Bản tin thời sự sáng 27/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là trong 6 năm qua, Việt Nam có 3.979 xe ôtô nhập khẩu diện biếu, tặng; đề nghị chuyển hồ sơ cho công an điều tra sai phạm đấu thầu thuốc ở Quảng Ngãi; Thanh Hóa từ chối nhận chìm 6,9 triệu m3 bùn xuống biển Nghi Sơn; Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân…

Trong 6 năm qua, Việt Nam có 3.979 xe ô tô nhập khẩu diện biếu, tặng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), từ năm 2016 đến 22/5/2022 có 3.979 xe ô tô nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng trên tổng số 468.162 ô tô nhập khẩu dưới 9 chỗ ngồi, chiếm 0,85%.

Hàng ngàn ô tô nhập khẩu diện quà biếu, tặng về Việt Nam trong 6 năm qua

Hàng ngàn ô tô nhập khẩu diện quà biếu, tặng về Việt Nam trong 6 năm qua

Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2017, xe nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng là 987 chiếc. Năm 2018 là 266 chiếc. Năm 2019 là 213 chiếc. Năm 2020 là 488 chiếc. Năm 2021 là 795 chiếc.

Còn từ 1/1/2022- 22/5/2022 là 166 chiếc. Trong 6 năm qua, chỉ riêng năm 2016, lượng xe nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng rất cao lên tới 1.064 chiếc. Tổng xe nhập khẩu theo hình thức quà biếu tặng từ 2016 đến nay là 3.979 chiếc, chiếm 0,85% trong tổng số xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, các xe này đều được thu đủ các số thuế theo quy định gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, năm 2016, tổng số thuế thu được là 2.328 tỉ đồng; 2017 là 298 tỉ đồng; 2018 là 1.053 tỉ đồng; 2019 là 1.874 tỉ đồng; 2020 là 1.765 tỉ đồng; 2021 là 4.132 tỉ đồng. Từ 1/1/2022- 22/5/2022 là 1.222 tỉ đồng. Tổng số thuế thu trong 6 năm là 12.644 tỉ đồng.

Đề nghị chuyển hồ sơ cho công an điều tra sai phạm đấu thầu thuốc ở Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Thanh tra chuyển hồ sơ cho công an điều tra sai phạm trong việc đấu thầu thuốc Calci lactat giữa Sở Y tế với 3 doanh nghiệp.

Trụ sở Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi.
Trụ sở Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 26/5, quyết định này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đưa ra, sau khi Thanh tra kết luận có dấu hiệu thông đồng giữa Sở Y tế với các doanh nghiệp trong việc đấu thầu bán thuốc Calci lactat 500 mg giai đoạn 2014-2019.

Theo kết luận thanh tra, hai đơn vị dự thầu bán thuốc Calci lactat 500 mg cho Sở Y tế Quảng Ngãi là Công ty An Thiên liên danh với Công ty Nhật Lệ (dự thầu với giá cao) và Công ty Codupha (dự thầu giá thấp hơn). Sản phẩm dự thầu của hai đơn vị này tương đồng nhưng tổ chấm thầu cho rằng sản phẩm giá thấp hơn "có thành phần không đáp ứng yêu cầu", dẫn đến lựa chọn gói thầu giá cao, làm thất thoát ngân sách 2,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty An Thiên liên danh Công ty Nhật Lệ dự thầu cung cấp sản phẩm giá cao nhưng lại là đơn vị cung cấp thuốc cho Công ty Codupha, nên có dấu hiệu mâu thuẫn về lợi ích.

Hội đồng đấu thầu thuốc của Sở Y tế có đầy đủ thông tin về việc này nhưng không kiểm tra, xử lý. Hơn nữa, Công ty Thiên An lại đề nghị Codupha rút thầu và doanh nghiệp này cũng làm theo đề nghị, nên có dấu hiệu thông thầu.

Từ đó, Thanh tra kết luận, thành viên của Hội đồng đấu thầu thuốc thuộc Sở Y tế có dấu hiệu Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Công ty dự thầu có dấu hiệu Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Thanh Hóa từ chối nhận chìm 6,9 triệu m3 bùn xuống biển Nghi Sơn

Tỉnh Thanh Hóa không đồng ý cho Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhận chìm 6,9 triệu m3 bùn nạo vét vì lo ngại vượt quá ngưỡng chịu tải môi trường vùng biển.

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Trước đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) về việc xin nhận chìm hơn 6,9 triệu m3 bùn nạo vét xuống biển có diện tích 400 ha, chính quyền tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra câu trả lời chính thức.

Theo đó, địa phương này không đồng ý với cách xử lý trên vì lo ngại sẽ gây vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân và hệ sinh thái vùng biển khu vực đảo Hòn Mê.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, tỉnh này đã đề nghị NSRP nghiên cứu phương án đổ thải trên bờ để tận dụng làm vật liệu san lấp vì nhu cầu này ở khu kinh tế Nghi Sơn đang rất lớn.

Đại diện NSRP trước đó trình bày rằng luồng ra vào cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang bị sa bồi nghiêm trọng, không đảm bảo độ sâu.

Điều đó sẽ dẫn tới việc tải trọng thiết kế của cảng có thể đón tàu lên tới 40.000 DWT, nay chỉ còn đón được tàu 30.000 DWT lúc thủy triều dâng và 15.000 DWT lúc thủy triều xuống. Vì vậy, NSRP đã lập Dự án nạo vét, duy tu cảng giai đoạn 2022-2026 với tổng khối lượng nạo vét 6,964 triệu m3.

Tiếp đó, NSRP có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép nhận chìm toàn bộ chất nạo vét xuống khu vực biển có diện tích 400 ha ở Nghi Sơn.

Về lý do đưa ra phương án trên, đại diện NSRP cho rằng nếu sử dụng làm vật liệu san lấp, chất thải sẽ khó đáp ứng tiêu chuẩn, phát sinh chi phí lớn, kéo dài thời gian.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân

Để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo, Việt Nam cần nghiên cứu điện hạt nhân, theo Ủy ban Kinh tế.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

Nhưng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam ra sao cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

Để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

Mặt khác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, quan hệ với các nước đối tác.

Gần đây, kiến nghị khởi động lại điện hạt nhân được giới chuyên gia, nhà khoa học nêu tại nhiều diễn đàn về năng lượng. Theo họ, nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030 mới có thể hiện thực hoá mục tiêu "net zero" vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26.

Nhiều đất quốc phòng ở Nha Trang dùng không đúng quy hoạch

Tám khu đất rộng hơn 36.000 m2 ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được quy hoạch đất quốc phòng, song đang sử dụng xây khách sạn, trung tâm thương mại, ngân hàng, nhà hàng...

Tám khu đất rộng hơn 36.000 m2 ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được quy hoạch đất quốc phòng dùng không đúng quy hoạch
Tám khu đất rộng hơn 36.000 m2 ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được quy hoạch đất quốc phòng dùng không đúng quy hoạch

Thông tin được nêu trong văn bản UBND TP. Nha Trang gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hoà góp ý về phương án xử lý dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết trên đất quốc phòng.

Các khu đất nằm ở những đường trung tâm thành phố như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thị Minh Khai... Theo UBND TP. Nha Trang, hiện trạng sử dụng đất các khu vực đất trên không phù hợp quy hoạch sử dụng đất mục đích quốc phòng tại khoản 1 Điều 61 Luật Đất đai.

Qua rà soát, 8 khu đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. Hiện, các công trình trên đó đang được UBND TP. Nha Trang cập nhật với mục đích đất quốc phòng ở dự thảo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồi tháng 4/2022.

Sau khi có ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan các khu đất, chính quyền Nha Trang hoàn thiện đồ án quy hoạch sử dụng đất giai đoạn nói trên của thành phố, trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Điều chỉnh quy hoạch khu “tam giác vàng” ở trung tâm TP.HCM

Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu "tam giác vàng" Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, Quận 1 (TP.HCM) sau khi dự án ở đây bị huỷ.

Khu đất nằm ở Quận 1, bao quanh bởi các đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão

Khu đất nằm ở Quận 1, bao quanh bởi các đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão

Kiến nghị vừa được gửi UBND TP.HCM, nhằm giải quyết nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp do nhiều năm qua họ chỉ có thể cải tạo, sửa chữa tạm thời chờ triển khai dự án.

Khu đất bao quanh bởi các đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão diện tích hơn 12.500 m2, nằm sát công viên 23/9, quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành được xem là "tam giác vàng" ở trung tâm TP.HCM.

Nơi này hiện có các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ (1-3 tầng); các cửa hàng, showroom trưng bày (1-2 tầng); trường THPT cao ba tầng. Khu vực trên được quy hoạch đất phức hợp, cho công trình xây chiều cao tối đa 224 m, mật độ xây dựng 50%, dân số 3.610 người.

Năm 2007, nơi này được quy hoạch chức năng thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính... Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án chưa được thực hiện vì vướng mắc pháp lý kêu gọi đầu tư. Cuối năm 2020 TP.HCM hủy bỏ.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, hiện phần lớn diện tích khu tam giác trên là một trường THPT. Do vậy, khi dự án đã thu hồi và không còn kêu gọi đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch giúp khu vực giữ lại quỹ đất giáo dục, giải quyết nhu cầu sửa chữa, xây dựng của các hộ dân và doanh nghiệp tại đây cũng như chỉnh trang đô thị...

Bốn dự án cao tốc Bắc Nam sẽ hoàn thành cuối năm 2022

Bốn dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được thúc tiến độ để hoàn thành cuối năm 2022.

Công trường thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Công trường thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) đạt 62% khối lượng, đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) đạt 86%. Lo ngại nhất là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) mới đạt 38%, đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) đạt 45%. Các dự án này đã bị chậm tiến độ do thiếu vật liệu xây lắp.

Bộ trưởng Thể yêu cầu các đơn vị thi công hai đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây phải tăng tiến độ từng ngày thì mới đảm bảo kế hoạch cùng các dự án khác.

Đối với sáu dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông còn lại đang thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị tập trung thi công đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vì mới đạt 5% khối lượng và Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới đạt 13%. Đây là hai dự án được đầu tư theo hình thức PPP, cùng về đích năm 2024.

Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam với chiều dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành phố. Trong đó có 8 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách và ba dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong 8 dự án đầu tư công, dự án Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) đã hoàn thành.

Ngoài bốn dự án hoàn thành năm nay, các đoạn sẽ khai thác năm 2023 gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km; Nghi Sơn - Diễn Châu 50 km; Nha Trang - Cam Lâm 49 km; cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6 km.

Chuyên đề