Bản tin thời sự sáng 18/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ nhiệm kỳ mới có 4 Phó Thủ tướng; 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; Hà Nội xét nghiệm tất cả tài xế, phụ xe buýt; tạm dừng giám sát trên công trường Metro số 1 vì Covid-19; chợ đầu mối Hóc Môn sắp mở cửa cho trung chuyển hàng hóa…

Chính phủ nhiệm kỳ mới có 4 Phó Thủ tướng

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, chỉ kiện toàn với 4 Phó Thủ tướng thay vì 5 như trước đây.

Từ trái sang: Các Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành.
Từ trái sang: Các Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành.

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ nhất Quốc hội, phiên khai mạc diễn ra vào 20/7 và bế mạc vào 31/7, thời gian làm việc 11,5 ngày.

Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp này là bầu, phê chuẩn, kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước.

Thủ tục bầu Chủ tịch Quốc hội được thực hiện ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp để thuận lợi cho việc điều hành Quốc hội những ngày sau đó.

Trong ngày 26/7, Quốc hội sẽ bầu 3 chức danh quan trọng là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao. Ba nhân sự được bầu thực hiện nghi lễ tuyên thệ ngay sau đó.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn 50 chức danh gồm tất cả các chức danh của Quốc hội, Chính phủ. Trong đó khối Chính phủ, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm 4 vị trí Phó Thủ tướng (giảm 1 Phó Thủ tướng), nhân sự là các Phó Thủ tướng khoá XIV tái cử và 18 Bộ trưởng cùng 4 thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Hiện Chính phủ đang có 5 Phó Thủ tướng là các ông Trương Hoà Bình (thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành và Lê Minh Khái. Tuy nhiên, ông Trương Hoà Bình không tái cử sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, nên sẽ nghỉ sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự và không bổ sung thành viên Phó Thủ tướng mới thay thế.

19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Việc cách ly thực hiện theo Chỉ thị 16 với 16 tỉnh, thành phía Nam, kéo dài 14 ngày, từ 0h ngày 19/7. Trước đó đã có 3 tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thủ tướng lưu ý, thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.

Với các tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày 17/7, căn cứ kết quả chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định tiếp tục giãn cách xã hội như trước đây, hoặc kéo dài thời gian cùng với các tỉnh mới được bổ sung.

Vấn đề bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế cũng được Thủ tướng lưu ý. Thủ tướng yêu cầu không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu, phải bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân….

Từ thực tế ở một số tỉnh, thành đã áp dụng Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu các địa phương bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.

Hà Nội xét nghiệm tất cả tài xế, phụ xe buýt

CDC Hà Nội đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ lái xe, nhân viên soát vé xe buýt sau khi ghi nhận ca nhiễm liên quan Công ty Vận tải Hà Nội.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết 2 ca dương tính làm việc tại Công ty Vận tải Hà Nội ghi nhận sáng ngày 17/7 là mẹ của bệnh nhân Covid-19 - nhân viên ngân hàng Vietinbank, sống tại Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai. Người thứ hai là nữ, địa chỉ Vạn Phúc, Hà Đông, làm cùng người mẹ.

Trước nguy cơ dịch có thể lây lan trong cộng đồng, CDC Hà Nội đề xuất Sở Y tế phối hợp với Sở GTVT triển khai xét nghiệm lái xe, nhân viên soát vé xe buýt trên toàn Thành phố.

Theo ông Tuấn, đây là việc cần thiết phải làm để sàng lọc F0 có thể có trong cộng đồng nhằm khoanh vùng, xử lý dịch tễ, tránh để dịch lan rộng.

Như vậy, số ca dương tính SARS-CoV-2 tại Hà Nội từ ngày 29/4 đến nay là 382 ca. Trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 205 trường hợp, số mắc là đối tượng đã được cách ly 177 trường hợp.

Tạm dừng giám sát trên công trường Metro số 1 vì Covid-19

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tạm dừng hoạt động giám sát công trường do không đạt điều kiện phòng chống Covid-19.

Tư vấn NJPT thông báo tạm dừng giám sát công trường Metro số 1 ở tất cả các gói thầu vì "bất khả kháng - không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Tư vấn NJPT thông báo tạm dừng giám sát công trường Metro số 1 ở tất cả các gói thầu vì "bất khả kháng - không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Liên danh tư vấn chung NJPT đã gửi thông báo tạm dừng hoạt động giám sát công trường với tất cả gói thầu dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư).

Theo NJPT, việc tạm dừng trên là do có sự chỉ đạo của cơ quan chức năng và xem việc tạm dừng này là trường hợp bất khả kháng.

Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, Sở Xây dựng TPHCM chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Cụ thể là 3 tại chỗ: làm việc tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc 1 cung đường 2 địa điểm: chỉ duy nhất một con đường vận chuyển tập trung công nhân từ công trường tới nơi ở.

Đồng thời, công nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ mỗi tuần. Trên công trường phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K, khử khuẩn thiết bị, máy móc, vật tư sau mỗi ca làm của công nhân...

Liên danh tư vấn NJPT thừa nhận không thể tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19 như yêu cầu của Thành phố do tính chất và đặc thù của công tác kiểm tra công trường.

Ngoài ra, một số nhà thầu của Dự án cũng đã tạm dừng công việc do không thể tuân thủ các điều kiện phòng dịch Covid-19.

Hà Tĩnh xin chuyển đổi 24,42 ha đất rừng làm Dự án Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2

UBND tỉnh Hà Tĩnh trình HĐND tỉnh này xem xét chuyển mục đích sử dụng 24,42 ha đất rừng để làm Dự án Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2.

Hà Tĩnh xin chuyển đổi 24,42 ha đất rừng làm Dự án Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2

Hà Tĩnh xin chuyển đổi 24,42 ha đất rừng làm Dự án Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2

Theo báo cáo kết quả thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, trong 24,42 ha đất rừng xin chuyển đổi (9,95 ha rừng phòng hộ; 9,31 ha rừng sản xuất, 5,6 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng), là rừng trồng một số loại cây như keo, bạch đàn... nằm trên địa bàn hành chính xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh và phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh.

Số diện tích đất rừng chuyển đổi sẽ dùng thực hiện một số hạng mục của Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2, như hạng mục tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường xả ống làm mát, trạm bơm...

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng mức đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, sử dụng than nhập khẩu do Lilama làm chủ đầu tư, công suất 1.200 MW. Năm 2009, dự án này chuyển đổi chủ đầu tư, hình thức đầu tư sang BOT và được xét duyệt lại vào quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO), với tỷ lệ cổ đông góp vốn ban đầu gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hong Kong) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.

Giai đoạn 2011 - 2018, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã mua lại và sở hữu 40% vốn tại VAPCO, một tập đoàn lớn của Nhật Bản giữ 60% vốn còn lại tại VAPCO.

Hiện dự án này đã có hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện, bảo lãnh Chính phủ, báo cáo tác động môi trường (DTM)... và dự kiến khởi công trong quý III năm nay.

Chợ đầu mối Hóc Môn sắp mở cửa cho trung chuyển hàng hóa

Chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) đang chuẩn bị hoàn tất phương án, dự kiến đưa điểm trung chuyển tại chợ này đi vào hoạt động trong 1 - 2 ngày tới.

Tiểu thương đầu mối Hóc Môn trước giờ đóng cửa chợ

Tiểu thương đầu mối Hóc Môn trước giờ đóng cửa chợ

Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Sở Công Thương TP.HCM và UBND huyện Hóc Môn đã thống nhất phương án bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá của chợ.

Theo ông Dũng, khu vực sử dụng làm điểm trung chuyển là trong lòng chợ đầu mối, rộng 5.000 m2. Toàn bộ được kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, chỉ có xe tải chở hàng từ các nơi đến và xe tải nhỏ nhận hàng đã đăng ký trước với ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn mới được ra vào. Các xe ba gác hay xe máy đến chở hàng đều không được vào chợ.

Hàng hoá về đến điểm trung chuyển phải bốc xếp lên xe tải nhỏ chở đi ngay. Tất cả tài xế bên giao lẫn bên nhận hàng, nhân viên bốc xếp làm việc tại điểm trung chuyển đều phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ và khai báo y tế...

Dự kiến, trong đêm đầu tiên có 2 thương nhân đăng ký đưa hàng về trạm trung chuyển, sản lượng hàng hoá tối đa có thể đạt 120 - 140 tấn.

Trước đó, kế hoạch có 12 thuơng nhân kinh doanh rau củ quả tại chợ đăng ký đưa hàng về điểm trung chuyển để sang xe qua các xe tải nhỏ đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp, một số thương nhân cùng nhân viên của họ đang ở trong khu phong toả nên chưa thể kinh doanh lại.

Tàu hàng SH4 trật bánh tại nhà ga ở Quảng Trị

Tàu hàng SH4 đang vào ga Sa Lung (Quảng Trị) thì trật bánh, khiến đầu máy lật ngang, 8 toa trật khỏi đường ray, may mắn không ai bị thương nặng.

Tàu hàng SH4 bị trật bánh, khiến 4 toa bị trật khỏi đường ray, 4 toa tiếp theo bị trật ray nhưng mức độ nhẹ hơn

Tàu hàng SH4 bị trật bánh, khiến 4 toa bị trật khỏi đường ray, 4 toa tiếp theo bị trật ray nhưng mức độ nhẹ hơn

Khoảng 10h sáng 17/7, tàu hàng SH4 chạy từ ga Sóng Thần (Bình Dương) ra ga Giáp Bát (Hà Nội), khi vào ga Sa Lung (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh) bất ngờ bị trật bánh. Sự việc khiến đầu máy số hiệu D20E-003 bị lật ngang, 4 toa ngay sau đầu máy bị trật khỏi đường ray, xếp theo hình chữ Z, 4 toa tiếp theo bị trật khỏi đường ray nhưng nhẹ hơn. 14 toa phía sau không ảnh hưởng nên được kéo về ga phía Nam.

Hiện trường cho thấy nhiều thanh ray, tà vẹt bị cày xới, công vênh, trật khỏi đường. Nhiều bánh tàu bị rời khỏi toa, xếp chồng lên nhau. Toa hàng thứ 2 xoay ngang, làm hư hỏng đường ray số 1 và 2, chiếm dụng vào đường ray số 3 khiến các đoàn tàu không thể đi qua.

Sau vụ tai nạn, ngành đường sắt đã huy động cần trục cứu hộ từ ga Đồng Hới (Quảng Bình) và hàng trăm nhân công có mặt để sớm giải toả các toa tàu, thông đường sắt.

Ông Phùng Quốc Khánh, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế, cho biết phương án đưa ra là bốc dỡ hàng hoá trên toa thứ 2, rồi dùng cầu cẩu di dời toa này để thông tàu…

Chuyên đề