Bản tin thời sự sáng 28/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là VN-Index mất mốc 1.100 điểm; 1 tỷ đồng cho ý tưởng chống kẹt xe ở Đà Lạt; đề xuất xây 10 nút giao trên đường nối Đồng Nai - Vũng Tàu; đề nghị có sân bay của Ninh Bình rất khó khả thi…

VN-Index mất mốc 1.100 điểm

VN-Index giảm gần 39 điểm trong phiên ngày 27/1, lùi về dưới ngưỡng 1.100 điểm khi bị bán tháo đầu phiên chiều và nghẽn giao dịch trong phần còn lại.

VN-Index mất mốc 1.100 điểm

VN-Index mất mốc 1.100 điểm

Sau nhịp giảm mạnh đầu giờ chiều cùng với thanh khoản tăng cao, thị trường đi ngang trong nửa sau của phiên giao dịch khi trạng thái nghẽn lại xảy ra.

Chốt phiên, VN-Index giảm gần 39 điểm (3,43%) còn 1.097,17 điểm. VN30-Index giảm hơn 41 điểm (3,69%) xuống 1.083,63 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm hơn 3%, còn UpCOM-Index giảm 2,56%.

Sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn vào cuối phiên, với 413 mã giảm trên HoSE, 34 mã đứng tham chiếu và chỉ có 51 mã tăng. Trong nhóm VN30, 27/30 mã bluechip giảm giá.

Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 18.800 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE giao dịch gần 16.800 tỷ đồng. Khối ngoại giữ trạng thái cân bằng.

Trong phiên thị trường đỏ lửa, nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực giao dịch với lực mua và bán cân bằng. Đến cuối phiên 27/1, khối ngoại mua vào hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi cũng bán ra hơn 1.400 tỷ đồng trên HoSE.

Một tỷ đồng cho ý tưởng chống kẹt xe ở Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thi tuyển tìm ý tưởng chống ùn tắc giao thông hiệu quả cho thành phố Đà Lạt, giải nhất trị giá 1 tỷ đồng.

Ôtô ùn tắc trước vòng xoay Bưu Điện Đà Lạt

Ôtô ùn tắc trước vòng xoay Bưu Điện Đà Lạt

Kế hoạch tổ chức thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông ở TP. Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được UBND Lâm Đồng ban hành.

Theo UBND Lâm Đồng, cuộc thi sẽ giới hạn người tham gia trong nước, thông qua công tác sơ tuyển sẽ lựa chọn ra 5 phương án chống kẹt xe phù hợp nhất. Sau đó, ban tổ chức lựa chọn 1 giải nhất có tính khả thi để triển khai.

Các ý tưởng dự thi phải đề ra các nhóm giải pháp chống ùn tắc giao thông, khai thác giá trị hiệu quả quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật của TP. Đà Lạt. Thời hạn dự thi tính từ ngày công bố đến 14/4.

Với địa hình đường nhiều dốc cao, Đà Lạt là thành phố duy nhất trong nước chưa lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Đây là một trong những nét đặc trưng của thành phố du lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, thành phố này thường xuyên xảy ra kẹt xe vào dịp cuối tuần, lễ Tết khi du khách đổ về tham quan, nghỉ dưỡng.

Đề xuất xây 10 nút giao trên đường nối Đồng Nai - Vũng Tàu

Để giảm tải kẹt xe, chủ đầu tư BOT Quốc lộ 51 đề xuất xây dựng 10 nút giao trên toàn tuyến đường với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng.

Quốc lộ 51 đi qua trạm thu phí T2, xã Long Phước, huyện Long Thành thường xuyên kẹt xe, đặc biệt những ngày cuối tuần, dịp lễ Tết

Quốc lộ 51 đi qua trạm thu phí T2, xã Long Phước, huyện Long Thành thường xuyên kẹt xe, đặc biệt những ngày cuối tuần, dịp lễ Tết

Trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh Hồng Hà - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, các nút giao trên tuyến đường nối Đồng Nai - Vũng Tàu sẽ được xây dựng kiểu cầu vượt hoặc hầm chui với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng mỗi dự án.

Trong đó, hai dự án ở Đồng Nai xây tại điểm giao đường Châu Văn Lồng - Nguyễn Văn Tỏ (TP. Biên Hòa) và tỉnh lộ 25B (ngã ba Nhơn Trạch). 8 nút giao ở Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao, 965 vào Cái Mép - Thị Vải, Hội Bài - Châu Pha, Láng Cát - Long Sơn, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Hữu Thọ, Trường Sa và Đường 30 Tháng 4.

Hai dự án ở Đồng Nai và bốn nút giao ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Mỹ Xuân - Ngãi Giao; đường vào Cái Mép -Thị Vải; Hội Bài - Châu Pha và đường Trường Sa ưu tiên làm trước.

Quốc lộ 51 dài hơn 72 km, trong đó. đoạn qua Đồng Nai dài 36,5 km. Dự án mở rộng tuyến đường được khởi công năm 2009 và hoàn thành tháng 4/2013. Để hoàn vốn, Dự án đặt 3 trạm thu phí, trong đó, 2 trạm trên tỉnh Đồng Nai.

Phà Rạch Miễu hoạt động

Phà Rạch Miễu nối Bến Tre với Tiền Giang sáng 27/1 - ngày đầu tiên vận hành với 2 phà 100 tấn chở người dân qua sông Tiền, chống ùn tắc ở cây cầu cùng tên dịp Tết.

Thời gian đầu có 2 phà 100 tấn chở khách ở bến Rạch Miễu

Thời gian đầu có 2 phà 100 tấn chở khách ở bến Rạch Miễu

Phía bờ Bến Tre, đường dẫn hơn một km từ bến phà đến Quốc lộ 57B được thảm nhựa, lắp hệ thống đèn tín hiệu. Khu vực cầu phà, nhà chờ và một số công trình phụ vẫn đang thi công. Ngày đầu hoạt động, hầu như không có ôtô, xe tải, mỗi chuyến phà chở 10 - 20 xe máy; thời gian chạy khoảng 10 phút.

Trong tuần đầu tiên, phà chạy đến 22h đêm nhằm thống kê nhu cầu, giờ giấc người dân, để điều chỉnh lịch trình phù hợp, sau đó mới thu phí. Ôtô qua phà chịu phí 20.000 - 140.000 đồng mỗi lượt tùy xe, tương đương giá trạm BOT Cầu Rạch Miễu. Xe máy và người đi bộ được miễn phí vé.

Theo ông Từ Anh Nguyên, Giám đốc Ban quản lý bảo trì công trình đường bộ (Sở Giao thông vận tải Bến Tre), phà chở xe, phương tiện nặng dưới 30 tấn, cao dưới 3,9 m. Trước mắt, Rạch Miễu có 2 phà hoạt động, sau đó được bổ sung một chiếc từ phà Tân Phú. Tỉnh Bến Tre đang xin UBND TP.HCM 1 phà 200 tấn và 2 phà 60 tấn.

Về lâu dài, khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành, bến phà sẽ được dùng cho dự án du lịch ở các xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành.

Phà Rạch Miễu khởi công giữa tháng 10 năm ngoái, tổng đầu tư hơn 100 tỷ đồng, mục đích nối Quốc lộ 57B phía Bến Tre và đường tỉnh 864 phía Tiền Giang. Dự án nhằm chống kẹt xe cho cầu Rạch Miễu cách đó 10 km trong khi chờ cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành 5 năm tới.

Đề xuất thu phí khí thải hàng triệu xe máy ở TP.HCM

Đơn vị nghiên cứu tính toán thu phí kiểm soát khí thải hàng triệu xe máy tại TP.HCM với mỗi xe 50.000 đồng, 6 năm thu gần 1.600 tỷ đồng sau khi trừ vốn đầu tư.

1 xe máy xả khói đen chạy trên cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh

1 xe máy xả khói đen chạy trên cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh

Theo ông Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải), đề xuất phương án kiểm soát khí thải xe máy tại TP.HCM ban đầu thực hiện ở khu trung tâm, sau đó mở rộng toàn Thành phố. Giai đoạn 2021 - 2022, Thành phố cần xây dựng các khung chính sách, pháp lý liên quan, tổ chức tuyên truyền... Giai đoạn 2023 - 2024, Thành phố sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư 88 trạm kiểm định. Phí kiểm định mỗi xe được đề xuất 50.000 đồng trong một năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe chạy ở Quận 1, 3, 5 chưa đạt chuẩn bị phạt tiền.

Giai đoạn 2025 - 2026, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này, 78 trạm kiểm định được đầu tư, mở rộng kiểm soát tại Quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình. Những xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra khí thải. Từ năm 2027 - 2030, khu vực cần đạt chuẩn khí thải mở rộng ở 13 Quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.

Theo đơn vị nghiên cứu, đề án kiểm soát khí thải cần kinh phí hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hệ thống, nhân lực... Dự kiến giai đoạn 2023 - 2024, mỗi năm có gần 7 triệu xe máy cần kiểm tra và mức thu ước tính khoảng 348 tỷ đồng. Từ năm 2025 - 2030, mỗi năm gần 6 triệu xe kiểm định, tương ứng nguồn thu khoảng 300 tỷ đồng.

Đề nghị có sân bay của Ninh Bình rất khó khả thi

Tỉnh Ninh Bình bất ngờ đề xuất bổ sung quy hoạch vị trí xây dựng sân bay. Tuy nhiên, Ninh Bình lại nằm rất gần sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá).

UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay Ninh Bình tại huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay Ninh Bình tại huyện Kim Sơn và Yên Khánh. Ảnh minh họa

Tỉnh Ninh Bình vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung 1 vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, hàng năm, Ninh Bình thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đón trên 7,6 triệu lượt khách. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8 - 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.

Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài.

Được biết, vị trí mà tỉnh Ninh Bình đề xuất nghiên cứu là tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Theo một chuyên gia giao thông, nếu Ninh Bình chỉ dựa vào lượng khách du lịch theo mùa như hiện nay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất thấp.

Hơn nữa, Ninh Bình cũng chưa có những trung tâm lớn về đầu tư, trong khi lại quá gần các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hóa). Việc kết nối đến các sân bay lân cận cũng rất thuận lợi khi mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam đã và đang hình thành khá thuận tiện cho việc đi lại.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc bổ sung cảng hàng không Ninh Bình là khó khả thi vì quá gần với một loạt sân bay khác.

Chuyên đề