Bản tin thời sự sáng 20/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đồng loạt khởi công 3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam hơn 4.200 tỷ đồng; 79 tỷ đồng xây bến xe buýt Củ Chi; động thổ gói thầu đâu tiên dự án kênh đào hơn 107 triệu USD; ông Đinh La Thăng bị truy tố trong vụ án Ethanol Phú Thọ; công nhân “đình công” vì bị nợ lương, rác thải ngập phố Thủ đô…

Đồng loạt khởi công 3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam hơn 4.200 tỷ đồng

Sáng ngày 19/11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng loạt triển khai thi công 3 gói thầu cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Theo đó, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa tổ chức đồng loạt thi công 3 gói thầu số 10, 12 và 13 thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc Dự án cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020).

Công trường thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Công trường thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Gói thầu số 10 có chiều hơn 15km (Km274+111,86 - Km289+500, trị giá hơn 1.628 tỷ đồng). Gói số 12 dài 6,6km (Km301+000 - Km307+600; trị giá hơn 1.344 tỷ đồng). Còn gói số 13 dài 10,4km (Km307+600 - Km318+000, trị giá hơn 1.256 tỷ đồng). Các gói thầu trên sẽ được hoàn thành sau 24 tháng thi công.

Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km. Trong giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe; phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng.

79 tỷ đồng xây bến xe buýt Củ Chi

Bến xe buýt Củ Chi có vốn đầu tư gần 79 tỷ đồng nhằm phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM.

Bến xe buýt Củ Chi có vốn đầu tư gần 79 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Bến xe buýt Củ Chi có vốn đầu tư gần 79 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Nội dung được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề cập trong văn bản vừa gửi HĐND Thành phố về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư công Dự án xây dựng bến xe buýt Củ Chi ở xã Tân An Hội. Công trình dự kiến thực hiện vào quý III năm sau và hoàn thành giữa năm 2022.

Dự án gồm các hạng mục: san lấp 11.400 m2; xây dựng 8.400 m2 bãi đỗ xe cùng hệ thống đường nội bộ ra vào bến bãi; xây các khối nhà tiện ích, văn phòng quản lý, điều hành (2 tầng, diện tích sàn hơn 752 m2); nhà để xe; nhà bảo vệ; tường rào, hệ thống cấp nước, cây xanh...

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố, huyện Củ Chi chưa có bến xe dành riêng cho xe buýt. Các xe của 10 tuyến đi, đến Củ Chi phải đậu ở bến xe khách Củ Chi (Quốc lộ 22, thị trấn Củ Chi) đang xuống cấp.

Động thổ gói thầu đầu tiên dự án kênh đào hơn 107 triệu USD

Chiều 19/11, Bộ GTVT, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ động thổ gói thầu xây dựng cầu vượt kênh đào thuộc cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (địa phận xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ - Dự án WB6.

Phối cảnh dự án kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ đoạn có âu tàu và cầu vượt kênh

Phối cảnh dự án kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ đoạn có âu tàu và cầu vượt kênh

Cầu vượt này nằm trên đường tỉnh 490C tại vị trí Km31+285-Km33+260, được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép, với tổng chiều dài hơn 2,2km, chiều cao tĩnh không 15m.

Sau hạng mục trên, các hạng mục khác của dự án sẽ lần lượt được khởi công xây dựng gồm: đào khoảng 1km kênh chiều rộng 90 - 100m nối liền hai sông Đáy và Ninh Cơ; xây dựng âu tàu có chiều dài 179m, rộng 17m và cao độ -7m; đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, hệ thống đê, thủy lợi và điện, thông tin liên lạc…

Dự án cụm công trình kênh đào có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ là 28,45 triệu USD. Dự kiến giữa năm 2022, Dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Sau khi hoàn thành, tuyến kênh này đáp ứng phương tiện thủy có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông.

Gia Lai: Hai phương án sửa đường tránh 250 tỷ đồng sụt lún

Thay toàn bộ đất nền và cọc gia cố xi măng là hai phương án được đưa ra để khắc phục sụt lún tuyến tránh 250 tỷ đồng qua huyện Chư Sê.

Tuyến tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún hồi đầu tháng 9/2019

Tuyến tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún hồi đầu tháng 9/2019

Theo đại diện Ban Quản lý dự án 6 (chủ đầu tư), hai phương án tối ưu đang trình Bộ GTVT phê duyệt.

Trong đó, phương án một rẻ nhất, là đào bỏ toàn bộ đất nền cũ, sau đó đắp lại đất mới. Tuy nhiên, cách này phải tận dụng thêm vài chục nghìn khối đất đắp vào đó, buộc phải xin phép thêm mỏ đất, gây mất thời gian; bãi thải lớp đất cũ ảnh hưởng đến môi trường, việc thuê bến bãi cũng phức tạp; Tây Nguyên là vùng đất bazan, chỉ số dẻo cao, về mặt tính toán đảm bảo, nhưng khó kiểm soát.

Phương án hai là cọc gia cố xi măng, bằng cách khoan nhiều lỗ ở khu vực sụt lún, sau đó phun vữa xuống, mục đích gia tăng cường độ lớp đất bị yếu. "Phương án này đắt hơn nhưng nhanh, an toàn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật", lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 cho biết. Dù chọn phương án nào, trọng tâm là xử lý lớp đất nhão nằm sâu dưới lớp đất bề mặt, thi công hệ thống nền và mặt đường.

Đại diện Chủ đầu tư cho biết, kinh phí sửa chữa sẽ do bảo hiểm công trình chi trả. Nếu vượt khoản bảo hiểm này, đơn vị thi công là Công ty CP 471 (Nghệ An) phải bỏ tiền ra vì Dự án chưa nghiệm thu.

Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn tất việc thi công khắc phục đoạn đường sụt lún trước Tết Nguyên đán 2021.

Ông Đinh La Thăng cùng Trịnh Xuân Thanh bị truy tố trong vụ án Ethanol Phú Thọ

Cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng cùng Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc có sai phạm khi chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng.

Cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng cùng Trịnh Xuân Thanh bị truy tố trong vụ án Ethanol Phú Thọ

Cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng cùng Trịnh Xuân Thanh bị truy tố trong vụ án Ethanol Phú Thọ

VKSND Tối cao xác định ông Thăng có vai trò chính nên truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ án có 11 đồng phạm, trong đó, Trịnh Xuân Thanh (cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT PVC) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Đỗ Văn Hồng truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2007, ông Thăng với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty CP Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư Dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC (Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T). Quá trình thực hiện hợp đồng không đúng tiến độ, PVC có báo cáo thừa nhận không đủ năng lực. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công Dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.

Nhà chức trách cáo buộc, biết PVC chưa từng thực hiện Dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng - với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án - đã chủ trì nhiều cuộc họp, quyết liệt định hướng giao thầu cho PVC như đề nghị của bị can Thanh.

Bị can Thanh biết rõ Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu...

Hành vi làm trái các quy định của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB hơn 540 tỷ đồng.

Công nhân “đình công” vì bị nợ lương, rác thải ngập phố Thủ đô

Những ngày qua, người dân phường Yên Phụ (Tây Hồ) và phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) liên tục phải sống chung với rác thải vì công nhân môi trường “đình công”.

Rác chất đống trên phố Yên Phụ

Rác chất đống trên phố Yên Phụ

1 tuần nay, người dân phố An Dương (quận Tây Hồ) đang phải sống trong một không gian nồng nặc mùi hôi thối bốc lên từ những đống rác lớn bé chất đầy đường.

Người dân sinh sống tại khu phố An Dương cho biết, xe chuyên chở rác của khu vực này đã không hoạt động nhiều ngày nay, rác thải của các hộ dân tạm thời được gom thành từng đống lớn nhỏ ngổn ngang ngoài đường, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa tạm thời.

Tại khu vực đường đê Yên Phụ, có 2 cửa khẩu để vào trong đê, mỗi cửa khẩu lại là nơi tập kết rác, mùi rác bốc lên nồng nặc khó chịu.

Theo ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, đơn vị trúng thầu thu gom rác trên địa bàn là Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (gọi tắt là Công ty Minh Quân). Tuy nhiên, do Công ty đang nợ lương nên công nhân đình công, dẫn đến tình trạng ùn ứ rác thải.

Đây không phải lần đầu tiên Công ty Minh Quân để xảy ra tình trạng tương tự. Mặc dù vậy, đây là đơn vị trúng thầu tập trung do Thành phố quản lý, phường Yên Phụ không có thẩm quyền lựa chọn nhà thầu.

Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, những ngày qua, hàng chục xe rác bốc mùi ùn ứ ở điểm tập kết trên đường Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn). Điểm tập kết rác này nằm cạnh Trung tâm Điền kinh quốc gia Mỹ Đình và phía trước một tòa chung cư đông người dân sinh sống.

Nguyên Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình tiếp tục hầu toà

Nguyên Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình bị xét xử vì gây thiệt hại 5.688 tỷ đồng - giảm 3.199 tỷ đồng so với lần truy tố trước.

Ông Trần Phương Bình đến tòa sáng 19/11

Ông Trần Phương Bình đến tòa sáng 19/11

Cựu Tổng giám đốc DongABank bị xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 BLHS 1999 và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS 2015. 11 bị cáo khác bị cáo buộc vai trò đồng phạm với ông Bình ở hành vi thứ nhất.

Chánh tòa Hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa phiên tòa. HĐXX triệu tập 171 người bao gồm Tổ giám định thuộc Ngân hàng Nhà nước, hội đồng định giá trong tố tụng hình sự một số tỉnh... tham gia phiên tòa.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 30/11, song chủ tọa cho biết HĐXX sẽ làm việc cả thứ 7 và chủ nhật. Nhân viên y tế luôn túc trực để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo.

Đến chiều ngày 19/11, đại diện VKS chưa công bố xong cáo trạng dài 136 trang.

Theo cáo trạng, từ 2007 - 2013, ông Trần Phương Bình với vai trò Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB đã chỉ đạo nhiều cấp dưới thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Trong đó, ông Bình và các đồng phạm cho các nhóm khách hàng: Hiệp Phú Gia - TTC (do Nguyễn Thiện Nhân điều hành và chỉ đạo), Đồng Tiến, M&C vay tiền trái quy định, cùng hợp tác đầu tư các dự án bất động sản nhưng sau đó bị "sa lầy" không thể rút vốn, gây thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng. Riêng nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC gây thiệt hại 3.139 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Bình còn bị cho là đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75,6 tỷ đồng.

Xuất hiện tiền giả lưu thông tại Đà Nẵng

Chiều 19/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết có tình trạng tiền giả lưu thông trên thị trường và khuyến cáo người dân cảnh giác khi thực hiện giao dịch.

Trước đó, đầu tháng 9/2020, Công an Cần Thơ đã triệt phá điểm sản xuất tiền giả

Trước đó, đầu tháng 9/2020, Công an Cần Thơ đã triệt phá điểm sản xuất tiền giả

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng nắm được thông tin một số ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố phát hiện tiền giả khi giao dịch.

Các ngân hàng thương mại đã lập biên bản thu giữ tiền giả theo quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, trên thị trường, thỉnh thoảng có xuất hiện một vài tờ tiền giả, chứ không phải số lượng lớn. Hệ thống ngân hàng đã có cảnh báo nội bộ bên trong, khi phát hiện những đồng tiền giả thì tiến hành thu giữ và báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Cơ quan này khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ tiền mặt, nhất là vào thời điểm cuối năm có nhiều giao dịch được thực hiện.

Đề xuất xây cầu, hầm chui ở sân bay Tân Sơn Nhất

Sở GTVT đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nghiên cứu xây cầu đi bộ hoặc hầm chui trước ga quốc nội để giảm ùn tắc, tai nạn.

Khách đi bộ băng ngang qua làn A trước ga quốc nội của sân bay để đón xe

Khách đi bộ băng ngang qua làn A trước ga quốc nội của sân bay để đón xe

Đây là một trong những phương án được Sở GTVT gửi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các bên liên quan nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại sân bay. Động thái được đưa ra để cải thiện tình hình ùn ứ, nhất là trước sảnh ga quốc nội và nhà giữ xe sau khi giao thông nội bộ sân bay được điều chỉnh.

Cầu đi bộ hoặc hầm chui được đề nghị xây dựng kết nối ga quốc nội đến nhà xe TCP ở đối diện. Việc này giảm giao cắt giữa người đi bộ với các xe chạy trên bốn làn A, B, C, D trước nhà ga. Sở GTVT đề nghị bổ sung thang máy để khách thuận tiện lên các tầng cao nhà xe TCP, do hiện chỉ 2 thang, chưa đáp ứng nhu cầu.

Trước mắt, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần phối hợp các bên làm thêm gờ giảm tốc, báo hiệu an toàn... giúp giao thông ở khu vực ổn định hơn. Sân bay cần tăng lực lượng bảo vệ, hướng dẫn và sắp xếp xe đón, trả khách do nhiều người còn lúng túng sau khi giao thông điều chỉnh.

Sân bay Tân Sơn Nhất quy hoạch đến năm 2020 công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, nhưng từ năm 2017 đón gần 40 triệu lượt, tăng trưởng quá nhanh khiến sân bay quá tải.

Chuyên đề