Bản tin thời sự sáng 24/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 99,16% cử tri đi cả nước bỏ phiếu bầu cử trong ngày hội toàn dân; đề xuất quản lý người cách ly bằng vòng tay điện tử; tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất là 1/2,91; Đồng Nai xem xét chi 7.100 tỷ làm đường kết nối sân bay Long Thành;Thanh Hóa khởi tố vụ án hình sự liên quan đến BN 4694…

99,16% cử tri đi cả nước bỏ phiếu bầu cử trong ngày hội toàn dân

Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%). Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất là tỉnh Nghệ An 97,30%.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ, tổng hợp nhanh kết quả cử tri đi bầu cử tính đến 19 giờ ngày 23/5 cho thấy cả nước có tổng số 69.509.324/70.098.949 cử tri đi bầu (đạt 99,16%).

Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%).

Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất là tỉnh Nghệ An 97,30%.

Sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, các tổ bầu cử tại các địa phương đang tiến hành thực hiện việc kiểm phiếu, lập biên bản kết quả kiểm phiếu theo quy định; niêm phong phiếu bầu, cho vào hòm phiếu, làm thủ tục niêm phong hòm phiếu và gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Các lực lượng công an, quân sự ở địa phương đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử.

Đối với bỏ phiếu tại khu vực cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các tổ bầu cử đã tổ chức cho các cử tri đang điều trị, cách ly bảo đảm theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và của tỉnh.

Đối với khu vực có cử tri cách ly tại nhà, tổ bầu cử đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định để cử tri thực hiện quyền bầu cử an toàn, đúng luật.

Đề xuất quản lý người cách ly bằng vòng tay điện tử

Vòng tay điện tử được sản xuất tại Việt Nam, dùng định vị để hỗ trợ giám sát người cách ly đang được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất thử nghiệm.

Mẫu vòng tay điện tử kết nối với smartphone, hỗ trợ kiểm soát người cách ly được Hong Kong áp dụng. Ảnh: SCMP

Mẫu vòng tay điện tử kết nối với smartphone, hỗ trợ kiểm soát người cách ly được Hong Kong áp dụng. Ảnh: SCMP

Cục tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, đại diện Bộ đã có văn bản đề xuất gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly.

Vòng đeo tay này sẽ được phát triển bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm. Pin có thời gian sử dụng 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện người đeo đã ra khỏi khu vực cách ly hoặc cố tình phá vòng. Mức giá sản xuất dự kiến là 35 USD (khoảng 800 nghìn đồng).

Việc áp dụng vòng tay điện tử để hỗ trợ giám sát người cách ly và truy vết Covid-19 được giới chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi và độ hiểu quả. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng. Đổi lại, thay vì phải cách ly tập trung, các ca nghi nhiễm hoặc người nước ngoài nhập cảnh có thể đăng ký tự cách ly tại nhà, cơ quan y tế có thể dễ dàng giám sát việc tự cách ly thông qua ứng dụng di động.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp các ca lây nhiễm vẫn còn thấp, những phương pháp cũ vẫn phát huy tác dụng. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, một số phương pháp như chủ động giám sát bằng vòng tay điện tử sẽ giúp kiểm soát tốt hơn việc tự cách ly và hạn chế lây nhiễm chéo.

Việc dùng vòng tay để hỗ trợ giám sát người cách ly đã được Hàn Quốc, Hong Kong và một số nơi trên thế giới áp dụng.

Tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất là 1/2,91

Chiều 23/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố tỷ lệ chọi vào 117 trường THPT công lập, trong đó Yên Hòa có mức cạnh tranh cao nhất (1/2,91).

Tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất là 1/2,91

Tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất là 1/2,91

Tỷ lệ chọi cao nhất thuộc về Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, với 2.096 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 trong khi chỉ tiêu là 720, tức một em phải cạnh tranh với 2,91 em khác. Kế đó là Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông tỷ lệ chọi 1/2,58; Trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm 1/2,31; Trường Nhân Chính, quận Thanh Xuân 1/2,28; Trường Kim Liên, quận Đống Đa 1/2,19. Đây đều là những trường nằm ở khu vực trung tâm, có bề dày thành tích.

Một số trường có số nguyện vọng 1 đăng ký rất thấp, như Nguyễn Quốc Trinh, huyện Thanh Trì, chỉ tiêu là 630 nhưng chỉ 528 thí sinh đăng ký. Trường Xuân Khanh, huyện Ba Vì, chỉ có 358 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, trong khi chỉ tiêu là 450. Như vậy chỉ cần không bị điểm liệt, không vi phạm quy chế trong kỳ thi, thí sinh đăng ký đều trúng tuyển.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội sẽ diễn ra ngày 10 - 11/6. Thí sinh làm bốn bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Điểm xét tuyển sẽ được tính bằng tổng điểm Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng với điểm Ngoại ngữ, Lịch sử và điểm ưu tiên.

Trong hơn 93.300 thí sinh đăng ký dự thi, khoảng 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 8% tham gia học nghề.

Đồng Nai xem xét chi 7.100 tỷ làm đường kết nối sân bay Long Thành

Bốn dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn hơn 7.100 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Đồng Nai xem xét chi 7.100 tỷ làm đường kết nối sân bay Long Thành

Đồng Nai xem xét chi 7.100 tỷ làm đường kết nối sân bay Long Thành

UBND tỉnh Đồng Nai vừa chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Các dự án gồm Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773; Dự án đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và Dự án đường tỉnh 770B (đoạn từ giao với đường tỉnh 763 đến Quốc lộ 51).

Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng. Cùng với đó, 2 khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) và Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành) đang được triển khai đầu tư. Do đó, yêu cầu về kết nối giao thông trong khu vực đòi hỏi phải được thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo hiệu quả trong việc đầu tư các dự án cũng như giải quyết những khó khăn về ách tắc giao thông của các địa phương, cùng với đó là khả năng cân đối nguồn vốn, việc khai thác quỹ đất 2 bên đường để tái định cư và bán đấu giá, các sở, ngành và địa phương liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét ưu tiên đầu tư đối với 4 dự án nói trên trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư thực hiện 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND tỉnh chấp Đồng Nai thuận chủ trương đầu tư là khoảng 7.100 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thêm một sàn thương mại điện tử bán vải thiều

Trong bối cảnh tiêu thụ hàng hóa khó khăn do dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã hỗ trợ đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Năm nay, nhiều sàn thương mại điện tử đã bán vải trực tuyến

Năm nay, nhiều sàn thương mại điện tử đã bán vải trực tuyến

Vải thiều Thanh Hà vừa được mở bán trên trang chủ của sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”. Đây là nỗ lực của ngành công thương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trước đó, khi mùa vải thiều Bắc Giang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã lên phương án làm việc, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với Sendo, Voso, Postmart, Lazada... và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ qua phương thức thương mại điện tử.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thẳng thắn chỉ ra việc chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp Việt còn chậm, nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh song vẫn đang “loay hoay” và gặp nhiều thách thức.

Thanh Hóa khởi tố vụ án hình sự liên quan đến BN 4694

Liên quan đến bệnh nhân 4694, Công an huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

Cơ quan y tế lấy mẫu những trường hợp tiếp xúc gần với "bệnh nhân 4694" ở huyện Ngọc Lặc

Cơ quan y tế lấy mẫu những trường hợp tiếp xúc gần với "bệnh nhân 4694" ở huyện Ngọc Lặc

Theo Thượng tá Đỗ Xuân Sơn, Trưởng công an huyện Ngọc Lặc, chiều 23/5, Công an huyện Ngọc Lặc khởi tố vụ án hình sự "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, liên quan "bệnh nhân 4694". Thời gian khởi tố bị can sẽ phụ thuộc kết quả xác minh.

Nam "bệnh nhân 4694", 27 tuổi, quê xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, làm việc tại Công ty Crystal Martin, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chiều 17/5, anh đi xe máy từ công ty về phòng trọ ở xã Thượng Mao, huyện Quế Võ, Bắc Ninh sau đó cùng vợ sắp cưới bắt taxi về quê.

Sau khai báo y tế, anh được hướng dẫn cách ly tại nhà. Tối cùng ngày, nam công nhân tự ý rời nhà đi ăn thịt chó với bốn người tại nhà hàng ở xã Minh Tiến, giao lưu với một số người khác. Ngày 18/5, anh được lấy mẫu xét nghiệm và một ngày sau cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến bệnh nhân 4694, cơ quan chức năng đã truy vết được hơn 50 trường hợp F1, hơn 660 F2 và gần 1.230 F3 của bệnh nhân này. Trong đó vợ chưa cưới, được xác định là "bệnh nhân 5086".

Giả cán bộ nhà nước kêu gọi đầu tư “kho báu cổ” hàng tỷ USD

Lê Văn Tiến và đồng phạm xưng là cán bộ nhà nước, có nhiệm vụ tìm kho báu cổ trị giá hàng tỷ USD, kêu gọi đầu tư để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Tiến và số tiền giả dùng để lừa các nạn nhân

Tiến và số tiền giả dùng để lừa các nạn nhân

Ngày 23/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Tiến (TP.Hà Nội), Nguyễn Tâm Em (tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Thị Tuyết (tỉnh Thanh Hóa, đều tạm trú quận Tân Bình) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ việc, công an cũng củng cố hồ sơ Lâm Thị Thảo (Quận 3), Lã Huy Trường (quận Bình Tân), Ngô Kim Tuyến (Quận 12), Tống Thị Thanh Thủy (tạm trú quận Tân Bình)...

Theo cơ quan điều tra, sau khi dựng lên kịch bản là cán bộ nhà nước, nhóm Tiến chuẩn bị nhiều đồ đạc giả là cổ vật, nhiều loại "tiền cổ" và cả những xấp tiền mệnh giá một triệu USD...

Tiến và đồng phạm khi tiếp cận những người giàu có thường giả vờ bí mật, cho họ xem những thứ trên và khẳng định đó là tiền trong "kho báu quốc gia" đang có nhiệm vụ đi tìm. Nhóm này cho biết việc tìm kho báu rất khả thi nhưng đang thiếu kinh phí nên phải dừng lại, dụ dỗ người giàu đầu tư sẽ được nhà nước chia lợi nhuận cao.

Mới đây, nhóm Tiến làm quen với bà Tuyết (huyện Củ Chi), kêu gọi bà đầu tư tiền để khai thác kho báu. Chúng cam kết nếu bà bỏ ra một tỷ đồng, khi đào được sẽ chia cho một triệu USD. Để bà này tin tưởng, Tiến cho nhiều người giả làm những nhà đầu tư khác, cùng chuyển tiền. Những người này tiếp cận bà Tuyết, giả vờ nói về các diễn tiến tìm kho báu, số tiền lợi nhuận được chia...

Bà Tuyết tưởng thật nên đã chuyển cho nhóm Tiến 1,5 tỷ đồng để 10 ngày sau nhận được 1,5 triệu USD như lời chúng nói. Tuy nhiên, vài ngày sau Tiến tiếp tục dụ bà đầu tư thêm 2 tỷ đồng, nếu không việc tìm kiếm kho báu phải dừng lại vì không còn kinh phí.

Chuyên đề