Bản tin thời sự sáng 26/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phiên 25/2, chứng khoán đảo chiều liên tục; khai trương dự án căn cước công dân gắn chip; đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 vắc xin phòng Covid-19 của Mỹ và Nga; Bắc Giang kiến nghị chuyển Sân bay Kép phục vụ cả quân sự và dân sự…

Phiên 25/2, chứng khoán đảo chiều liên tục

VN-Index dao động trong biên độ hẹp và liên tục xoay chiều vì lực mua bán cân bằng, sau đó chốt phiên với mức tăng hơn 3 điểm.

Diễn biến hai chỉ số chính phiên 25/2

Diễn biến hai chỉ số chính phiên 25/2

Giữa giai đoạn thị trường dao động trong biên độ hẹp, phiên giảm sâu hôm 24/2 càng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm thận trọng. VN-Index ngày 25/2 vì thế giằng co mạnh, ghi nhận đến 6 lần đảo chiều tăng thành giảm và ngược lại quanh tham chiếu.

Chỉ số VN-Index có lúc mất 7 điểm, xuống vùng 1.155 nhưng sau đó bật mạnh nhờ lực cầu ở vùng giá thấp và đóng cửa tại 1.165,43 điểm. Chỉ tích luỹ thêm 3,42 điểm nhưng đây đang là phiên giao dịch có mức tăng tốt nhất trong tuần này.

Thị trường phiên 25/2 tương đối cân bằng khi có 220 cổ phiếu tăng và 214 cổ phiếu giảm. Rổ VN30 đóng góp 14 mã xanh.

Tổng giá trị giao dịch đạt 13.350 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 chiếm khoảng 6.680 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Khối lượng cổ phiếu sang tay cũng chỉ còn 510 triệu, dẫn đầu là HPG gần 22 triệu và STB hơn 18 triệu.

Nhà đầu tư nước ngoài đang xả hàng quyết liệt khi bán ra hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi chỉ mua vào khoảng 750 tỷ đồng.

Khai trương dự án căn cước công dân gắn chip

Hai dự án tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, gồm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, quản lý căn cước công dân, được khai trương chiều 25/2.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trải nghiệm các tính năng của thẻ chip điện tử

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trải nghiệm các tính năng của thẻ chip điện tử

Theo đại diện Bộ Công an, đây là hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản, đầy đủ tính pháp lý về công dân.

Tới đây, người dân, doanh nghiệp thay vì phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện giao dịch với cơ quan Nhà nước, các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động thông qua thẻ căn cước gắp chip hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an huy động gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư; đào tạo gần 24.000 cán bộ tại địa phương sử dụng hệ thống.

Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng mức 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm sản thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.

Thẻ gắn chip có nhiều điểm mới so với căn cước cũ, gồm việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin dữ liệu cá nhân, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe... Với công nghệ mới, khi người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không cần mang theo giấy xác nhận chứng minh thư cũ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành công an đã thu thập được gần 600.000 hồ sơ và bắt đầu sản xuất, in thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. Dự kiến đến 1/7, 50 triệu người dân trên toàn quốc sẽ được cấp thẻ căn cước gắn chip.

Đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 vắc xin phòng Covid-19 của Mỹ và Nga

Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vắc xin phòng Covid-19 bao gồm vắc xin của Công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vắc xin của Công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 vắc xin phòng COVID-19 của Mỹ và Nga

Đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 vắc xin phòng COVID-19 của Mỹ và Nga

Trước đó, đầu tháng 2/2021, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 Vaccine AstraZeneca của Anh lưu hành tại Việt Nam do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

117.000 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Số lượng vắc xin này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ Covid-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch...

Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vắc xin này.

Bắc Giang kiến nghị chuyển Sân bay Kép phục vụ cả quân sự và dân sự

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Giang kiến nghị chuyển Sân bay Kép thành công trình lưỡng dụng, phục vụ cả quân sự và dân sự.

Bắc Giang kiến nghị chuyển Sân bay Kép phục vụ cả quân sự và dân sự

Bắc Giang kiến nghị chuyển Sân bay Kép phục vụ cả quân sự và dân sự

Ngày 25/2, đại diện Bộ GTVT cho biết cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đưa ra kiến nghị trên khi tham gia ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Sân bay Kép đang là sân bay quân sự, tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Theo Sở GTVT Bắc Giang, hiện nay nhu cầu đi lại giải quyết công việc, du lịch của người dân trong Tỉnh rất lớn. Sân bay Kép lưỡng dụng sẽ giải quyết được vấn đề tăng cường giao dịch thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng.

Trên tuyến đường bộ, người dân Bắc Giang đến sân bay Nội Bài hơn 60 km và cách Cát Bi (Hải Phòng) 120 km.

Hiện nay, miền Bắc và Bắc Trung Bộ có 8 sân bay gồm 4 quốc tế là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh và 4 quốc nội Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Phú Bài. Các sân bay Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản (Sơn La) đã được quy hoạch xây dựng đến năm 2030.

TP.HCM mở lại nhà hàng, tiếp tục đóng karaoke

Trung tâm tiệc cưới, nhà hàng, phòng trà, rạp chiếu phim, điểm vui chơi... ở TP.HCM được hoạt động từ ngày 1/3, còn vũ trường, bar, karaoke, phòng gym tiếp tục đóng cửa để phòng dịch.

TPHCM mở lại nhà hàng, tiếp tục đóng karaoke

TPHCM mở lại nhà hàng, tiếp tục đóng karaoke

Quyết định cho hoạt động trở lại một số dịch vụ không thiết yếu được UBND TP.HCM Dương Anh Đức đồng ý trong bối cảnh đã 14 ngày Thành phố không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Việc mở cửa một số dịch vụ nhằm thực hiện mục tiêu kép chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế.

Các hoạt động du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ ăn uống; siêu thị, trung tâm thương mại; bảo tàng, di tích, thư viện, phòng đọc sách; tập luyện của đơn vị thể dục thể thao... cũng được hoạt động trở lại. Các nơi này phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu một mét. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ quá 30 người.

Quán bar, vũ trường, pub, beer club, karaoke, các cơ sở thể thao trong không gian kín (gym, fitness, bida, yoga..) tiếp tục bị dừng. Người dân Thành phố phải áp dụng biện pháp 5K, đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn...

Riêng các hoạt động, nghi lễ tôn giáo được tổ chức nhưng không tụ tập quá 50 người cùng một thời điểm; đảm bảo các biện pháp phòng dịch, khoảng cách giữa 2 người từ một mét trở lên.

Hà Nội, Hải Phòng được mua vaccine Covid-19

Thủ tướng vừa đồng ý với đề xuất của một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng... về việc mua vaccine Covid-19 theo phương thức xã hội hóa. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc này.

Lô vaccine đầu tiên về Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM

Lô vaccine đầu tiên về Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM

Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng ban hành Nghị quyết về việc mua, sử dụng vaccine Covid-19; làm đầu mối thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc xin; có phương án phù hợp, không để xảy ra ách tắc về thủ tục trong việc này.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối, bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực. Đơn vị này nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine, trước hết cho những người ưu tiên.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến nhận 150 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay và đầu năm sau, chia thành 7 đợt, được cung ứng từ AstraZeneca, Covax và sản xuất trong nước. Hai lô vaccine Covid-19 đầu tiên, với 117.600 liều về đến Việt Nam vào ngày 24/2.

Hồi đầu tháng 2/2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội quyết định sẽ cung cấp vaccine Covid-19 cho người dân bằng nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên, Thành phố cần 15 triệu liều.

Trước đó, Hải Phòng đề xuất mua vaccine chống Covid-19 cho hơn 2 triệu người dân, quy trình tiêm 2 liều mỗi người, mỗi liều cách nhau 21 ngày.

Chiều ngày 25/2, giá xăng tăng rất cao

Dù đã xả mạnh quỹ bình ổn, nhưng tại kỳ điều chỉnh chiều ngày 25/2 giá xăng E5 RON 92 vẫn tăng 722 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 814 đồng/lít.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao từ chiều ngày 25/2

Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao từ chiều ngày 25/2

Từ 15h ngày 25/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu.

Theo đó tại kỳ này, giá xăng E5 RON 92 tăng 722 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 814 đồng/lít, Dầu diesel tăng 801 đồng/lít; Dầu hỏa 695 đồng/lít; Dầu mazut tăng 505 đồng/lít.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 17.031 đồng/lít. Nếu kỳ này không chi quỹ BOG thì giá đáng lẽ sẽ tăng 2.722 đồng/lít.

Còn xăng RON95 có giá bán không cao hơn 18.084 đồng/lít. Nếu không chi quỹ BOG thì giá sẽ tăng 1.964 đồng/lít và giá bán phải là 19.234 đồng/lít.

Dầu diesel có giá tối đa 13.843 đồng/lít. Nếu không chi quỹ BOG thì giá sẽ tăng 1.651 đồng/lít và giá bán là 14.693 đồng/lít.

Dầu hỏa không cao hơn 12.610 đồng/lít. Nếu không chi quỹ BOG 900 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.602 đồng/lít và giá bán là 13.510 đồng/lít.

Còn lại, dầu mazut có giá tối đa 13.127 đồng/kg. Nếu không chi quỹ giá sẽ tăng 1.305 đồng/kg và giá bán là 13.927 đồng/kg.

Cầu Mỹ Thủy 3 giải tỏa ùn tắc khu vực Cát Lái xong trước 30/4

Cầu Mỹ Thủy 3 vốn đầu tư gần 57 tỷ đồng thuộc Dự án nút giao Mỹ Thủy, TP. Thủ Đức, dự kiến khai thác trước 30/4 giúp giảm kẹt xe cửa ngõ cảng Cát Lái.

Công trình cầu Mỹ Thủy 3

Công trình cầu Mỹ Thủy 3

Công trình nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và 2, dài 325 m, trong đó, phần cầu dài 75 m chia làm hai nhánh, mỗi nhánh rộng 12 m. Cầu được bố trí sàn giảm tải và bề mặt trải bê tông nhựa dày 7 cm. Đoạn đường dẫn vào cầu dài 250 m, rộng 24 m cho 6 làn ôtô.

Khởi công tháng 3/2020, cầu Mỹ Thủy 3 đến nay đạt hơn 90% khối lượng. Hiện hơn chục loại máy móc, xe phục vụ thi công được huy động đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục cuối như trải bê tông nhựa, kết nối giao thông, hệ thống chiếu sáng... Trong đó, nhiều đoạn đã được nhà thầu làm dải phân cách, hoàn thiện các hạng mục phụ trợ...

Chuyên đề