Bản tin thời sự sáng 2/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9; dừng đường bay TP.HCM - Vinh từ 0h ngày 2/7; dùng trực thăng chở giám thị và đề thi ra Côn Đảo vào ngày 5/7; hai tuyến cáp biển AAE-1, AAG cùng được sửa trong tuần đầu tháng 7; hoàn thành tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối cao tốc TP.HCM - Long Thành…

Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9

Do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã kỷ luật về Đảng, nên Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9.

Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9

Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9

Ngày 1/7, Thủ tướng ký quyết định kỷ luật nêu trên. Một tuần trước, Ban Bí thư đã cách tất cả chức vụ trong Đảng của 2 nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 với Thiếu tướng Trần Văn Tài.

Ban Bí thư kết luận trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Thiếu tướng Trần Văn Tài đã có nhiều vi phạm.

Ông Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định.

Thiếu tướng Tài cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ban Bí thư nhận định, vi phạm của thiếu tướng Trần Văn Tài là "rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần kỷ luật nghiêm minh".

Quá trình kiểm điểm, tướng Tài được cho là đã nhận thức rõ những khuyết điểm, tích cực khắc phục và chỉ đạo khắc phục hậu quả, tự giác nhận hình thức kỷ luật.

Dừng đường bay TP.HCM - Vinh từ 0h ngày 2/7

Các chuyến bay từ Vinh đi TP.HCM và ngược lại sẽ tạm dừng từ 0h ngày 2/7, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Dừng đường bay TP.HCM – Vinh từ 0h ngày 2/7

Dừng đường bay TP.HCM – Vinh từ 0h ngày 2/7

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngày 30/6, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Bộ cho dừng các chuyến bay đến sân bay Vinh để phục vụ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị vẫn duy trì các đường bay khác đến sân bay Vinh, chỉ tạm dừng đường bay Vinh - TP.HCM.

Sau khi xem xét, Bộ quyết định dừng các chuyến bay trên tuyến này cho đến khi có thông báo mới, trừ chuyến chở thiết bị, nhân viên y tế.

Mỗi tuần có 5 hãng hàng không khai thác 66 chuyến bay khứ hồi từ Vinh đi Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Phú Quốc. Mỗi tháng, hãng Tiger Taiwan khai thác một chuyến chở chuyên gia đến Vinh. Riêng từ ngày 30/6 - 6/7, có 4 hãng tổ chức bay tuyến TP.HCM - Vinh, tần suất 3 - 4 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Đây không phải lần đầu tiên các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải dừng đường bay đến TP.HCM. Trước đó, Quảng Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị và được chấp thuận dừng đường bay đến Thành phố do lo ngại dịch bệnh phức tạp. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất duy trì 13 đường bay đến các địa phương trong nước.

Dùng trực thăng chở giám thị và đề thi ra Côn Đảo vào ngày 5/7

Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ dùng máy bay trực thăng để vận chuyển đề thi và 19 cán bộ coi thi ra điểm trường Võ Thị Sáu ở Côn Đảo.

Dùng trực thăng chở giám thị và đề thi ra Côn Đảo vào ngày 5/7

Dùng trực thăng chở giám thị và đề thi ra Côn Đảo vào ngày 5/7

Tối 1/7, ông Lê Văn Tuyền, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đơn vị vừa có tờ trình lên UBND Tỉnh về việc cho phép sử dụng máy bay trực thăng để vận chuyển 19 cán bộ giám thị và đề thi ra điểm thi Côn Đảo vào ngày 5/7.

Theo ông Tuyền, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, huyện Côn Đảo tổ chức một điểm thi tại trường THPT Võ Thị Sáu, với 81 thí sinh tham dự.

Trong suốt quá trình vận chuyển đề thi vẫn đảm bảo thực hiện 5K. Đồng thời, lực lượng công an sẽ bảo vệ an toàn cho giám thị và đề thi trong và sau khi kết thúc cuộc thi, trở về đất liền.

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý để Sở GD&ĐT mua 10.000 khẩu trang y tế dự phòng tại các điểm thi. Thí sinh, cán bộ coi thi sẽ dùng loại khẩu trang này suốt kỳ thi diễn ra.

Bà Rịa - Vũng Tàu có có 11.484 thí sinh, với 21 điểm thi, 1.671 cán bộ, giáo viên được điều động coi thi, giám sát.

Hai tuyến cáp biển AAE-1, AAG cùng được sửa trong tuần đầu tháng 7

Sự cố xảy ra ngày 22/6 trên tuyến cáp AAG dự kiến được khắc phục từ 2 - 7/7. Cũng được sửa bắt đầu từ ngày 2/7, cáp quang biển AAE-1 sẽ khôi phục hoàn toàn dung lượng vào 11/7.

Hai tuyến cáp biển AAE-1, AAG cùng được sửa trong tuần đầu tháng 7

Hai tuyến cáp biển AAE-1, AAG cùng được sửa trong tuần đầu tháng 7

Chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng kể từ 11/5 - 22/6, đã có tới 3/5 tuyến cáp quang biển quốc tế chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế là Asia Pacific Gateway (APG), Asia Africa Europe 1 (AAE-1) và Asia America Gateway (AAG) gặp sự cố. Các sự cố này đã và đang gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet đi quốc tế.

Theo phản ánh từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, mỗi khi tiếp nhận thông tin có tuyến cáp biển gặp sự cố, các nhà mạng đều ngay lập tức triển khai phương án cân tải, điều chỉnh lưu lượng kết nối qua các hướng cáp biển khác và cáp đất liền.

Dẫu vậy, trong tình huống có từ 2 tuyến cáp biển đều gặp sự cố, các ISP gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng, đặc biệt là vào những cung giờ cao điểm.

Cụ thể, thay vì bắt đầu được sửa từ 21h ngày 1/7 và hoàn thành vào ngày 7/7 như lịch cũ, sự cố trên tuyến cáp biển AAE-1 sẽ được khắc phục từ 23h ngày 2/7 và dự kiến sửa xong, khôi phục hoàn toàn các kênh truyền trên tuyến vào 11/7.

Hiện đã có lịch sửa chữa AAG - tuyến cáp biển gặp sự cố gần đây nhất. Theo đó, đơn vị quản lý tuyến cáp xin giấy phép để sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển này từ ngày 2/7 đến ngày 7/7.

Có chiều dài 20.191 km, tuyến cáp quang biển AAG kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

Hoàn thành tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối cao tốc TP.HCM - Long Thành

Tuyến đường 319 nối dài ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã hoàn thành, đang chờ các thủ tục cuối cùng để kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong tháng 7.

Hoàn thành tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối cao tốc TP.HCM - Long Thành

Hoàn thành tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối cao tốc TP.HCM - Long Thành

Dự án đường 319 nối dài được khởi công 2017 do Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO làm chủ đầu tư. Tuyến đường có điểm đầu tại ngã tư Bến Cam (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nút giao hình hoa thị là hạng mục quan trọng của dự án nối đường này với cao tốc.

Toàn tuyến dài 9,4 km gồm tuyến chính dài gần 2,4 km, rộng 16 m và các nhánh rẽ dài hơn 7 km, rộng 8 m. Tổng kinh phí dự án gần 1.000 tỷ đồng.

Dự án có bốn cầu, trong đó hai cây nằm trên hai đường dẫn song song với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Mỗi cây cầu có 2 làn xe, hướng đi một chiều.

Đại diện chủ đầu tư cho biết ngoài đường và cầu vượt, các công trình phụ trợ như biển báo, đèn đường đã được hoàn thành và hiện đang chờ UBND tỉnh nghiệm thu và có quyết định đi vào hoạt động. Dự kiến Dự án khánh thành trong tháng 7.

Đường 319 nối dài đi qua xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch. Sau khi đưa vào khai thác tuyến đường sẽ giúp kết nối cao tốc với các khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch…, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa về TP.HCM và ngược lại.

Long An giãn cách xã hội lần 2

Quyết định giãn cách xã hội lần 2 được Tỉnh đưa ra, sau khi ghi nhận 108 ca Covid-19, trong đó ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Long An đang phức tạp, ngày 1/7.

Một quán karaoke tại TP.Tân An đóng cửa, treo biển thông báo tạm nghỉ vì dịch bệnh

Một quán karaoke tại TP.Tân An đóng cửa, treo biển thông báo tạm nghỉ vì dịch bệnh

Phó chủ tịch UBND Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, tỉnh này sẽ áp dụng giãn cách xã hội từ 0h ngày 2/7 đến khi có thông báo mới.

Đây là lần thức hai Long An áp dụng biện pháp mạnh để chống dịch. Trước đó, TP.Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức và Đức Hòa đã giãn cách xã theo Chỉ thị 15 trong 18 ngày, kết thúc hôm 20/6.

Theo quyết định mới, thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và 13 huyện dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình...

Người dân không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài công sở và trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người ở nơi công cộng. Ôtô khách, xe buýt dừng hoạt động, trừ xe hợp đồng và ôtô đưa, rước công nhân.

Một số xã, phường trên các địa bàn như TP. Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15.

Theo đó, các địa phương này dừng tất cả hoạt động, sự kiện không thật sự cần thiết trên 20 người trong một phòng; ngừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 5 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được bán mang về. Văn phòng công chứng chỉ tiếp nhận, công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan trực tiếp đến việc cấp tín dụng...

Người thường trú hoặc tạm trú tại Long An từng đến, về từ các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phải cách ly tập trung 21 ngày; với các khu vực khác cách ly tại nhà 14 ngày. Cả hai trường hợp này đều phải tự trả phí.

Cảnh báo mạo danh công ty tài chính, lừa đảo chuyển khoản

Tình trạng mạo danh công ty tài chính, giả mạo con dấu, chữ ký để lừa đảo người dân chuyển tiền đang xuất hiện nhiều trong thời gần đây. Nhằm tránh gặp phải các rủi ro, người dân nên cẩn trọng với các ứng dụng trực tuyến cho vay quá dễ dàng.

Cảnh báo xuất hiện tình trạng mạo danh công ty tài chính, lừa đảo chuyển tiền

Cảnh báo xuất hiện tình trạng mạo danh công ty tài chính, lừa đảo chuyển tiền

Theo đó, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã mạo danh công ty tài chính, mời khách hàng vay vốn. Trong đó, các đối tượng đã sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản rồi chiếm đoạt.

Cụ thể, theo phản ánh, để tiến hành thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng sẽ gọi điện tới người dân mời vay tiền và hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên “Auto Cash” để giải ngân nhanh.

Ngay sau đó, một tài khoản Zalo có tên “Phê duyệt PTF" sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng.

Đến đây, sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng nêu trên giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo.

Đáng chú ý, để nhận được số tiền giải ngân trên phải có một mật khẩu xác nhận. Muốn có mật khẩu này, người dân phải phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng.

Đại diện Công ty Tài chính Bưu điện PTF - một đơn vị bị các đối tượng mạo danh - khẳng định, đây là hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến thương hiệu của đơn vị.

Công ty này đưa ra khuyến cáo rằng không áp dụng đăng ký khoản vay, giải ngân và yêu cầu đặt cọc, tạm ứng.… qua ứng dụng Auto Cash cũng như bất kỳ ứng dụng online nào khác.

Chuyên đề