Bản tin thời sự sáng 19/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam trao các Công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định EVFTA và hiệp định EVIPA.

1.Trao các Công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA

Sau khi Việt Nam chính thức trao các công hàm thông báo quyết định phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.

Việt Nam trao các Công hàm cho Liên minh Châu Âu thông báo quyết định của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Ngày 18/6, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trao các Công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định EVFTA và hiệp định EVIPA cho Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và các cơ quan của EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa hiệp định EVFTA sớm có hiệu lực, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Thứ trưởng cũng đề nghị các nước thành viên EU hoàn thành phê chuẩn hiệp định EVIPA trong thời gian sớm nhất.

Đại sứ EU Giorgio Aliberti khẳng định việc hai bên thông qua hai hiệp định là dấu mốc lịch sử, tạo các khuôn khổ quan trọng thúc đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư và quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam - EU.

Phía EU khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA và thúc đẩy các nước thành viên sớm phê chuẩn EVIPA.

Hiệp định EVFTA và EVIPA là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025.

Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Theo quy định của hiệp định, sau khi Việt Nam chính thức trao các công hàm thông báo quyết định phê chuẩn hai hiệp định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 1.8.2020. Hiệp định EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.

2. Chính thức có tổ công tác để "đón sóng" FDI

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.

Các thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.

Đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn; công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết và hỗ trợ, triển khai thuận lợi, hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao; định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác đầu tư của Tổ công tác.

3. 159 công ty bị cảnh báo trên sàn UPCoM

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa thông báo tới các nhà đầu tư danh sách 159 công ty bị cảnh báo trên hệ thống giao dịch UPCoM. Trong đó, 11 công ty bị đình chỉ giao dịch, 136 công ty bị hạn chế giao dịch và 12 công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng.

Những công ty bị đình chỉ giao dịch là: Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico; Công ty CP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận; Công ty CP Nhựa Tân Hóa; Công ty CP Vận tải Biển và Bất động sản Việt Hải; Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung…

Công ty bị hạn chế giao dịch là: Công ty CP Hữu Liên Á Châu; Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn; Công ty CP Lilama 3; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584; Công ty CP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An; Công ty CP Ô tô Giải Phóng; Công ty CP Thuận Thảo; Công ty CP Sông Đà - Thăng Long; Tổng công ty CP Sông Hồng; Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam; Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2, Tổng công ty Lương thực Miền Nam...

Công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng là: Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco; Công ty CP In Sách giáo khoa TP.HCM; Công ty CP Sông Đà 19; Công ty CP Sông Đà 25…

4. Vụ Tenma nghi hối lộ: Nhiều cán bộ thuế Bắc Ninh được phục chức

Nhiều cán bộ của Cục Thuế Bắc Ninh đã hết thời hạn tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày do liên quan đến nghi án Tenma đưa hối lộ 25 triệu yên đã đi làm trở lại.

Bản tin thời sự sáng 19/6 ảnh 4

Các cán bộ thuế, hải quan Bắc Ninh đã đi làm trở lại sau khi hết hạn tạm đình chỉ chức vụ do liên quan đến nghi án Tenma đưa hối lộ 25 triệu yên

Trước đó, ngày 27/5, có 5 cán bộ Cục Thuế Bắc Ninh bị tạm đình chỉ chức vụ do trực tiếp ký hoặc tham gia các đoàn kiểm tra tại công ty Tenma.

Sau 15 ngày tạm đình chỉ, đến nay do không có yêu cầu gia hạn tạm đình chỉ chức vụ của cơ quan điều tra hoặc các dấu hiệu bất thường, các cán bộ này đã trở lại làm việc bình thường.

Theo đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, hiện đã hết thời hạn tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày các cán bộ Cục Thuế Bắc Ninh (từ ngày 27/5 - 10/6), các cán bộ Cục Thuế Bắc Ninh đã đi làm trở lại.

Tuy nhiên, vị đại diện Tổng cục Thuế cho hay hiện vụ nghi án Tenma đưa hối lộ 25 triệu yên vẫn đang trong quá trình điều tra, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc có vấn đề từ việc nhập hối lộ của cán bộ Cục Thuế Bắc Ninh, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có đề nghị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ kéo dài đối với cán bộ Thuế.

Cùng nghi án Tenma, 6 cán bộ là Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh và nhiều cán bộ khác của đơn vị này đã bị tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày, bắt đầu từ ngày 27/5. Đến thời điểm hiện nay đã hết thời hạn hiệu lực, các cán bộ này đã đi làm trở lại.

Ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho hay: "Sau 15 ngày, nếu chưa có kết luận điều tra, nếu không có gì vướng mắc trong quá trình điều tra thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện phục hồi chức vụ các cá nhân liên quan bị tạm đình chỉ. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra cho rằng việc phục hồi chức vụ sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều tra, lúc đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét để gia hạn".

5.Dừng hoạt động trạm BOT không lắp thu phí không dừng sau 31/12

Sau 31/12, các trạm BOT chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, hoặc lắp đặt nhưng không sử dụng sẽ bị tạm dừng thu phí.

Thủ tướng vừa ban hành quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có hiệu lực từ 1/8. Nhiều quy định liên quan thu phí được đưa ra, trong đó quy định trạm BOT mới chỉ được thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.

Về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng, Thủ tướng yêu cầu với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay.

Với các trạm đang hoạt động, chậm nhất đến 31/12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thu phí với các trạm BOT chưa thực hiện thu phí điện tử không dừng kể từ 31/12.

Nguyên tắc thu phí điện tử không dừng được Thủ tướng nhấn mạnh là tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa; tăng tốc độ lưu thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

Ngoài ra, phải bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Nguyên tắc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng cũng được đặt ra trong quyết định này, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo quyết định này, hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.

Các phương tiện giao thông chịu phí và được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ an ninh, xe sử dụng vé “phí đường bộ toàn quốc”) đều phải được gắn thẻ đầu cuối.

Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước 31/12/2021. Sau thời gian này, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Chuyên đề