Bản tin thời sự sáng 18/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội xét nghiệm toàn bộ người về từ Hải Dương; Hải Dương đề nghị được chi viện; VN-Index tăng hơn 40 điểm phiên đầu năm Tân Sửu; Hà Nội sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện; thêm 10 nghiên cứu sinh bị phát hiện dùng bằng giả Đại học Đông Đô…

Hà Nội xét nghiệm toàn bộ người về từ Hải Dương

Tất cả người về từ Hải Dương từ ngày 2 -16/2 sẽ được ngành y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và giám sát sức khỏe tại nhà.

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết tại cửa ngõ phía Nam

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết tại cửa ngõ phía Nam

Thành phố cũng lập danh sách và lấy mẫu xét nghiệm với những người về từ các ổ dịch khác (chưa qua 14 ngày). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội đã đưa ra quyết định trên chiều 17/2.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền giải thích chọn mốc từ ngày 2 - 16/2 vì là thời gian trước khi tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Các đơn vị liên quan sẽ rà soát, thống kê toàn bộ trường hợp từ Hải Dương về trong thời gian trên, hoàn thành trong 3 ngày để lấy mẫu xét nghiệm.

Xét nghiệm diện rộng được xem là biện pháp quyết liệt hơn của Hà Nội trước bối cảnh Covid-19 của Hải Dương diễn biến phức tạp. Ngày 15/2, Hà Nội chỉ yêu cầu người đến từ Hải Dương khai báo y tế, tự cách ly tại nhà; chỉ trường hợp đến từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) mới phải lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bắt buộc.

Ngoài Hà Nội, hàng loạt địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... cũng kiểm soát những trường hợp đi đến, về từ Hải Dương - ổ dịch lớn nhất cả nước với 557 bệnh nhân từ ngày 28/1 đến nay. Covid-19 đã lan đến 12/12 đơn vị hành chính cấp huyện của Hải Dương.

Hải Dương đề nghị được chi viện

Sáng 17/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hải Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập thêm phòng xét nghiệm để nâng cao công suất, tăng khả năng dập dịch.

Hải Dương đề nghị được chi viện

Hải Dương đề nghị được chi viện

Cụ thể, Hải Dương đề nghị Bệnh viện Bạch Mai thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (tại Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lập labo tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Chí Linh); Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lập labo tại huyện Cẩm Giàng.

Chính quyền Hải Dương cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ một kíp chuyên gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Trường Đại học Sao Đỏ, TP. Chí Linh). Tỉnh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ một số vật tư, thiết bị trong công tác phòng, chống Covid-19.

Tổng số mẫu xét nghiệm của Hải Dương hiện hơn 93.000. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tốc độ truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng vẫn chậm hơn tốc độ lây nhiễm. Đây là một trong hai lý do (cùng với lây nhiễm chéo) làm dịch ở Hải Dương lan nhanh.

Ngoài đề nghị hỗ trợ thiết bị, trước đó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị quân đội trực tiếp điều hành các khu cách ly tập trung quy mô trên 100 người. Với khu số lượng ít hơn, quân đội sẽ giữ vai trò nòng cốt trong điều hành. Điều này nhằm quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, vốn do dân sự quản lý.

VN-Index tăng hơn 40 điểm phiên đầu năm Tân Sửu

Toàn bộ nhóm VN30 giữ sắc xanh, với 3 mã tăng trần, giúp thị trường có phiên tăng điểm đầu tiên của năm Tân Sửu.

VN-Index tăng hơn 40 điểm sau phiên 17/2

VN-Index tăng hơn 40 điểm sau phiên 17/2

VN-Index hôm nay tăng 41 điểm, mức cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam tính theo giá trị tuyệt đối. Kỷ lục cũ thuộc về phiên 2/2 khi thị trường tăng 40 điểm.

Thị trường chứng khoán mở đầu năm Tân Sửu với đà hưng phấn. Thị trường tăng mạnh ngay từ đầu phiên 17/2 và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày 1.156 điểm.

VN-Index hôm nay tăng 41 điểm (3,7%), là mức cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam tính theo giá trị tuyệt đối. Kỷ lục cũ thuộc về phiên 2/2 khi VN-Index tăng 40 điểm (3,9%).

Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 15.400 tỷ, trong đó riêng HoSE giao dịch gần 14.000 tỷ đồng. Khối ngoại đến cuối phiên nới rộng giá trị mua ròng lên hơn 700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào nhóm bluechip.

Hà Nội sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện

Dự kiến từ quý II/2021, Hà Nội sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện.

Mẫu xe buýt điện dự kiến vận hành tại Hà Nội

Mẫu xe buýt điện dự kiến vận hành tại Hà Nội

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), dự kiến từ quý II/2021, Thành phố sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện.

Các tuyến buýt mới này có điểm đầu, điểm cuối tại các khu đô thị mới đông dân cư, nhu cầu sử dụng cao và sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Theo đó, 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện bao gồm: Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City; Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park - Sân bay Nội Bài.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đồng ý về mặt chủ trương cho phép mở mới 10 tuyến buýt này và giao Sở GTVT Hà Nội tổng hợp, đề xuất lộ trình triển khai thực hiện, báo cáo UBND Thành phố khi bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.

Theo báo cáo của Sở GTVT, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup - CTCP đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150 - 200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm Quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành.

Thanh Hóa dừng hoạt động kinh doanh nơi công cộng

Các hoạt động buôn bán kinh doanh sử dụng vỉa hè, công viên, quảng trường… ở thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) phải dừng từ 17/2.

Quảng trường Lam Sơn ở TP.Thanh Hóa

Quảng trường Lam Sơn ở TP.Thanh Hóa

Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Trịnh Huy Triều vừa phát công điện khẩn gửi các phường xã, cơ quan trên địa bàn về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, từ ngày 17/2, TP. Thanh Hóa nghiêm cấm các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn sử dụng vỉa hè, không gian công cộng (vườn hoa, công viên, quảng trường...) để kinh doanh.

Quán cà phê, giải khát, lẩu nướng, ăn đêm, trà đá, tô tượng... tại khu vực quảng trường Lam Sơn, đường Trường Thi, Lê Hoàn, đại lộ Lê Lợi..., và các cơ sở kinh doanh khác chỉ được kinh doanh trong nhà; đồng thời, chủ cơ sở phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Dịch vụ chiếu phim, nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... và các loại dịch vụ khác ở TP. Thanh Hóa được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Hoạt động làm lễ đầu năm và các nghi thức tôn giáo tại đền chùa, nhà thờ chỉ thực hiện nội bộ, phạm vi hẹp, không tập trung quá 30 người.

UBND TP. Thanh Hóa cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và vận động người dân không tham dự các lễ hội, đi du xuân, đi đền chùa, tham dự các nghi lễ tôn giáo tập trung đông người...; không tổ chức liên hoan, gặp mặt, họp họ, mừng thọ.

Đề xuất quy hoạch đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất quy hoạch và xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) sau năm 2030.

Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn)

Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn)

Ngày 17/2, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất nội dung trên tại văn bản góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng.

Theo tỉnh Lạng Sơn, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng được quy hoạch là đường sắt tốc độ cao để đầu tư sau năm 2030 nhằm phát huy lợi thế của phương thức vận tải đường sắt giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, đồng thời giảm áp lực cho giao thông đường bộ, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao đã được phía Trung Quốc xây dựng đến Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây).

Tỉnh cũng đề nghị điều chỉnh tuyến đường sắt đến thành phố Lạng Sơn đi dọc theo Quốc lộ 1A hiện tại.

Về nhà ga chính tuyến, tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy hoạch mở rộng ga Yên Trạch và di chuyển ga Lạng Sơn hiện tại về ga Yên Trạch để tạo hệ thống giao thông kết nối giữa đường sắt, đường bộ và đi các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh.

Ga Yên Trạch cũng thuận tiện cho việc làm đầu mối khai thác vận tải đường sắt đến ga Đồng Đăng (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng), ga Na Dương (tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương) và định hướng phát triển tuyến đường sắt Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Thêm 10 nghiên cứu sinh bị phát hiện dùng bằng giả Đại học Đông Đô

Cơ quan điều tra xác định thêm 10 trường hợp được Đại học Đông Đô (Hà Nội) cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả, ngoài 193 người trước đó.

Thêm 10 nghiên cứu sinh bị phát hiện dùng bằng giả ĐH Đông Đô

Thêm 10 nghiên cứu sinh bị phát hiện dùng bằng giả ĐH Đông Đô

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an mới ra bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

Theo kết luận điều tra bổ sung, 10 người đều dùng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Học viện Khoa học xã hội.

Nhà chức trách còn phát hiện thêm một trong 193 người đã dùng văn bằng 2 Tiếng Anh giả để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình. Tổng cộng, Đại học Đông Đô được xác định đã cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho 203 trường hợp.

Trong số này, cơ quan điều tra đã thu hồi 127 văn bằng, 24 trường hợp chưa nhận được bằng. Những người còn lại đã làm thất lạc hoặc tự tiêu huỷ.

Tổng học phí hệ văn bằng 2 Tiếng Anh Đại học Đông Đô đã thu hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên trường chỉ cung cấp được danh sách 2.523 người đã nộp hơn 18 tỷ đồng. Trong tiền đã thu, Đại học Đông Đô chi 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi, số còn lại phục vụ hoạt động chung của trường. Với 203 trường hợp, nhà chức trách chỉ xác định được Đại học Đông Đô đã thu hơn 2,6 tỷ đồng của 166 người.

Sai phạm của đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý đào tạo, Cơ quan An ninh điều tra tách khỏi vụ án để tiếp tục xử lý sau.

Với những trường hợp sử dụng văn bản giả bị phát hiện trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã có kiến nghị xử lý. Cán bộ trong cơ quan nhà nước được cấp bằng giả nhưng không sử dụng, nhà chức trách đã thông báo với cơ quan chủ quản của họ để có biện pháp phòng ngừa.

Chuyên đề