Bản tin thời sự sáng 16/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam gia công 5 triệu liều vaccine Sputnik V một tháng; sáng 15/6, Hà Nội đón gần 300 người về từ tâm dịch Bắc Giang; ngành đường sắt chạy lại đôi tàu khách tuyến Hà Nội - TP.HCM từ 17/6; gần 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 quốc lộ cửa ngõ TP.HCM…

Việt Nam gia công 5 triệu liều vaccine Sputnik V một tháng

Công ty Vabiotech đã chính thức ký thỏa thuận với Nga về việc gia công, đóng ống vaccine Sputnik V. Thời gian triển khai bắt đầu từ tháng 7.

Vaccine Sputnik V. Ảnh: Trung tâm Gamaleya- Nga

Vaccine Sputnik V. Ảnh: Trung tâm Gamaleya- Nga

Theo Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), doanh nghiệp này đã chính thức ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Spunik V từ bán thành phẩm. Quy mô sản xuất là 5 triệu liều một tháng, bắt đầu từ tháng 7.

Đây là tiền đề tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với quy mô 100 triệu liều/năm.

Trước đó, ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech cho biết, Vabiotech chỉ đảm trách phần gia công nên toàn bộ số vaccine thành phẩm sẽ do phía Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối. Hai bên vẫn chưa có thỏa thuận chính thức.

Bên cạnh đó, Vabiotech đang tích cực đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19, nhanh chóng cung ứng cho Việt Nam.

Ngày 23/3, Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai được Bộ Y tế cấp phép, sau AstraZeneca.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,6%. Đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Với kết quả này, Sputnik V là một trong 3 vaccine có hiệu quả bảo vệ tốt nhất thế giới, bên cạnh Moderna và Pfizer.

Sáng 15/6, Hà Nội đón gần 300 người về từ tâm dịch Bắc Giang

Gần 300 người dân Hà Nội làm việc tại điểm nóng Bắc Giang được chính quyền thủ đô tổ chức đón về, sáng 15/6.

Sáng 15/6, Hà Nội đón gần 300 người về từ tâm dịch Bắc Giang

Sáng 15/6, Hà Nội đón gần 300 người về từ tâm dịch Bắc Giang

Từ 5h sáng 15/6, 20 ôtô của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội xuất phát từ bến Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, đi đón người dân ở Bắc Giang. Các xe được phun khử khuẩn trước giờ xuất phát. Đoàn gồm 10 xe 45 chỗ và 6 xe 29 chỗ, có ôtô dẫn đường.

Trên mỗi xe, các ghế được đánh dấu vị trí ngồi. Riêng hàng ghế cuối được ngăn bằng nylon để dự phòng cách ly những người có các biểu hiện sốt, ho, khó thở...

Khoảng 7h, đoàn xe di chuyển đến xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang, để chuẩn bị đón người dân về Hà Nội. Những người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được yêu cầu tập trung tại trụ sở UBND xã Tăng Tiến để làm thủ tục rời khỏi khu vực cách ly.

Họ là các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly y tế tập trung, xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 3 ngày gần đây, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà. Trong đoàn còn có lao động đang ở trong các vùng giãn cách xã hội, cách ly y tế đã được sàng lọc y tế, xét nghiệm PCR âm tính nhiều lần.

Theo quy định, với những người trong diện phải cách ly tập trung (do cơ quan y tế chỉ định) sẽ được đưa về khu vực cách ly tập trung. Đối với những người có Giấy xác nhận hoàn thành cách ly và những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí người, phương tiện đón từ điểm tập kết trở về gia đình. Công dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, có sự giám sát của cơ quan y tế địa phương.

Ngành đường sắt chạy lại đôi tàu khách tuyến Hà Nội - TP.HCM từ 17/6

Ngành đường sắt sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như chỉ bán vé khoảng 50% phương án chỗ để đảm bảo giãn cách; phun khử khuẩn toa xe.

Ngành đường sắt chạy lại đôi tàu khách tuyến Hà Nội-TP.HCM từ 17/6

Ngành đường sắt chạy lại đôi tàu khách tuyến Hà Nội-TP.HCM từ 17/6

Từ ngày 17/6, ngành đường sắt sẽ chạy lại đôi tàu khách Thống nhất SE3/SE4 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM. Như vậy, trên tuyến Hà Nội - TP.HCM có 2 đôi tàu khách SE3/SE4 và SE7/SE8 chạy hàng ngày.

Cụ thể, tàu SE3 xuất phát ga Hà Nội lúc 19 giờ 15. Chiều Sài Gòn - Hà Nội, tàu SE4 xuất phát ga Sài Gòn lúc 19 giờ 25.

Ngành đường sắt sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như chỉ bán vé khoảng 50% phương án chỗ để đảm bảo giãn cách; phun khử khuẩn toa xe; vệ sinh khu vực tiếp xúc thường xuyên bằng dung dịch CloraminB; bố trí đầy đủ dung dịch vệ sinh sát khuẩn... trên tàu, dưới ga.

Trước đó, ngành đường sắt quyết định tạm dừng chạy đôi tàu SE3/SE4 từ ngày 1/6 vừa qua do diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành và lượng hành khách đi tàu sụt giảm trầm trọng vì lo ngại dịch bệnh.

Gần 18.000 tỷ đồng mở rộng 4 quốc lộ cửa ngõ TP.HCM

Quốc lộ 50, 1, 13, 22 dự kiến được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí gần 18.000 tỷ đồng, làm ở giai đoạn 2021 - 2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng kết nối vùng.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc

Đây là một trong những nhóm dự án đề xuất ưu tiên ở kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, vừa được UBND Thành phố ban hành. Trong các công trình này, Quốc lộ 50, 1 và 13 dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.

Dự án mở rộng Quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Công trình dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m, trong đó chia làm hai đoạn: đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với Quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu. Trong tổng mức đầu tư, nguồn vốn Trung ương dự kiến hơn 687 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách TP.HCM.

Quốc lộ 50 dài 88 km, bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8) chạy qua huyện Cần Giuộc (Long An), điểm cuối tại Lộ Dừa (Tiền Giang).

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh), dài 2,5 km, mở rộng lên 120 m. Trong đó sẽ xây dựng 10 làn xe cùng làm vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng.

Quốc lộ 13 sẽ mở rộng từ đoạn cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, dài hơn 4,5 km, mở rộng lên từ 53 - 60 m, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, dài 5,4 km, sẽ được mở rộng từ 4 - 8 làn xe. Trên tuyến xây hai cầu vượt trên tại nút Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa. Công trình có tổng vốn 935 tỷ đồng, được đề xuất ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025.

Bình Dương giãn cách xã hội thị xã Tân Uyên theo Chỉ thị 16 từ ngày 15/6

Tỉnh Bình Dương giãn cách xã hội thị xã Tân Uyên theo Chỉ thị 16 từ ngày 15/6 cho đến khi có thông báo mới, sau khi địa phương này ghi nhận thêm 12 ca nghi nhiễm.

Thị xã Tân Uyên, Bình Dương, bị giãn cách theo Chỉ thị 16

Thị xã Tân Uyên, Bình Dương, bị giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo ngành y tế Bình Dương, tất cả ca nghi nhiễm đều là F1 của hai vợ chồng bán trà sữa trên đường Đồng Cây Viết, phường Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một. Hai vợ chồng này được Bộ Y tế công bố là ca 10584 và 10585, sáng 14/6. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cho biết, phường Tân Phước Khánh, nơi có 2 vợ chồng mắc Covid-19 hiện có 5.000 hộ dân với hơn 50.000 nhân khẩu, trong đó có rất đông công nhân, người lao động ngoài tỉnh đến sinh sống.

Thị xã Tân Uyên nằm ở phía đông tỉnh Bình Dương, rộng hơn 192 km2, dân số trên 370.000 người, gồm 10 phường: Khánh Bình, Hội Nghĩa, Phú Chánh, Tân Phước Khánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 2 xã: Bạch Đằng và Thạnh Hội.

Trước đó, hồi đầu tháng, sau khi ghi nhận 3 ca nhiễm cộng đồng ở TP. Thuận An liên quan các ca bệnh ở TP.HCM, thị xã Tân Uyên cùng thị xã Bến Cát và TP. Thuận An, Thủ Dầu Một đã phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở các khu phố ở phường Đông Hòa (TP.Dĩ An), Bình Chuẩn (TP.Thuận An), Hiệp Thành (Thủ Dầu Một). Nguyên tắc của chỉ thị này là "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

TP.HCM muốn trưng dụng 3 ký túc xá làm nơi cách ly

Chính quyền TP.HCM muốn trưng dụng các ký túc xá của Đại học Tôn Đức Thắng (Quận 7), Bách Khoa (Quận 10) và Sài Gòn để làm khu cách ly tập trung chống dịch.

Ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng ở Quận 7

Ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng ở Quận 7

Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức vừa đề nghị 3 trường đại học Tôn Đức Thắng, Bách Khoa và Sài Gòn nhằm chuẩn bị nhu cầu cách ly y tế các trường hợp F1 sắp tới, ứng phó với tình huống ghi nhận 500 - 1.000 ca bệnh.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp. Hiện, Thành phố đã ghi nhận 923 ca Covid-19; gần 12.000 người đang cách ly tập trung, hơn 21.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo UBND Thành phố, qua khảo sát của Sở Y tế các ký túc xá này có sẵn cơ sở vật chất như phòng, giường nằm, điện nước và mặt bằng rộng rãi. Vì vậy, Thành phố đề nghị Ban Giám hiệu 3 trường đại học hỗ trợ, chấp nhận cho Thành phố trưng dụng các ký túc xá làm khu cách ly tập trung.

Cụ thể, ký túc xá của Đại học Tôn Đức Thắng ở đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7 có 4 toà nhà với 4.772 chỗ ở cho sinh viên; ký túc xá Đại học Bách Khoa trên đường Hoà Hảo, Quận 10 có diện tích 12.000 m2 với gần 329 phòng và ký túc xá Đại học Sài Gòn ở đường An Dương Vương, Quận 8 là toà nhà 11 tầng với diện tích 7.000 m2.

Chuyên đề