nửa đầu năm nay là hơn 160.000 xe, giảm 24% so với nửa cuối năm ngoái. Đến quý III, số xe đăng ký trước bạ chỉ đạt bình quân gần 16.200 xe mỗi tháng, bằng hơn một nửa so với bình quân quý II. Trong tháng 8, con số này chỉ còn hơn 8.800 xe.

Chuyên đề