Bản tin thời sự sáng 19/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là điều tra CDC Ninh Thuận và Bệnh viện Đa khoa Tỉnh mua sắm với Việt Á; Giám đốc công ty tại Quảng Nam bị tạm giữ do sai phạm trong đấu thầu; ùn ứ rác tại nội đô, Hà Nội hỏa tốc chỉ đạo 2 sở xử lý dứt điểm; Đà Lạt lấy đất sân golf mở đường kề hồ Xuân Hương…

Điều tra CDC Ninh Thuận và Bệnh viện Đa khoa Tỉnh mua sắm với Việt Á

Công an tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra việc mua sắm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Ninh Thuận và Bệnh viện Đa khoa Tỉnh với Công ty Việt Á.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận mua sắm kit test, sinh phẩm xét nghiệm với Công ty Việt Á hơn 4,5 tỷ đồng

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận mua sắm kit test, sinh phẩm xét nghiệm với Công ty Việt Á hơn 4,5 tỷ đồng

Theo kết luận của UBND tỉnh Ninh Thuận, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh và CDC Ninh Thuận có mua và mượn sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á với tổng giá tiền 74,4 tỷ đồng. Hai đơn vị trên mới thanh toán 14,6 tỷ đồng, còn nợ 59,8 tỷ đồng.

Kết luận nêu rõ, CDC Ninh Thuận mua và đã thanh toán cho Công ty Việt Á 13,6 tỷ đồng, mượn nợ chưa thanh toán 56,2 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa Tỉnh đã thanh toán cho công ty này 934 triệu đồng và còn nợ gần 3,6 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chờ kết quả xử lý của cấp có thẩm quyền đối với khoản mượn nợ vật tư, sinh phẩm trị giá 59,8 tỷ đồng của Công ty Việt Á.

Giám đốc công ty tại Quảng Nam bị tạm giữ do sai phạm trong đấu thầu

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Hội An, bị tạm giữ do sai phạm trong đấu thầu mua xe điện.

Xe điện chở khách ở TP. Hội An

Xe điện chở khách ở TP. Hội An

Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Tiến bị cơ quan Cảnh sát điều tra tạm giữ hai hôm trước để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Theo điều tra, năm 2019, thực hiện chủ trương của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam thí điểm vận chuyển hành khách du lịch bằng xe điện bốn bánh trên địa bàn Hội An. Dự án gồm 120 xe điện, trong giai đoạn đầu có 30 xe, sức chở 8 - 14 người.

Công ty CP Công trình công cộng Hội An tổ chức đấu thầu mua sắm 30 xe điện với tổng giá trị 7,3 tỷ đồng. Trong quá trình làm thủ tục đấu thầu, một nhân viên công ty cung cấp xe điện liên hệ, đặt vấn đề nếu trúng thầu sẽ chi bồi dưỡng cho ông Tiến.

Nhà chức trách cáo buộc, ông Tiến đã chỉ đạo cấp dưới để công ty trên trúng thầu mua sắm xe điện và nhận 400 triệu đồng.

Liên quan đến vụ án, một nhân viên công ty bán xe điện bị tạm giữ để điều tra hành vi đưa hối lộ. Cơ quan điều tra đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, bị can.

Công ty Công trình công cộng Hội An là doanh nghiệp cổ phần, trong đó vốn nhà nước chiếm 51%.

Ùn ứ rác tại nội đô, Hà Nội hỏa tốc chỉ đạo 2 sở xử lý dứt điểm

Để xử lý dứt điểm tình trạng ùn ứ rác tại nội đô, UBND TP. Hà Nội giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, chỉ đạo xử lý, giải quyết, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/6.

Rác thải ùn ứ trên nhiều tuyến phố Hà Nội

Rác thải ùn ứ trên nhiều tuyến phố Hà Nội

Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng ùn ứ rác trên một số tuyến phố.

Văn bản nêu rõ, tại một số tuyến phố trên địa bàn Thành phố xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông có ý kiến chỉ đạo: Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, chỉ đạo xử lý, giải quyết ngay tình trạng ùn ứ rác, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/6.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Nhà máy Điện rác Sóc Sơn không được đưa vào vận hành đúng tiến độ kế hoạch (năm 2021). Việc này khiến khối lượng rác phải xử lý bằng chôn lấp thực tế đã vượt rất nhiều so với khối lượng được giao trong gói thầu.

Trong khi đó, mưa to kéo dài mấy ngày qua đã làm tuyến đường vận hành khu vực tiếp nhận rác trong bãi rác Nam Sơn xuống cấp, xe vận chuyển rác ra vào khó khăn.

Khối lượng rác thải tồn đọng trong 5 ngày vừa qua vào khoảng 1.431 tấn, tập trung tại một số địa bàn như: quận Hoàng Mai tồn khoảng 382 tấn, quận Cầu Giấy tồn khoảng 233 tấn, huyện Thanh Trì tồn khoảng 158 tấn, huyện Đông Anh tồn khoảng 172 tấn...

Nhiều ngày nay, các tuyến phố nội thành Hà Nội như đường Nguyễn Khang, đường Láng, Xuân Thuỷ, Duy Tân…, rác thải sinh hoạt bị ùn ứ, chất đống, nhiều xe rác để dưới lòng đường. Rác một số nơi bị vứt bừa bãi gây khó khăn cho người đi đường và làm mất mỹ quan đô thị.

5h sáng 19/6, Thủy điện Hòa Bình đóng thêm 1 cửa xả đáy

Thủy điện Hòa Bình đóng thêm 1 cửa xả đáy vào 5h sáng 19/6/2022.

Mực nước hồ Hòa Bình đã về mức an toàn

Mực nước hồ Hòa Bình đã về mức an toàn

Chiều tối 18/6/2022, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã ký Công điện số 11/CĐ-QG đề nghị Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng thêm 1 cửa xả đáy khi mực nước hồ Hòa Bình đã về mức an toàn.

Công điện nhấn mạnh, hồi 18h ngày 18/6/2022, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 105,36 m, lưu lượng đến hồ 5.620 m3/s, tổng lưu lượng xả 7.164 m3/s (gồm lưu lượng qua 3 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và thực tế lưu lượng về hồ hiện nay, trên cơ sở đề nghị của Công ty Thuỷ điện Hòa Bình tại Công văn số 519, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 5h00 ngày 19/6/2022.

Thủy điện Hòa Bình tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.

Đà Lạt lấy đất sân golf mở đường kề hồ Xuân Hương

Tuyến đường mới dài 1,5 km, rộng 6 m, chạy song song đường Trần Quốc Toản sẽ lấy 18.000 m2 đất sân golf nhằm giữ nguyên hiện trạng đường ven hồ hiện hữu.

Đường Trần Quốc Toản hiện hữu và sân golf Đồi Cù

Đường Trần Quốc Toản hiện hữu và sân golf Đồi Cù

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa họp bàn triển khai Dự án Mở rộng đường Trần Quốc Toản quanh hồ Xuân Hương đoạn từ nút giao Đinh Tiên Hoàng đến nút giao Trần Nhân Tông.

UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất lựa chọn phương án giữ lại toàn bộ tuyến đường và vỉa hè hiện hữu. Dự án cũng giữ lại hàng cây xanh tại phạm vi taluy rộng 4 - 5 m; xây tuyến mới về phía sân golf Đà Lạt. Khoảng 225 cây xanh (chủ yếu là thông ba lá) ở khu vực sân golf bị chặt hạ thay thế. Tổng kinh phí xây dựng Dự án khoảng 21 tỷ đồng.

Theo UBND TP. Đà Lạt, việc mở tuyến mới song song sẽ giữ lại được toàn bộ mặt đường và vỉa hè hiện hữu được đầu tư xây dựng năm 2019, chống thất thoát, lãng phí. Sau khi hoàn thành, đường mới cùng với tuyến Trần Quốc Toản sẽ giảm tình trạng ùn ứ giao thông khu trung tâm. Người dân và du khách có nhiều không gian tham quan quanh di tích thắng cảnh hồ Xuân Hương.

Trước đó, Đà Lạt lấy ý kiến để mở phố đi bộ trên đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng đến vườn hoa Thành phố), nằm giữa hồ Xuân Hương và sân golf Đà Lạt. Phố đi bộ sẽ có hoạt động nghệ thuật, trượt patin nghệ thuật; chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác thủ công, mỹ nghệ...

Tàu đầu máy hơi nước sắp hoạt động trên đèo Hải Vân

Đoàn tàu du lịch đầu máy hơi nước sẽ hoạt động trên tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng qua đèo Hải Vân, với 5 toa chở khách đóng mới kiểu Pháp.

Một đầu máy hơi nước đã được phục chế

Một đầu máy hơi nước đã được phục chế

Sáng 18/6, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép đoàn tàu du lịch đầu máy hơi nước kết nối ray đường sắt quốc gia với thời gian khai thác 30 năm.

Để đưa đoàn tàu vào khai thác cần xây dựng một số công trình phụ trợ như cầu quay để tàu quay đầu, hệ thống cấp than và cấp nước, trạm nghỉ... Chủ đầu tư sẽ xây dựng các hạng mục này tại ga Huế, ga Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) và ga Kim Liên (TP. Đà Nẵng). Sau đó sẽ kết nối ray đường sắt chuyên dùng các khu vực này với đường sắt quốc gia đoạn Huế - Đà Nẵng.

Sau khi các hạng mục phụ trợ hoàn thành, hai đôi tàu sẽ được khai thác trên cung đường sắt Huế - Lăng Cô - Kim Liên. Mỗi đoàn tàu có một đầu máy hơi nước, 5 toa khách và một toa xe phát điện chạy trên khổ đường 1.000 mm.

Chủ đầu tư xây dựng, khai thác đoàn tàu là Công ty TNHH Du lịch dịch vụ đường sắt Đông Dương. Doanh nghiệp này hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp dịch vụ điều hành, biểu đồ chạy tàu trên tuyến.

Trước đó, Công ty Đông Dương đã mua 3 đầu máy hơi nước Tự Lực cũ có tải trọng trục 10,5 tấn dừng hoạt động từ năm 1990 để khôi phục nguyên bản. Các đầu máy có công suất 900 mã lực, đủ sức kéo 5 toa xe khách qua đèo Hải Vân. Chi phí đầu tư cho phương tiện, thiết bị hơn 46 tỷ đồng.

Doanh nghiệp còn bỏ vốn đóng mới toa xe để kinh doanh vận tải đường sắt cũng như xây dựng thêm phòng chờ, quầy vé, nhà hàng tại các ga Lăng Cô, Đà Nẵng, xây đường nội bộ phục vụ việc cấp than, cấp nước cho đầu máy tại các ga.

Đoàn tàu sẽ chạy qua đèo Hải Vân, cung đường đẹp nhất trên tuyến đường sắt Bắc Nam với những đoạn chạy quanh đèo, cầu đường sắt, hầm do người Pháp xây dựng.

Chuyên đề