Bản tin thời sự sáng 24/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều hồ, đập thủy lợi, thủy điện tại miền Trung xả lũ; Bình Dương thu hồi hơn 1,6 tỷ đồng chi hỗ trợ nhầm; đầu tư hơn 745 tỷ đồng trùng tu Thành nhà Hồ; Đà Nẵng tiêm vaccine cho học sinh trung học phổ thông vào cuối tháng 10; 28 nhà máy điện gió kịp vận hành để hưởng giá FIT…

Nhiều hồ, đập thủy lợi, thủy điện tại miền Trung xả lũ

Nhiều hồ, đập thủy lợi, thủy điện ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đầy nước do mưa lớn nên vận hành xả qua tràn.

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ

Tại Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, chủ hồ thủy lợi Phú Ninh cho biết, lúc 10h ngày 23/10, mực nước ở cao trình 30,2 m; ở hạ du sông Tam Kỳ báo động 1 nên điều tiết qua tràn với lưu lượng 400 - 1.000 m3/s lúc 16h cùng ngày. Đây là đợt xả nước qua tràn đầu tiên trong năm nay của hồ Phú Ninh.

Tương tự, lúc 14h ngày 23/10, bốn thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành điều tiết hồ chứa xả lũ với tổng lưu lượng hơn 3.000 m3/s. Thủy điện Đắk Mi 4, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn có lượng nước về lòng hồ 937 m3/s. Nhà máy vận hành xả qua tràn 458 m3/s, chạy máy 112 m3/s.

Thủy điện A Vương, xã Macooih, huyện Đông Giang ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ là 110 m3/s nên điều tiết hồ chứa xả qua tràn 442 m3/s và chạy máy 77 m3/s. Thủy điện Sông Bung 4, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, lượng nước đổ về lòng hồ 235 m3/s, xả lũ 558 m3/s, chạy máy 160 m3/s.

Tổng lượng nước xả về sông Vu Gia và phát điện của ba nhà máy nói trên là hơn 1.695 m3/s.

Riêng Thủy điện Sông Tranh 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, lượng nước về lòng hồ là 1.243 m3/s, xả lũ 1.026 m3/s.

Tại Thừa Thiên Huế, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phan Thanh Hùng cho biết, hồ thủy điện Bình Điền, hồ thủy điện Hương Điền và hồ Tả Trạch đang điều tiết nước về hạ du, chủ yếu qua tua bin. Trong đó, hồ thủy điện Hương Điền có lưu lượng nước về hạ du lớn nhất với hơn 600 m3/s…

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, có 87 hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn. Trong đó, Bắc Bộ 22 hồ, Bắc Trung Bộ 8 hồ, Nam Trung Bộ 18 hồ và Tây Nguyên 39 hồ. Hơn 1.850 hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đầy nước.

Bình Dương đã thu hồi hơn 1,6 tỷ đồng chi hỗ trợ nhầm

Qua kiểm tra, tỉnh Bình Dương phát hiện 23.029 trường hợp "trùng lặp" được lên danh sách chi hỗ trợ, song mới có 2.044 người nhận với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng và đều đã được thu hồi.

23.029 hồ sơ hưởng hỗ trợ Covid-19 ở Bình Dương bị phát hiện trùng lặp, 2.044 hồ sơ đã chi và được thu hồi

23.029 hồ sơ hưởng hỗ trợ Covid-19 ở Bình Dương bị phát hiện trùng lặp, 2.044 hồ sơ đã chi và được thu hồi

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương Lê Minh Quốc Cường cho biết, qua rà soát danh sách do thị xã Tân Uyên gửi Sở thẩm định để chi hỗ trợ 300.000 đồng tiền ở trọ và 500.000 đồng tiền lương thực, khi đưa vào phần mềm lập danh sách đã phát hiện 23.029 trường hợp trùng lặp nên báo cho địa phương dừng chi hỗ trợ cho những trường hợp này. Cơ quan chức năng đã ngăn chặn, chưa chi tiền đến tay người dân.

Chủ tịch UBND TX. Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết thêm, quá trình triển khai, thị xã phát hiện 23.029 trường hợp trùng lặp trong danh sách, sau rà soát ghi nhận đã chi nhầm 2.044 người với tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Hiện, số tiền này đã được địa phương thu hồi.

Giải thích thêm, ông Lê Minh Quốc Cường cho biết, thời điểm tháng 8 - 9, Tỉnh giãn cách xã hội. Riêng TX. Tân Uyên dịch bùng phát mạnh nên có nhiều phường áp dụng biện pháp "đông cứng, khóa chặt", người lao động không thể đi làm hồ sơ. Lực lượng tình nguyện xuống các khu nhà trọ lập danh sách để kịp thời hỗ trợ. Quá trình nhập liệu, địa phương thấy danh sách trùng lặp nên vận động người dân trả lại.

Hiện, khoảng 1,4 triệu người đã được chi hỗ trợ 800.000 đồng/người, tổng số tiền là 1.124 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 745 tỷ đồng trùng tu Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) sẽ được phục dựng nhiều hạng mục như đường hoàng gia, hào thành, thái miếu… trong 4 năm tới.

Tường thành đá ở Thành nhà Hồ có nhiều điểm sạt lở, xuống cấp

Tường thành đá ở Thành nhà Hồ có nhiều điểm sạt lở, xuống cấp

Dự án Bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ vừa được HĐND tỉnh Thanh Hoá thông qua với tổng vốn đầu tư 745,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương khoảng 300 tỷ đồng, phần còn lại là vốn trung ương cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.

Theo kế hoạch, các hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi gồm: Khu trưng bày điện khảo cổ Hoàng Nguyên (9.000 m2); khôi phục 1.000 m hào thành phía Nam; tôn tạo vệ thành, đường hoàng gia; chống thấm cổng Nam; phục hồi Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu; đường giao thông nội bộ; cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật khác.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Đà Nẵng tiêm vaccine cho học sinh trung học phổ thông vào cuối tháng 10

UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục tiêm vaccine Pfizer ngừa Covid-19 cho học sinh lớp 10, 11, 12 từ ngày 26 - 29/10.

Đà Nẵng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh lớp 10, 11, 12 từ ngày 26 - 29/10

Đà Nẵng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh lớp 10, 11, 12 từ ngày 26 - 29/10

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Thị Kim Yến cho hay, theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành phố sẽ tổ chức đi học trở lại cho học sinh lớp 1, lớp 9, lớp 12 vào ngày 1/11/2021. Đến ngày 8/11/2021, toàn bộ học sinh sẽ đi học lại. Đặc biệt, sắp tới, Thành phố tiếp nhận hơn 100.000 liều vaccine Pfizer.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục có kế hoạch tiêm vaccine Pfizer cho học sinh từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi (lớp 10, 11, 12) từ ngày 26 - 29/10.

Ngành giáo dục cần chủ động lên danh sách, tập huấn để việc tiêm vaccine cho học sinh trung học phổ thông diễn ra thuận lợi, tránh bỏ sót đối tượng.

Đồng thời, ngành giáo dục cần dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng tiêu chí trường học an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tiêm 999.744 mũi vaccine; trong đó 854.135 người tiêm mũi 1 (đạt 97,6%) và 145.609 người tiêm mũi 2 (đạt 16,6%).

28 nhà máy điện gió kịp vận hành để hưởng giá FIT

28 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD), kịp hưởng giá cố định (FIT) ưu đãi trước giờ G.

Dự án Điện gió Phong Liệu (Quảng Trị) đã vận hành thương mại 24 MW

Dự án Điện gió Phong Liệu (Quảng Trị) đã vận hành thương mại 24 MW

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 28 dự án điện gió đã được công nhận COD với tổng công suất 1.247,4 MW.

Riêng trong tháng 10 đã có thêm 23 nhà máy với công suất 893,6 MW hoàn thành các khâu thử nghiệm, công nhận COD. So với tháng 8 và 9, số lượng dự án điện gió kịp các thủ tục vận hành thử nghiệm và công nhận COD tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, so với con số 106 dự án gửi hồ sơ đăng ký đóng điện, hoà lưới, thử nghiệm và đề nghị công nhận COD với tổng công suất 5.655,5 MW, số thực hiện được mới đạt hơn 22%.

Nhiều dự án điện gió đang trong giai đoạn nước rút để kịp được công nhận COD, vận hành thương mại trước 31/10/2021. Do các yếu tố khách quan, chủ quan, các chuyên gia dự báo khó để tất cả 106 dự án kịp vận hành COD trước ngày 31/10, để hưởng giá FIT ưu đãi.

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Trường hợp các dự án không kịp vận hành trước 1/11, thời điểm hết hiệu lực giá FIT ưu đãi cho điện gió, sẽ không được hưởng giá FIT trong 20 năm. Thay vào đó sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu giá và Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt 600 tỷ USD năm 2021

Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt kỷ lục 600 tỷ USD và cán cân thương mại cân bằng vào cuối năm 2021.

Luỹ kế từ đầu năm tới 15/10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 510 tỷ USD

Luỹ kế từ đầu năm tới 15/10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 510 tỷ USD

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 26 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 13,16 tỷ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 13 tỷ USD.

Luỹ kế từ đầu năm tới 15/10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 510 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 256,5 tỷ USD. Cán cân thương mại vẫn đang thâm hụt 2,45 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu quý II. Đến nay, mức nhập siêu đã giảm dần, cán cân thương mại tháng 8 nhập siêu 100 triệu USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thực hiện nhiều cải cách hành chính để nâng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 - 5%, nhưng Bộ Công Thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.

Mục tiêu này theo Bộ Công Thương là có cơ sở khi một số dự án xuất khẩu lớn đã được triển khai mới đây. Đơn cử, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng đã được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất Hải Phòng.

Đồng Nai cho mở lại rạp chiếu phim, dịch vụ ăn uống tại chỗ

Từ ngày 24/10, Đồng Nai cho phép rạp chiếu phim, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (không phục vụ thức uống có cồn) được hoạt động không quá 50% công suất.

Quán ăn uống trên đường Hưng Đạo Vương, TP. Biên Hòa
Quán ăn uống trên đường Hưng Đạo Vương, TP. Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Chỉ thị 20 về việc áp dụng các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Qua đánh giá, tỉnh này xác định mức độ dịch của Đồng Nai là cấp độ 2 (nguy cơ trung bình).

Từ 0h ngày 24/10, Đồng Nai cho phép người dân đi lại nội tỉnh khi đã tiêm 1 mũi vaccine ít nhất 14 ngày hoặc người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng. Người dân khi ra đường phải có mã QR trên ứng dụng PC-Covid thể hiện lịch sử tiêm chủng; giấy chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trong chỉ thị mới ban hành, Đồng Nai cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (không phục vụ thức uống có cồn) được hoạt động không quá 50% công suất, giữ khoảng cách 1 m, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, bar, Internet, cơ sở làm đẹp, spa… tiếp tục ngừng hoạt động. Riêng cơ sở làm tóc được hoạt động.

Người bán hàng rong, bán vé số được hoạt động khi đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động khi có kế hoạch và phải chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn.

Tỉnh Đồng Nai cũng cho phép sự kiện, đám cưới, đám tang được hoạt động tối đa không quá 30 người (trong nhà) và không quá 45 người (ngoài trời) cùng một địa điểm…

Bộ Giao thông vận tải kiểm tra hoạt động vận tải toàn quốc

Phạm vi kiểm tra thuộc 5 lĩnh vực vận tải gồm đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thời gian kiểm tra trong quý IV/2021 và bắt đầu từ ngày 25/10

Thời gian kiểm tra trong quý IV/2021 và bắt đầu từ ngày 25/10

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải trên toàn quốc.

Đoàn kiểm tra số 1 do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ làm Trưởng đoàn. Nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực trên tại Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, các cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, đơn vị vận tải, trạm dừng nghỉ trên đường bộ, cảng, cảng bến thủy nội địa, nơi xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam (từ Thanh Hóa trở vào).

Đoàn kiểm tra số 2 do Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra số 2 có nhiệm vụ kiểm tra công tác tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực trên tại Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, các cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, đơn vị vận tải, trạm dừng nghỉ trên đường bộ, cảng, cảng bến thủy nội địa, nơi xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra phía Bắc.

Chuyên đề