Bản tin thời sự sáng 20/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất cấp thẻ xanh Covid cho người tiêm 1 mũi vaccine; thêm 8 triệu liều vaccine Vero Cell được phân bổ cho 25 tỉnh thành; trạm thu phí Dầu Giây sẽ hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/9; quận trung tâm Hà Nội muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh từ 1/10; Vũng Tàu đề xuất cho tắm biển theo khung 5h - 7h hàng ngày…

TP.HCM đề xuất cấp thẻ xanh Covid cho người tiêm một mũi vaccine

Điều kiện để có thẻ xanh Covid là đã tiêm 1 mũi vaccine (với vaccine phải tiêm 2 mũi) ít nhất sau 2 tuần hoặc người mắc Covid-19 hoàn thành cách ly.

Người dân nhận được chứng nhận màu xanh trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, thể hiện đã tiêm 2 mũi vaccine

Người dân nhận được chứng nhận màu xanh trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, thể hiện đã tiêm 2 mũi vaccine

Nội dung được đề cập trong văn bản do Sở Y tế thành phố TP.HCM gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 về việc áp dụng thẻ xanh Covid trong giai đoạn phục hồi kinh tế, sau khi thống nhất với các sở ngành liên quan. Tuy nhiên, người có thẻ xanh Covid phải tuân thủ 5K, làm xét nghiệm định kỳ.

Ngoài ra, Sở Y tế Thành phố cũng kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ thẻ xanh Covid và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp trên ứng dụng "Y tế HCM" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo đã tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và khai báo y tế.

Ứng dụng này sẽ hiện rõ đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi, khởi đầu sẽ triển khai thí điểm ở Quận 7 để đánh giá tính hiệu quả trước khi nhân rộng.

Theo đánh giá của Sở Y tế Thành phố, kế hoạch triển khai thí điểm thẻ xanh Covid trong giai đoạn phục hồi kinh tế đã có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tiêm chủng vaccine. Do đó, việc này cần tiếp tục hoàn thiện để thực hiện trong thời gian tới.

Thẻ xanh Covid được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Người có thẻ xanh Covid ít nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, người có thẻ xanh Covid không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân sẽ không lây nhiễm virus cho người khác.

Phân bổ thêm 8 triệu liều vaccine Vero Cell được cho 25 tỉnh thành

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ thêm 8 triệu liều vaccine Sinopharm cho 25 tỉnh thành, trong đó Hà Nội nhận nhiều nhất.

Thêm 8 triệu liều vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm được phân bổ cho 25 tỉnh thành

Thêm 8 triệu liều vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm được phân bổ cho 25 tỉnh thành

Đây là đợt phân bổ vaccine thứ 43 của Bộ Y tế, được sử dụng tiêm cả mũi một và hai. Hà Nội nhận nhiều nhất với 1.359 triệu liều, tiếp đến là Quảng Ninh hơn 700.000 liều.

TP.HCM, Lạng Sơn, Hải Phòng, Yên Bái mỗi nơi 500.000 liều, Bắc Ninh 400.000 liều, các tỉnh/thành khác 100.000 - 300.000 liều...

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 45 triệu liều vaccine Covid-19 các loại. Riêng vaccine Vero Cell (Sinopharm) có khoảng 20 triệu liều, gồm hơn 6 triệu liều do Trung Quốc viện trợ, 5 triệu liều cho TP.HCM mua, và 8 triệu liều lần này do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.

Tới sáng 19/9, Việt Nam đã tiêm được 34,1 triệu liều vaccine, trong đó tiêm mũi một là hơn 27 triệu, tiêm mũi hai là hơn 6 triệu.

Từ ngày 8 - 16/9, Bộ Y tế đã có ít nhất 4 lần phân bổ cho Hà Nội với khoảng 3,7 triệu liều vaccine. Hà Nội đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều, với hơn 5,7 triệu liều là mũi một và hơn 700.000 liều mũi hai.

Trạm thu phí Dầu Giây sẽ hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/9

Trạm thu phí Dầu Giây sẽ hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/9 sau hơn 2 tháng tạm dừng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây sẽ thu phí trở lại từ 0h ngày 20/9

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây sẽ thu phí trở lại từ 0h ngày 20/9

Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ thu phí trở lại từ 0h ngày 20/9 sau hơn 2 tháng tạm dừng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Trạm Dầu Giây được tiếp tục thu phí trên cơ sở các văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và chính quyền địa phương về việc từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai trong tình hình mới.

Địa bàn xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (nơi đặt trạm thu phí Dầu Giây) sẽ không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 20/9/2021. Do đó, trạm Dầu Giây trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đủ điều kiện để thu phí trở lại theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đại diện VEC cho biết thêm, kể từ thời điểm 0h ngày 20/9, các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ tiếp tục được miễn phí chặng trạm thu phí Long Phước - Quốc lộ 51 ở cả 2 chiều.

Trước đó, từ 0h ngày 20/7/2021, toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tạm dừng thu phí để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Hiện trên tuyến cao tốc này còn trạm thu phí Long Phước và trạm thu phí Quốc lộ 51 vẫn tiếp tục tạm dừng thu phí.

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55km đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng.

Quận trung tâm Hà Nội muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh từ 1/10

Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đề xuất nếu hết tháng 9, địa bàn được xác định vùng xanh thì sẽ mở cửa trở lại tất cả cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Quận Hai Bà Trưng đề xuất sẽ mở cửa trở lại tất cả cơ sở kinh doanh, dịch vụ từ 1/10

Quận Hai Bà Trưng đề xuất sẽ mở cửa trở lại tất cả cơ sở kinh doanh, dịch vụ từ 1/10

Đề xuất được UBND quận Hai Bà Trưng nêu trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Công điện 20 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9. Quận Hai Bà Trưng đề xuất phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9 thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn một, từ 8h ngày 21/9 đến ngày 30/9, Quận sẽ cho phép doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh được mở cửa hoạt động trở lại với 50% công suất và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Một số loại hình kinh doanh không thiết yếu như karaoke, vũ trường, quán bar; cơ sở kinh doanh dịch vụ spa; các cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao trong nhà; dịch vụ game, Internet... sẽ chờ chỉ đạo của UBND Thành phố.

Quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục đóng cửa các chợ Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Mai. Các chợ Hôm, Đức Viên, Mơ, Đồng Tâm chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K…

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động 100% công suất. Quận sẽ tiếp tục triển khai 19 điểm bán hàng lưu động trên các phường, sắp xếp hợp lý và thuận tiện nhất cho dân.

Riêng các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực phong tỏa sẽ tiếp tục dừng hoạt động...

Ở giai đoạn hai, từ ngày 1/10 trở đi, nếu Quận được xác định là vùng xanh, trong trạng thái bình thường mới sẽ cho phép doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được hoạt động 100% công suất.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Vũng Tàu đề xuất cho tắm biển theo khung 5h - 7h hàng ngày

Chính quyền TP. Vũng Tàu đề xuất cho phép người dân và du khách tắm biển ở khung 5h - 7h hàng ngày, từ đầu tháng 11 năm nay.

Từ ngày 1/6 đến nay, khi TP. Vũng Tàu cấm tắm biển

Từ ngày 1/6 đến nay, khi TP. Vũng Tàu cấm tắm biển

Đề xuất trên nằm trong kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội dự kiến trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 21/9, nếu được thông qua, lộ trình "mở cửa" của TP. Vũng Tàu được chia thành 4 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn một, từ nay đến cuối tháng 9, các phường "vùng xanh" nới lỏng kiểm soát đi lại và một số hoạt động buôn bán, kinh doanh trong phạm vi từng phường; mở một số chợ truyền thống bán hàng thiết yếu. Những phường còn khu phong tỏa, nguy cơ cao tiếp tục "đông cứng, khóa chặt", thực hiện "3 tại chỗ".

Giai đoạn hai, từ ngày 1 - 31/10, cho phép doanh nghiệp, hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm; dịch vụ ăn uống bán mang đi, cơ sở thú y, nông nghiệp, máy móc thiết bị, bưu chính, viễn thông, dụng cụ học tập... hoạt động trở lại ở khung 6h - 19h hàng ngày.

Đối với các cơ sở sử dụng 100% nhân công sống tại TP. Vũng Tàu, người lao động được dùng xe cá nhân đi làm. Giai đoạn này, những vùng an toàn, Thành phố cho phép người dân chạy bộ, đi bộ, tập thể dục, golf, tennis.

Giai đoạn ba, từ 1/11 - 31/12, Thành phố cho phép cơ sở gym, fitness, billiards, yoga... hoạt động. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống khuyến khích bán hành mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến.

Khoảng thời gian này, Thành phố mở cửa một số khu, điểm du lịch. Các tour đưa đón khách hoạt động với điều kiện khách đã tiêm 2 mũi vaccine. Người dân và du khách tắm biển ở khung 5h - 7h hàng ngày, song phải đảm bảo khoảng cách an toàn. Các nhà hàng, kể cả nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động nhưng phục vụ không quá 50% công suất...

Giai đoạn bốn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

82.000 shipper đăng ký hoạt động ở TP.HCM

Sở Công thương TP.HCM đề nghị Sở Y tế hỗ trợ nguồn lực thực hiện xét nghiệm cho 82.000 shipper hoạt động phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng cho người dân.

Đến nay, 82.000 shipper đăng ký hoạt động nên Sở Công thương rất cần Sở Y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm.

Đến nay, 82.000 shipper đăng ký hoạt động nên Sở Công thương rất cần Sở Y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết thông tin trên. Theo ông Phương, những ngày qua, khoảng 20.000 shipper hoạt động, nhưng tới ngày 17/9 đã tăng lên 24.200 người. Lực lượng vận chuyển này đã thực hiện gần 543.500 đơn hàng, tăng gấp đôi so với trước. Đến nay, 82.000 shipper đăng ký hoạt động nên Sở Công Thương rất cần Sở Y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm. Trên thực tế, số lượng shipper tăng nhanh nên xảy ra tình trạng quá tải khi lấy mẫu ở các trung tâm y tế. Dự kiến số lượng shipper sẽ lên tới 92.000 người.

Liên quan vấn đề này, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trước đây, theo Công văn số 2800, Sở Y tế kết hợp Sở Công Thương thực hiện xét nghiệm miễn phí cho shipper. Sở đã chỉ đạo đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) và Trung tâm y tế quận, huyện để cung ứng test nhanh cho các trạm y tế lưu động thực hiện xét nghiệm cho shipper.

Tại thời điểm 31/8 - 6/9, có khoảng 17.800 shipper đăng ký và Sở có thể đáp ứng được. Nay lượng shipper đăng ký sẽ hơn 92.000 người, vượt quá sức lấy mẫu xét nghiệm của hơn 500 trạm y tế lưu động.

Theo bà Mai, các trạm y tế lưu động được vận hành với sự hỗ trợ của 1.200 y bác sĩ quân y nhiệm vụ chính chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vacicne. Trước đây, lượng shipper còn vừa phải, các trạm này đảm bảo xét nghiệm. Tuy nhiên, số lượng shipper tăng gần gấp 5 lần khiến cơ quan y tế cũng lúng túng vì thiếu test xét nghiệm nhanh...

Từ ngày 16/9, chính quyền Thành phố cho shipper hoạt động liên quận, huyện từ 6h - 21h với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày một lần. Thành phố chi trả xét nghiệm đến hết ngày 30/9.

Cầu Rạch Miễu thu phí trở lại từ ngày 20/9

Các phương tiện qua cầu Rạch Miễu (Bến Tre) sẽ bị thu phí trở lại từ ngày 20/9, sau 2 tháng tạm dừng vì Covid-19.

Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu sẽ hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/9

Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu sẽ hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/9

UBND tỉnh Bến Tre vừa có văn bản cho phép Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu thu phí qua cầu trở lại. Tỉnh cũng yêu cầu đơn vị sẵn sàng các biện pháp phòng chống dịch trước khi hoạt động.

Công trình BOT cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km bao gồm cả đường dẫn, mặt cầu rộng 12 - 15 m, có tổng vốn đầu tư 1.187 tỷ đồng, đưa vào hoạt động tháng 1/2009. Sau hơn 12 năm thu phí, đến tháng 7/2021, doanh nghiệp đã hết thời gian thu phí theo hợp đồng.

Trong khi đó, từ tháng 6/2016, Dự án xây dựng 4 đoạn tuyến (3 đoạn nâng cấp Quốc lộ 60, 1 đoạn xây mới tuyến tránh Mỏ Cày) tổng chiều dài hơn 22,3 km, tính từ chân cầu Rạch Miễu, bờ Bến Tre đến đường dẫn cầu Cổ Chiên, đi Trà Vinh. Dự án có tổng vốn 1.752 tỷ đồng, thời gian thu phí dự kiến 7 năm 7 tháng.

Từ tháng 7/2021, Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn thì Covid-19 bùng phát, 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, gây gián đoạn việc thu phí đến nay.

Chuyên đề