Bản tin thời sự sáng 20/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng; ngày 20/6, xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Redoxy-3C; điều tra đường dây làm giả hàng triệu lít xăng ở Bà Rịa - Vũng Tàu; TP.HCM đấu thầu 30 tuyến xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ…

Đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu về 1.000 đồng - mức sàn của loại thuế này đến hết năm nay.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng

Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, thuế này với xăng sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống mức sàn 1.000 đồng mỗi lít. Tới tay người dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).

Nếu Nghị quyết được ban hành trong tháng 7 năm nay, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành kể từ đầu tháng 8.

Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Bộ Tài chính cho biết, ngân sách nhà nước ước giảm thu bình quân mỗi tháng (đã gồm VAT) khoảng 1.400 tỷ đồng. Ước tính này dựa trên sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 dự kiến tương đương trước dịch Covid-19 (năm 2019). Nếu việc giảm thuế chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8, cả năm, ngân sách dự kiến giảm thu khoảng 7.000 tỷ đồng.

Từ 1/4 năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu diesel, madut, dầu nhờn (chưa VAT)...

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao là giải pháp cần thiết để giảm giá bán lẻ xăng dầu cho người dân, góp phần hạ nhiệt lạm phát.

Bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, tại phiên chất vấn ở Quốc hội mới đây, đại biểu cũng đặt vấn đề giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT... khi giá xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục.

Ngày 20/6, xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Redoxy-3C

Theo đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là không đúng, nên bị cáo đã có đơn kháng cáo kêu oan.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Ngày 20/6, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước hồ. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 20 - 22/6/2022.

Theo đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là không đúng, nên bị cáo đã có đơn kháng cáo kêu oan.

Bị cáo Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) kháng cáo cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là quá nặng. Do đó, bị cáo Giang đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, từ ngày 10 - 13/12/2021, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, bị cáo Nguyễn Trường Giang 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Võ Tiến Hùng 4 năm tù cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Về trách nhiệm dân sự, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng, bị cáo Võ Tiến Hùng bồi thường 4 tỷ đồng và bị cáo Nguyễn Trường Giang bồi thường hơn 7 tỷ đồng.

Điều tra đường dây làm giả hàng triệu lít xăng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phong tỏa một cây xăng để điều tra đường dây sản xuất hàng triệu lít xăng dầu giả.

Cảnh sát phong tỏa cây xăng để điều tra

Cảnh sát phong tỏa cây xăng để điều tra

Sáng 19/6, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Công an thị xã Phú Mỹ phong tỏa cây xăng Gia Khiêm (ở phường Hắc Dịch) để điều tra hành vi làm giả xăng dầu.

Cửa hàng xăng dầu Gia Khiêm thuộc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Gia Khiêm, bị ngừng hoạt động. Cảnh sát căng dây che chắn, không cho người ngoài lại gần. Bên trong, nhiều cán bộ làm việc với nhân viên; đồng thời lấy mẫu, đo đạc, các cột xăng bị niêm phong...

Cơ quan điều tra đã bắt giữ Võ Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Gia Khiêm, cùng nhiều nghi phạm khác.

Lãnh đạo Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Công ty Thương mại Vận tải Gia Khiêm bị nghi sản xuất xăng giả số lượng lớn. Theo điều tra ban đầu, các nghi phạm mua hóa chất số lượng lớn rồi pha trộn với dung môi để “hô biến” thành xăng rồi bán cho người tiêu dùng.

Đây là vụ làm giả xăng dầu với số lượng lớn, ước tính lên đến hàng triệu lít.

TP.HCM đấu thầu 30 tuyến xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ

30 tuyến xe buýt có trợ giá sẽ được đấu thầu từ quý III năm nay nhằm nâng cao chất lượng phục vụ trong bối cảnh khách đi xe buýt ngày càng giảm.

Người dân đón xe buýt trên đường Hàm Nghi (Quận 1, TP.HCM)

Người dân đón xe buýt trên đường Hàm Nghi (Quận 1, TP.HCM)

Ngày 19/6, ông Lê Hoàn - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết sẽ tổ chức đấu thầu 30 tuyến xe buýt trợ giá từ quý III năm nay.

Theo ông Lê Hoàn, trong 30 tuyến xe buýt đấu thầu, có 22 tuyến được chuyển tiếp từ năm 2021 là tuyến số 06, 10, 16, 29, 41, 46, 47, 50, 52, 57, 61, 68, 73, 78, 79, 84, 86, 91, 99, 102, 141 và 151.

7 tuyến đề xuất bổ sung trong năm 2022 là các tuyến số 146, 30, 18, 145, 44, 88, 09 và 1 tuyến dự kiến khôi phục là tuyến Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe An Sương.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đưa ra 3 tiêu chí đấu thầu gồm: xe mới, chạy đúng giờ và an toàn. Đây là 3 tiêu chí bị hành khách đánh giá không hài lòng nhiều nhất.

Sau khi đấu thầu thành công, Trung tâm sẽ bàn giao, chuyển các tuyến cho đơn vị trúng thầu khai thác từ quý I/2023.

Trước đó, trong năm 2021, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã đấu thầu thành công và chuyển 4 tuyến xe buýt 01, 15, 65 và 152 cho doanh nghiệp khai thác. Thời gian thực hiện hợp đồng của gói thầu là 5 năm với kinh phí trên 130 tỷ đồng.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, cơ chế đấu thầu là động lực tích cực để phát huy tính cạnh tranh trong hoạt động vận tải. Thông qua công tác đấu thầu sẽ lựa chọn được đơn vị có năng lực, quy mô đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân với giá vẻ không đổi.

TP.HCM hiện có 126 tuyến buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không. Mỗi năm, Thành phố trợ giá khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng lượng khách đi xe buýt giảm dần qua các năm.

“Cát tặc” ở Sài Gòn bị vây bắt

Phạm Hồng Thích (quê Long An) cùng đồng phạm lái ghe hút trộm cát trên sông Đồng Nai, khu vực TP. Thủ Đức, bị cảnh sát vây bắt nên nhảy xuống nước bỏ trốn.

Cảnh sát bắt chiếc ghe hút trộm cát

Cảnh sát bắt chiếc ghe hút trộm cát

Rạng sáng 19/6, Thích cùng một số người trên ghe trọng tải lớn, sử dụng thiết bị bơm hút cát tại khu vực cảng Long Bình, TP. Thủ Đức, thì bất ngờ tổ tuần tra Phòng CSGT đường thủy Công an TP.HCM phối hợp Biên phòng cảng Nhà Rồng bao vây.

Khi lực lượng chức năng áp sát, nhóm "cát tặc" bỏ chạy. Bị truy đuổi sát sao, nhiều người nhảy xuống sông tẩu thoát, riêng Thích bị khống chế. Nghi can này cùng tang vật được bàn giao cho Biên phòng cảng Nhà Rồng điều tra.

Tuần trước, Công an TP.CM cũng bắt quả tang Nguyễn Ngọc Phi và Đặng Quốc Tùng cùng 10 nghi can khai thác cát trái phép tại khu vực gần phao số 10 và phao số 23 trên sông Đồng Tranh, huyện Cần Giờ. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm này đã trộm được hàng nghìn m3 cát.

Tình trạng khai thác cát trái phép được đánh giá là ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh khu vực... nhất là tại vùng biển Cần Giờ (giáp ranh các tỉnh và TP.HCM). Nguyên nhân là khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý do chế tài còn quá nhẹ, quy định lỏng lẻo.

Để đối phó "cát tặc", TP.HCM sẽ xử phạt các bến thuỷ nội địa không phép, lập chốt kiểm soát trên biển, kiến nghị xử lý hình sự hành vi mua bán tài nguyên trái phép...

Chuyên đề