Bản tin thời sự sáng 19/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất không tổ chức khai giảng ở TP.HCM; Hà Nội xét nghiệm diện rộng đợt hai với 800.000 mẫu PCR; Trung Quốc mở lại thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh; sân bay Côn Đảo được quy hoạch công suất 2 triệu khách/năm; 6 công trình ở TP.HCM được tiếp tục thi công…

Đề xuất không tổ chức khai giảng ở TP.HCM

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đề xuất không tổ chức khai giảng, tựu trường năm học mới 2021 - 2022, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên internet.

Sở GD- ĐT đề xuất TP.HCM không tổ chức tựu trường, khai giảng, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên môi trường internet

Sở GD- ĐT đề xuất TP.HCM không tổ chức tựu trường, khai giảng, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên môi trường internet

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa trình UBND Thành phố về phương án và kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022.

Hiện nay, theo thống kê của Sở GD-ĐT, TP.HCM có 249 trường học được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường làm điểm tiêm vắc xin, có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.

Do thực hiện giãn cách trong phòng, chống dịch nên việc chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh nhiều trường học được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch; nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là mầm non, đã bị giải thể.

Công tác tuyển sinh đang được các địa phương, các cơ sở giáo dục của TP.HCM thực hiện bằng hình thức trực tuyến, dự kiến kết thúc trong tháng 8 năm 2021.

Việc chuyển đổi sang hình thức dạy học trên môi trường internet đã được giáo viên và học sinh Thành phố thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, về chuyên môn, khoảng thời gian làm quen đầu năm học rất quan trọng, nhất là với các lớp đầu cấp, các lớp nhỏ (lớp 1, lớp 2 học sinh chưa đọc, viết thông thạo chưa có đủ kĩ năng tự học)...

Vì vậy, Sở GD- ĐT đề xuất TP.HCM không tổ chức tựu trường, khai giảng, các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trên môi trường internet với thời điểm như sau:

Các trường THCS, THPT sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 1 - 5/9. Ngày 6/9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới.

Các trường tiểu học sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 8 - 19/9. Bắt đầu từ ngày 20/9 thực hiện giảng dạy theo chương trình năm học.

Các trường mầm non sẽ khai giảng chậm hơn, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, học sinh có thể đến trường.

Ngoài ra, trong tờ trình về kế hoạch thời gian năm học mới, Sở cũng đề xuất 3 phương án tổ chức dạy và học căn cứ vào tình hình diễn biến dịch cho từng giai đoạn.

Hà Nội xét nghiệm diện rộng đợt hai với 800.000 mẫu PCR

Trong ba ngày, ngành y tế Thủ đô sẽ lấy xét nghiệm diện rộng đợt hai với 800.000 mẫu PCR cho 13 nhóm ở khu vực nguy cơ cao.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) Trương Quang Việt cho biết, Thành phố huy động hơn 20 bệnh viện, đơn vị trên địa bàn tham gia xét nghiệm diện rộng đợt hai bằng kỹ thuật RT-PCR, bắt đầu từ ngày 18/8.

Theo kế hoạch, để kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 25/8, ngành y tế Hà Nội tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng với 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, chia thành ba đợt. Trong đợt một (10 - 15/7), thành phố đã lấy gần 282.000 mẫu tại 11 quận huyện và người nguy cơ cao; kết quả phát hiện 29 mẫu dương tính SARS-CoV-2.

Bước sang đợt hai, Hà Nội tập trung xét nghiệm tại những khu vực có nhiều ca mắc, nguy cơ cao như quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, huyện Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì và các vùng có ca cộng đồng chưa qua 14 ngày...

13 nhóm nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm là: shipper; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Sân bay Côn Đảo được quy hoạch công suất 2 triệu khách/năm

Sân bay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) được quy hoạch tăng công suất gấp 4 lần hiện nay và có thể đón các loại máy bay A320, A321.

Sân bay Côn Đảo được quy hoạch công suất 2 triệu khách/năm

Sân bay Côn Đảo được quy hoạch công suất 2 triệu khách/năm

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, cơ quan này vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030. Sân bay sẽ dùng chung quân sự và dân dụng, công suất 2 triệu hành khách, 4.400 tấn hàng hóa mỗi năm, có thể khai thác máy bay code C (Airbus A320, A321) hoặc tương đương, 8 vị trí đỗ máy bay.

Để phục vụ các máy bay lớn, quyết định của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ sẽ mở rộng và nâng cấp đường cất hạ cánh trên nền đường cất hạ cánh hiện hữu đạt kích thước 1.830mx45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m; xây dựng đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh khoảng 172,5m; xây dựng 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay.

Đài kiểm soát không lưu được xây mới ở phía đông nhà ga hành khác. Sân bay được lắp đặt hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh, giám sát đa điểm, ra đa thời tiết, thiết bị phát hiện và xua đuổi chim...

Nhà ga hành khách được quy hoạch xây dựng mới đáp ứng công suất 2 triệu hành khách mỗi năm, dự trữ quỹ đất mở rộng về phía đông.

Tổng nhu cầu đất quy hoạch khoảng hơn 181 ha, gồm hơn 104 ha diện tích đất cảng hàng không hiện hữu và diện tích đất bổ sung khoảng gần 77 ha. Trong đó, diện tích đất hàng không dân dụng là hơn 52,5 ha, diện tích đất quân sự hơn 9,3 ha, diện tích đất dùng chung hơn 119 ha.

Sân bay Côn Đảo hiện có công suất thiết kế 500.000 hành khách mỗi năm, những năm gần đây đã đạt mức tăng trưởng hơn 20%.

Hiện sân bay Côn Đảo chỉ có thể khai thác máy bay loại nhỏ như ATR-72 và tương đương. Do vậy, việc quy hoạch nâng cấp khu bay và mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo để đảm bảo khai thác với các loại tàu bay mới như A319neo, A320neo, A321neo và tương đương.

Trung Quốc mở lại thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh

Hoạt động thông quan hàng hoá qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với phía Trung Quốc trở lại bình thường từ ngày 18/8.

Hàng hoá thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Hàng hoá thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Theo Bộ Công Thương, tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất được quy trình thông quan, nhằm bảo đảm lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu và an toàn phòng dịch.

Hoạt động thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và phía Trung Quốc là Pò Chài (Quảng Tây) sẽ trở lại bình thường từ 18/8, sau vài ngày tạm dừng do phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 liên quan tới lái xe đường dài chở hàng xuất khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.

Các địa phương có cửa khẩu biên giới xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho biết, nước này đang tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phương tiện vận tải để phòng dịch... khiến thời gian thông quan kéo dài, đôi khi xảy ra ùn ứ cục bộ.

Ông Nông Hải Thăng, Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết hiện có hơn 1.000 xe hàng đang ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Hữu Nghị.

Như tại Cửa khẩu Hữu Nghị có hơn 300 xe ùn ứ. Lượng xe chở hàng lên cửa khẩu nhiều vì vậy không thể xuất hết trong ngày được do năng lực thông quan hiện nay tại cửa khẩu này từ 250 - 300 xe một ngày. Do đó, các xe ở đây phải chờ đến lượt và mất khoảng hai ngày mới xuất được hàng.

Cả tỉnh Lạng Sơn có 12 cửa khẩu chính và phụ. Hiện còn bốn cửa khẩu xuất hàng qua Trung Quốc gồm: Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng, Hữu Nghị.

Sáu công trình ở TP.HCM được tiếp tục thi công

Ngoài công trình phục vụ phòng chống dịch, các dự án Metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2... được tiếp tục thi công khi TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 nối TP.Thủ Đức với Quận 1

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 nối TP.Thủ Đức với Quận 1

Quyết định vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình chấp thuận sau đề nghị của Sở Xây dựng nhằm duy trì các công trình xây dựng, giao thông trọng điểm, bám sát tiến độ khi Thành phố kéo dài giãn cách đến giữa tháng 9. Trước đó, từ hôm 22/7, khi siết chặt Chỉ thị 16, TP.HCM đã dừng toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh, công trường xây dựng, giao thông chưa thực sự cấp bách.

Hiện nay, cùng với hai dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2, lãnh đạo Thành phố cho phép 4 công trình khác được tiếp tục thi công gồm: cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở 9 lô đất Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức); Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7); công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Quận 10). Các đơn vị liên quan cần hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án này không bị ảnh hưởng tiến độ.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư Dự án Metro số 1), trên công trường Dự án đang duy trì thi công cả bốn gói thầu chính với 426 kỹ sư, công nhân được huy động. Việc thi công đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Hiện, toàn tuyến metro đạt hơn 87% tổng khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.

Tại Dự án cầu Thủ Thiêm 2, nhà đầu tư cho biết trên công trường huy động khoảng 120 kỹ sư, công nhân. Họ làm việc theo ca, được bố trí ăn nghỉ, thi công tại chỗ, đảm bảo các quy định phòng dịch trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16.Hiện dự án này đạt hơn 70% khối lượng và dự kiến hoàn thành vào quý II năm 2022.

Chuyên đề