Bản tin thời sự sáng 27/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày 27/8, sáng thứ 7 liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19; người ngoại tỉnh tại Đà Nẵng đăng ký về nơi cư trú trước 17h ngày 27/8; điều tra đường dây đưa người xuất cảnh trái phép sang Lào, Thái Lan…

Ngày 27/8, sáng thứ 7 liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19

Sáng ngày 27/8, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới nào được ghi nhận. Đây là sáng thứ 7 liên tiếp không có ca bệnh. Hiện nay, Việt Nam có 1.034 bệnh nhân Covid-19.

Ngày 27/8, sáng thứ 7 liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19

Ngày 27/8, sáng thứ 7 liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19

Tính đến 6h ngày 27/8, Việt Nam có tổng cộng 687 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 547 ca. Tính từ 18h ngày 26/8 đến 6h ngày 27/8, không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 70.916 người. Trong đó, 1.596 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.828 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 50.492 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 632/1.034 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 41 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 52 ca, số ca âm tính lần 3 là 51 ca. Đến nay, Việt Nam đã có 29 bênh nhân tử vong.

Đà Nẵng: Người ngoại tỉnh đăng ký về nơi cư trú trước 17h ngày 27/8

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã thông báo thời gian dừng tiếp nhận người dân bị “mắc kẹt” ở Thành phố do dịch Covid-19 đăng ký về nơi cư trú là 17h ngày 27/8.

Đà Nẵng "chốt" thời hạn người dân ngoại tỉnh đăng ký về quê là ngày 17h ngày 27/8

Đà Nẵng "chốt" thời hạn người dân ngoại tỉnh đăng ký về quê là ngày 17h ngày 27/8

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng vừa có văn bản thông báo thời gian dừng tiếp nhận người dân bị “mắc kẹt” do dịch Covid-19 đăng ký nhu cầu từ Đà Nẵng về nơi cư trú.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, ngày 21/8, Sở đã có công văn gửi UBND các quận, huyện, xã, phường, Cổng thông tin điện tử TP. Đà Nẵng, Tổng đài 1022 về tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người dân ngoại tỉnh có nhu cầu từ TP. Đà Nẵng đi, đến các tỉnh, thành phố khác. Thời gian cuối cùng để tiếp nhận là 17h ngày 27/8.

Trước đó, ngày 19/8, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn về việc hỗ trợ công dân các địa phương đang tạm trú tại thành phố Đà Nẵng được trở về nơi cư trú.

Theo công văn này, trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép người lao động được rời Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng mong muốn nhận được sự quan tâm phối hợp của UBND các tỉnh, thành thực hiện việc thiết lập đường dây nóng và thông báo rộng rãi để tiếp nhận thông tin của công dân của địa phương đang tạm trú ở Đà Nẵng đăng ký trở về nơi cư trú…

Hải Dương cấm bán thực phẩm chế biến sẵn ở chợ

Thành phố Hải Dương đóng cửa các hàng ăn uống, bán thực phẩm chế biến sẵn tại chợ, khuyến cáo người dân không tập thể dục nơi công cộng, nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Theo công lệnh của UBND thành phố Hải Dương, nhiều mặt hàng không thiết yếu bị cấm bán tại chợ...

Theo công lệnh của UBND thành phố Hải Dương, nhiều mặt hàng không thiết yếu bị cấm bán tại chợ...

Các món bún, bánh mỳ, thức ăn chín... không được bày bán tại chợ. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở cung cấp suất ăn tập thể cho người lao động vẫn được hoạt động.

Người dân thành phố Hải Dương cũng được yêu cầu hạn chế đi lại, không ra ngoài đường từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, trừ trường hợp thật cần thiết và có lý do chính đáng; không tập thể dục, thể thao tại nơi công cộng và các hoạt động khác cho đến khi có thông báo mới.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đức Long cho biết ra quy định trên trong bối cảnh ba ca mắc Covid-19 (BN 1016, 1021và 1022) là người thân trong một gia đình, liên quan đến cửa hàng Hiếu Trang ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng của "BN 1016".

Sở Y tế đang truy tìm các trường hợp đã đến cửa hàng Hiếu Trang từ ngày 29/7 đến ngày 18/8.

Trước đó, từ 0h ngày 14/8, thành phố Hải Dương cách ly xã hội trong 15 ngày. Người dân "ở tại nhà", chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Chợ dân sinh bị cấm họp, chỉ cho phép mở cửa bán lương thực, thực phẩm.

Xe buýt TP.HCM - Đồng Nai hoạt động lại

Xe buýt số 5, 601, 602, 603 và 604 kết nối TP.HCM với Đồng Nai hoạt động lại từ ngày 26/8 sau hơn 20 ngày ngưng để phòng, chống Covid-19.

Xe buýt tuyến số 5 (Chợ Lớn - Biên Hòa) hoạt động trở lại ngày 28/4 sau khi TP.HCM hết "giãn cách xã hội"

Xe buýt tuyến số 5 (Chợ Lớn - Biên Hòa) hoạt động trở lại ngày 28/4 sau khi TP.HCM hết "giãn cách xã hội"

Ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, đây là 5 tuyến buýt không trợ giá, khách khá đông, lộ trình kết nối các bến xe, trường học, khu công nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai.

Xe buýt chạy trở lại phải được trang bị nước rửa tay, khử khuẩn; tài xế, tiếp viên và khách đeo khẩu trang khi lên xe, ở bến, trạm dừng. Khách lên xe phải kiểm tra thân nhiệt, ngồi cách nhau tối thiểu một mét, hạn chế nói chuyện, ăn uống...

5 tuyến buýt ngưng hoạt động từ hôm 4/8 theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải Đồng Nai để phòng chống Covid-19 khi Tỉnh có 2 ca nhiễm nCoV.

Hiện Đồng Nai cho hoạt động lại xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, du lịch... đi các địa phương (trừ Đà Nẵng).

Trước đó đầu tháng 4, TP.HCM cũng dừng toàn bộ phương tiện vận tải công cộng, trong đó có xe buýt để thực hiện "cách ly xã hội". Đến ngày 28/4, tuyến buýt số 5 (Chợ Lớn - Biên Hòa) hoạt động lại đầu tiên. Ngày 11/5, tất cả xe buýt ở Thành phố mới được chạy.

Quảng Trị: Điều tra đường dây đưa người xuất cảnh trái phép sang Lào, Thái Lan

Nhiều người dân quê ở tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa đã bỏ ra mỗi người 17 triệu đồng rồi được các đối tượng trong đường dây đưa người xuất cảnh trái phép đưa sang Lào, Thái Lan.

Nhóm người bị Biên phòng Quảng Trị phát hiện ở khu vực biên giới với mục đích xuất cảnh trái phép sang Lào và Thái Lan

Nhóm người bị Biên phòng Quảng Trị phát hiện ở khu vực biên giới với mục đích xuất cảnh trái phép sang Lào và Thái Lan

Ngày 26/8, đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị xác nhận, đơn vị đang làm rõ đường dây tổ chức đưa đón người xuất cảnh trái phép.

Trước đó, tại khu vực biên giới thuộc khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo phối hợp với Phòng trinh sát, Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm Biên phòng Quảng Trị phát hiện nhóm người xuất cảnh trái phép.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ 13 người quê ở tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Tại cơ quan điều tra, những người này cho biết đã bỏ ra 17 triệu đồng/người, rồi được xe ôtô khách chở đến khu vực biên giới ở thị trấn Lao Bảo. Tiếp đó, họ được một người đàn ông không rõ tên tuổi đưa đi xuất cảnh trái phép sang Lào, nếu vượt biên sang Lào trót lọt, họ sẽ tiếp tục đến Thái Lan tìm việc làm.

Hiện, Biên phòng Quảng Trị đang làm rõ đường dây đưa người xuất cảnh trái phép nói trên.

Triệt xóa đường dây làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe quy mô cực lớn

Ngày 26/8, Phòng 6 - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết đã phối hợp với các đơn vị và phòng nghiệp vụ liên quan đồng loạt triệt xóa một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe quy mô lớn tại các tỉnh thành phía Nam.

Các loại giấy tờ giả được công an thu giữ

Các loại giấy tờ giả được công an thu giữ

Các lực lượng của Bộ Công an đồng loạt ập vào 7 địa điểm tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai để bắt quả tang các đối tượng trong đường dây chuyên làm giả hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, biển số xe các loại.

Tại một căn hộ giáp ranh huyện Bình Chánh và Bình Tân của TP.HCM, công an bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây, thu giữ hàng trăm các loại giấy tờ, biển số xe giả chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Cùng thời điểm, tại căn nhà nằm sâu trong hẻm gần sân golf Long Thành, tỉnh Đồng Nai, công an bắt giữ thêm 2 đối tượng đang sản xuất nhiều loại giấy tờ giả. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều máy móc dùng để in ấn, sản xuất, con dấu các loại và hàng ngàn phôi các giấy tờ giả. Đồng thời, thu giữ tại chỗ hàng ngàn chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước, bằng đại học, bằng ngoại ngữ, bằng lái xe, biển số xe các loại… Trong đó, còn có hàng chục sổ đỏ được làm giả vô cùng tinh vi. Tại nhà riêng của các đối tượng, công an thu giữ thêm nhiều tài liệu liên quan.

Tổng cộng, gần 20 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, đường dây này đã hoạt động từ nhiều tháng qua với thủ đoạn tinh vi. Chúng sử dụng máy móc hiện đại để làm giả tất cả các loại giấy tờ do các cơ quan nhà nước, trường học ban hành và biển số xe, đăng kiểm…

Chuyên đề