Bản tin thời sự sáng 17/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 17/9, đã 15 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó với Bão số 5; đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh”; nhà mạng chặn hơn 18.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác trong 2 tháng…

Sáng 17/9, đã 15 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Sáng ngày 17/9, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, như vậy đến nay đã 15 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Sáng 17/9, đã 15 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Sáng 17/9, đã 15 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 17/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 16/9 đến 6h ngày 17/9 không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 30.653 người. Trong đó, 454 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.120 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 15.079 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 936 bệnh nhân Covid-19/1.063 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 18 ca. Đến nay số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ứng phó với Bão số 5

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tập trung ứng phó với Bão số 5 năm 2020 đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta.

Hướng di chuyển của bão số 5

Hướng di chuyển của bão số 5

Dự báo, Bão số 5 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14; ngày 18/9/2020, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, vùng tâm bão có khả năng đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13 (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4); do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to.

Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, dự kiến thời gian đổ bộ trùng với thời điểm triều cường, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung, diễn biến của bão còn phức tạp cần đề phòng bão đổi hướng, ảnh hưởng đến ven biển và đất liền sớm hơn dự báo, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương…

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh”

Một công ty môi trường vừa gửi tới Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Cảnh quan người dân dạo mát hai bên bờ sông Tô Lịch theo hướng đề xuất

Cảnh quan người dân dạo mát hai bên bờ sông Tô Lịch theo hướng đề xuất

Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, ngày 15/9/2020 Công ty CP Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) đã gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo JVE, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn, ban ngành của Thành phố đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Chuyên gia Nhật Bản cho biết, để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: vấn đề thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...

Trong tháng 7 và 8: Nhà mạng chặn hơn 18.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác

Viettel, VNPT, MobiFone đã thực hiện ngăn chặn hàng ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bằng cách khóa chiều gọi đi với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.

Các cuộc gọi 'rác' đang gây nhiều phiền toái với người dùng Việt Nam

Các cuộc gọi 'rác' đang gây nhiều phiền toái với người dùng Việt Nam

Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone), trong tháng 7 và tháng 8/2020, các đơn vị này đã thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật để phát hiện các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác). Sau đó, nhà mạng thực hiện xác thực, kiểm tra lại thông qua thu thập phản hồi của người tiêu dùng để phát hiện thuê bao phát tán cuộc gọi rác để ngăn chặn kịp thời.

Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn 18.329 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (khóa chiều gọi đi với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng).

Trước đó từ 1/7/2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone triển khai giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi 'rác.'

Hà Nội liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 1.383 chai rượu các loại và 5.433 sản phẩm gồm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng các loại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 16/9, nguồn tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết qua kiểm tra cơ sở kinh doanh tại khu ký túc xá trường Đại học Mỏ địa chất, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý thị trường số 28 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn chai rượu và các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại có dấu hiệu nhập lậu.

Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 1.383 chai rượu các loại và 5.433 sản phẩm gồm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng các loại. Tổng giá trị số hàng hóa trên có giá trị ước khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Hiện, Đội Quản lý thị trường số 28 đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 15/9, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm cùng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an thành phố Hà Nội) đã kiểm tra và thu giữ gần 60.000 quyển sách thành phẩm giả, gần 4 tấn sách bán thành phẩm chưa đóng quyển, cùng các thiết bị máy móc đóng xén tại cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, tại cơ sở này, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được 59.338 quyển sách thành phẩm, 3.704kg sách bán thành phẩm và một số loại máy móc.

Chuyên đề