Bản tin thời sự sáng 25/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên; giá xăng ngày 25/9 có thể tăng tiếp; TP.HCM rút khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca còn 6 tuần; Thanh Hóa cho mở lại nhà hàng, quán ăn từ 0h ngày 25/9; thêm 400.000 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam vào sáng 25/9…

Việt Nam sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên

Lô vaccine Sputnik V sản xuất tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu.

Vaccine Sputnik V được Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya (Nga) phân tích, thẩm định và đánh giá

Vaccine Sputnik V được Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya (Nga) phân tích, thẩm định và đánh giá

Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) vừa công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/8, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya (Nga) phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết, lô vaccine này sẽ giúp người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, vaccine Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng toàn dân.

Vaccine Sputnik V phát triển dựa trên nền tảng véc-tơ adenovirus được đăng ký đầu tiên trên thế giới với lịch tiêm là 2 mũi, cách nhau 3 tuần.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V đạt hiệu quả tới 91,6%. Riêng với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này đạt 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên có kháng thể chống lại SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 23/3 vừa qua. Ngày 21/7, VABIOTECH đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm loại vaccine này tại Việt Nam.

Giá xăng ngày 25/9 có thể tăng tiếp

Giá nhiên liệu thế giới đang duy trì chuỗi ngày đi lên nên kỳ điều chỉnh ngày 25/9, giá xăng có thể tăng lần thứ 2 liên tiếp.

Giá xăng ngày 25/9 có thể tăng tiếp

Giá xăng ngày 25/9 có thể tăng tiếp

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 20/9 với RON 92 trung bình 81,56 USD một thùng, xăng RON 95 là 83,43 USD một thùng, cùng tăng khoảng 3% so với kỳ trước. Giá dầu cũng tiếp tục lên tới 80,37 USD một thùng.

Theo lãnh đạo xăng dầu ở TP.HCM, kỳ điều chỉnh này giá xăng có thể tăng 200 - 300 đồng một lít, còn giá dầu khoảng 300 - 400 đồng một lít. Nếu nhà điều hành trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được giữ nguyên.

Đồng quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, kỳ này giá xăng cũng sẽ điều chỉnh đi lên. Theo ông, kỳ điều hành này nhà chức trách sẽ không trích quỹ vì trước đó đã dùng nhiều.

Tại kỳ điều hành 10/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh mỗi lít xăng tăng 250 - 260 đồng còn mỗi lít dầu đắt thêm 320 - 900 đồng. Theo đó, E5 RON 92 lên 20.140 đồng một lít, RON 95 là 21.390 đồng một lít. Dầu hoả là 15.080 đồng một lít, dầu diesel là 16.020 đồng một lít...

TP.HCM rút khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca còn 6 tuần

UBND TP.HCM thống nhất đề xuất của Sở Y tế TP.HCM rút ngắn khoảng cách thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca.

TP.HCM rút khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca còn 6 tuần

TP.HCM rút khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca còn 6 tuần

Nội dung này được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu trong công văn gửi Sở Y tế ngày 24/9. Trước đó, Sở đề xuất rút ngắn khoảng cách thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Như vậy, hiện TP.HCM cho phép người tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer sau thời gian tối thiểu là 6 tuần.

Đề xuất của Sở Y tế đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Thành phố, cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho người dân nhằm tăng cường sự bảo vệ chống lại dịch bệnh. Đồng thời, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng khi thực hiện tiêm vaccine mũi 2 cho các trường hợp trên phải thông tin đầy đủ, giải thích rõ hiệu lực bảo vệ theo các thời điểm tiêm mũi 2, tính an toàn về khoảng cách tiêm mũi 2 để người dân biết và đồng thuận tham gia.

Bộ Y tế ngày 20/9 cho phép các địa phương tự quyết định việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca, song phải dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhà sản xuất.

AstraZeneca là vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp phép và sử dụng tại Việt Nam. Hiện, chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam đang sử dụng chủ yếu loại vaccine này.

Thanh Hóa cho mở lại nhà hàng, quán ăn từ 0h ngày 25/9

Từ 0h ngày 25/9, nhà hàng, quán ăn ở Thanh Hóa được bán tại chỗ song hạn chế số lượng khách và phải đảm bảo quy định 5K.

Thanh Hóa cho mở lại nhà hàng, quán ăn từ 0h ngày 25/9

Thanh Hóa cho mở lại nhà hàng, quán ăn từ 0h ngày 25/9

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn, từ sáng ngày 25/9 toàn Tỉnh điều chỉnh biện pháp chống dịch, cho phép mở lại nhiều hoạt động dân sinh, kinh doanh, dịch vụ.

Tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo, trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học mở cửa trở lại. Các bậc học mầm non, tiểu học, trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi được nấu ăn bán trú, dạy học hai buổi trong ngày.

Các khu du lịch, di tích, danh thắng được đón khách nội Tỉnh, nhưng du khách và hướng dẫn viên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Dịch vụ vận tải gồm xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe khách chỉ hoạt động trong nội Tỉnh, yêu cầu mỗi chuyến chở không quá 50% chỗ ngồi, bắt buộc đo thân nhiệt hành khách, tuyệt đối không cho người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở lên xe. Tài xế và phụ xe phải tiêm ít nhất một mũi vaccine và xét nghiệm âm tính.

Dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, quán bia, giải khát, bể bơi, phòng tập gym, bi-a, yoga được mở bán, phục vụ tại chỗ song không quá 50% công suất, tối đa không quá 10 người trong cùng thời điểm; chỉ được hoạt động đến 21h hàng ngày.

Chính quyền địa phương khuyến cáo, các gia đình hạn chế tổ chức đám cưới, đám hỏi….

Người dân được tham gia hoạt động thể thao ngoài trời, công viên, quảng trường, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng..., nhưng không quá 30 người tại một khu vực trong cùng một thời điểm...

Dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh, các trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới, rạp chiếu phim, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage… tiếp tục tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19.

Thêm 400.000 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam vào sáng 25/9

Lô hàng này do Nhật Bản tài trợ, nâng tổng số vaccine do nước này gửi tặng Việt Nam lên khoảng 3,58 triệu liều.

Thêm 400.000 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam vào sáng 25/9

Thêm 400.000 liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam vào sáng 25/9

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, chuyến bay từ Nhật Bản sẽ mang theo khoảng 400.000 liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca và sẽ đến Việt Nam vào sáng ngày 25/9.

Lô vaccine Covid-19 đã được Chính phủ và nhân dân Nhật Bản tặng Việt Nam để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Kể từ tháng 6 năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho Chính phủ Việt Nam khoảng 3,18 triệu liều vaccine Covid-19. Cùng với khoảng 400.000 liều vaccine lần này đã nâng tổng số vaccine Covid-19 mà Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam lên khoảng 3,58 triệu liều.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng gần 53 triệu liều vaccine Covid-19 các loại gồm AstraZeneca, Vero Cell, Moderna, Pfizer, Sputnik V.

Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa ngày 24/9 cả nước đã thực hiện tiêm được gần 36,9 triệu liều vaccine Covid-19.

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 47 đợt vaccine, trong đó, ngày 19/9 là đợt phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều vaccine trong 1 đợt. Đến ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khoảng 50,2 triệu liều vaccine được phân bổ cho các địa phương.

Cần Thơ nới lỏng giãn cách toàn thành phố từ ngày 24/9

Hơn 2 tháng cách ly xã hội, TP. Cần Thơ kiểm soát được Covid-19, là địa phương cuối cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển sang Chị thị 15, từ ngày 24/9.

Cần Thơ nới lỏng giãn cách toàn thành phố từ ngày 24/9

Cần Thơ nới lỏng giãn cách toàn thành phố từ ngày 24/9

Quyết định do Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường ban hành hạ mức giãn cách đối với 74 trên 83 xã, phường, thị trấn ở 9 quận huyện.

Chỉ thị 15 yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Người dân được phép đi lại giữa các địa phương nhưng không tự ý di chuyển ra khỏi thành phố hoặc đến các nơi có nguy cơ rất cao về dịch.

Thành phố tiếp tục dừng các hoạt động chở khách công cộng, chợ đầu mối, chợ truyền thống, sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí, tham quan, du lịch...

Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch, không quá 10 người trong một thời điểm. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống chỉ được bán hàng mang đi.

Doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động theo kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế và phương án do UBND TP ban hành. Cơ quan, công sở làm việc trở lại bình thường, các cuộc họp, hội nghị... không quá 20 người trong một phòng.

Trong khi đó, 9 phường còn lại có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) gồm: An Hòa, An Khánh, Hưng Lợi, Cái khế, Tân An, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều) và Hưng Phú, Phú Thứ, Tân Phú (quận Cái Răng) tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/10.

Chuyên đề