Bản tin thời sự sáng 19/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM dự kiến chi gói hỗ trợ đợt 3 từ 22/9; hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư 28 km tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn; du lịch Khánh Hoà dự kiến đón khách nội tỉnh từ tháng 10; TP.HCM mở tour đầu tiên đến Cần Giờ ngày 19/9; xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép vượt 7 tỷ USD trong 8 tháng; hơn 200 xe hàng ùn ứ ở cầu phao nối Việt Nam với Trung Quốc…

TP.HCM dự kiến chi gói hỗ trợ đợt 3 từ 22/9

Từ ngày 22/9 đến 4/10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, theo thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

TP.HCM dự kiến chi gói hỗ trợ đợt 3 từ 22/9

TP.HCM dự kiến chi gói hỗ trợ đợt 3 từ 22/9

Trong kết luận về phương án hỗ trợ vừa gửi các đơn vị liên quan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức hoàn tất việc phê duyệt danh sách trước 20/9, tiền chuyển về địa phương trước 21/9 để kịp thời chi cho người dân khó khăn.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt này là hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là một triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỷ đồng.

Người được hỗ trợ là những lao động bị mất việc và thu nhập, gặp khó khăn đang có mặt tại Thành phố, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Ngoài ra, thân nhân của lao động bị mất việc gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, người nội trợ, không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc... cũng được xem xét hỗ trợ.

Với các trường hợp lưu trú tạm thời, chính quyền lập các tổ công tác đến từng khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, học sinh, sinh viên, xóm nghèo để rà soát, đối chiếu từ danh sách người dân đã đăng ký để lập danh sách chi tiết.

Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngoài gói 26.000 tỷ đồng triển khai chung cả nước, TP.HCM đã có các gói hỗ trợ riêng với tổng kinh phí gần 6.500 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn. Ngoài ra, Thành phố cũng cấp 14.000 tấn gạo đợt một, hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân.

Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư 28km tu yến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn

Đoạn cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài 28 km với nguồn vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2025 và sẽ nối thông với cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đang khai thác.

Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn sẽ nối thông với cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới

Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn sẽ nối thông với cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đoạn cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

Theo đó, Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 28 km, điểm đầu tại Km0+00 (điểm cuối tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Điểm cuối tại Km28+000 (điểm giao cắt với Quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu Dự án Đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.017 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian hoàn thành Dự án vào năm 2025. Tuyến đường được phê duyệt đầu tư với quy mô đường cao tốc, nền đường 12m, mặt đường 11m, tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Cuối năm 2017, cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới dài khoảng 40 km được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, kết nối với tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án đã được khai thác giúp giảm tải cho Quốc lộ 3.

Sau khi đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đầu tư sẽ hình thành một tuyến đường cao tốc dài khoảng 70 km, rút ngắn thời gian đi lại giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn xuống khoảng 1h giờ so với 2 - 3 giờ trên Quốc lộ 3 cũ. Thời gian lưu thông của phương tiện từ Hà Nội đến Bắc Kạn cũng được rút ngắn hơn.

Du lịch Khánh Hoà dự kiến đón khách nội tỉnh từ tháng 10

Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch chuẩn bị đón du khách nội tỉnh giữa tháng 10, sau khi địa phương cơ bản kiểm soát COVID-19.

Ngành du lịch Khánh Hoà dự kiến đón khách nội tỉnh từ tháng 10

Ngành du lịch Khánh Hoà dự kiến đón khách nội tỉnh từ tháng 10

Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, đây là một trong những nội dung đã đề xuất UBND Tỉnh để xây dựng các gói kích cầu phù hợp với điều kiện "người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa".

Du khách phải có chứng nhận tiêm đủ vaccine, người tiêm mũi 1 cần có giấy xác nhận âm tính SARS-CoV-2.

Ngoài ra, Khánh Hoà cũng muốn đón khách quốc tế và trong nước đã tiêm 2 liều vaccine vào cuối năm 2021. Sở Du lịch đã rà soát, kiểm tra và đưa 12 cơ sở lưu trú tại khu vực Bãi Dài, nằm xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng dễ kiểm soát để đón khách. Địa phương cũng đề xuất thêm cơ sở nghỉ dưỡng như Vinpearl, khu du lịch Hòn Tằm, và Sixsen Ninh Vân vào hoạt động.

Hiện, nhân sự ngành du lịch được tiêm 20.000 mũi vaccine, số này sẽ được tiêm mũi 2 vào tháng sau và sắp tới bổ sung thêm 30.000 liều. Đây là những tiền đề cho du lịch ở tỉnh sớm hoạt động trở lại.

Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đồng ý để du lịch đón khách trong Tỉnh từ giữa tháng 10, nhưng nên tập trung khai thác dịch vụ du lịch cách ly nghỉ dưỡng ở các khu biệt lập ven biển; còn đón khách ngoại Tỉnh phải chờ địa phương hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân, gỡ bỏ giãn cách xã hội.

TP.HCM mở tour đầu tiên đến Cần Giờ ngày 19/9

Ngành du lịch TP.HCM tổ chức tour đầu tiên tri ân hơn 100 khách là đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống COVID-19 tham quan Cần Giờ vào ngày 19/9.

TP.HCM mở tour đầu tiên đến Cần Giờ ngày 19/9 tri ân hơn 100 khách là đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống COVID-19

TP.HCM mở tour đầu tiên đến Cần Giờ ngày 19/9 tri ân hơn 100 khách là đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống COVID-19

Cần Giờ là một trong 3 địa phương tại TP.HCM đã công bố kiểm soát dịch và được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Thành phố cho thí điểm mở cửa một số loại hình sản xuất, dịch vụ. Đây cũng là địa bàn ghi nhận ít ca nhiễm nhất trong 22 quận, huyện tại TP.HCM trong đợt bùng phát dịch thứ tư.

Theo Tổng công ty du lịch Sài Gòn (đơn vị tổ chức), tour diễn ra trong ngày, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả du khách, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức, phục vụ hậu cần tại các điểm đến phải tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm nhanh âm tính, tuân thủ 5K.

Tour tổ chức theo mô hình "bong bóng", thông qua các cung đường khép kín. Khách chủ yếu tham quan các điểm du lịch ngoài trời, không gian rừng ngập mặn, sông nước tại Cần Giờ, tuyến điểm xanh đã được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam.

Khách cũng được tham quan các tuyến điểm du lịch nổi bật tại Cần Giờ như: khu Lâm viên đảo khỉ, đi thuyền vào trong rừng tham quan Khu căn cứ cách mạng Rừng Sác; tìm hiểu đời sống sinh thực vật rừng ngập mặn tại khu du lịch Dần Xây; tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái còn hoang sơ tại Đầm Dơi, ngắm toàn cảnh rừng ngập mặn trên độ cao 26 m tại khu du lịch Vàm Sát...

Xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép vượt 7 tỷ USD trong 8 tháng

Tháng 8 là tháng thứ hai liên tiếp sắt thép cán mốc xuất khẩu tỷ USD khi giá trị tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỷ USD.

Xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép vượt 7 tỷ USD trong 8 tháng

Xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép vượt 7 tỷ USD trong 8 tháng

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, sắt thép là một trong số nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tỷ USD trong tháng 8. So với tháng 7, xuất khẩu mặt hàng này tăng gần 34% và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 8 cũng là tháng thứ hai liên tiếp mặt hàng sắt thép có giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.

Tính chung 8 tháng, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và 127% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Mặt hàng sắt thép xuất khẩu chủ yếu hiện nay là tôn mạ (tỷ trọng 50-70%), thép xây dựng (10-15%), và các loại sắt thép khác.

Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu mặt hàng thép xây dựng đạt trên 1 triệu tấn sau 8 tháng, tăng 28% so với cùng kỳ 2020.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là ASEAN với 2,7 triệu tấn, Trung Quốc 1,8 triệu tấn (giảm 13,2%). Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này sang hai thị trường EU và Mỹ tăng vọt, lần lượt đạt 1,43 triệu USD (tăng 7,5 lần) và 540.000 tấn (gấp 4 lần) so với tháng 8/2020.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường gia tăng nhiều tháng qua. Xuất khẩu sang EU tăng 7,5 lần so với cùng kỳ nhờ tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hơn một năm qua. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ hiệp định này, đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thuận lợi hóa thương mại.

Chợ đầu mối Hóc Môn mở điểm trung chuyển hàng hóa từ ngày 20/9

Từ ngày 20/9, chợ đầu mối Hóc Môn sẽ mở điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa nhằm đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM.

Tất cả người tham gia vào hoạt động của chợ đầu mối Hóc Môn đều phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19

Tất cả người tham gia vào hoạt động của chợ đầu mối Hóc Môn đều phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19

UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) có văn bản về việc tổ chức điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn. Theo đó, UBND huyện thống nhất phương án mở điểm tập kết trung chuyển tại chợ đầu mối Hóc Môn của Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ.

Thời gian bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 20/9. UBND Huyện yêu cầu Công ty Quản lý chợ phải thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị theo phương án và thời gian hoạt động từ 20h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Đồng thời, UBND Huyện cũng đề nghị Công ty Quản lý chợ phối hợp chặt chẽ với các thương nhân và người lao động tại chợ thực hiện đúng các nội dung cam kết trong phương án, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, lãnh đạo Huyện yêu cầu Công ty Quản lý chợ xét nghiệm hàng ngày cho người lao động trực tiếp tại chợ và các tài xế giao nhận hàng trước khi vào chợ.

Đồng thời, UBND Huyện giao Công ty Quản lý chợ tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày cho UBND Huyện về lượng xe, lượng hàng về trạm trung chuyển, công tác phòng chống dịch và kiến nghị, đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề phát sinh.

Trước đó, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc lên kế hoạch mở lại điểm trung chuyển phải dựa trên tiêu chí an toàn tuyệt đối đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Tất cả người ra vào chợ phải có giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 còn hiệu lực.

Hơn 200 xe hàng ùn ứ ở cầu phao nối Việt Nam với Trung Quốc

Hơn 200 xe hàng của Việt Nam ùn ứ ở cầu phao, chưa thể thông quan do phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra phòng dịch.

Cầu phao tạm nối TP. Móng Cái (Việt Nam) với TP. Đông Hưng (Trung Quốc)

Cầu phao tạm nối TP. Móng Cái (Việt Nam) với TP. Đông Hưng (Trung Quốc)

Chiều 18/9, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, việc xuất nhập khẩu tại cầu phao tạm Km 3+4 trên sông biên giới Ka Long nối TP. Móng Cái (Việt Nam) với TP. Đông Hưng (Trung Quốc) diễn ra bình thường, trừ mặt hàng thanh long của Việt Nam.

Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra xe hàng để phòng chống dịch COVID-19 nên thủ tục xuất khẩu bị chậm, hơn 200 xe nông sản, thủy sản... bị ùn ứ chưa thể đi qua cầu phao giữa biên giới hai nước.

Trước đây mỗi ngày khu vực này thông quan khoảng 80 xe, nhưng hiện chỉ được từ 20 đến 30 xe.

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hiện có 37 xe chở thanh long đang nằm chờ để giao hàng, song vẫn chưa giao được hàng vì phải chờ kiểm dịch. Các xe này được bảo quản lạnh nên không ảnh hưởng đến chất lượng thanh long.

Theo thông báo của phía Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), sau 23h ngày 21/9, thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan. Tuy nhiên, nếu phía Trung Quốc xét nghiệm PCR và tiếp tục phát hiện SARS-CoV-2 trên thanh long hoặc mặt hàng khác thì họ sẽ gia hạn dừng thông quan thêm một tuần với mặt hàng đó. Trường hợp hàng nông sản xuất khẩu bị phát hiện 3 lần dương tính SARS-CoV-2, thời gian tạm dừng thông quan là 4 tuần.

Quận trung tâm TP.HCM thí điểm mô hình “chợ dã chiến” hoạt động từ 22/9

Có 7 - 10 gian hàng bày bán tại vỉa hè đường Trần Bình Trọng, Phường 3, Quận 5, nhằm phục vụ người dân có nhu cầu mua sắm, hoạt động từ 22/9.

Quận trung tâm TP.HCM thí điểm mô hình “chợ dã chiến” hoạt động từ 22/9. Ảnh minh họa

Quận trung tâm TP.HCM thí điểm mô hình “chợ dã chiến” hoạt động từ 22/9. Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND Quận 5 Trương Minh Kiều cho biết, địa phương đang lập kế hoạch hoạt động chợ dã chiến đoạn từ nút giao Trần Bình Trọng – An Dương Vương và Nguyễn Trãi, dài khoảng 200 m phục vụ người dân "vùng xanh" trên địa bàn. Việc thí điểm nhằm giúp người dân trực tiếp mua sắm, lựa chọn mặt hàng cần thiết sau thời gian dài giãn cách. Toàn bộ mặt hàng gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đang tập kết tại Trung tâm văn hóa Quận sẽ được chuyển đến chợ phục vụ người dân.

Thời gian thí điểm, Quận tổ chức cho người dân Phường 3 đã tiêm 2 mũi vaccine đi chợ theo hình thức luân phiên, đảm bảo giãn cách, thực hiện 5K. Sau đó tùy nhu cầu, Quận sẽ mở rộng mô hình. Các mặt hàng do Quận tổ chức cung ứng nên có giá rẻ, phục vụ người dân tốt hơn.

Hiện Quận 5 đạt 4/6 tiêu chí trong Quyết định 3979 của Bộ Y tế về kiểm soát dịch. Từ 23/8 đến 15/9, số ca nhiễm ở quận giảm hơn 48% (856 ca) so với tuần phát sinh ca nhiễm cao nhất (1.673 ca). Quận có 8/14 phường là "vùng xanh, cận xanh" (71%), 4 phường "vùng vàng", một phường "vùng cam" và một phường "vùng đỏ". Số người từ 18 tuổi hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 trên 32%.

Chuyên đề